Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Canh cua đồng

“Con cua là biểu hiện của sức mạnh và sự kiên nhẫn”.  Con cua gắn bó với tuổi thơ nghèo khó của tôi. Những tháng ngày thả trâu hoang trên đồng cỏ, rồi buộc chiếc giỏ tre ngang bụng, lội dọc các bờ ruộng lần tìm những con cua đồng về nấu canh. Ký ức nhọc nhằn nhưng ngọt ngào lùi xa. Bây giờ đi đâu tôi cũng tự hào giới thiệu, món ăn đặc sản của quê hương Hải Phòng của tôi là “canh cua đồng”.
Ngày tôi còn bé, cánh đồng nhiều cua lắm. Cua đồng sinh sống khắp nơi, trên ruộng đồng, ao, hồ, sông, suối… Những nơi đâu lấm láp bùn đất là chúng thích nghi. Hồi ấy, chúng tôi gọi là con “rốc”, con “rạm”. Con rốc dày mình, nhiều thịt hơn. Con rạm dẹp mình nhưng nhiều gạch. Tôi nhớ lại những ngày bắt cua hang, bờ ruộng rắn câng, bàn tay trẻ con đào bới mãi mới tới tận cùng để bắt. Con cua chỉ bằng cái bao diêm, hai chiếc càng như hai cái dĩa, với tám cái ngoe (cẳng) chĩa ra nhòn nhọn, mà chúng khoét sâu, chúng dùng đất mịn chát kín bên ngoài “phòng thủ” để không bị “dân săn cua” phát hiện. Chỉ hở một vài khe nhỏ xíu để không khí lọt vào. Vậy mà không qua mắt được chúng tôi. Mặc dù sau mỗi lần thu “chiến tích”, tôi cũng bị hai cái càng cắp cho đau điếng mười đầu ngón tay.

Cứ đến cữ tháng năm gặt vụ chiêm, tháng mười thu vụ mùa, là cua ngon nhất. Chúng ăn màu lúa, đồng thời tích lũy nguồn dinh dưỡng, nên căng gạch, béo chắc, vàng ươm. Vụ mùa chúng tích nguồn dự trữ trong mình mẩy để chống chọi với cái rét mùa đông. Mùa đến, tôi thường theo chân mẹ ra ruộng gặt, lần tìm hang cua ẩn nấp mà bắt về nấu canh. Ngày ấy, bữa cơm đạm bạc, vài chục con cua đồng với ít rau tập tàng. Không mì chính, bột nêm như bây giờ mà cảm giác thơm ngon, bổ dưỡng đến thế! Những tối mùa đông lạnh cóng, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, chỉ có độc bát canh cua mà đầm ấm. Mỗi lần nhắc câu “Miếng ngon nhớ lâu…” là tôi nhớ quay quắt những tháng ngày êm đềm và bát canh cua tuổi thơ thuở ấy.

Người Hải Phòng có cách chế biến món ăn này theo phong thức rất riêng. Theo kinh nghiệm của người nội trợ, muốn có niêu canh cua ngon, ban đầu phải là khâu lựa cua. Người đi chợ không chuyên thường thích những con to theo quan niệm “cá cả, lợn lớn”. Nhưng đó là sự nhầm lẫn. Những con to có chiếc mai đen ngòm, yếm phồng, gọi là “rốc kềnh” vừa óp, lại có con vắt trong mai như những con đỉa con. Người “sành ẩm thực” chọn con vừa phải, mai yếm vàng, nhiều gạch và thịt, chắc chắc nồi canh sẽ ngon “nổi sao”. Bây giờ, người ta thường dùng máy xay, xay nhuyễn con cua xong mới lọc nước, bỏ cái. Còn kinh nghiệm những người nấu theo phương cách truyền thống thì canh cua phải giã tay, bằng cối chày đá mới ngon. Có lẽ, cái ngon đó người chế tác và người thưởng thức tìm thấy ở nhau sự nhọc nhằn, chăm chuyên. Điều đó thể hiện cái tình quê chân chất, đáng trân trọng, nâng niu. Canh cua nấu với rau đay, mồng tơi, rau tập tàng, mướp, bầu, bí… đều hợp. Còn riêu cua phải có cà chua, dọc mùng… Những món ăn quê đó, ăn ở nhà quê, nơi thừa nắng gió ruộng đồng, càng đậm đà hương vị. Và món ăn chân quê này cũng được thăng hoa.

Những văn sĩ nghèo, quý mến thi nhân, thi hữu, thường đãi bạn món canh cua, bún cua, gọi là “đặc sản chân quê”. Vừa bổ dưỡng lại tiết kiệm. Chỉ hơn trăm ngàn, nếu khéo léo xoay xỏa sẽ tổ chức được một bữa tiệc ẩm thực nhà quê hoan hỉ. Một niêu riêu cua hấp dẫn nấu dọc mùng. Sao gạch lấp lánh, tỏa hương thơm đồng đất rộn ràng. Thêm đĩa đậu rán vàng hươm bắt mắt, rau thơm xanh, bún trắng, hương vị thanh khiết, màu sắc giản đơn.

Lại có câu “Già bát cơm canh/ Trẻ manh áo mới”. Những người già vốn sinh ra ở đồng đất nông thôn, nên món ăn này các cụ yêu thích nhất. Vừa hợp khẩu vị và nhắc nhớ. Trẻ em ăn cua giàu canxi, cứng xương, mau lớn.

Bùi Thị Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét