Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Dấu tích người tiền sử ở An Khê

Những cục đá kỳ lạ


TTO - Đầu năm 2016, thông tin về đợt khảo cổ di chỉ sơ kỳ đá cũ, những dấu hiệu của người tiền sử được ghi nhận ở An Khê do đoàn các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam công bố đã gây sửng sốt trong giới khảo cổ học.
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Những cục đá kỳ lạ
Các chuyên gia khảo cổ học quốc tế bàn luận về những hiện vật khai quật được từ các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê - Ảnh: Thái Lộc
Từ trước rày bà con chỉ biết cày cuốc, rồi trồng mía vậy chớ có biết cái gì đâu. Đào lên nhiều khi lưỡi cuốc va phải đá cứng méo hết cả lưỡi, chúng tôi lại phải nhặt đá vứt đi chứ không biết đó là đá có giá trị khảo cổ học
Ông Nguyễn Đình Sơn
Những vùng gò đồi ven sông Ba của thị xã An Khê - nằm giáp ranh giữa Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã có những dấu vết được ghi nhận như sự xuất hiện lâu đời nhất của loài người.
Dưới cái nắng bỏng rát đặc trưng bên lòng hồ thủy điện An Khê Kanak, các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia Nga đang mải miết bên những hố khai quật mới.
Các chuyên gia này cho biết sau khi những mẫu vật khai quật được từ những đợt trước được gửi đi và xác định niên đại chính xác, công việc đi tìm kiếm hiện vật đang ngày càng hấp dẫn hơn.
Từ đá vô tri đến... đá triệu năm
Thị xã An Khê nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, tại điểm tiếp giáp của cao nguyên trung phần với tỉnh Bình Định từ lâu nay được biết đến là một vùng quê nghèo của người dân gốc Bình Định. Nhắc đến An Khê, nhiều người chỉ biết đến Tây Sơn thượng đạo, nơi người anh hùng “áo vải cờ đào” dấy binh dựng nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị ủy An Khê - báo cho chúng tôi những kết quả đầu tiên trong lần đoàn các nhà khoa học đến đây tổ chức khảo cổ:
“Các nhà khoa học hàng đầu về đồ đá cũ của Nga là các chuyên gia được đánh giá cao, nhưng khi họ trực tiếp nhặt lên những mẫu vật tại đây, có chuyên gia đã bật khóc. Họ nói rằng chính An Khê có thể là nơi ghi dấu sự xuất hiện lâu nhất của loài người. Nếu đúng như vậy thì có thể đây sẽ là một bước ngoặt lớn cho địa phương chúng tôi”.
Bí thư Lịch dẫn chúng tôi tới những địa điểm mà các nhà khảo cổ đang tỉ mẩn đào bới, gạt từng hạt đất để dò tìm các mẩu đá. Thật khó tưởng tượng một vùng đất bạc màu, lâu nay người dân chỉ sống còm cõi, nghèo nàn với cây mía và các loại nông sản có giá trị thấp lại đang chứa những giá trị vô giá của nhân loại.
Nghe đến từ “kho báu vô giá”, nhiều người dân phường An Bình hay xã Xuân An... - nơi có các hố khai quật - đều giật mình. Vùng này đất pha cát, chỉ cách mặt đất vài gang tay là chi chít những khối đá đủ kích thước, sâu hơn phía dưới là lớp đá ong.
“Từ trước rày bà con chỉ biết cày cuốc, rồi trồng mía vậy chớ có biết cái gì đâu. Đào lên nhiều khi lưỡi cuốc va phải đá cứng méo hết cả lưỡi, chúng tôi lại phải nhặt đá vứt đi chứ không biết đó là đá có giá trị khảo cổ học”- ông Nguyễn Đình Sơn, một người dân có rẫy mía ở xã Xuân An, nói.
Câu chuyện “đá triệu năm” được các nhà khoa học xuống tận nơi giải thích cùng người dân tổ chức bảo vệ, khai quật đã làm dân khấp khởi chen lẫn lo lắng.
Ông Nguyễn Xuân Diện ở thôn An Xuân 1, xã Xuân An đã gần ba tuần nay theo chân đoàn khảo cổ học đi đào bới, giúp việc tại các hố khai quật.
Cầm trên tay mẩu đá có hình thù chẳng khác gì hòn đá vứt đi, ông Diện nói cắc cớ: “Nghe nhà khoa học nói vậy thì tụi tui biết là quý chớ thật tình tui cũng chẳng biết cục đá này là hình cái gì, quý ở chỗ nào. Nếu như trước đây đi cày đất trồng mía, gặp hòn đá thế này tụi tui ném xuống lòng hồ để đỡ va phải lưỡi cuốc rồi”.
“Kho báu” tình cờ
Kết quả điều tra nghiêm túc và xác tín của các nhà khoa học bước đầu cho thấy các mẫu vật phát hiện ở những cánh đồng mía của nông dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có niên đại trên dưới 800.000 năm. Một số mẫu vật tuổi có thể lớn hơn, theo tính toán dựa trên tầng văn hóa và sự xuất hiện cùng giai đoạn của các mẫu thiên thạch (tectit).
Từ một vùng đất vốn không có gì nổi bật ngoài những ồn ào liên quan đến một dòng sông Ba đã chết vì thủy điện An Khê Kanak, An Khê đang đứng trước một cơ hội lớn trong câu chuyện về văn hóa loài người.
Tây Nguyên bao la mênh mông, làm sao những hòn đá tưởng như vô tri vô giác lại có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà khảo cổ học để rồi gây sự chú ý cho cả thế giới?
Nghe câu hỏi này, Phan Thanh Toàn - thành viên đoàn khai quật di chỉ đồ đá cũ ở An Khê - cười vang: “Đó là câu chuyện đi tìm các hòn đá triệu năm mà với những người làm nghề như chúng tôi thì đôi khi tìm ra chỉ nhờ một cú vấp toét cả móng chân”.
Anh Toàn cho biết tháng 6-2014 khi Viện Khảo cổ học cùng các đoàn chuyên gia Nga đã gắn bó với nhau, đang miệt mài trong những hang động ở di chỉ Con Moong (Thanh Hóa) thì anh một mình ôm balô ngược dòng sông Ba đi tìm những dấu vết khảo cổ ở vùng An Khê, K’Bang (tỉnh Gia Lai).
Bằng kinh nghiệm của người sành sỏi trong việc lần lại dấu vết lịch sử loài người, khi đi trên những cánh đồng bên mép lòng hồ thủy điện, những hòn đá được vứt lăn lóc bên các hố đất mới được người dân đào bới để làm mương thủy lợi khiến anh tò mò.
Một buổi sáng, Toàn cùng Trần Đình Luân - cán bộ Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê) - lang thang trên các mô đất thì phát hiện ngay dưới chân mình những hòn đá có hình thù kỳ lạ.
“Những hòn đá đấy bị chôn chặt dưới lòng đất hàng mét, khi máy múc đào bới làm kênh thủy lợi tưới tiêu cho bà con thì chúng bị xới tung lên. Lần đầu cầm trên tay, cả hai chúng tôi đã suýt reo lên vì sung sướng bởi bằng mắt của kẻ làm nghề khảo cổ, chúng tôi nhận ra đó là một công cụ lao động quá đẹp” - Toàn kể.
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Những cục đá kỳ lạ
Anh Phan Thanh Toàn (trái) và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trong chuyến điều tra, phát hiện di tích ở Rộc Tưng, An Khê - Ảnh: Viện Khảo cổ học VN
Anh Phan Thanh Toàn cho biết sau khi những mẫu vật đầu tiên ở gò đồi đất trồng mía của nông dân xã Xuân An, thị xã An Khê được phát hiện, Toàn và Luân chụp ảnh gửi qua mail để các cộng sự, đồng nghiệp và chuyên gia Nga đang có mặt ở hang Con Moong xem.
Qua hình ảnh, một bước ngoặt đã chuyển hướng, thay đổi toàn bộ kế hoạch được vạch ra từ trước: những chuyên gia Nga nhận ra các viên đá được gửi đi từ An Khê có thể là minh chứng của một “kho báu”.
Kế hoạch khai quật ở Lạng Sơn mà đoàn đã lên lịch sẵn liền bị hủy bỏ. Các chuyên gia quyết định rời Con Moong của Thanh Hóa, chuyển đến An Khê của Gia Lai để thực hiện một hành trình nghiên cứu mới...\

Bất ngờ nối tiếp


TTO - “Đây là phát hiện quan trọng nhất và tuyệt vời nhất mà tôi từng biết!” - TS A.Tsybankov, chuyên gia khảo cổ người Nga, vừa ôm hôn, nâng niu chiếc rìu tay trong sự xúc động nghẹn ngào...
Dấu tích người tiền sử ở thung lũng An Khê: Bất ngờ nối tiếp
Một chiếc rìu đá quý giá được phát hiện trong hố đào Rộc Tưng 4 trong ngày 28-3-2017 - Ảnh: THÁI LỘC
Đó là lần đầu tiên không chỉ ở VN mà còn tại Đông Nam Á, các chuyên gia tận mắt nhìn thấy chiếc rìu tay cổ xưa bậc nhất thế giới nằm trong tầng văn hóa vẹn nguyên...
Di tích này có thể chứng minh được rằng con người có thể rải đất, đá để cải tạo mặt bằng cư trú. Những vết tích như thế này là rất hiếm, thế giới chưa tìm thấy!
TS NGUYỄN GIA ĐỐI
Những chiếc rìu tay “thần thánh”
Chiếc rìu tay đầu tiên được tìm thấy ở An Khê do công của Phan Thanh Toàn, khởi đầu cho sáu chiếc rìu đến thời điểm hiện nay.
Năm 2014, cùng với phát hiện nhiều hiện vật nằm trong bạt taluy làm đường, Toàn phát hiện chiếc rìu tay trong một cái ao do người dân vừa nạo vét ở Gò Đá.
Biết rằng trong khảo cổ học thời sơ kỳ đá cũ, việc phát hiện rìu tay là vô cùng quan trọng, chứng minh cho kỹ thuật chế tác công cụ lao động một cách ổn định, lâu dài của người tối cổ - còn gọi là người vượn đứng thẳng, một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
Lòng sướng khôn tả hơn bắt phải vàng, anh điện thoại và gửi ảnh về ngay cho TS Nguyễn Gia Đối và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử.
Không thể tin ở mắt mình, ngay hôm sau PGS Sử lên đường vào An Khê để chứng thực khu vực có khả năng bảo lưu dấu ấn cổ xưa nhất của loài người.
Khi dấu tích An Khê xuất hiện trong sự bất ngờ, trưởng đoàn khảo cổ Việt - Nga lúc ấy là TS A.Tsybankov lập tức vào Gia Lai.
Qua đánh giá từng mẫu vật dựa trên kinh nghiệm làm khảo cổ nhiều nơi, các chuyên gia tin rằng những gì họ tìm thấy ở An Khê là cực kỳ có giá trị.
Chương trình hợp tác mới trong năm năm (2015-2019) giữa cơ quan khảo cổ hai nước được ký kết, trong sự tin tưởng An Khê đang chứa đựng một “kho báu” thật sự, là một nấc thang ghi nhận quá trình tiến hóa, nấc thang ấy có thể sẽ là mốc thời gian xa xưa nhất mà các nhà khảo cổ học tìm thấy sự xuất hiện của con người.
Tháng 11-2015, những nhát cuốc đầu tiên của các nhà khoa học chính thức chạm vào lòng đất An Khê tại một hố đào rộng 20m2 mở ở Gò Đá thuộc phường An Bình.
Giai đoạn này lạnh buốt và mưa dầm dề, song kết quả khá mỹ mãn với nhiều hiện vật nằm nguyên trong lòng đất.
Sang mùa khô năm 2016, di tích Gò Đá được tiếp tục mở thêm bốn hố rộng khảo cổ tổng cộng 74m2, người ta thu được 58 hiện vật và 21 mảnh thiên thạch nằm trong cùng tầng đất.
Cùng với đó, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện ở vùng đồi Rộc Tưng, xã Xuân An 12 địa điểm có di tích.
Hai hố đào được mở là Rộc Tưng 1 rộng 48m2 và Rộc Tưng 4 rộng 20m2, được khai quật và thu được 123 hiện vật đá và 127 mảnh thiên thạch nằm nguyên vẹn trong địa tầng.
Cũng trong giai đoạn này, thông tin phát hiện được thêm địa điểm di tích liên tục được tăng thêm, nào là Rộc Hương, Rộc Gáo, Rộc Lớn, Rộc Nếp...
Và điều đặc biệt hơn cả là ở di tích Rộc Gáo và Rộc Lớn, người ta tìm thêm hai chiếc rìu tay vẹn nguyên và tuyệt đẹp.
Những ngày gần đây, trong một hố đào của Rộc Tưng 4, hai chiếc rìu đá “thần thánh” cũng được tìm thấy nằm trong lớp đất đá...
Dấu tích người tiền sử ở thung lũng An Khê: Bất ngờ nối tiếp
Những vết tích có khả năng là kiến trúc sơ khai của con người thời kỳ đầu - Ảnh: THÁI LỘC
Thế giới chưa từng thấy
Một buổi trưa cuối tháng 3-2017, khi những cơn gió lùa vạt bụi dưới cái nắng chát chúa, chúng tôi có mặt tại hố đào Rộc Tưng 1 (xã Xuân An), cũng là lúc TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đến hiện trường để chứng kiến những dấu vết kỳ lạ.
Vừa thấy chúng tôi, Phan Thanh Toàn reo lên: “Dấu vết rõ ràng và đặc biệt lắm. Ở đây có khả năng là nơi ngồi tạo ra các mảnh tước, còn cả “hạch” (đá) và mấy công cụ.
Điều vô cùng thú vị và đặc biệt nhất chính là nơi đây có khả năng người xưa gia cố nền đá để ở. Trong tầng văn hóa này, nhiều mảnh thiên thạch cũng tiếp tục được tìm thấy!”.
Trước đó, các nhà khảo cổ Việt - Nga đã phát hiện những dấu vết rất kỳ lạ, và được đự đoán là bằng chứng việc cải tạo mặt bằng để cư trú, một dạng kiến trúc sơ khai đầu tiên của loài người.
Cũng chính vì sự đặc biệt và tầm quan trọng của di tích, mà các chuyên gia đi đến quyết định mở rộng hố đào Rộc Tưng 1 từ 28m2 lên 70m2 những mong tìm thấy, chứng thực điều gì đặc biệt hơn.
Cho dù tỏ ra hết sức thận trọng nhưng cả Phan Thanh Toàn lẫn TS Nguyễn Gia Đối đều không thể giấu nổi mình trước phát hiện có thể gây chấn động cả nền khảo cổ thế giới.
Sự thận trọng cũng là điều dễ hiểu vì từng có chuyện phát hiện đình đám trong giai đoạn 1981-2000, nhà khảo cổ học có biệt danh “bàn tay của thượng đế” Fujimura đã gây chấn động thông qua công bố phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ trên dưới 500.000 năm ở tỉnh Mijagi, Nhật Bản.
Trong chuỗi sự kiện gây chú ý đặc biệt của Fujimura chính là tìm thấy kiến trúc sơ khai của loài người giai đoạn vừa thoát khỏi giai đoạn hồng hoang. Phát hiện này sau đó được phanh phui là giả tạo khiến giới khoa học hụt hẫng trong thời gian dài.
“Di tích này có thể chứng minh được rằng con người có thể rải đất, đá để cải tạo mặt bằng cư trú. Những vết tích như thế này là rất hiếm, thế giới chưa tìm thấy!” - TS Nguyễn Gia Đối không kìm nén được xúc động nói ngay bên hố đào khảo cổ ở An Khê.
“Giá như tôi có thể khóc!”
Các thành viên đoàn khảo cổ học kể lại rằng khi ghi nhận các mẫu vật được đào lên trước đó, giáo sư, viện sĩ, nhà khảo cổ học danh tiếng Anatony Derevianko - Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk, Nga - đã trực tiếp ra các hố khai quật và nhận ra giá trị đặc biệt nằm sâu dưới lòng đất An Khê nên yêu cầu mở rộng việc kiếm tìm.
Hàng trăm mẫu vật như mũi nhọn, hòn ghè, công cụ chặt nạo... - những dụng cụ chinh phục tự nhiên ở dạng sơ khai nhất của loài người xa xưa - đã được đưa lên khỏi lòng đất trong sự sung sướng của nhiều người.
Quan trọng hơn, càng khai quật các chuyên gia còn phát hiện nằm xen giữa các mẫu vật ấy là các mảnh thiên thạch.
Một thành viên đoàn khảo cổ kể say sưa: “Chứng kiến các mẫu vật được nhặt lên từ lòng đất, có những hình thù đặc trưng thể hiện sự can thiệp của con người như mũi nhọn, đặc biệt là rìu tay..., GS Anatony đã xúc động rồi reo lên rằng giá như ông có thể khóc khi mỗi lần được thấy các mẫu vật ấy.
Với nhà khoa học suốt đời đi kiếm tìm dấu tích loài người, những mẫu vật đẹp đẽ và chứa đựng độ sâu của thời gian như vậy có sức hấp dẫn không thể diễn tả thành ngôn ngữ”.

Tư liệu mới của thế giới


​TTO - Phát hiện di tích tại An Khê đã chứng minh thuở hồng hoang loài người ở phương Đông không hề lạc hậu so với phương Tây.
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Tư liệu mới của thế giới
Nhà nghiên cứu thiên thạch Ben Marwick (Úc) và nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh xem xét mẫu thiên thạch bất ngờ nhặt được từ hố đào Gò Đá, An Khê - Ảnh: THÁI LỘC
Phát hiện chấn động - chữ dùng của các nhà khoa học quốc tế nói về phát hiện khảo cổ ở An Khê - lần này với tôi là một sự may mắn bậc nhất trong cuộc đời. Vì không ai ngờ được rằng những phát hiện ở đây lại vẹn toàn và sớm được đến mức như thế. Những tư liệu đang nghiên cứu ở An Khê sẽ là một phần chương đầu của bộ quốc sử nước nhà.
PGS.TS NGUYỄN KHẮC SỬ
800.000 năm nguyên vẹn trong lòng đất
Những ngày đầu tháng 11-2016, dù dưới cơn mưa lất phất se lạnh nhưng thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai bỗng rộn ràng với sự xuất hiện của hàng chục nhà khoa học quốc tế. Họ cùng háo hức đến hiện trường sau phiên thảo luận tại hội thảo quốc tế về thời đại đá cũ An Khê diễn ra tại TP Pleiku.
Băng qua những con đường bùn lầy nhão nhoẹt, các nhà khoa học đã chứng thực các công cụ nằm trong những mái taluy do máy ủi bạt đất trước đó.
Say sưa nhất có thể nói là GS Tạ Quang Mậu (Xie Guangmao), Viện Nghiên cứu văn vật và khảo cổ học Quảng Tây, được xem là chuyên gia khảo cổ đầu ngành và gắn bó suốt hơn 30 năm với công cuộc nghiên cứu tại di tích đá cũ trên dưới 800.000 năm ở Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc.
Trong trạng thái rưng rưng xúc động, ông như phát hiện điều gì và diễn giải với các chuyên gia khác về lớp văn hóa nguyên vẹn đang được chứng kiến tận mắt.
Sự xúc động của GS Mậu không nằm ngoài dự đoán, vì từ trước đến nay ở Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực châu Á, các nhà khoa học tìm thấy khá nhiều hiện vật thuộc giai đoạn sơ kỳ đá cũ, song hầu hết sưu tập hiện vật trong trạng thái nhặt nhạnh trên bề mặt, địa tầng không rõ ràng nên giá trị khoa học không cao.
TS A.Tsybankov nói: “Ở Bách Sắc, Quảng Tây, người ta tìm thấy hiện vật trên bề mặt, dù có niên đại được phân tích tuổi tuyệt đối rất sớm. Nhưng nó không giống như ở An Khê, tất cả được tìm thấy nằm trong địa tầng nguyên vẹn. Cuộc khai quật ở đây mang lại cho chúng ta một điều quan trọng rất đặc biệt, là di tích sơ kỳ đá cũ cổ xưa đầu tiên không chỉ ở VN mà cả ở các nước Đông Nam Á!”.
Trong số hàng trăm mẫu thiên thạch khai quật được ở các hố đào, các nhà khoa học đã lựa chọn hai mẫu điển hình đưa về Viện Địa chất, khoáng sản, thạch học, khoáng vật và địa hóa học - Viện hàn lâm Khoa học Nga phân tích theo phương pháp K-Ar.
Những ngày đầu tháng 4, các nhà khoa học vô cùng phấn khởi khi kết quả cho niên đại tuyệt đối: mảnh thiên thạch ở Gò Đá, nằm ngay cạnh và cùng tầng văn hóa với hiện vật cho tuổi rơi vào trái đất trên dưới 806.000 năm. Còn mảnh khai quật ở Rộc Tưng 1 cho tuổi trên dưới 782.000 năm.
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Tư liệu mới của thế giới
Các nhà khảo cổ học quốc tế chứng thực tầng văn hóa thời sơ kỳ đá cũ tại Gò Đá, An Khê tháng 11-2016 Ảnh: THÁI LỘC
Phương Đông không lạc hậu
Theo GS Tạ Quang Mậu, những mảnh thiên thạch tìm thấy ở đây “không có dấu hiệu bong tróc hoặc dấu vết ảnh hưởng bởi con người, chứng tỏ chúng được giữ nguyên trạng”.
Điều này có nghĩa tầng văn hóa hình thành lúc con người sơ khai sinh sống, đồng thời là lúc những mảnh thiên thạch rơi vào trái đất từ trên dưới 800.000 năm trước được bảo tồn nguyên vẹn tại mảnh đất này.
Trong một thời gian dài, do không có tài liệu khảo cổ học soi rọi nên đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa Đông - Tây.
Người ta cho rằng ở phương Tây với sự xuất hiện sớm rìu tay đã thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người thời kỳ sơ khai. Còn ở phương Đông, việc bảo lưu lâu dài công cụ ghè đẽo thô sơ (chopper) thể hiện sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Quan điểm ấy nay đã đảo chiều.
Kể từ tháng 11-2014 đến nay, trải qua ba kỳ khai quật khảo cổ tại An Khê cùng với mở rộng thám sát khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện đến 27 địa điểm di tích trên diện tích hàng trăm hecta.
Các hố khai quật và thám sát làm xuất lộ tầng văn hóa chứa di tồn văn hóa của cư dân thời sơ kỳ đá cũ với các di tích có thể có các chức năng khác nhau như: khu vực khai thác nguyên liệu - sơ chế công cụ; khu vực cư trú; các cụm chế tác đá tập trung...
Hàng trăm công cụ đá và phế vật của quá trình chế tác của người cổ xưa được tìm thấy. Loại hình là những công cụ chặt đập thô, công cụ mũi nhọn, công cụ nạo/cắt.
Đặc biệt nhất là sự phát hiện những chiếc rìu tay nằm trong tầng văn hóa vẹn nguyên...
Kỹ nghệ An Khê
Sự phát hiện của những hiện vật cổ xưa đầy đủ và đặc trưng được các nhà khoa học xem như một dấu ấn quan trọng, xác định con người thuở sơ khai ở An Khê đã hình thành một kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, tạm thời gọi tên Kỹ nghệ An Khê.
Kỹ nghệ An Khê được ghi nhận gồm phức hợp các yếu tố thuộc truyền thống sơ kỳ đá cũ, từ những hòn cuội được ghè đẽo thô sơ tạo thành lưỡi đơn giản cho đến những mũi nhọn toàn diện, đặc biệt là những chiếc rìu tay - công cụ ghè hai mặt...
“Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và đặc biệt là các chiếc rìu tay đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái về sự đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây từng tồn tại lâu dài, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới” - TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, khẳng định.

Di sản đặc biệt


TTO - Những ngày này, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước đang gấp rút thực hiện bộ hồ sơ về công viên địa chất toàn cầu cho tỉnh Gia Lai, mà những giá trị khảo cổ học ở An Khê là một thành phần quan trọng.
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Những hố đào quan trọng ở di tích An Khê đang được khai quật và định hướng trở thành bảo tàng ngoài trời - Ảnh: THÁI LỘC
Cùng với hàng loạt di tích, di sản tự nhiên và lịch sử văn hóa được đánh giá có giá trị nổi bật không chỉ trong nước mà còn toàn cầu, một tương lai để biến thung lũng An Khê vốn cằn cỗi trở thành một điểm đến để nghiên cứu và hưởng thụ văn hóa tầm cỡ quốc tế không còn là câu chuyện viển vông...
Hướng đến di sản thế giới
Đầu tháng 4-2017, ông Phan Xuân Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai, cho biết đã có văn bản chỉ đạo Bảo tàng Gia Lai gấp rút lập hồ sơ di tích An Khê để trình UBND tỉnh đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh. Nếu các điều kiện thuận lợi, công việc trên sẽ làm cơ sở thực hiện bộ hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận An Khê là di tích quốc gia đặc biệt, dự kiến ngay trong năm 2018. Theo TS Nguyễn Gia Đối, sau hồ sơ về di tích quốc gia đặc biệt sẽ đề nghị tỉnh Gia Lai thực hiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận An Khê là di sản văn hóa thế giới.
Từ trước đó, các nhà khoa học Nga và Việt cũng đã thực hiện các bài báo khoa học về An Khê đăng trên tạp chí quốc tế chuyên ngành. Việc này đang được tiếp tục nhưng ở tầm cao hơn, các nhà chuyên môn đang nhắm đến các tạp chí về khảo cổ học uy tín và “có số má” của thế giới. Cùng với kết quả các hội thảo, thông báo khoa học, phát hiện di tích An Khê cơ bản gây được tiếng vang nhất định trong giới chuyên môn quốc tế. Song, theo TS Đối, công việc nghiên cứu An Khê không phải là việc ngày một ngày hai mà là rất lâu dài, có khi trải qua nhiều thế hệ.
Cũng trong những ngày này, các nhà khảo cổ học đã đề nghị và được chính quyền chấp thuận đầu tư phương án bảo tồn tại chỗ những hố đào ẩn chứa dấu vết đặc biệt độc đáo của người tiền sử. Trước mắt, phương án làm nhà mái che và hàng rào bảo vệ những hố đào nhằm chuẩn bị cho trưng bày trực quan sẽ thực hiện sau này. Kế hoạch sắp tới, đoàn sẽ lập bản đồ phân bố di tích, tiến hành quy hoạch, xác định vùng lõi để bảo vệ nghiêm ngặt và vùng đệm chuyển tiếp, cùng với đó là kế hoạch xây dựng con đường vào và các hạng mục hạ tầng.
Trong một trạng thái rất vui mừng, ông Phan Xuân Vũ khoe với chúng tôi một tin vui của tỉnh là một đoàn công tác chuyên môn gồm cả chuyên gia đến từ UNESCO sẽ đến Gia Lai thực hiện đợt khảo sát những điểm điển hình về địa chất địa mạo, những suối thác nguyên sơ được nhận định “đẹp có hạng của thế giới”.
Nó nằm trong kế hoạch xây dựng hồ sơ về công viên địa chất toàn cầu mà di tích An Khê là thành phần văn hóa rất quan trọng trong bộ hồ sơ này. Theo đánh giá bước đầu của ông Paul R. Dingwall - cố vấn khoa học kỹ thuật của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Gland - Thụy Sĩ; Trung tâm Di sản thế giới - UNESCO, tỉnh Gia Lai hội đủ các tiêu chí của một công viên địa chất toàn cầu.
Ông Vũ nhận xét: “Nếu được công nhận danh hiệu này thì Gia Lai sẽ là vùng đất đặc biệt, đậm đặc các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt nhất là sự hội tụ của các giá trị, về tự nhiên là nền lục địa cổ xưa nhất của vỏ trái đất, về văn hóa là cái nôi loài người xuất hiện sớm.
Đặc biệt là An Khê đã trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ của các nhà khoa học, từ khảo cổ học, cổ sử, nhân học, cổ sinh học, địa chất học đến để nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề!”...
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Hội thảo quốc tế về thời đá cũ ở An Khê tháng 11-2016 gây được tiếng vang vì phát hiện quan trọng ở đây - Ảnh: THÁI LỘC
Nhiều công việc phải làm
Hiện nay, sau 3 năm khai quật và nghiên cứu, cho dù đã có kết quả niên đại tuyệt đối tương đối thuyết phục và xác định được vùng lõi di tích (khoảng 40ha) và vùng đệm (hơn 120ha)... nhưng tất cả chỉ mang tính khởi đầu.
Theo TS Đối, để khẳng định, thuyết phục được cả giới khảo cổ học quốc tế công nhận An Khê - cái nôi loài người là điều khá phức tạp, lâu dài, cần sự kiên trì, đầu tư không chỉ của các nhà khoa học mà còn của chính quyền địa phương và các cấp cao hơn. Trong đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng di tích, xác định rõ phạm vi phân bố di tích và xác định rõ đặc trưng đồ đá ở An Khê...
Theo GS.TS Phạm Văn Đức - phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, những kết quả khai quật ở An Khê còn có tính “gợi mở, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.
Cụ thể hóa điều này, PGS Nguyễn Khắc Sử cho biết so với nhiều di tích thời tiền sử nổi tiếng trên thế giới mà ông biết, nhất là ở Nga và Trung Quốc, quy mô và tầm quan trọng của di tích An Khê hoàn toàn xứng đáng được đầu tư để trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về nguồn gốc loài người mang tầm quốc tế. Trung tâm này là nơi người ta có thể đến để tham quan, học tập, khai quật và nghiên cứu khoa học.
Nơi đây, ngoài khu bảo tàng quy mô trưng bày tại chỗ hoặc tái hiện mô hình trực quan sinh động về đời sống, sinh hoạt và lao động của con người thuở bình minh ngay tại các hố đào, còn gắn liền với hệ thống hạ tầng hiện đại và phức hợp các công trình liên quan như những phòng thí nghiệm hiện đại; chỗ ở và sinh hoạt cho các chuyên gia lẫn sinh viên đến học tập, nghiên cứu; có khu nghỉ dưỡng hay khách sạn cao cấp; có các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí và dịch vụ phụ trợ...
Các chuyên gia cho biết sẽ đề xuất phương án xây dựng đến các cấp quản lý địa phương và trung ương, thậm chí có cả phương án vận động tài trợ... Đó cũng chính là kỳ vọng của những nhà quản lý thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và của cả người Việt, của những ai trên thế giới quan tâm, yêu quý những trang sử cổ xưa nhất của loài người...
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Các nhà khảo cổ học quốc tế đặc biệt quan tâm đến những hiện vật khai quật được ở di tích An Khê - Ảnh: THÁI LỘC
Khó khăn kinh phí
Hiện nay, hầu hết kinh phí dành cho khai quật và nghiên cứu hàng trăm triệu đồng mỗi năm chủ yếu do phía Nga chi trả, nằm trong chương trình hợp tác thực hiện giữa Viện Khảo cổ học VN và Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk Nga giai đoạn 2015-2019. Điều mà các nhà khoa học băn khoăn hiện nay chính là kế hoạch tiếp theo khi hoàn thành giai đoạn này.
“Khả năng sau giai đoạn này mình có tiếp tục giữ chân họ được hay không? Nếu không, cứ tiếp tục khai quật và nghiên cứu thì lấy kinh phí đâu ra? Lúc đó sẽ vừa khó khăn về kinh phí và đặc biệt là khó khăn về chuyên môn. Bởi vì chuyên gia Nga vừa có tri thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ quốc tế thuận lợi hơn VN nhiều!” - TS Đối tỏ vẻ lo lắng.

Đằng sau những nhát cuốc khảo cổ


TTO - Hai năm nay trên những hố đất sâu hoắm ở An Khê, Gia Lai, những chuyên gia người Nga từ sáng đến tối say sưa, tỉ mẩn nâng niu từng viên đá. 
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Đằng sau những nhát cuốc khảo cổ
Hai chuyên gia Andrey (trái) và Kondyba (giữa) ăn uống và nghỉ trưa trong cái… chuồng bò cũ gần hiện trường khảo cổ - Ảnh: THÁI LỘC
Cùng làm với họ là những nông dân VN, những người chỉ quen cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng mía của mình.
Những chuyên gia Nga tuổi 30
Trong số các chuyên gia tham gia đợt khai quật ở An Khê, có tiến sĩ khảo cổ học Kondyba Alexander khuôn mặt hiền lành, luôn nở nụ cười. Kondyba đã nhiều năm gắn bó với VN, từng nhiều lần tham gia các đợt khai quật tại những nơi heo hút ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn.
Ở Nga, Kondyba công tác tại Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk và là một trong những tiến sĩ trẻ nhất ngành khảo cổ học ở viện này. Kondyba nói rằng để có thể qua được Việt Nam và xa vợ con nhiều năm nay, cả anh cùng vợ và hai con đã phải động viên nhau rất nhiều, vợ anh công tác trong viện nên đã thấu hiểu và chia sẻ với công việc của chồng mình. “Dù ở VN nhưng hằng ngày mình vẫn gặp vợ và các con trên hình ảnh của video. Đi xa nhà hàng năm trời quả rất nhớ nhưng công việc của chúng mình hầu hết phải di chuyển đủ nơi trên thế giới. Có khi ở Canada, có lúc ở VN, Trung Quốc ...” - Kondyba chia sẻ.
Tiến sĩ vừa qua tuổi 32 này cho biết anh qua VN từ đầu năm 2012 với vai trò chuyên gia cùng Viện Novosibirsk hỗ trợ đồng sự của VN khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa). Ngoài Kondyba còn có một chàng trai khác, cũng vừa lập gia đình và quyết định lên đường qua VN khảo cổ. Đó là Chekha Andrey - 30 tuổi, nghiên cứu sinh ngành khảo cổ học. Andrey luôn nhắc rằng rất nhớ vợ con. “Đúng là không dễ chút nào nhưng nhờ có những người bạn ở VN nên chúng tôi có thể chia sẻ với nhau những câu chuyện của mình để vơi đi nỗi nhớ nhà” - Andrey nói.
Địa điểm ăn nghỉ là... chuồng bò cũ
Rong ruổi khắp những nơi heo hút nhất, bỏ vợ con hàng tháng trời để đi làm khảo cổ học, cả Kondyba và Andrey đều nói rằng đi nhiều nước trên thế giới nhưng công việc ở VN luôn hấp dẫn đối với mỗi người làm trong ngành khảo cổ. Có những đợt khai quật, đoàn phải ăn nằm trong hang, không có nước sạch, không có điện, lọ mọ đào bới hàng tháng trời. Những khi nhìn thấy những mẫu vật lộ ra dưới lớp đất mà không thể có ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cảm giác phấn khích đủ để bù đắp những gì mình đã đánh đổi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, bí thư Thị ủy An Khê, kể: “Các chuyên gia Nga vốn ở đất nước lạnh quanh năm, bên đó điều kiện làm việc của họ rất tốt nhưng khi qua đây mọi thứ hoàn toàn khác, chúng tôi lo sợ mọi người không chịu đựng được nhưng quả thật người Nga có một sức khỏe phi thường. Mỗi ngày họ làm việc suốt từ sáng tới tối mịt mới về, buổi tối sau bữa cơm mọi người lại họp để tranh luận, bàn thảo với nhau về kết quả khai quật trong ngày. Dường như thời tiết khắc nghiệt hay những thiếu thốn vật chất không phải là vấn đề đối với họ!”.
Những ngày theo chân các đoàn khảo cổ lang thang trên những cánh đồng, nơi có các hố khai quật, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc của những người bạn Nga. Trên những bãi đất trống, dưới nắng bỏng rát, các chuyên gia mồ hôi nhễ nhại tỉ mẩn soi từng viên đá. Để tiện cho công việc, ban trưa đoàn khảo cổ không về nơi ăn nghỉ ở Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo mà trải bạt ăn cơm, nghỉ ngơi ngay bên hố khai quật. Địa điểm mà đoàn ăn nghỉ là một lán trại, được tận dụng từ cái... chuồng bò cũ của người dân. Một thành viên đoàn Nga chia sẻ: “Như thế này còn quá tốt, chúng tôi đã có những ngày ở địa điểm khai quật khác mà thậm chí cả tháng không có nước để tắm một lần”...
Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Đằng sau những nhát cuốc khảo cổ
Những người nông dân xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai, tham gia khai quật khảo cổ học  Ảnh: THÁI LỘC
Những "nhà khảo cổ” nông dân
Ở những địa điểm khai quật mà đoàn khảo cổ đang thực hiện ba năm nay tại An Khê, ngoài những chuyên gia nước ngoài và VN, bên cạnh họ còn một đội ngũ giúp việc luôn được duy trì 5-7 người. Họ là những nông dân vốn quen với công việc cày cuốc, trồng mía trên bãi đất mà nay đoàn khai quật làm việc. Khi thửa đất của những người nông dân ấy được xác định là “chứa kho báu” nằm dưới lòng đất, họ cũng gác việc trồng tỉa, giao cuốc xẻng để làm một công việc mà họ chưa từng tiếp xúc: khai quật khảo cổ.
Ông Trần Phúc Diện, một nông dân trồng mía, nói rằng trước khi có đoàn khảo cổ đến, sau các vụ mía rảnh rang anh em đi làm thợ hồ. Đầu năm 2017, ông được mời khai quật ngay trên chính mảnh đất của mình và vùng lân cận, công việc vừa đem lại cho ông thu nhập vừa cho ông niềm vui, nhất là có thêm một nghề mới mà trước đó nghe thì có vẻ cao siêu lắm. Cùng xóm với ông Diện có nhiều người nữa được mời khai quật khảo cổ như ông Sang, ông Thừa, ông Ban, ông Toàn... Công việc mỗi ngày của những “nhà khảo cổ” đặc biệt này là đào hố, căng dây, gạn lớp đất trên bề mặt, đổ đất, hoàn thổ sau khai quật... theo sự hướng dẫn của chuyên gia.
Từ khi đoàn khảo cổ học đến, những người nông dân ở An Khê cho biết không khí và cuộc sống hằng ngày của người dân ít nhiều có sự thay đổi. Ngoài những người trực tiếp đi phụ việc cho đoàn khai quật, trong các bữa cơm hằng ngày hay buổi uống cà phê sáng với nhau ở quán ven đường, người ta đã bắt đầu bàn với nhau những câu chuyện mà họ chưa từng biết trước đây như mới tìm thấy cái rìu tay nào đó ở một hố đất thuộc rẫy mía người nào đó trong thôn, hay sáng nay khi đi cuốc rẫy một nông dân đã đào được một mẩu thiên thạch rồi giao lại cho đoàn khảo cổ. Không khí khảo cổ thật sự “nóng” lên nhưng mọi người dân đều được giải thích rằng dù có giá trị vô cùng lớn về mặt khoa học, tất cả chỉ dừng lại ở việc phục vụ mục đích nghiên cứu lâu dài, chứ không phải các hiện vật khảo cổ “quý như vàng” là có thể bán để ăn ngay được.
Ngăn chặn nạn đầu cơ đất
Ông Hồ Bảo Châu, chủ tịch UBND xã Xuân An, thị xã An Khê, cho biết kể từ khi các chuyên gia quốc tế đến nghiên cứu khảo cổ học tại xã, bắt đầu có hiện tượng một số người bên ngoài đến xã thăm dò để mua đất, dường như để đầu cơ, đón đầu. Ông và các cán bộ xã tìm cách nói khéo rằng người dân không bán nên không mua được, rằng chủ trương chung là đất không mua bán, chuyển nhượng. “Chúng tôi tìm cách hạn chế nạn đầu cơ, dẫn đến gây xáo trộn tình hình vốn rất yên bình lâu nay tại xã. Chúng tôi cũng đang trông chờ được công nhận di tích để chung tay bảo vệ!” - ông Châu nói.

Người phát hiện An Khê


TTO - Di tích khảo cổ đặc biệt ở An Khê gắn liền với một nhân vật: Phan Thanh Toàn. 
Dấu tích người tiền sử: Người phát hiện An Khê
Phan Thanh Toàn hướng dẫn các chuyên gia quốc tế trong chuyến thực địa di tích An Khê tháng 11-2016 - Ảnh: Thái Lộc
Không chỉ An Khê là phát hiện của Toàn, nhà khảo cổ trẻ người miền Tây này còn phát hiện hàng trăm di tích thời đồ đá tại các tỉnh Tây Nguyên... Người đàn ông này còn có tham vọng tìm kiếm để nối thông tất cả các giai đoạn thời đồ đá của nhân loại ở Tây Nguyên.
Bén duyên bên hố khai quật
Trong những ngày giữa tháng 3 đến nay, khi đoàn khảo cổ khai quật mùa thứ ba ở An Khê cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất của Toàn khi vợ anh đưa cậu con trai 4 tuổi từ Kon Tum đến thăm cha.
Song, anh cũng chỉ gần vợ con vài tiếng mỗi đêm, trên chiếc giường đơn kê sát cầu thang của Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo mà thôi. Còn lại “toàn thời gian” trong ngày anh phải dành cho đoàn khảo cổ và công việc ở các hố đào.
Từ tinh mơ khi mọi người còn yên giấc, Toàn lên đường ra chợ chọn mua thức ăn cho đoàn khảo cổ trong ngày. Sau khi chuẩn bị cơm nước, kiểm tra toàn bộ vật dụng cho công việc, anh cùng đoàn lên đường đến hiện trường, tham gia khai quật, theo dõi sát sao và ghi nhận mọi diễn tiến tại các hố đào cho đến tối mịt mới về.
Vừa thấy mặt anh, cậu con trai nhõng nhẽo đòi cha. Vừa vỗ về cậu con, anh vừa phải xắn tay cùng đầu bếp lo bữa ăn thật chu đáo cho các chuyên gia.
Chuyện Toàn lấy vợ được TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, kể một cách hứng thú rằng duyên anh được bén bên hố khai quật khảo cổ. Vào năm 2001, Toàn tham gia khai quật di tích Lung Leng ở lòng hồ thủy điện Ya Ly (Kon Tum), anh được gặp “vợ tương lai” khi ấy là thợ phụ nấu ăn cho đoàn khảo cổ. Năm 2013, hai người cưới nhau.
Toàn chia sẻ: “Thực ra trước đó mình từng nghĩ chẳng bao giờ lấy vợ cả. Công việc khảo cổ nay đây mai đó, nếu lấy vợ thì mình vất vả mà vợ con cũng vất vả. Nhưng duyên số đến với nhau thì phải đến!”.
Mát tay với “đá”
Phan Thanh Toàn có công phát hiện rất nhiều di tích thời tiền sử ở Tây Nguyên, có những đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu thời tiền sử của vùng đất này. Tại khu di tích An Khê, tôi là người phụ trách chung nhưng Toàn làm hầu hết mọi việc, nhất là về mặt chuyên môn, anh làm rất tốt cả việc khai quật lẫn khảo sát di tích, luôn trong tâm thế say sưa, nhiệt tình và chu đáo, năng lực của anh được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao! - TS Nguyễn Gia Đối (phó viện trưởng Viện Khảo cổ học)
Phan Thanh Toàn năm nay 40 tuổi, quê ở Cái Bè, Tiền Giang, tốt nghiệp ngành khảo cổ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Trong đợt thực tập năm 2001, anh lần đầu thực hành trong hố đào tại một điểm khảo cổ thời tiền sử ở Kon Tum.
Những nhát cuốc đầu tiên ấy của anh vừa là định mệnh, là sự khai mở niềm đam mê tìm tòi quá khứ của nhân loại từ những lớp đất đá ở những chốn hang sâu rừng thẳm.
Kể cũng lạ, anh như có duyên và thực sự “mát tay” với những vết tích người tiền sử.
Trước khi “phát hiện đình đám” di tích ở An Khê, Toàn từng phát hiện hàng trăm điểm di tích thời đá ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở Kon Tum và Gia Lai, và được giới khảo cổ học đánh giá rất cao.
Đáng chú ý, vào năm 2007 khi thủy điện An Khê Kanak chuẩn bị tích nước, chính anh đã phát hiện trong lòng hồ này có rất nhiều điểm di tích hậu kỳ đá cũ (cách ngày nay vài chục ngàn năm) và hậu kỳ đá mới (cách vài ngàn năm).
Tiếp đến, vào năm 2013, khi tham gia đề tài nghiên cứu thời tiền sử ở Gia Lai, Toàn tiếp tục phát hiện nhiều điểm di tích thời đá cũ ở xã Đông và xã Nghĩa An thuộc huyện K’Bang. Hai di tích này được giới chuyên môn đặc biệt chú ý khi tham gia thông báo khảo cổ học tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc cùng năm.
Đến năm 2015, anh cùng một đồng nghiệp nữa vác balô vào rừng trong chuyến đi khá dài ngày ở vùng rừng Chư Prông và phát hiện được 16 di tích thời đá. Các di tích này đã được tổ chức khai quật, đem về cho Bảo tàng Gia Lai hàng ngàn hiện vật thời tiền sử rất quý giá...
Với một người làm nghề khảo cổ, một chuyến đi dài ngày tìm được một di tích thời đá đã là một thành công, nếu đạt con số 2 được xem là kết quả mỹ mãn. Nhưng với Toàn, trong mỗi chuyến đi tìm được 10 hay 20 di tích, thậm chí nhiều hơn nữa không phải là chuyện đặc biệt.
Cho đến bây giờ, Toàn không thống kê hết mình tìm được bao nhiêu di tích thời đá trên địa bàn Tây Nguyên, mà chỉ áng chừng “dễ có đến vài trăm”.
“Mỗi lần tìm thấy được di tích sớm, không tưởng tượng được con người mình hạnh phúc đến mức nào đâu! Nó có điều gì như là máu thịt của mình vậy cho nên rất mê, cứ đi tiếp, đi tiếp!” - Toàn chia sẻ.
Thông thường, việc điều tra khảo cổ học cũng thường theo đoàn từ hai người trở lên để hỗ trợ nhau. Nhưng điều đặc biệt của Toàn là thói quen điều tra một mình. Vất vả nhưng có những thú vị riêng, và hơn hết anh thích làm việc độc lập một cách hiệu quả.
Cho đến hiện nay, nhiều di tích giai đoạn của người tiền sử ở Tây Nguyên đã được Phan Thanh Toàn phát hiện, từ sơ kỳ đá cũ, hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới, trung kỳ đá mới cho tới hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí.
Anh nói một trong những ước nguyện lớn nhất hiện nay chính là làm sao tìm cho được giai đoạn trung kỳ đá cũ nữa, để nối cho liền mạch lịch sử nhân loại của vùng Tây Nguyên.
Dấu tích người tiền sử: Người phát hiện An Khê
Một hiện vật được Phan Thanh Toàn tìm thấy trong hố khai quật - Ảnh: T.L.
Cách đây ít lâu, Toàn phát hiện một di tích tiền sử khá đặc biệt ở huyện Đắk Glei, Kon Tum, mà hiện vật khá lạ, “nó không giống đá cũ, không giống đá mới, hoàn toàn có khả năng thuộc trung kỳ đá cũ”. Toàn cho hay sắp tới anh sẽ tranh thủ đưa các chuyên gia Nga đến hiện trường để kiểm tra, chứng thực điều này.
Nếu đúng như dự đoán thì cùng với việc phát hiện trang sử đầu tiên của nhân loại ở An Khê, các di tích khác do Toàn phát hiện sẽ minh chứng sự phát triển liên tục của con người thời tiền sử ở Tây Nguyên.
THÁI LỘC - 
THÁI BÁ DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét