Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Người Cống ở Pa Thơm

ĐBP - Nhân mùa xuân  mời bạn bớt chút thời gian lên thăm tỉnh Điện Biên, lên thăm xã biên giới Pa Thơm và lên thăm đồng bào Cống. Bạn sẽ được nghe bài hát với những ca từ quen thuộc: “Con gà gáy le té le te... rồi ai ơi...” do chính các cô gái Cống mỏng mày hay hạt thể hiện. Dưới trời biên cương, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn bóng dáng yêu kiều của các nàng sơn nữ, rồi bâng khuâng tự hỏi không hiểu mình say rượu hay là say người?...
Dân tộc Cống còn có 3 tên gọi khác là Mâng Nhé, Xá Xeng và Xắm Khống; tuy nhiên rải rác ở một vài địa phương, tên gọi của người Cống còn gắn liền với các địa danh làng bản hoặc đặc điểm sản vật của địa phương. Dân số người Cống hiện có khoảng 1.600 người, phần lớn cư trú ở khu vực thượng lưu sông Đà, giáp biên giới Việt - Trung (thuộc phần đất huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Với tỉnh Điện Biên, đồng bào Cống sống tập trung tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, giáp biên giới Việt - Lào), với gần 40 hộ, khoảng trên 200 nhân khẩu.

Thầy mo bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) chuẩn bị cho nghi lễ cúng “Tết hoa” - Tết cổ truyền của dân tộc Cống.
Từ bao đời nay, dân tộc Cống sống chủ yếu bằng nghề phát nương trồng rẫy để lấy lương thực. Nguồn thực phẩm nhiều khi chỉ trông cậy vào tự nhiên, đó là hoa, lá, củ, quả ở trên rừng, trên núi và tôm, cua, cá, ốc ở dưới suối, dưới khe. Ngoài hình thức bắt cá bằng tay hoặc quăng chài thả lưới, người Cống còn có nhiều kinh nghiệm bắt cá bằng bả; bả được chiết xuất thủ công từ các loài thảo mộc, có hàm lượng độc tố cao. Nếu phụ nữ Cống không thạo nghề canh cửi, chỉ trồng bông rồi đem đổi cho các dân tộc khác để lấy vải sợi thì bù lại, họ rất giỏi kỹ nghệ đan lát đồ mây, tre. Sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng nhất là chiếu mây nhuộm điều, sau nữa, có thể kể đến các loại dụng cụ để đựng như: Bung, bem, khạp, mẹt...
Người Cống thờ tổ tiên mình dễ có đến 3 - 4 đời trước, nhưng việc cúng tế chỉ tiến hành nhân lúc gia đình có việc đại sự như: Cha mẹ qua đời, ăn cơm mới, dựng nhà, chuyển chỗ ở, cưới xin hoặc khi sinh con, đẻ cháu... Ngoài ra, còn một cái lễ cúng chung, trang nghiêm và kéo dài suốt một ngày, với quy mô cả bản tham gia, thực hiện vào dịp gieo trồng đầu vụ. Lễ cúng này đứng chân chủ tế phải là một ông mo cao tuổi, có uy tín nhất trong bản hoặc thậm chí trong cả một vùng. Người Cống rất kiêng nhìn thấy con trăn gió hoặc con tê tê, vì theo họ đó là giống “hồ tinh” hiện hình, chuyên báo hại, nhũng nhiễu dân lành. Song các nhà nghiên cứu lại cho rằng: Tâm lý ấy bắt nguồn từ một truyền thuyết về sự khởi thủy của tổ tiên người Cống, ít nhiều liên quan tới câu chuyện nạn hồng thủy và quả bầu thần thoại thuở trước(?).

Người dân bản Púng Bon, xã Pa Thơm mang lễ vật góp vào mâm lễ chung của bản trong lễ cúng “Tết hoa” - tết cổ truyền của dân tộc Cống.
Hôn nhân người Cống là hôn nhân tự nguyện, theo chế độ một vợ một chồng. Sau lễ ăn hỏi, cô dâu làm động tác búi tóc lên đỉnh đầu, cài trâm từ phía trước. Giống như tằng cẩu của phụ nữ Thái, búi tóc ấy ngụ ý thông báo cho mọi người - đặc biệt với cánh đàn ông - rằng cô gái đã có nơi có chốn, nguyện nhớ lời cha mẹ dốc một lòng trọn nghĩa phu thê. Hôn lễ được tổ chức sau nhiều năm chung sống (thậm chí khi đã có vài ba đứa con), thời điểm tiến hành thường vào lúc nông nhàn, mùa vụ xong xuôi. Hôm đón dâu, nếu là người ở cùng bản thì cô dâu sẽ được em gái của mẹ chồng - tức là dì ruột của chú rể - cõng trên lưng chạy băng băng sang nhà trai. Trường hợp chú rể không có dì, dì đã chết hoặc còn sống nhưng già yếu quá thì có thể nhờ một người trong bản cõng thay; nếu vậy, chỉ cõng một đoạn đến chỗ nào khuất tầm nhìn về nhà cô dâu, rồi để cô dâu tự đi sang nhà chồng cùng với đoàn người đón rước bên nội.
Về trang phục, hiện nay, để dễ phân biệt xin hãy quan sát bộ nữ phục của chị em. Bình thường hoặc lúc lao động phụ nữ Cống mặc váy, áo và khăn piêu, đều có màu đen, trừ cái thắt lưng màu cánh trả hoặc lơ hồng. Lúc đi thăm thú, chợ búa hay hội hè thì mặc váy màu đỏ, thêu những đường kim tuyến màu vàng, nằm ngang, hình thù đơn điệu. Tay áo của các bà, các chị được khâu ghép công phu bởi nhiều khoanh tròn những loại vải hoa khác nhau, màu sắc sặc sỡ, cổ đeo vòng bạc, đầu đội nón mây rộng vành, mái cong, thấp đỉnh. Riêng ngày cưới, cô dâu người Cống nhất thiết phải mặc đúng trang phục truyền thống của dân tộc mình; việc làm đó xem như biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, được mọi thế hệ người Cống đồng tình...
Bài, ảnh: Quàng Văn Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét