Mười năm mất liên lạc với gia đình, Võ Đình Tú đột nhiên trở về. Sau này, ông trở thành một trong bảy võ tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn.
Võ Đình Tú, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Xuất thân trong gia đình giàu có, ông rất hào phóng, can đảm.
Sách Võ Nhân Bình Định chép rằng năm Võ Đình Tú 14 tuổi, trong thôn bỗng nhiên xuất hiện một nhà sư mặt mày xấu xí, ăn vận rách rưới, thường đến ngồi nơi ngõ nhà họ Võ. Đám trẻ con trong làng hễ trông thấy nhà sư thì kéo nhau đến chọc ghẹo.
Riêng Võ Đình Tú có thái độ rất kính trọng và quý mến nhà sư, thường bưng cơm nước hoặc bánh trái đến cho ông. Nhà sư vui vẻ nhận lấy, nhưng hai người không nói chuyện.
Mọi việc cứ thế diễn ra cho đến một ngày trời nổi mưa to gió lớn, mọi người không ai dám ra đường. Chính trong đêm đó, khi mưa tạnh gió ngừng, người trong nhà không thấy Võ Đình Tú đâu cả, ngoài ngõ nhà sư cũng biệt tăm.
Người nhà đi tìm khắp nơi, nhưng không thấy tung tích. Cho rằng Võ Đình Tú đã bị nhà sư bắt cóc, họ chỉ còn biết thắp nhang cầu trời phật phù hộ.
Mười năm sau, Võ Đình Tú đột nhiên trở về. Lúc này, ông đã là người vạm vỡ, khỏe mạnh. Không ai biết rằng ông là cao thủ võ lâm. Một số cuốn sách viết về ông cũng không thấy đề cập Võ Đình Tú đã đi đâu, học võ thế nào.
Theo sách Tây Sơn thất hổ tướng, Võ Đình Tú thông thạo đủ mọi loại, từ côn, kiếm, thương, quyền… Tương truyền, ngoài cưỡi ngựa bắn cung, ông còn nổi danh về sử dụng thiết côn.
Khi múa côn giữa trời mưa, người ông không hề dính một hạt nước, một mình có khả năng đánh nhiều người. Khâm phục trước tài năng của ông, nữ tướng Bùi Thị Xuân tặng Võ Đình Tú lá cờ đào thêu bốn chữ vàng "Thiết côn tướng quân".
Trong doanh trướng Tây Sơn, Võ Đình Tú rất tâm đắc với Nguyễn Huệ, được ông thương yêu như ruột thịt. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, Võ Đình Tú được phong chức thái úy.
Tương truyền, Thị Lang Bộ Lễ Bùi Đắc Tuyên biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao nên thường bảo thái tử Nguyễn Quang Toản yêu cầu ông biểu diễn võ nghệ cho xem.
Có lần, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng giỏi đánh côn, Bùi Đắc Tuyên tìm cách mua vui cho thái tử.
Bùi Đắc Tuyên mời hai ông Võ - Đặng đến nhà riêng uống rượu cùng Nguyễn Quang Toản. Tiệc xong, thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn.
Đuốc được thắp sáng rực cả sân. Đặng Xuân Phong sử dụng côn đồng, Võ Đình Tú dùng côn sắt. Đường côn qua lại nhanh nhẹn, mạnh mẽ, như "rồng bay phượng múa". Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng vỗ tay vang không ngớt.
Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao, có nhiều ý kiến khác nhau. Người khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh "Tây côn lưỡng thần công", người chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng.
Lời thị phi đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền trách thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa.
Sau khi vua Quang Trung mất, Bùi Đắc Tuyên được sủng ái làm thái sư, mỗi ngày một thêm lộng quyền, triều đình trở nên lục đục.
Để diệt trừ hậu họa, Võ Văn Dũng đã giết Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu kéo binh về để trả thù cho anh vợ. Hai bên sắp đánh nhau thì Võ Đình Tú lấy tình quen thân, xin phép vua Cảnh Thịnh đứng ra hòa giải.
Ông đến gặp Võ Văn Dũng, phân tích sự lợi hại khi hai đại thần chống cự lẫn nhau. Tiếp theo, ông bơi thuyền qua sông Hương, đến An Cựu gặp Trần Quang Diệu phân tích sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên sẽ phá hỏng sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Nhờ đó, mối bất hòa của hai vị đại tướng được hóa giải.
Trước sự suy yếu của nhà Tây Sơn, Võ Đình Tú vẫn hết mình cống hiến tài lực cho triều đình cho đến khi ông bị phục kích trong một trận đánh với quân nhà Nguyễn và hy sinh trên chiến trường vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét