Là nơi thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì (1571 - 1652) tại quê hương ông: thôn Yên Lan, Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhà Trung tế
Tại khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đời Vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, được triều đình Lê Trịnh trọng dụng, cử đi sứ sang nhà Minh, trở về được thăng quan, cấp nhiều bổng lộc. Suốt 50 năm làm quan, ông lần lượt được thăng chức từ Tham tụng...Thượng thư bộ Lại, có những chức ngang hàng Tể Tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ Chúa.Là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Duy Thì đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân. Ông được người đời nhờ cậy và tôn trọng trong suốt 30 năm; Phủ đường nơi ông làm việc khi về quê, sau khi ông mất, nhân dân sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng, tưởng nhớ công lao của ông suốt hơn 350 năm nay.
Sắc phong thần
Cây đôn võng
Tuy kiến trúc không lớn, hình thức kết cấu đơn giản (gồm 2 toà nhà 5 gian song song hình chữ “nhị”, kỹ thuật bào trơn đóng bén, nhưng nguyên liệu được lựa chọn kỹ nên đến nay qua hàng trăm năm tồn tại di tích vẫn khá chắc khoẻ, thoáng đãng, mát mẻ, mang rõ nét dấu ấn của loại hình kiến trúc thế kỷ XVII ở vùng nông thôn trung du Bắc Bộ.
Di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý: Chiếc đòn võng gỗ mít Quan Thượng Láng vẫn dùng khi đi từ triều đình về quê và ngược lại, một bản chúc thư gồm 188 trang chữ Hán do công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1780 với nội dung ghi các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông, 34 đạo sắc phong nguyên gốc và nhiều hiện vật là đồ thờ tự tại đền có niên đại thế kỷ XVII bao gồm: Ngai ỷ, án gian, chấp kích, bát bửu và hệ thống hoành phi, câu đối.
Long ngai - Thế kỷ XVIII
Hàng năm vào ngày 11 tháng 9 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Duy Thì, nhân dân địa phương, nhân dân các xã trong vùng với lòng thành kính về tưởng niệm tại đây với số lượng hàng vạn lượt người, nhiều trò chơi dân gian mang sắc thái truyền thống quê hương được tổ chức: Chọi gà, chơi đu, cờ người rất tưng bừng náo nhiệt.
Cùng với đà phát triển đi lên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của địa phương Thanh Lãng - một vùng đồng bằng phì nhiêu với nhiều loại cây nông nghiệp giá trị cao (lúa, ngô giống mới), các trang trại trồng nấm đặc sản từ phế liệu nông nghiệp, nghề đục chạm gỗ truyền thống, cùng hàng loạt di tích Lịch sử văn hoá đã xếp hạng Quốc gia như: Đền thờ Thánh Mẫu, chùa Quảng Hựu, đền Xuân Lãng và cả lò gốm cổ thế kỷ thứ VI nay còn nguyên vẹn, đền thờ Nguyễn Duy Thì và lễ hội nhân ngày giỗ của ông là dịp cho nhiều du khách thập phương có cơ hội về tham quan du ngoạn trong một cảnh quan chung của một làng quê điển hình của tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét