Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Sơn Trà - bán đảo độc nhất vô nhị Việt Nam


Tái tạo oxy đủ cho 4 triệu dân và là nhà của khoảng 400 cá thể voọc chà vá hiếm hoi còn sót lại, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp diện tích rừng theo bản quy hoạch khu du lịch quốc gia.


Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, nơi cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng.
Xa xưa, Sơn Trà là đảo nổi với 3 ngọn núi. Dòng nước biển chảy ven bờ theo thời gian đã mang phù sa bồi đắp 3 ngọn núi này thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, hình thành bán đảo. 
Rừng Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng. Ảnh: Lê Phước Chín
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Sinh thái học miền Nam, đánh giá Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng. Bán đảo là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới là thảm cỏ và san hô.
Cả vùng Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) chỉ có bán đảo Sơn Trà được coi là nơi đa dạng sinh học. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường rất cao, là lá phổi xanh.
"Nếu vùng này không được bảo vệ thì không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tác động đến hệ san hô, hải sản ven bờ, chất lượng cát vùng biển Đà Nẵng", tiến sĩ Long nói.
"Bán đảo Sơn Trà phải được nhìn nhận là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng, cần bảo vệ không chỉ hiện tại mà cho con cháu mai sau".
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long
Ong Long moi
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long nói về tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà.
Mùa hoa trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Lê Phước Chín.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, người có nhiều tâm huyết bảo vệ Sơn Trà, cho biết nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định mỗi ngày rừng ở đây tái tạo lượng oxy đủ cung cấp cho hơn 4 triệu người.
Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng. Từ bán đảo Sơn Trà có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ quân cảng Vùng 3 Hải quân - nơi neo đậu tàu chiến, tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà là hệ thống radar của quân đội và ngành hàng không với khả năng bao quát vùng trời và biển Đông.Một góc bán đảo Sơn Trà tiếp giáp với biển. Ảnh: Lê Phước Chín
Trong chiến tranh, Sơn Trà được mệnh danh là "mắt thần Đông Dương". Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khi đổ bộ vào miền Nam Việt Nam đều muốn chiếm giữ cao điểm này. "Đế quốc Mỹ cho xây dựng radar trên bán đảo Sơn Trà là để bao quát khu vực biển Đông", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho biết. 
Hiện phía Tây bán đảo là cảng hàng hóa kết hợp du lịch Tiên Sa. Đây là cảng nước sâu quan trọng nhất miền Trung, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây xuất phát từ Myanmar, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.

Cảnh sinh hoạt của voọc chà vá chân nâu. Clip: Như Mai - Phước Chín
Được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới, các nhà nghiên cứu thống kê ở Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật.
Bán đảo cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu - với số lượng 300-400 cá thể.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết, voọc chà vá chân nâu là loài sinh vật chỉ thị môi trường và là nguồn gen quý hiếm. Ở Sơn Trà đang ghi nhận quần thể chà vá chân nâu lớn nhất trên thế giới trong tự nhiên. Loài động vật này có nhiều màu sắc nhất (5 màu) trong các loài khỉ ăn lá. Chúng được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng của các loài linh trưởng" chính nhờ vẻ đẹp khác thường.
Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc họ khỉ cựu thế giới (nhằm phân biệt với loài khỉ tân thế giới), được giới khoa học biết đến từ năm 1771 nhưng phải cuối thế kỷ 20 mới được kết luận là một loài riêng. Voọc chà vá chân nâu được tìm thấy ở Sơn Trà vào năm 1969. Chúng sống theo bầy đàn từ 5 đến 10 cá thể và chủ yếu ở độ cao 100-600 m.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh lục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Đã có nhiều đàn voọc ở Sơn Trà bị săn bắn. Mới đây, tòa án ở Đà Nẵng đã tuyên phạt 5 bị cáo lén lút vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đặt bẫy giết voọc.

Voọc chà vá chân nâu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: Như Mai.
Với những giá trị sinh học, Đà Nẵng đã chọn voọc chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 tới.

Diện tích rừng Sơn Trà bất nhất

Dù còn nhiều lập luận về cơ sở khoa học diện tích rừng Sơn Trà, nhưng qua những lần quy hoạch, rừng Sơn Trà có chung mẫu số là diện tích dần bị thu hẹp.

  • 24/01/1977

    Thủ tướng ký Quyết định 41 công nhận Sơn Trà là rừng cấm quốc gia, có diện tích khoảng 4.000 ha.
  • 02/10/1992

    Bộ Lâm nghiệp đổi tên "rừng cấm" thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, tổng diện tích là 4.439 ha.
  • 20/09/2008

    UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2008-2020. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ 4.439 ha giảm xuống còn 2.591,1 ha.
  • 08/01/2014

    Quyết định 45 của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 nêu diện tích Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà là 3.871 ha.
  • 30/10/2014

    Quyết định 1976 của Thủ tướng về Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nêu con số diện tích Khu bảo tồn là 2.591,1ha.
  • 09/11/2016

    Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 1.826,5 ha trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 2.810,9 ha.

Diện tích rừng ở bán đảo Sơn Trà thay đổi theo hướng giảm dần, sau những lần quy hoạch. Ảnh: Lê Phước Chín.
Nói về số liệu quy hoạch Sơn Trà bất nhất, kiến trúc sư Hoàng Sừ, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Đà Nẵng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, lý giải việc mỗi ngành tự làm quy hoạch của ngành mình, lấy số liệu từ các nguồn khác nhau dẫn đến không thống nhất.
Vệc thiếu nhất quán về số liệu, theo ông Sừ, chắc chắn gây ảnh hưởng đến quyết định của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan.
Trong thư khuyến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. 

Nhiều loài động vật sinh sống trong rừng Sơn Trà. Ảnh: Như Mai.

Hiện trạng Sơn Trà

Kiến trúc sư Hoàng Sừ cho biết, từ những năm 1998 đến 2015, dù chưa có quy hoạch chung, nhưng Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự lớn nhỏ tại Sơn Trà với tổng diện tích khoảng 1.200 ha, chiếm 27,6% và gần bằng 1/3 bán đảo. 
"Đà Nẵng đã chuyển mục đích sử dụng 1.847,9 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang các loại đất khác. Đây là vấn đề bất cập lớn trong quản lý khu bảo tồn vì theo Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, việc chuyển mục đích sử dụng rừng trong khu bảo tồn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng", ông Sừ nói.
Tháng 3 vừa qua, công ty Biển Tiên Sa đào xới Sơn Trà xây khu nghỉ dưỡng và bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì xây 40 móng biệt thự không phép. Công trình nằm trong Dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, có diện tích khoảng 177 ha. Chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư vào tháng 3/2004. Khu nghỉ dưỡng cũng nằm trong quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt. Đất rừng nơi xây dựng đã được chuyển đổi sang đất thương mại khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại lá phổi xanh của Đà Nẵng bị bê tông hoá.
Hiện dự án dừng thi công chờ quyết định của Thủ tướng.


Video giới thiệu về bán đảo Sơn Trà tại lễ công bố bản Quy hoạch khu du lịch quốc gia.

Những lo ngại về bản quy hoạch Sơn Trà


Theo bản Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, từ 200m trở xuống sẽ phát triển các khu du lịch. Nguồn: Greenviet.


Sáng 15/2, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng công bố phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, 1.056 ha rừng được chuyển đổi sang mục đích du lịch. Diện tích rừng này nằm trong 1.200 ha rừng UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng năm 2008.
Lý giải cho bản quy hoạch này, một trong hai đơn vị trình dự án là Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bán đảo Sơn Trà là trọng điểm phát triển du lịch của Đà Nẵng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Việc phát triển du lịch Sơn Trà phải gắn kết chặt chẽ với các trọng điểm phát triển du lịch của Đà Nẵng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây.
Nêu ra những tiềm năng du lịch của bán đảo này, Tổng cục Du lịch nhận định: "Việc phát triển du lịch Sơn Trà chưa có định hướng dài hạn rõ ràng để phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí của Sơn Trà trong vấn đề an ninh, quốc phòng của cả nước và bảo vệ môi trường của thành phố”.
Tổng cục Du lịch nhấn mạnh để đạt mục tiêu trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia, theo định hướng của Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và để góp phần khai thác hợp lý tiềm năng du lịch ở Sơn Trà, trước hết cần lập quy hoạch để phát triển du lịch Sơn Trà trên bình diện tổng thể với tầm nhìn dài hạn, làm tiền đề quản lý khai thác tài nguyên, xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án phù hợp tiềm năng và yêu cầu thực tế.

Bán đảo Sơn Trà đang là điểm hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có dù lượn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Clip Sơn Tra 3 - Ong Vinh
Ông Huỳnh Tấn Vinh nói về tác động của quy hoạch mới tới Sơn Trà.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì lo ngại: "Nếu bán đảo Sơn Trà bị khoác lên lớp áo là những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort theo bản quy hoạch thì gần một nửa màu xanh của Sơn Trà sẽ biến mất, nữ hoàng linh trưởng bị xâm hại môi trường sống nghiêm trọng, kèm theo nhiều nguy cơ về hệ sinh thái, rạn san hô".
Ngày 21/3, ông Vinh gửi tâm thư đến Thủ tướng, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch quốc gia bán đảo Sơn Trà. Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp cùng UBND TP Đà Nẵng xem xét.
Chiều 11/5, Tổng cục Du lịch vào làm việc với phía hiệp hội nhưng không tìm được tiếng nói chung.
Phó tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu bảo vệ quan điểm bản quy hoạch được làm đúng quy trình và mới ban hành nên không thể sửa. Ngay hôm sau, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, UBND TP Đà Nẵng làm việc với phía Hiệp hội du lịch Đà Nẵng trên tinh thần "cầu thị" và "công bố rộng rãi cho công luận".

Quy hoạch Sơn Trà cần được xem xét trên tinh thần cầu thị và thực sự khoa học.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Những khu chức năng phát triển du lịch theo bản Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà vừa được Chính phủ phê duyệt.
Đại diện Hiệp hội du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng bản Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc giá Sơn Trà đã vi phạm luật Đầu tư năm 2014 và vượt thẩm quyền của Quốc hội. Viện dẫn Điều 30 của luật này, ông Vinh nói nếu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên thì thẩm quyền quyết định là của Quốc hội. 

Diện tích rừng Sơn Trà sẽ bị giảm đi khi những dự án du lịch được xây dựng. Ảnh: Như Mai.

Nhiều chuyên gia nhận định, bản Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà có tính định hướng về phát triển du lịch, chưa được triển khai trên thực tế nên nếu có điều chỉnh cũng không gây hậu quả. 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1986-1995) bình luận nếu Nhà nước quyết tâm bảo vệ voọc chà vá chân nâu, bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà, thì phải có nghiên cứu cụ thể, khoa học trước khi làm quy hoạch. 
Riêng với chà vá chân nâu phải nghiên cứu loài này sống cần những gì, ở độ cao bao nhiêu; nếu khai thác ở độ cao từ 200 m trở xuống như trong quy hoạch hiện nay có ảnh hưởng hay xâm hại môi trường sống của voọc hay không.
Ông An cũng cho rằng bản quy hoạch làm đúng quy trình, nhưng nếu có bất cập thì Tổng cục Du lịch phải kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh.

Môi trường sống của các loài động thực vật sẽ bị ảnh hưởng khi Sơn Trà bị bê tông hóa. Ảnh: Như Mai.
Nguyễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét