Giống mướp rồng vốn không chịu được đất úng ngập, chỉ ưa nơi cao ráo, thế nên bà con vùng trung du, miền núi trồng rất nhiều. Hằng năm, cứ đến tháng chạp, khi những cơn mưa phùn bắt đầu giăng kín cũng là vào vụ gieo mướp rồng. Lấy trên gác bếp một quả mướp khô từ vụ trước, lựa những hạt căng mẩy đem ươm.
Chỉ hơn một tuần, mướp rồng đã thò mầm khỏi mặt đất và bắt đầu vươn xa. Kỳ lạ, loài cây mềm dẻo ấy chỗ nào cũng leo và bám chặt được. Có nhà cho leo trên bờ giậu, bờ tường hay cành cây khô đều được. Có nhà làm giàn trồng nơi đầu ngõ lấy bóng mát, chừng 4 - 5 tháng cây đã trĩu quả, dài lủng lẳng.
Mùa thu hoạch mướp rồng rộ nhất thường là tháng tư, tháng năm âm lịch. Thời gian này, chẳng cần phải lựa, trái nào trái nấy cũng căng tròn, xanh mướt lông tơ. Theo kinh nghiệm dân gian, ưu điểm của mướp rồng so với các loại cùng họ mướp khác là khả năng giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng; phòng chống thiếu máu; làm đẹp da; cải thiện được nhiều bệnh như tiểu đường, rụng tóc; giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng...
Mướp rồng có thể chế biến nhiều món ngon như xào thịt bò, nấu canh tôm, tép, nhưng có lẽ phổ biến nhất là món trộn.
Nguyên liệu làm món trộn rất đơn giản, chỉ cần một trái mướp, vài con tôm đất, một ít rau thơm và đậu phộng rang. Mướp rồng mới hái vào, chỉ cạo lớp lụa mỏng bên ngoài rồi rửa sạch. Sở dĩ không gọt sạch vỏ vì đó là nơi chứa nhiều vitamin nhất trên quả mướp.
Tiếp đến, đun nước sôi, thả mướp vào chừng 2 phút rồi vớt ra, lớp vỏ trắng nhẹ giờ chuyển sang màu xanh mướt. Riêng tôm đất xào cho thấm gia vị. Tỏi, ớt, rau thơm cắt nhuyễn. Trộn đều mướp, tôm, tỏi, ớt, nước cốt chanh, nước mắm rồi dọn ra đĩa to, thêm rau, đậu phộng rang và thưởng thức.
Đĩa mướp rồng trộn với màu xanh của mướp xen lẫn màu đỏ của tôm, thêm vài lát ớt đỏ như mời gọi. Kinh nghiệm để món này không phai vị chính là làm xong phải thưởng thức ngay. Gắp từng lát mướp cùng với bánh tráng nướng đưa vào miệng nhai nghe giòn tan, sừn sựt...
Phan Thị Thanh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét