Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Vang danh bánh tét lá cẩm

Khách phương xa mỗi khi ghé thăm vùng Tây Đô thường chọn cho mình những đòn bánh tét lá cẩm để về làm quà biếu bạn bè, người thân. Thậm chí, đặc sản này còn được gửi qua Mỹ, Úc… để bà con kiều bào thưởng thức hương vị đặc biệt của vùng gạo trắng nước trong Cần Thơ.
Để tìm hiểu về món ăn độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng nằm cuối hẻm ở phường An Thới, quận Bình Thủy. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng bà Trọng vẫn còn minh mẫn. Bà là người đã tạo ra nghề làm bánh tét lá cẩm và góp công rất lớn để nghề này phát triển.

Bánh tét lá cẩm được nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng tạo ra một cách tình cờ. Bà chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thú vị đó: “Hồi xưa, gia đình tôi làm nghề bán xôi. Tôi dùng lá cẩm đem ngâm với nếp, khi nấu chín xôi có màu tím rất đẹp và ngon. Từ món xôi lá cẩm, tôi áp dụng vào cách làm bánh tét lá cẩm. Mọi người thưởng thức thấy mùi vị thơm ngon, bùi nên rất nghiền”.

Để tạo ra những đòn bánh tét lá cẩm thơm ngon, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn và tỉ mẩn. Thành phần chính của bánh là nếp, đậu xanh, nước cốt dừa, thịt mỡ, chuối (để làm bánh tét chuối), trứng muối... Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu, nếp phải là loại ngon và trắng. Lá cẩm tươi được rửa sạch nấu lên và chắt lấy nước rồi cho nếp vào ngâm khoảng một tiếng đồng hồ. Nếp tiếp tục được trộn với nước cốt dừa, nêm nếm muối, trội đường nấu chín khoảng 30% rồi gói lại thành từng đòn bằng lá chuối.


 Theo nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng cho biết, nhân bánh tét lá cẩm làm bằng chuối chín sẽ cho vị ngọt và thơm.


Công đoạn giã nhuyễn đâu xanh kết hợp với chuối chín, trứng muối để làm nhân bánh. 


Nguyên liệu chính của bánh tét lá cẩm là nếp với lá cẩm chế biến theo công thức đặc biệt.


Dây buộc bánh có thể làm bằng dây tách từ thân cây chuối hoặc lạt.


Nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng là người đã tạo ra nghề gói bánh tét lá cẩm nổi tiếng ở vùng Tây Đô.


Nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng hướng dẫn một thành viên trong gia đình gói bánh tét lá cẩm.


Công đoạn luộc phải đảm bảo bánh vừa chín tới để bánh tét lá cẩm cho hương vị hoàn hảo.


Khi cắt bánh ra, miếng bánh đặc quyện một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng muối,
mỡ và đậu tỏa mùi thơm phức hấp dẫn khiến bất cứ ai cũng muốn thưởng thức.



Trong những dịp lễ, Tết, lò bánh tét của bà Trọng làm đến gần 1000 đòn
mà vẫn không đủ cho nhu cầu của khách hàng.

Để bánh tét lá cẩm có hương vị hoàn hảo, công đoạn luộc bánh cũng không kém phần quan trọng. Bánh được nấu bằng củi và lửa phải cháy đều. Bánh luộc trong khoảng 4 đến 5 tiếng thì chín. Khi cắt bánh ra, miếng bánh đặc quyện một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng muối, mỡ và đậu tỏa mùi thơm phức hấp dẫn khiến bất cứ ai cũng muốn thưởng thức.

Bánh tét lá cẩm rất được du khách ưa chuộng mỗi khi ghé thăm Cần Thơ. Mỗi ngày, lò bánh tét lá cẩm của nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng cho ra 100 đòn, giá mỗi đòn bánh tét là 40 ngàn. Trong những dịp lễ, Tết hay vào cuối tuần, lò bánh tét của bà Trọng làm đến gần 1000 đòn bánh/ ngày mà vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng.

Để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, bánh tét lá cẩm được người dân vùng Tây Đô chia thành 4 loại: bánh thập cẩm trứng muối, bánh nhân chuối, bánh nhân đậu ngọt, bánh nhân đậu mỡ. Rất nhiều lò bánh tét lá cẩm nổi tiếng như lò bánh Út Bé, lò Tài Hoa, lò Tư Đẹp, lò Chín Cẩm, lò Minh Tân... đã có tuổi đời hơn chục năm, có uy tín với khách hàng gần xa. Bánh được thương lái đến tận nơi sản xuất để đặt hàng với số lượng lớn mang đi tiêu thụ nhiều nơi như  tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Thậm chí nhiều người còn đặt hàng để gửi qua Mỹ, Úc… cho người thân để bà con kiều bào thưởng thức hương vị đặc biệt của đặc sản vùng gạo trắng nước trong Cần Thơ./.

Bài: Nguyễn Oanh -  Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét