Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Ga Sài Gòn sẽ được thay áo mới, nhưng có ai nhớ những điều này!

ANNA 
Nhà Ga Sài Gòn vừa được đề xuất cải tạo theo lối kiến trúc xưa, tổng đầu tư có thể lên đến 15 tỷ đồng. Ngược dòng quá khứ, nhìn lại hành trình lịch sử mà nhà ga này đã trải qua, để thấy một nhân chứng đã cùng Sài Gòn đi qua bao thăng trầm của thời đại.
Nhắc tới Sài Gòn, người ta nói nhiều về Nhà thờ Đức Bà, về Bưu điện thành phố, chẳng ai mảy may nhớ đến Nhà ga Sài Gòn - một chứng nhân lịch sử có tuổi đời cả trăm năm.
Không có lối kiến trúc thu hút mọi ánh nhìn, không có những mái vòm khiến người khác phải ngẩng đầu chiêm ngưỡng, nhưng nơi đây đã là nơi đi, và về, của hàng triệu triệu con người đến với thành phố hoa lệ bậc nhất Đông Nam Á này.
Nhà ga Sài Gòn là công trình được người Pháp khởi công xây dựng trong quá trình thành lập nên chuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho lịch sử. Với tên gọi Ga Hòa Hưng, khu nhà ga và đoạn đường dài 71km được xây dựng vào năm 1881 và hoàn thành 4 năm sau đó. Từ đây tỏa đi các hướng có tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Lộc Ninh và Sài Gòn - Hà Nội.
Ít người biết được, ban đầu ga Sài Gòn tọa lạc cạnh bùng binh chợ Bến Thành, khu vực khuôn viên công viên 23/9 hiện nay chính là sơ nguyên của ga Sài Gòn thuở mới được xây dựng. Đây là nơi xuất phát và là điểm dừng chân của hàng trăm chuyến tàu lịch sử. Thời Nam Bộ kháng chiến, Ga Sài Gòn là nhân chứng cho những bước đi đầu tiên của ngành đường sắt Việt Nam.
Do đặc điểm của vùng Nam Kỳ lục tỉnh xưa kia phần lớn là sông nước, chẳng những phải xây dựng tuyến đường sắt mà nhà thầu Pháp còn phải xây dựng nên 2 cây cầu cho xe lửa đi qua: một là cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây). Thế nhưng 4 năm sau, khi đã đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động, các cây cầu vẫn chưa hoàn thành. Do đó để đưa tàu hoả vượt qua sông lớn các toa tàu đã được tạm tách rời để đưa lên phà qua sông, sau đó lại được nối rồi cho chạy tiếp.
Rời ga Sài Gòn, những chuyến tàu đầu tiên phải vượt qua nhiều khó khăn như thế. Nhưng những ngày đó, đây được xem là phương tiện vận chuyển nhanh chóng bậc nhất. Ngày đất nước giải phóng, người dân Sài Gòn đứng dọc đoạn đường ray, cờ hoa ngập trời chào mừng đoàn tàu thống nhất Bắc Nam tiến vào ga Sài Gòn.
Năm 1978, thực hiện chủ trương chỉnh trang quy hoạch đô thị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ga Sài Gòn dời về ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa ga hàng hóa Hòa Hưng cũ thành ga hành khách Sài Gòn ngày nay.
Tháng 11-1983, ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác. Với diện tích 40.000 mét vuông, thuộc phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, ga Sài Gòn nhanh chóng lấy lại vị thế, tên tuổi và tình cảm của người dân Nam bộ, đặc biệt là hành khách đi tàu Nam Bắc. Dịp thường ngày cũng như lễ tết, hàng nghìn lượt khách đông đúc, đến hoặc rời đi từ mảnh đất Sài Gòn.
Sau ngần ấy năm, những chuyến tàu “khạc ra khói hét ra lửa” đã ra vào ga không biết bao nhiêu lần. Đường ray đã sửa chữa, nhà ga cũng đã khác: thiết bị nghe nhìn, máy lạnh, máy rút tiền tự động, bán vé điện toán... Quảng trường ga như một công viên, có vườn hoa cây xanh. Nhưng dù có đổi khác bao nhiêu, nhà ga này vẫn chào đón và nói lời tạm biệt đầy “tử tế” với hàng trăm nghìn hành khách.
Mải mê “phụng sự” cho những thượng đế mà nhà ga chẳng có được vẻ ngoài lung linh như những địa điểm nổi tiếng khác của Sài Gòn. Nhưng từ nhà ga này, lại mở ra những chuyến đi, những vùng đất mới đẹp hơn bao giờ hết. Từ đây, những chuyến tàu sẽ đưa bạn đến những nơi xa lạ, hoặc cũng chính là chuyến tàu cuối cùng đưa bạn trở về nhà, nơi đẹp nhất trong tim mỗi người.
Qua bao năm tháng lịch sử, ga Sài Gòn vẫn đứng đó, sừng sững làm đúng nhiệm vụ của mình, bất chấm sương bụi thời gian, cũng như sự thờ ơ của lòng người đến và đi.
Chú xe ôm tâm sự, chú không chỉ làm ở đây mà chú ở ngay ga này. Nơi đây đã là “nhà” của hàng trăm người, họ là bảo vệ, là nhân viên, là người bán hàng nước bên ngoài cổng. Có lẽ vì quá thân thuộc, nên họ cũng đôi lần bỏ quên mất nhà ga lịch sử. Họ đã ở đây, và vẫn sẽ ở đây dù nhà ga có tu sửa bao lần, bao bận.
Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất vừa đề xuất cùng Tổng công ty đường sắt Việt Nam cải tạo toàn bộ mặt bằng tầng một và hai của ga Sài Gòn thành điểm nhấn văn hóa mang đậm chất Sài Gòn xưa. Những mái vòm lung linh theo kiến trúc Pháp, hoa văn cách điệu trên mái hiên; gạch bông kiểu xưa để lát nền nhà ga và các quán café, bistro... xem kẽ là các mảng xanh, tạo không khí mát mẻ và thoải mái, tái hiện được phong cách Sài Gòn thuở trước.
Chúng ta cải tiến nhưng thực ra là quay về với những điều xưa cũ, cốt để hấp dẫn, mời gọi mọi người nhớ về điều mà họ lỡ lãng quên. Bắt tay vào cải tạo bề ngoài, nhưng chúng ta quên mất rằng, giá trị thật sự của nhà ga này đã hằn sâu vào quá khứ, vào mỗi từng bức tường, mỗi đường ray. Qua từng chuyến tàu chở niềm tin và hy vọng của mỗi con người, trong quá khứ đến hiện tại, và tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét