Rộng trên 7.000 m², nhà hàng sinh thái & cafe sân vườn Nàng Tấm (114/79/5 Tô Ngọc Vân, P.15, Q. Gò Vấp, TP.HCM) nằm giáp ranh giữa quận Gò Vấp với quận 12, có hơn phân nửa diện tích là hồ cá lăn tăn lay động. Thỉnh thoảng, tiếng đớp mồi nghe: trụp ủm, rõ to của trự cá tra nặng trên chục ký dưới đó vang lên, khiến chị thực khách ngồi cạnh nhà sàn đang mơ màng về miệt vườn yêu dấu giật thót cả người. Thế mà, chị lại nở nụ cười tươi, như đóa hướng dương tràn đầy xuân sắc.
Nhiều món thơm ngon mà rẻ ở Nàng Tấm.
Cả bầy gà ngon
Em nhân viên bán hàng duyên dáng, với tà áo bà ba hồng thắm nháy mắt bảo: “Ở đây, chất chứa cả “xóm” gà ngon!” Gà mà ưa gáy, là con gà tre. Lông cổ loe hoe đích thị gà đòn. Võ hiểm đầy mình - mấy “thím” hoạt kê Bình Định. Ăn rồi bịn rịn đích thị gà Re (Hre)…
Trời! Gà chi lạ quá! Cũng may, có bác Gu - gồ tốt bụng chỉ điểm: “gà Re vốn là gà rừng được đồng bào Hre thuần hóa cách đây hàng trăm năm; đồng thời lấy luôn tên của dân tộc mình đặt cho nó. Ở huyện miền núi Ba Tơ, Quãng Ngãi.” (Người sở hữu 300 con gà re quý hiếm, tác giả Công Xuân, theo báo Dân Việt).
Chân gà Re có 2 màu chì và vàng, trọng lượng khi trưởng thành khoảng 1.2 kg/con. Thời gian nuôi từ 7 - 12 tháng, lâu hơn 5 - 6 tháng so với gà bình thường. “Tuy có gốc từ gà rừng, thế nhưng bộ lông của gà Re không sặc sỡ, mà chỉ có 3 màu: đen, trắng ngà và nổ (đen xen trắng).” - Công Xuân.
Mặc dù, vóc dáng nhỏ thó hơn gà ta, nhưng nó cho thịt thơm ngon, chắc ngọt tựa gà rừng tơ. Cho nên, nó thường bị “khỏa thân”, trong lễ cúng Giàng trang trọng của đồng bào ở đây.
Thông thường gà ngon, đem chế biến càng đơn giản càng đúng điệu, nhằm níu giữ trọn vẹn dưỡng chất tinh nguyên. Theo đó, các món luộc chấm muối tiêu chanh hoặc nổ muối hột hay nướng mộc (mọi) chấm ớt xiêm xanh giã, đều ôm ấp một trời hân khoái.
Thế nhưng, hôm đó, bốn đứa chúng tôi đã “la đà cánh nhạn”, lại hứng trọn 2 - 3 đám mưa nặng hạt, từ ngã ba Long Thành (Đồng Nai) thẳng tiến về Nàng Tấm, nên đã có vài người hắt hơi + sổ mũi - nhuốm cảm lạnh.
Thấy vậy, thầy dạy bếp Nguyễn Xuân Vinh, ở quận 5, TP.HCM liền hiến kế: gà tộc rang nước mắm nhỉ!
Hình dáng gà Re không có gì đặc biệt, nhưng thịt nó thơm ngon động trời!
Mùi thơm của nước mắm ngon chấp chới gọi mời, khiến vài người trong nhóm suýt bị nghẹt mũi cũng dần tinh thông hơn. Một vài người kia, đang biếng ăn cũng dần háo hức lạ. Thật quả, từng miếng thịt gà tộc chắc ngọt đến ngẩn ngơ!
Đùi gà trông rắn rỏi, da vẻ vàng ươm thật hấp dẫn. Lớp thịt, có chỗ hơi cháy cạnh. Tất cả đều được “áo” gia vị vừa miệng, nên không cần thức chấm. Hao bia dễ sợ!
Bước thời gian chạy nước rút thật nhanh. Loáng cái, đã 15 phút trôi qua và nguyên con gà tộc thơm ngon từng cen-ti-mét, chỉ còn lại những mẩu xương vụn không thể nhai được nữa.
Có người vọt miệng kêu tiếp món cũ, song em gái áo vàng dịu dàng tư vấn: Còn món lẩu gà Thanh Xuân có một không hai khắp Sài Gòn nữa!
Thanh mát đến giọt cuối cùng, lẩu gà Thanh Xuân.
Thanh tân từng giọt lẩu
Ngặt nỗi, trong người đang dư chất gà trống, giờ lại nạp thêm mấy miếng thịt ức trắng tươi của “ẻm” mái tơ, không biết có… bất ổn không nữa. Đành hoãn binh: để mai tính!
Chiều hôm sau, nhóm tứ quái chúng tôi tiếp tục ghé thăm Nàng Tấm, quyết thực chứng xem tư vị món lẩu gà trẻ trung kia nó tươi mới đến độ nào.
Gần bốn giờ chiều, mưa lất phất nhẹ. Ngoài mặt ao, lũ cá tra, cá chim…hí hửng trồi lên, thi nhau đớp mồi quen, khuấy động mặt hồ. Hằng ngày, có người chèo xuồng rải thức ăn viên xuống, dưỡng gần chục tấn cá các loại trong ao. Nghe kể, có mấy con tra, chim đen nặng hơn chục ký/con.
Bao mát!
Nồi lẩu gà Thanh Xuân đang phì phò sôi. Mùi chua thơm đặc trưng của lá giang cặp đôi cùng hương mắm, tưng bừng lan tỏa, khiến dòng suối nước bọt trong vòm họng cựa mình cuộn trào.
Muỗng nước lẩu, chua thơm thanh dịu thật hấp dẫn. Khi chạy qua khỏi vòm họng, lại nghe trỗi dậy hậu vị ngòn ngọt (ngon ngót) lẫn bùi bùi thật độc đáo. Càng xì xụp càng mê say!
Thịt gà Bình Định thả vườn chắc, ngọt. Đặc biệt, để nguội, vẫn không nghe tanh cả nước lẫn cái.
Ngoài nước cốt chuối chát, vẫn còn một vài nguyên liệu bí mật mà nên thuốc khác, mới phối nên “bùa mê” nước lẩu này, đầu bếp Nguyễn Xuân Vinh hé lộ.
Chắt chiu từng cọng rau, sợi bún sạch.
Với lại, gà ở đây luôn được làm “nóng”, khách gọi đến đâu thì thợ bếp mới cắt cổ - cho vào máy vặt lông đến đó, nên độ tươi ngọt thật thuyết phục.
Ngoài sinh cảnh làng quê hữu tình, một số món ăn ở đây, còn phảng phất hương vị đặc trưng miền sơn cước Đông - Tây Bắc.
Thấp thoáng bóng núi, hương rừng
Ví dụ: món cá chim trắng hoặc đen nướng kiểu pa - pỉnh - tộp… Được biết, người Thái trắng ở rẻo cao, không chỉ giỏi trồng lúa nếp, tỉa lúa nương ở lưng chừng núi mà còn thạo cách nướng các loại cá suối (pa - pỉnh - tộp) ăn “ngậm mà nghe”. Như, đám cá dầm xanh, cá lăng…, đốt pa - pỉnh - tộp.
Dấu ấn riêng, của những món ngát thơm, mạnh bạo khai mở suối dịch vị tuôn trào này là, chuỗi hương vị nồng ấm, cay thơm dìu dặt. Nhờ, rất ít xác hạt dỗi (mùi vị vừa giống hồi, quế vừa phảng phất tinh dầu bạc hà) và hợp ca: mắc khén (tiêu rừng), sả củ, húng lủi, lá é trắng…, (cũng được giã nhuyễn hoặc đập giập để gia tăng tinh dầu) - chung tay góp sức.
Và lấp lánh những cọng bún đa sắc, được nhuộm màu lá cẩm, gấc tươi...
Nếu chưa thể “giao lưu”, bạn có thể chọn một vài món giao duyên khác: heo cắp nách (lợn lửng) nướng da giòn, ướp gia vị Tây Bắc. Vịt quay lu, dồn lá + hạt mắc mật. Lên mẹt.
Giao duyên
Có hôm, chúng tôi thử yêu cầu một món khác, chưa có trong thực đơn: cá dứa một nắng pa - pỉnh -tộp. Thế mà, đội ngũ đầu bếp ở đây, vẫn vui vẻ đáp ứng.
Khoảng 20 phút sau, cặp đôi cá dứa “không kịp thành khô” gập mình nhả khói thơm, “trườn” lên mẹt, chạy patin vùn vụt ra chòi số 4.
Để nguội vẫn thơm ngon, cá dứa một nắng pa-pỉnh-tộp.
Thử kẹp đũa “xốc nách” cá lên. Dùng muỗng, xắn mạnh tay được vài que thơm cỡ đầu ngón tay út người lớn, dài hơn lóng tay. Háo hức thám hiểm, nhẩn nha tận hưởng. Sướng thần khẩu tới nóc!
Nhờ nhóm gia vị tinh diệu vừa kể kiềm kẹp, nên “phẩm hạnh” miếng cá khô không hề trồi sụt đến tàn tiệc, gần hai tiếng rưỡi.
Chưa kể, môn câu cá vừa hào hứng vừa rẻ, tại đây.
Dễ dính nhất là, những trự cá chim đen háu ăn, nặng không dưới 2kg/con.
Sống trong nước sạch, cá chim đen cũng trắng da hơn.
Trải nghiệm dịch vụ câu cá
Thuê cần câu/ngày: tre 20.000 đồng; Cần máy 50.000 đồng.
Đồng giá 60.000 đồng/kg, với các loại cá câu được: chim đen, tra, trê…
Phụ thu chế biến món: 50.000 - 150.000 đồng/món/kg.
Món ngon nên dùng ở nhà hàng Nàng Tấm
+Rau rừng nướng ống tre
+ Lẩu gà Thanh Xuân
+ Gà tộc (Đê/Re) thích mộc: luộc, nổ muối hột, cháo…
+ Vịt xiêm phá lấu Nàng Tấm
+ Vịt trời om sấu
+ Heo cắp nách quay lu da giòn, gia vị Tây Bắc.
+Lươn um chuối + nghệ…
Giá tiệc sang gồm 4 - 5 món/10 người ăn, từ 1.7 - 2.9 triệu đồng/bàn.
Nhà hàng sinh thái & cafe sân vườn Nàng Tấm
(114/79/5 Tô Ngọc Vân, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Hotline : 096 756 22 49.
Hotline : 096 756 22 49.
Bài: Tấn Tri, Ảnh: Anh Yo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét