Ngoài hàng chục các hang động nổi tiếng đã được đưa vào đón khách như: Đầu Gỗ, Thiên Cung, Sửng Sốt… thì trên vịnh Hạ Long còn hàng trăm hang động và những hồ nước mặn nằm giữa vịnh tuyệt đẹp, không chỉ đẹp về cảnh quan, mà còn giàu giá trị về địa chất, địa mạo và hệ sinh thái đặc hữu. Quảng Ninh coi đây là “của để dành”, từng bước nghiên cứu đưa vào khai thác để phục vụ du khách, không chỉ cho những tour đơn thuần, mà tương lai có thể cho những tour khám phá mạo hiểm, nghiên cứu khoa học…
Độc đáo hồ giữa biển
Chỉ riêng trong vùng lõi vịnh Hạ Long đã có khoảng 30 hồ nước mặn độc đáo. Theo nghiên cứu, những hồ này, dân địa phương gọi là áng, được hình thành từ các hố sụt, phễu karst và thung lũng kín với các kích thước khác nhau, đáy cao trên 5m so với cốt bên ngoài. Vì thế, muốn tiếp cận phải trèo qua vách núi vây xung quanh.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, việc nghiên cứu các hồ nước mặn ở Việt Nam nói chung và vịnh Hạ Long nói riêng còn rất mới. Đến nay mới có 1 công trình liên quan đến lĩnh vực này, đó là dự án hợp tác Việt Nam – Italia, được thực hiện từ 2002-2004. Trong đó, qua khảo sát 2 hồ nước mặn Bù Xám, Áng Dù thuộc vịnh Hạ Long và một hang ngầm ở Cát Bà (Hải Phòng), các nhà khoa học phát hiện 12 loài hải miên mới cho Việt Nam, 1 loài mới cho khoa học và 1 loài sứa đặc hữu của hồ nước mặn. Kết quả trên chỉ mang tính chất thăm dò, nhưng cho thấy tại các hồ nước mặn còn ẩn chứa nhiều loài sinh vật, nhiều nguồn gen quý hiếm…
Vì thế, hiện, Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường biển nghiên cứu các giá trị của hồ nước mặn trên vịnh Hạ Long. Theo đó, sẽ tiến hành kiểm kê các hồ nước mặn; điều tra tổng thể về đa dạng sinh học trong từng hồ và lập hồ sơ từng hồ để phục vụ cho việc quản lý…
Phát hiện thêm 23 hang động mới
Trong đợt khảo sát, tìm kiếm cuối năm 2015, các chuyên gia Viện Khoa học địa chất-khoáng sản và Ban quản lý vịnh Hạ Long, với sự phối hợp của một số ngư dân, đã tìm ra 23 hang động mới.
Thực ra, với những ngư dân có nhiều đời gắn bó với vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, những hang động trên không quá xa lạ với họ bởi các thế hệ ngư dân đã từng chạy vào tránh bom, trú mưa nắng.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới chuyên môn chính thức tiến hành nghiên cứu, khảo sát công phu về những hang động trên.
Không được đẹp như những hang động đã được đưa vào khai thác du lịch, như Thiên Cung, Sửng Sốt, Đầu Gỗ…, nhưng khá nhiều các hang mới phát hiện được giới chuyên môn đánh giá cũng có giá trị cao về mặt khoa học, khảo cổ học, thẩm mỹ…
Chẳng hạn như hang số 5, thuộc khu vực đảo Bồ Hòn, gồm 3 khoang, trong đó có khoang rộng 400m2, với nhiều cột nhũ đá đẹp, dưới nền hang là tầng ốc nước ngọt – là di chỉ khảo cổ học về người Việt cổ. Hang số 8, thuộc khu vực hòn Giếng Tôi, là nơi dơi sinh sống khá nhiều. Hang số 9, thuộc khu vực Tùng Sâu, cửa khá rộng, nằm ở vách núi cao khoảng 20m so với mực nước biển, gồm 4 phòng, có 1 cửa thông sang hang Sửng Sốt, với tổng diện tích trên 500m2, nhiều cột nhũ đá đẹp, sạch, nhiều hình thái…Có khá nhiều hang, hiện tượng karst hóa hay các tinh thể canxi vẫn đang được tiếp tục.
Theo bà Lê Thị Thìn – Trưởng phòng Nghiệp vụ nghiên cứu, Ban Quản lý vịnh Hạ Long – một số hang động mới hoàn toàn có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem hang động nào thuận với các luồng, tuyến giao thông đường thủy nội địa và có thể kết hợp với các điểm tham quan hiện có mà tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo thì trình lên lãnh đạo Ban để Ban xin ý kiến cấp trên” – bà Thìn cho biết.
Như vậy, cùng với 23 hang động mới và 36 hang động được phát hiện trước đó, đến nay, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long có tổng cộng 59 hang động, trong đó mới đưa vào khai thác du lịch 19 điểm hang động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét