Từ hai bàn tay trắng, ông Hứa Vân đến Phan Thiết lập nghiệp. Bằng trí tuệ và ý chí, người đàn ông này đã dựng nên công ty rượu lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.
Ở Phan Thiết từ 1975 trở về trước hầu như ai cũng biết đến "công xi" rượu mang tên Nhiêu Bá, ở giáp chợ lớn Phan Thiết.
Cũng có thể nói, đến nay gần như ai cũng có lần bước chân vào hí viện Lilas hay còn gọi là rạp Lilas (nay là rạp 19/4).
Nhưng ít người biết đến ông chủ của nó, một người Hoa nghèo đến Phan Thiết lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
"Công xi" rượu
"Công xi" là kiểu phát âm của người Hoa với chữ Pháp "compagnie", nghĩa là công ty.
Người sáng lập của tổ chức sản xuất kinh doanh ngành rượu nổi tiếng của Việt Nam có từ năm 1902 này là một ông chủ người Hoa, tên Nhiêu Tấn Hiếu.
Công ty này có mặt hoạt động ở một số tỉnh miền Trung như: Phan Thiết, Phan Rang, Diên Khánh, Ninh Hòa...
Sau khi Nhiêu Tấn Hiếu mất, ông Nhiêu Bá kế nghiệp cha rồi lấy tên mình làm thương hiệu. Năm 1945, tình trạng lúa gạo khan hiếm, giá tăng cao bởi chính sách của phát xít Nhật - bỏ cây lúa, trồng cây công nghiệp.
Hậu quả là có gần 2 triệu người Việt Nam chết đói. Thiếu gạo nấu rượu, nhiên liệu đốt là củi ngày càng khó kiếm, công ty Nhiêu Bá gặp khó khăn, việc sản xuất kinh doanh đình trệ.
Ông Nhiêu Bá qua đời, không con nối dõi. Người em trai là Nhiêu Đức Nghị cùng 2 người em gái ở Hồng Kông được thừa hưởng di sản.
Vì không thể trực tiếp điều hành, quản lý nên họ quyết định cho Nhiêu Bá liên kết, sáp nhập với Hiệp Hội Các Lò Rượu Pháp ở Đông Dương - viết tắt là SFDIC (Société Française des Distilleries de l’Indochine).
Tổ chức này rất lớn mạnh, có nhà máy chưng cất rượu nổi tiếng ở Bình Tây, gần bến Lê Quang Liêm - Sài Gòn, có nhà máy xay lúa lớn nhất nhì Đông Dương.
Với lợi thế có sẵn nhiên liệu đốt là trấu, tấm gạo làm nguyên liệu, cùng với máy móc, kỹ thuật tiên tiến nên sản phẩm của SFDIC giá thành rẻ, rượu của họ được thị trường Đông Dương ưa chuộng.
Mặt hàng chủ yếu của SFDIC là rượu trắng. Ở nhà máy, họ chưng cất rượu đạt nồng độ từ 92 đến 95°, chở đến các chi nhánh rồi pha chế xuống còn 40° để bán ra cho các đại lý.
Tại Phan Thiết, công ty rượu Nhiêu Bá có mặt từ năm 1902, đến năm 1949 khi công ty rượu này bắt đầu gặp khó khăn thì ông Hứa Vân- một hiệu buôn người Hoa tại địa phương đã mua lại cơ sở cũ của Nhiêu Bá.
Sau đó, Nhiêu Bá sáp nhập vào SFDIC trở thành nhà phân phối rượu chính thức cho SFDIC tại Phan Thiết, La Gi, Phan Rang và Cam Ranh.
Ông Hứa Vân - người đứng hàng đầu, thứ 3 từ trái qua. |
Công ty rượu Nhiêu Bá của ông Hứa Vân tại Phan Thiết là một tòa nhà được xây dựng trên khu đất rộng 3.000 m2 tại đường Đinh Tiên Hoàng.
Tòa nhà này một mặt giáp đường Lý Thường Kiệt, một mặt giáp đường Lý Tự Trọng và mặt sau giáp với đường Ngô Sỹ Liên (nhìn ra chợ Phan Thiết).
Đây là một trong những tòa nhà đẹp nhất của Phan Thiết thời đó, mang kiến trúc của người Trung Hoa. Tường bằng gạch đất nung, dày 4 đến 6 tấc, hồ xây bằng vôi trộn với mật đường, mái lợp ngói âm dương.
Tòa nhà này làm khu nhà hành chính, giao dịch.
Rạp Lilas, nay là rạp 19/4. |
Phía sau là nhà ở của gia đình những người quản lý và các kho chứa rượu trong nhà thép tiền chế nhập khẩu từ Pháp.
Khung nhà này sau này được tận dụng làm nhà lồng chợ Phan Thiết, đến năm 2014 mới tháo dỡ để xây chợ Phan Thiết mới.
Một cổng lớn bên trái vào sân sau, dành cho xe vận tải chở rượu xuất, nhập.
Các kho chứa đầy các khạp sành rượu lớn, nằm san sát nhau, chỉ chừa các lối đi. Nồng độ ở các khạp rượu này luôn trên 40°. Rượu được đong bằng một ca kim loại 10 lít, trên thân có ghi vạch chia đơn vị.
Rượu của công ty Nhiêu Bá có mặt khắp các hang cùng ngõ hẻm. Do nhà nước cấm người dân sản xuất rượu, chỉ cho phép rượu của SFDIC tức công ty rượu Nhiêu Bá phân phối nên hầu như người thời đó có dịp uống rượu đều dùng loại rượu của công ty này.
Sau gần 3 thập kỷ tồn tại, đến năm 1975 công ty này mới chấm dứt hoạt động.
Chuyện về ông chủ công ty rượu
Từ cuối thế kỷ 17, cùng với những cuộc di dân từng đợt của người Hoa đi tìm đất lập nghiệp, một bộ phận người Hoa đã dừng chân ở cửa biển Phú Hài, trải dài đến Hàm Nhơn (thị trấn Phú Long, Bình Thuận ngày nay).
Nơi đây hình thành một cửa biển buôn bán, trao đổi sầm uất với thương thuyền nước ngoài.
Trường Kiến Anh (nay là trường THCS Trần Phú), nơi ông Hứa Vân đã đóng góp hơn 50% kinh phí để xây dựng. |
Do hoàn cảnh lịch sử và những cuộc di dân ngày càng đông, người Hoa chuyển dần về Phan Thiết và sống tập trung ở các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo...
Người đến trước hướng dẫn, giúp đỡ người sau. Theo ông Tô Đạt Bửu - Trưởng BQL Quan đế Miếu, cho biết, ban đầu người Hoa chủ yếu làm nông và ngư nghiệp nhưng sau đó chuyển hẳn sang thương mại.
Từ những năm 1932, giai đoạn đầu mới thành lập chợ Phan Thiết thì người Hoa buôn bán ở chợ là chính. Trong số những sạp hàng người Hoa đầu tiên ấy có gia đình họ Hứa thuộc gốc Tiều.
Họ khởi nghiệp với một sạp tre nhỏ bán nhang, nến, dầu phộng đốt đèn và một vài thứ tạp hóa khác. Được vài năm thì người cha, người đã gồng gánh đưa cả gia đình họ Hứa sang Việt Nam, vĩnh viễn ra đi.
Mọi việc trong nhà dồn cả vào đôi vai của người con trai hiền lành nhưng tháo vát tên Hứa Bộ Vân. Khi ấy Hứa Bộ Vân chỉ tròn 17 tuổi.
Ông Hứa Vân đứng ra vận động tài chính và đóng góp hơn 50% xây dựng tượng Phật Bà Quan Âm ngay trước chùa Phật Ân ngày nay (Tỉnh hội phật giáo tỉnh Bình Thuận). |
Với bản tính cần cù, chăm làm và đặc biệt có khiếu kinh doanh, chỉ một thời gian sau chàng thanh niên người Hoa đó đã phát triển sạp hàng của gia đình thành một hiệu buôn có đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm thời đó.
Năm 1949, chàng trai họ Hứa quyết định dốc toàn bộ vốn liếng và mượn thêm của nhiều người bạn mua lại cơ sở cũ của công ty rượu Nhiêu Bá.
Vì đang còn khó khăn nên chủ cũ bán rẻ và đến khi công ty Nhiêu Bá sáp nhập vào SFDIC thì công ty rượu Nhiêu Bá do anh làm chủ trở thành nhà phân phối độc quyền khắp vùng Bình Thuận.
Chỉ một thời gian không lâu sau đó, cái tên Hứa Bộ Vân mà người dân thường gọi tắt là Hứa Vân (người Việt thường gọi là Hứa Văn) được giới thương gia biết đến như một ông chủ người Hoa làm ăn uy tín, hiệu quả.
Tiếng tăm, vốn liếng và hệ thống phân phối của Hứa Vân đã thắng trong các cuộc đấu xảo giành quyền kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu được chính quyền quản lý rất chặt thời ấy.
Từ 1950 - 1970, Hứa Vân được chính quyền cấp quota độc quyền kinh doanh lúa gạo, đường, thuốc lá..., những mặt hàng được nhà nước quản lý và chỉ giao cho 1 doanh nghiệp tại địa phương kinh doanh, phân phối.
Không chỉ kinh doanh ở Phan Thiết ông Hứa Vân đã mở rộng mạng lưới kinh doanh từ Cam Ranh trở vào đến Sài Gòn.
Tại Phan Rang ông cũng mở công ty rượu Nhiêu Bá và hãng nước đá Bửu Sơn lớn nhất Ninh Thuận.
Chuyện tình đại gia Bình Thuận và người đẹp Hồng Kông nức tiếng
Sau nhiều năm buồn bã khi người vợ đầu sang Pháp và có gia đình với người khác, trong một chuyến công tác tại Hồng Kông, Hứa Vân tình cờ gặp một người con gái trẻ mang tên một loài hoa rất đẹp, Lilas.
Bang trưởng uy tín
Đối với cộng đồng người Hoa, ngoài công việc buôn bán làm ăn, lo đời sống kinh tế hàng ngày, để duy trì đời sống tín ngưỡng, họ đã lập các hội quán của từng bang.
Người Hoa ở Phan Thiết có 4 bang hội lớn là: Quảng Triều, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam.
Ông Hứa Vân - người đứng hàng đầu, thứ 3 từ trái qua. |
Mỗi bang có một người đứng đầu, rồi sau đó cả cộng đồng chọn bầu một người đứng đầu tứ bang gọi là lý sự trưởng để đại diện cho cộng đồng.
Giai đoạn từ 1954 - 1975, ông Hứa Bộ Vân được tín nhiệm bầu làm Lý sự trưởng đứng đầu cộng đồng người Hoa tại Bình Thuận.
Thực hiện trọng trách của mình, về kinh tế ông giúp đỡ nhiều người làm ăn, phát triển kinh doanh, hỗ trợ vốn không lấy lãi cho người nghèo.
Trong cộng đồng người Hoa trước 1975, hiệu buôn hay cá nhân nào muốn vay vốn từ ngân hàng Việt Nam Thương Tín đều phải có chữ ký bảo lãnh của ông Hứa Vân thì ngân hàng mới cho vay.
Về giáo dục, ông cũng đã chú ý đến việc học hành của con em người Hoa thông qua việc vận động tài chính để xây dựng trường Kiến Anh ( nay là trường THCS Trần Phú ), bản thân ông đã đóng góp hơn 50% kinh phí để xây dựng ngôi trường khang trang này.
Trường Kiến Anh (nay là trường THCS Trần Phú), nơi ông Hứa Vân đã đóng góp hơn 50% kinh phí để xây dựng. |
Ông cũng chủ trì xây dựng lại các hội quán đẹp đẽ hơn. Năm 1973, ông đứng ra vận động tài chính và đóng góp hơn 50% xây dựng tượng Phật Bà Quan Âm ngay trước chùa Phật Ân ngày nay ( Tỉnh hội phật giáo tỉnh Bình Thuận ).
Hí viện Lilas và mối tình mang tên loài hoa Tử đinh hương
Sau nhiều năm buồn bã khi người vợ đầu sang Pháp và đã có gia đình với người khác, trong một chuyến công tác tại Hồng Kông, Hứa Vân tình cờ gặp một người con gái trẻ mang tên một loài hoa rất đẹp, Lilas.
Lilas hay còn gọi là hoa Tử đinh hương, là loài hoa tượng trưng cho sự dịu dàng, cho tình yêu.
Tử đinh hương, yếu đuối và mong manh nhưng một khi nó đã nở hoa, hoa của nó sẽ mãi mãi in sâu trong trái tim của những người nhìn thấy.
Quả thật, tâm hồn tưởng như đã khô cằn sau nhiều năm cô đơn của người đàn ông đã được cô gái ấy tưới mát. Người đàn ông cục mịch vốn quen với việc kinh doanh đã ngất ngây với giọng hát, tiếng đàn, vẻ đẹp thanh xuân và sự hiền dịu của cô gái.
Đánh bạo làm quen và không biết bao nhiêu lần từ Việt Nam sang Hồng Kông, người con gái ấy mới đồng ý theo ông về Việt Nam để nên vợ nên chồng.
Có vợ có chồng và hạnh phúc trong tình yêu thương, công việc làm ăn của ông ngày càng phát đạt.
Rạp Lilas, nay là rạp 19/4. |
Hứa Vân vốn quen với việc kinh doanh thương mại nhưng thương vợ là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ông đã chiều lòng bà xây dựng một rạp hát để biểu diển nghệ thuật và chiếu phim tại Phan Thiết.
Năm 1972, một rạp hát hiện đại, sang trọng bậc nhất Bình Thuận ra đời ở khu trung tâm Phan Thiết trên đường Nguyễn Du mang tên “Hí viện Lilas” (nay là rạp 19/4).
Rạp được trang bị hệ thống cửa cuốn, ghế ngồi bọc nệm, màn sân khấu tự cuốn mở hiện đại, hệ thống âm thanh tiêu chuẩn nhà hát, hệ thống máy chiếu phim nhựa, máy phát điện công suất 56KVA,... tất cả đều được nhập khẩu từ nước ngoài về.
Đặc biệt cho đến ngày nay những người vào rạp này đều nhìn thấy hai bên tường của khán phòng có nhiều bông hoa lilas cách điệu bằng đèn neon sign có màu tím, lá xanh rất đẹp và sang trọng.
Bức tranh thiếu nữ vui xuân của ông Hứa Văn tặng vợ năm 1972 hiện nay vẫn được treo tại rạp 19/4. |
Có thể nói Hí viện Lilas Phan Thiết là một trong những rạp hát lớn nhất miền Nam thời đó. Ban đầu mục tiêu của rạp là tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật là chính nhưng những năm 70 trào lưu điện ảnh Hong Kong gần như thống lĩnh hoạt động giải trí của người dân.
Những bộ phim võ hiệp cùng những tên tuổi Lý Thanh, Lăng Ba, Miêu Khả Tú, Trịnh Phối Phối... hoặc vẻ điển trai, oai vệ của Địch Long, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long... đã thu hút khán giả mọi lứa tuổi.
Là người Hong Kong, bà Lilas đã liên hệ với các hãng phim và trực tiếp nhập khẩu phim ngay khi vừa sản xuất tại Hong Kong về Phan Thiết chiếu.
Bức phù điêu khổ lớn biểu tượng cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của hí viện Lilas phía trước rạp. |
Nhiều phim rạp Lilas chiếu trước cả các rạp lớn lại Sài Gòn cả tháng trời. Rạp sáng đèn với suất chiếu đầu tiên lúc 8 giờ sáng kết thúc lúc 10 giờ đêm nhưng ngày nào cũng đông nghịt người xếp hàng mua vé vào xem. Năm 1975 ông bà Hứa Vân tiến hành làm thủ tục mua lại rạp Ánh Sáng ở Ngã Bảy (Phan Thiết).
Sau năm 1975, ông bà Hứa Vân được Hiệp Hội Các Lò Rượu Pháp ở Đông Dương (SFDIC) bảo lãnh sang Pháp sinh sống và mất cách đây hơn 10 năm, hưởng thọ 83 tuổi.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Hứa Vân vẫn được người Hoa ngày nay nhắc đến như là một biểu tượng của sự cần cù, vượt khó vươn lên và những đóng góp đáng ghi nhận cho cộng đồng người Hoa nói riêng và Phan Thiết nói chung.
Lê Huân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét