Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Trần Thủ Độ là cháu ngoại vua Lý, sinh tại nước Kim?


Tuy không được học hành đầy đủ nhưng Trần Thủ Độ vì được sống và trưởng thành ở nước Kim nên hiểu rất rõ quân Nguyên Mông, biết chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng, và tìm ra được cách đánh thắng chúng cho nên khi chúng kéo quân sang đánh nước ta thì nhiều kẻ lo sợ muốn đầu hàng, nhưng Trần Thủ Độ lại mạnh mẽ trả lời trước Hoàng đế Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”
Trần Thủ Độ là nhân vật đặc biệt trong lịch sử nước ta khi là người có vai trò to lớn trong việc chuyển giao ngai vàng từ họ Lý sang họ Trần. Tranh cãi về các hành động của Trần Thủ Độ trong lịch sử rất lớn nhưng đến giờ, đa phần đều phải thừa nhận ông là người có công lớn trong việc giúp đất nước giữ nền độc lập. Hành động, lời nói của Trần Thủ Độ đều được ghi lại khá rõ trong lịch sử nhưng thân thế của ông lại không được sử ghi chép nhiều.
Những gì mà các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm Định Việt sử thông giám cương mục ghi lại chỉ cho biết Trần Thủ Độ là em họ của Thái Tổ Trần Thừa và khiến đời sau tin rằng Trần Thủ Độ đương nhiên là cháu nội của Trần Háp (hay Trần Hấp). Gần đây, có tài liệu cho rằng thân sinh Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị nhưng đã bị hậu duệ họ Trần phản ứng dữ dội vì cho rằng Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật.
Theo trang web của gia tộc họ Trần (donghotrannguyenhan) thì Trần Hấp không phải là ông nội của Trần Thủ Độ mà Trần Hấp là anh ruột của Trần Tự Duy và Trần Tự Duy mới là ông nội của Trần Thủ Độ. Cụ thể, Trần Hấp ở đất Thái Đường sinh ra Trần Lý. Trần Lý lại sinh ra các con Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam Nương.
Người em là Trần Tự Duy ở đất Lưu Xá bên cạnh (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh ra Trần Thủ Huy, Trần Thủ Huy lại sinh ra Trần Thẩm (tước An Quốc Vương) và Trần Thủ Độ. Như vậy nếu xét từ đời Trần Tự Kinh thì Trần Tự Hấp thuộc cành trưởng, Trần Tự Duy thuộc cành thứ. Đến đời Trần Thừa và Trần Thủ Độ là quan hệ anh em nhưng khác cành hay nói cách khác là anh em chung cụ nội (Trần Kinh) chứ không phải chung ông nội Trần Hấp.
Trang web của gia tộc cũng dẫn câu chuyện trong cuốn "Phật hoàng Trần Nhân Tông, tác giả Trần Trương, nxb Văn hóa - Thông tin 2009" để đưa ra thông tin: "Trần Thủ Huy vốn là một trang nam nhi tuấn tú và dũng mãnh. Gặp người bị nạn, Thủ Huy đã ra tay cứu giúp. Không ngờ người đó lại là vị thái tử nhà Lý tên là Lý Long Xưởng. Thái tử mang ơn kết tình huynh đệ với Thủ Huy. Thủ Huy giúp Lý Long Xưởng dẹp loạn trừ gian trong hoàng tộc nhà Lý nên được vua gả công chúa Đoan Nghi, trở thành phò mã có quyền, có chức trong triều đình".
Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1174), Thái tử Lý Long Xưởng phạm tội với vua cha là Lý Anh Tông, bị vua cha phế truất làm thứ nhân và bắt giam (Long Xưởng thông dâm với cung phi của vua, vua không nỡ bắt tội chết). Vì thế những người thân tín của Long Xưởng đều bị loại trừ. Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi bị đẩy đi sứ nước Kim, nước Liêu (thực ra thời điểm 1174 thì nước Liêu đã bị Kim tiêu diệt) không có ngày về. Trần Thủ Độ lớn lên được gửi về nước ở với bác là Trần Lý, sau đó cùng bác Trần Lý khởi nghiệp nhà Trần.
Đồng thời phân tích đánh giá: Điều này thấy là rất hợp lý bởi Trần Thủ Độ thường nói: “Ta không biết chữ nghĩa gì” có nghĩa là ở với cha mẹ tại nước Kim thì không có điều kiện học hành như ở trong nước, mà chỉ được cha mẹ dạy dỗ ở nước ngoài mà thôi. Lớn lên, Trần Thủ Độ được gửi theo đoàn liên lạc ngoại giao về nước ở với bác là Trần Lý rồi tham gia khởi nghiệp nhà Trần. Khi phải đi sứ như vậy thì Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi gửi con trai Trần Thẩm ở lại nhờ bác Lý nuôi dạy.
Và cũng theo đó, tuy không được học hành đầy đủ nhưng Trần Thủ Độ vì được sống và trưởng thành ở nước Kim nên hiểu rất rõ quân Nguyên Mông, biết chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng, và tìm ra được cách đánh thắng chúng cho nên khi chúng kéo quân sang đánh nước ta thì nhiều kẻ lo sợ muốn đầu hàng, nhưng Trần Thủ Độ lại mạnh mẽ trả lời trước Hoàng đế Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.
Tài liệu của TS. Trần Hoàng Bách trên trang của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thái Bình cũng có chi tiết tương đồng khi dẫn chi tiết hơn: Theo gia phả của con cháu Trần Ích Tắc tại Trung Quốc, thì Trần Thủ Huy là một tướng giỏi đời vua Lý Anh Tông, nên được nhà vua giả công chúa Lý Đoan Nghi làm vợ. Công chúa Lý Đoan Nghi là con của vua Lý Anh Tông với bà thần phi Bùi Chiêu Dương, nên Trần Thủ Độ là cháu ngoại vua Lý Anh Tông, là con của Phò mã Trần Thủ Huy và Công chúa Đoan Nghi (con vua Lý Anh Tông).
Đáng tiếc là chúng ta không có nhiều sử liệu hơn để củng cố thông tin về việc Trần Thủ Độ chính là cháu ngoại của vua Lý Anh Tông. Đây là một giả thuyết được hậu duệ họ Trần ngày nay khá tin tưởng.
Nếu có thêm sử liệu để chứng minh thực sự Trần Thủ Độ là cháu ngoại của vua Lý Anh Tông thì chúng ta sẽ lại phải hoài nghi chi tiết được ghi trong chính sử là Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Nếu Trần Thủ Độ là cháu ngoại của Lý Anh Tông thì đâu có thể tuyệt tình với họ mẹ như vậy.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép là: (Năm1232)… Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.
Tuy nhiên, không phải cái gì sử chép là chúng ta có thể tin ngay mà cần thử suy nghĩ theo hướng khác, hợp lý và nhân văn hơn. Đó phần chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp ở các bài sau.

Các tổ tông đời trước Trần Thái Tông

Trần Tự An sinh ra Trần Tự Mai
Trần Tự Mai sinh ra Trần Tự Kinh (sau được truy tôn là Mục Tổ hoàng đế)
Trần Tự Kinh sinh Trần Hấp (sau được truy tôn là NinhTổ hoàng đế)
Trần Hấp sinh ra Trần Lý (sau được truy tôn là Nguyên Tổ hoàng đế)
Trần Lý sinh ra Thái Tổ Trần Thừa
"Họ Trần dòng thống tôn có chữ đệm là “Tự” cư ngụ ở Kinh Bắc, truyền đến đời Trần Tự An (1010 - 1077) mỗi ngày thêm hiển hách trong giới võ lâm của Đại Việt. Để phân biệt với các võ phái khác, Tự An đặt tên cho võ phái của mình là Đông A, triết tự chữ “Trần” ra hai chữ “Đông” và “A” mà thành. Thời ấy ở Đại Việt ta có ba võ phái nổi danh: võ phái Lĩnh Nam xuất phát từ đất Mê Linh sau lưu truyền quanh vùng Tam Đảo - Ba Vì; võ phái Hoa Sơn xuất phát ở Kinh Bắc rồi lan truyền ra Thăng Long và các vùng phụ cận và võ phái Đông A của Tự An. Ba võ phái trên đều tràn đầy lòng tự tôn dân tộc, nhưng có sự khác nhau về hệ tư tưởng, lại muốn thống trị giới võ lâm cả nước nên mâu thuẫn khá gay gắt. Phái Lĩnh Nam sùng bái đạo Lão. Hai phái Hoa Sơn và Đông A cùng xuất phát ở Kinh Bắc, nhưng Hoa Sơn theo Phật giáo Nghiêm Hoa tông, còn Đông A theo Phật giáo Thiền tông. Phái Hoa Sơn thuộc hoàng tộc họ Lý nên đương nhiên lấn át phái Lĩnh Nam và Đông A về nhiều phương diện. Thế nhưng Đông A với sự dìu dắt của Trần Tự An hồi ấy có “Côi Sơn tam anh” là ba nhân vật võ công lừng lẫy: Thanh Mai, Tự Mai và Thông Mai.
Trước khi qua đời, Tự An khuyên con trai Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường Đông A đi nơi khác, tránh sự xung đột với phái Hoa Sơn, có hại cho sự nghiệp chung của võ lâm Đại Việt. Lúc đầu Tự Maichuyển đến ở Đông Triều - Chí Linh, sau đến đời con (khoảng cuối thế kỷ XI) là Trần Tự Kinh chuyển đến dừng chân ở Tức Mạc với hai người con trai rất giỏi võ là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy. Về cuối đời, ông nghe theo lời của con trưởng Tự Hấp chuyển hẳn về đất Thái Đường, định cư lâu dài, có nhiều ân đức với dân trong vùng. Đến đời Tự Hấp kế tục làm trưởng môn phái võ Đông A, thanh thế họ Trần đã rất lớn".
theo TS. Trần Hoàng Bách
Anh Tú

Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong 'vụ thảm sát người họ Lý'

Cảnh trong phim 'Thái sư Trần Thủ Độ'
Ngay cả trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên cũng tỏ ra nghi ngờ về sự kiện thảm sát họ Lý nên để ngỏ ý kiến cho hậu thế phán xét như sau: Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây.

Theo như giả thuyết mà chúng tôi đề cập trong số trước, Trần Thủ Độ có thể là cháu ngoại của vua Lý Anh Tông nên khó có chuyện ông lại tuyệt diệt hết người họ ngoại nhà mình. Người Việt Nam vốn trọng họ ngoại chẳng kém gì họ nội nên trong sử sách hầu như không có chuyện chỉ biết họ cha mà quên họ mẹ. Cuối đời Lý, đầu nhà Trần, ảnh hưởng của Nho giáo (vốn đặt nặng quan hệ phụ hệ) với người Việt không lớn trong khi ảnh hưởng của tư tưởng mẫu hệ từ dân gian vẫn còn rất mạnh. Vậy tại sao trong chính sử lại đề cập chuyện Trần Thủ Độ thảm sát họ Lý?
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 8 (năm 1232), gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tông thất nhà Lý. Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết".
Chi tiết này có vẻ phù hợp với phát ngôn được cho là của Trần Thủ Độ với Lý Huệ Tông: "Nhổ cỏ nhổ tận gốc". Thế nhưng, nếu đối chiếu với một sự kiện trước đó thì chúng ta lại thấy khó có chuyện Trần Thủ Độ phải thanh toán nhà họ Lý. Bằng chứng là cũng theo chính sử Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thì vào năm 1226, ngay khi Trần Cảnh vừa lên ngôi thay Lý Chiêu Hoàng đã "Đem bọn cung nhân và con gái tôn thất nhà Lý gả cho các tù trưởng người Mán".
Đây là nhà Trần muốn học theo cách của nhà Lý dùng hôn nhân để ban ân, mua lấy sự trung thành của các tù trưởng miền sơn cước. Từ 1226 đến 1232 là 6 năm, một khoảng thời gian ngắn. Nếu nhà Trần mà giết sạch tôn thất họ Lý thì chẳng quá gây thù chuốc oán với các thế lực vùng sơn cước vốn có quan hệ hôn nhân với nhà Lý hay sao? Thay vào đó, nhà Trần càng phải đối xử tử tế với người họ Lý để tiếp tục duy trì giao hảo với các thủ lĩnh miền núi.
Ngay cả trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên cũng tỏ ra nghi ngờ về sự kiện thảm sát họ Lý nên để ngỏ ý kiến cho hậu thế phán xét như sau: Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây.
Và trên thực tế, trong danh sách các trạng nguyên của nước ta thì chỉ có một người mang họ Lý. Người đó là Lý Đạo Tái, sinh 1254, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 thời vua Trần Thánh Tông và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu với pháp danh Huyền Quang, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ. Mãi đến 1334 thời vua Trần Hiến Tông, ông viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả. Sở dĩ kể dông dài chuyện về Lý Đạo Tái như thế là để thấy nhà Trần cũng đâu xét chuyện lý lịch để cản đường công danh của người họ Lý mà còn trọng dụng là đằng khác.
Thực sự nhà Trần không cần thiết phải xử lý người họ Lý khi ấy vì thời điểm chuyển giao quyền lực là lúc họ đang cần thu phục nhân tâm, bao gồm cả các thủ lĩnh miền sơn cước lấy con gái họ Lý. Hơn nữa, những người họ Lý khi ấy trong tông thất đều là họ rất xa. Lý Huệ Tông thì không có con trai mà các anh em của Lý Huệ Tông thì đã bị mẹ của Lý Huệ Tông là Đàm Thái hậu ép chết để con trai bà khỏi bị cạnh tranh ngôi báu. Có người đủ địa vị và uy tín nhất thời ấy là hoàng tử Lý Long Tường thì đã rời nước Việt năm 1226. Xét ra, không ai có đủ khả năng cạnh tranh ngôi vua của Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoàng trao vào thời điểm 1232 về cả chính danh và thực lực (mãi đến 1237 Lý Chiêu Hoàng mới bị truất) nên nhà Trần không cần phải tận sát họ Lý làm xáo trộn nhân tâm, mua khó vào mình.
Vậy tại sao lại có chi tiết Trần Thủ Độ cho thảm sát trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư? Phải biết rằng người chép sử thời Trần là Lê Văn Hưu rất tài giỏi và ông chép ra bộ Đại Việt sử tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. Thế nhưng khi nhà Minh xâm lược nước ta thì đã lấy hết sách sử mang về nước rồi thất lạc. Về sau nhà sử học Ngô Sỹ Liên soạn lại sử thì cũng không được bản gốc và có nhiều chỗ dựa vào giai thoại dân gian chép lại để hậu thế tự suy ngẫm. Ngay đoạn Trần Thủ Độ thảm sát họ Lý thì Ngô Sỹ Liên cũng hoài nghi và ghi chú như trên.
Còn các giai thoại được truyền trong dân gian khi ấy có tinh thần chỉ trích nặng nề Trần Thủ Độ là vì sao? Có thể thời gian trước nhiều người vẫn tưởng nhớ họ Lý hay dư đảng của Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn sẵn vì oán hận Trần Thủ Độ nên thêu dệt những câu chuyện để làm khó Thái sư nhà Trần. Hoặc một giả thuyết khác là cuối thời Trần, người đời chán ghét Hồ Quý Ly chuyên quyền nên dùng giai thoại lên án Trần Thủ Độ để chửi xéo Hồ Quý Ly. Dẫu gì thì Hồ Quý Ly cũng hành xử cứng rắn giống Trần Thủ Độ và cũng đã sát hại gần hết tông thất nhà Trần để dọn đường cướp ngôi sau này.
Trong bộ sử đề cập về đầu nhà Trần là An Nam chí lược của Lê Tắc có ghi chuyện liên quan đến họ Lý như sau: Lý Chiêu Hoàng lên ngôi được một năm, trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi ra họ Nguyễn để dứt lòng dân trông nhớ. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn.
Trong chi tiết này, có thể tin Lê Tắc ghi khá công bằng vì ông ở nước ngoài không bị chi phối bởi các thế lực liên quan đến việc chuyển giao Lý - Trần, khi chép sử. Một mặt, Lê Tắc vừa nói vụ nhà Trần ép người họ Lý phải đổi họ, nhưng mặt khác vẫn ghi chuyện người họ Lý được tế tự đến nay (nay tức là thời Trần Minh Tông - thời điểm Lê Tắc viết An Nam chí lược, mà người họ Lý vẫn còn được đến tông miếu thờ cúng). Hoàn toàn không có chi tiết nào cho thấy là Trần Thủ Độ thảm sát người họ Lý hết.
Ngày nay, chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn về lịch sử thời xưa nên Trần Thủ Độ đã được tạc tượng, đặt tên đường. Tuy nhiên, nếu để những chi tiết mơ hồ khiến người bây giờ và cả con cháu sau này có những suy nghĩ định kiến về Trần Thủ Độ thì có lẽ chúng ta vẫn mắc nợ với tiền nhân. Trong lúc chờ có những sử liệu chính xác đáng tin thì những người có tâm với lịch sử cần nêu ra những ý kiến để mọi người có suy nghĩ nhân văn và logic hơn về con người, sự kiện có ảnh hưởng trong quá khứ của dân tộc.
Anh Tú

Về lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần: Giai thoại vụng về?

Trong ân oán giữa nhà Lý và nhà Trần thì câu chuyện về lời nguyền của Lý Huệ Tông trước khi tự sát tạo ra nhiều "ám ảnh". Ám ảnh là bởi chính sử sau đó dường như chứng minh lời nguyền của Lý Huệ Tông đã ám ảnh vào con cháu vua Trần. Nhưng độ xác thực của nó thì có lẽ cần phải xem lại.
Sử chép: "(năm 1226) Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, thường ngồi xổm nhổ cỏ ở trước cửa chùa. Thủ Độ đi qua trông thấy, nói: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu". Thượng hoàng đứng dậy, xoa tay, nói: "Lời của anh nói, ta đây biết rồi". Sau Thượng hoàng ra chơi chợ cửa Đông, nhân dân ganh nhau chạy ra xem, có người động lòng thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người tưởng nhớ đến vua cũ, sẽ sinh ra sự biến loạn chăng, nên lại càng canh giữ dò xét nghiêm mật hơn trước. Đến nay, Thủ Độ sai người đem hương hoa đến dâng và nói rằng: "Quan Thượng phụ có lời trần thỉnh". Lý Thượng hoàng giận lắm, nói rằng: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Rồi vào buồng ngủ, khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế". Nói rồi liền thắt cổ ở vườn sau chùa. Thủ Độ bắt các quan đến khóc viếng, đào tường phía nam thành để làm cửa, di chuyển cữu ra phường An Hoa, dùng phép hỏa hóa, còn hài cốt thì đem chôn cất ở tháp chùa Bảo Quang".
Cũng theo chính sử, cuối thế kỷ 14 thì vua Trần Thuận Tông đã phải rơi vào cảnh hệt như Lý Huệ Tông. Năm 1398, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông ngường ngôi cho Thái tử Trần An với cớ Thuận Tông có vấn đề về thần kinh, lên làm Thái thượng hoàng và khuyên ông đi tu theo Đạo giáo, giống như Huệ Tông sau khi bị bệnh về thần kinh bị người nhà Trần ép phải nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng. Chiếu nhường ngôi của Trần Thuận Tông viết:
"Trẫm trước vốn mộ đạo, không có bụng làm vua, không có đức mà tạm giữ ngôi thực khó làm nổi. Huống chi bệnh thần kinh thường phát ra, thờ cúng và chính sự đều không làm được. Lời thề nguyền trước trời đất quỷ thần đều nghe. Nay nên nhường ngôi để vững nghiệp lớn, hoàng thái tử Án có thể lên ngôi hoàng đế. Phụ chính thái sư Lê Quý Ly là quốc tổ nhiếp chính. Trẫm tự làm thái thượng nguyên quân hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa chí xưa".
Tháng 4, năm 1399, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông phải đi tu đạo ở quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thuỷ. Quý Ly ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông nom coi sóc. Thuận Tông hỏi Cẩn: "Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?". Cẩn không nỡ nói rõ. Quý Ly làm thơ bảo Cẩn rằng: "Nếu nguyên quân không chết, thì nhà ngươi phải chết". Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết.
Câu chuyện Lý Huệ Tông và Trần Thuận Tông giống nhau từ hoàn cảnh đến kết cục. Hoàn cảnh là 2 vị vua đều mất quyền lực và bị bức nhường ngôi rồi phải đi tu. Kết cục là cả 2 vị nguyên quân sau khi đi tu đều không thoát khỏi cảnh phải chết sớm. Lý Huệ Tông mất năm 32 tuổi còn Trần Thuận Tông mất năm 22 tuổi.
Trước sự trùng hợp như vậy được ghi chép trong chính sử thì hậu thế đều tin rằng lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần là linh ứng. Trong tâm lý người Việt thì rất tin chuyện quả báo nên không mấy ai hoài nghi về tính xác thực trong việc Lý Huệ Tông ra lời nguyền với nhà Trần.
Trở lại câu chuyện Trần Thủ Độ đối xử với Lý Huệ Tông thời điểm 1226. Việc Trần Thủ Độ canh phòng nghiêm ngặt Lý Huệ Tông là điều dễ hiểu, thậm chí bức tử vị thượng hoàng nhà Lý cũng không lạ khi đó là mối lo hàng đầu trong việc giữ ngôi vua cho họ Trần. Nhưng chi tiết Lý Huệ Tông khấn nguyền họ Trần trong phòng ngủ mà đưa vào sử thì thật bất bình thường. Đơn giản trong buồng kín, lời khấn thầm đó làm sao lọt ra ngoài. Hơn nữa, có ai thính tai nghe thấy cũng đâu dám nói đến tai sử quan chuyện mang vạ vào thân này. Suy cho cùng đó cũng chỉ là những chuyện dân gian được ghi vào sử mà không ghi chú rõ để hậu thế dễ coi là thực. Điều này cũng giống như câu chuyện mà trước đó chúng tôi đã nêu trong bài viết minh oan cho Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Câu chuyện sử chép "như thật": "Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng: "Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được!". Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần Quốc Tuấn đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người can ngăn, nói: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan, chúng tôi mong học được như người mổ dê tên là Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước". Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.
Có lần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn rằng: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?". Quốc Nghiễn thưa rằng: "Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ". Quốc Tuấn rất lấy làm phải; sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói: "Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ". Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng: "Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra". Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiễn vội chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiễn rằng: "Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc".
Tuy nhiên, chúng tôi bác bỏ tính xác thực của sự kiện này vì những câu chuyện cha con riêng tư nhạy cảm (giữa An sinh vương Trần Liễu với Hưng Đạo vương và giữa Hưng Đạo vương với 2 người con) như vậy thì đâu có thể lọt ra ngoài để vào trang sử. Nếu thực sự có chuyện lọt ra như vậy thì làm gì có chuyện sau này Quốc Tảng được trọng dụng là trụ cột của triều đình.
Những câu chuyện lời khấn nhỏ của Lý Huệ Tông nơi phòng ngủ hay lời bàn riêng của cha con Hưng Đạo vương có lẽ chỉ là những giai thoại dân gian tồn tại thời kỳ cuối nhà Trần được các sử gia nhà Lê ghi vào. Giai thoại lời nguyền của Lý Huệ Tông rất có lợi cho Hồ Quý Ly vì nó cho thấy việc nhà Trần mất ngôi cũng giống như cái giá của chuyện nhân quả. Có thể tin rằng khi nhà Trần hưng thịnh thì giai thoại như vậy khó tồn tại và càng không thể được đưa vào sử sách. Liệu giai thoại đó có phải người của Hồ Quý Ly thời kỳ mạt Trần tung ra để mê hoặc nhân tâm không?
Và giai thoại đó cũng rất có lợi cho nhà Lê. Khi Lê Thái Tổ đánh bại quân Minh lập triều đình thì nhà Lê cũng e ngại có nơi còn nhớ đến nhà Trần. Bản thân khi Lê Lợi ban đầu dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn cũng phải mượn cái danh của Trần Cảo ngoài việc để đối phó với chiêu bài của nhà Minh cũng là để có sự chính danh khi hiệu triệu thiên hạ. Điều đó cho thấy dân chúng thời điểm đó cũng chưa hẳn quên nhà Trần. Cũng đừng quên Trần Ngỗi (Giản Định Đế), Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế) công đức chưa là bao nhưng nhờ danh là hậu duệ vua Trần nên khi hiệu triệu mà được không ít người hưởng ứng chẳng khác gì Lưu Bị thời Tam Quốc.
Do vậy, các sử gia nhà Lê có thể dễ dàng chấp nhận "thuyết" về lời nguyền của Lý Huệ Tông để giúp người trong thiên hạ dễ dàng chấp nhận việc nhà Trần phải lui xuống vũ đài lịch sử và càng đề cao sự chính thống, vâng theo đạo trời - tiếp nối triều đại của nhà Lê.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét