Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Biển Hồ - mắt ngọc giữa cao nguyên đất đỏ

Giữa mênh mông đất đỏ bazan Tây Nguyên, Biển Hồ (ảnh) tựa như một viên ngọc bích trong veo, đem lại sự mát lành cho phố núi cao nguyên đầy nắng.
Ra khỏi TP.Pleiku, đi theo quốc lộ 14 về phía thị xã Kon Tum chừng vài cây số, chúng tôi dừng hỏi thăm đường đến Biển Hồ và được chỉ về phía một ngọn núi phủ kín mây mù. Đi thêm chừng hơn cây số nữa, chúng tôi lại hỏi đường và lại được chỉ lên ngọn núi. Rẽ khỏi quốc lộ, vượt qua những hẻm núi, một con đường trải nhựa phẳng lỳ tuyệt đẹp trải ra trước mắt, khiến những tay lái đang say đường chúng tôi phút chốc quên mất Biển Hồ, quên mất nỗi hoài nghi dâng đầy trong lòng.


Đang mải mê vi vút cùng gió trên con đường dốc dần lên cao ấy, chúng tôi bỗng nhiên bị chặn đứng bởi một tam cấp dẫn đến một lầu vọng cảnh nhỏ xinh. Đứng trong căn lầu duyên dáng, trước mặt là một màu xanh thăm thẳm của một mặt nước mênh mông hoà lẫn mây trời, được những ngọn gió mát rượi thổi tung làn tóc rối, chúng tôi mới hiểu rằng mình đang đứng trên đỉnh một ngọn đồi nhô ra giữa Biển Hồ.

Biển Hồ là cái tên do người Kinh đặt, còn người dân địa phương gọi là Ia Nueng, hay T’Nưng. Biển Hồ T’Nưng là một miệng núi lửa khổng lồ đã ngừng hoạt động hàng trăm triệu năm, nằm ở xã Biển Hồ, cách TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) khoảng 7km. Mặt hồ rộng 230ha, mênh mang gió lộng như biển khơi, có lẽ vì thế mà có tên T’Nưng, nghĩa là “biển trên núi”. Nước hồ luôn đầy ắp quanh năm, nhìn rõ từng đàn cá bơi lội tung tăng. Vì thế, Biển Hồ không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả một vùng rộng lớn mà còn cung cấp hàng trăm tấn cá mỗi năm cho người dân trong vùng.

Đứng giữa gió trời lồng lộng, chúng tôi cúi nhìn xuống mặt nước xanh thẳm mà tự hỏi, sự kỳ diệu nào đã đặt một hồ nước rộng lớn đến cả ba chục triệu mét khối lơ lửng giữa cao nguyên như thế. Trong yên ắng, Biển Hồ dịu dàng nép  mình giữa những ngọn núi trập trùng, lững lờ soi bóng mây trời. Đối diện với Biển Hồ chừng vài cây số về hướng nam là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ trong số hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ quanh TP.Pleiku. Nếu Biển Hồ là miệng một núi lửa âm sâu xuống lòng đất, thì Hàm Rồng là đỉnh núi dương, sừng sững như tấm bình phong chắn gió. Xa về phía chân trời là những quả đồi đất đỏ bazan, những đồi chè, đồi càphê, những cánh rừng bạt ngàn cùng phố núi Pleiku ẩn hiện.

Bóng chiều buông xuống, dát lên mặt hồ một lớp vàng óng ả. Một chiếc thuyền nhỏ lặng lờ rẽ sóng, làm mặt nước lay động rồi vỡ tan thành ngàn vảy vàng lấp lánh. Trên trời, từng đàn chim lũ lượt bay về tổ. Tiếng chim kêu lảnh lót, tiếng vỗ cánh lao xao trong bóng chiều bình yên.

Thấy đám khách lạ chúng tôi cứ mê mải ngắm nhìn, chụp ảnh Biển Hồ suốt từ khi nắng còn chói chang cho tới khi chiều tà như không biết chán, mấy cô bé người địa phương cứ khúc khích cười. Một cô bé có làn da rám nắng cho biết: “Các anh chị đến đây vào mùa hoa nở thì còn đẹp hơn. Có hoa cúc quỳ, hoa gạo, hoa mua, hoa êpang nữa”. Chúng tôi cứ nhìn vào đôi mắt sâu thẳm, trong veo của cô bé, để tưởng tượng ra những vạt hoa cúc quỳ nhuộm vàng rực các bìa rừng, mơ màng với màu xanh lục của hoa êpang trải dài từ mặt hồ lên những triền núi cao, những bông gạo đỏ thắp lửa trên mặt gương hồ xanh thẳm và những thảm hoa mua, hoa sim tím biếc phủ kín mép hồ.

Rời Biển Hồ rồi, chúng tôi vẫn luyến tiếc, vẫn ước được một lần thả chiếc thuyền độc mộc lãng du giữa khói sương bảng lảng lúc hoàng hôn trên mặt nước hồ mênh mông, trong veo ấy.
Ngân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét