Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Nhộn nhịp hội xuân

Trải dài từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch, cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội có rất nhiều lễ hội đầu xuân.
 Thi nấu cơm tại hội làng Chuông.
Thi nấu cơm tại hội làng Chuông.
Hội chùa Láng
(7.3 âm lịch)

Chùa Láng nằm trên đất làng Láng cũ, nay thuộc phường Láng Thượng (quận Đống Đa). Chùa Láng - còn gọi là chùa Cả - tên chữ Hán là Chiêu Thiền, tục truyền dựng từ đời Lý Anh Tông, trong chùa có tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây, bên ngoài quét sơn, đồng thời còn có cả tượng Lý Thần Tông. Trước đây, hội Láng không phải tổ chức hằng năm, mà cứ phải mươi, mười lăm năm một lần nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm. Hội được mở cùng ngày với hội chùa Thầy - nơi tu hành của đức thiền sư tức là ngày 7.3 âm lịch. Ngày mồng 5 bắt đầu hội, kiệu thánh được rước lên chùa Nền để ông thăm lại nơi chào đời. Ngày hôm sau lại rước thánh xuống chùa Tam Huyền ở làng Mọc để thăm cha. Hai ngày này chỉ rước bát hương mà không rước tượng. Tối mùng 6, tượng ngài trong chùa Cả được rước ngự tại nhà bát giác để thánh xem 10 cô gái xiêm y lộng lẫy hát múa. Mùng 7, chính hội có đám rước lớn có hai lá cờ tiết mao đi đầu. Nối theo là hai hàng chiêng trống. Có cả con đĩ đánh bồng và long đình gồm rất nhiều cờ, quạt, lọng, phướn theo sau.

Lễ hội chùa Láng thực chất là lễ hội mùa xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch (Hà Nội) trước kia, nên có những nét khác lạ. Từ chùa ra tới đường cái đám rước đi rất chậm, ra đến cổng làng thì mới nhanh dần. Vừa có lễ dành cho thánh, vừa có lễ dành cho Phật, lại vừa có lễ dành cho thiên tử tượng trưng cho 3 kiếp hoá của Từ Đạo Hạnh.

Cái độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả. Đêm đó có hát chèo vãn hội.

Cùng ngày 7.3, tại chùa Thầy - nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh - cũng tổ chức lễ hội.

Hội làng Chuông
(10.3 âm lịch)

Làng Chuông là tên nôm của xã Phương Trung (huyện Thanh Oai).

Làng Chuông nổi tiếng về nghề làm nón và tổ chức hội làng. Nét đặc sắc của hội làng Chuông được tóm lược trong hai câu ca dao: “Mùng mười đi chợ Chuông chơi/ Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”. Nét độc đáo nhất tại hội làng Chuông là cuộc thi thổi cơm. Người dự thi thực hiện trong một vòng tròn đường kính 1,5m. Một đội 3 người - vừa vo gạo, nhóm củi, nấu cơm trong vòng 23 phút. Đội nào cơm chín trước, dẻo ngon hơn là đội thắng cuộc.

Hội Đăm
(9-11.3 âm lịch)

Làng Đăm nay là xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm). Tây Tựu trước kia thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đây là một làng cổ có truyền thống văn hoá và sản xuất từ lâu đời. “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền”. Hội Đăm diễn ra từ ngày 9 - 11.3 âm lịch. Xưa kia, hội kéo dài 5 ngày và cứ 5 năm mới tổ chức đua thuyền.

9.3 là ngày mở đầu cho lễ hội. Nghi thức quan trọng nhất của ngày hôm ấy là đám rước thánh từ miếu xuống đình. 10.3 là ngày chính hội gồm tế lễ, rước kiệu đức thánh ra nhà thủy tạ để xem đua thuyền.

Ba thôn Thượng, Trung và Hạ - mỗi thôn có hai thuyền đua. Xưa kia có thêm một thuyền thứ bảy gọi là thuyền quan làm nhiệm vụ bơi theo quan sát cuộc đua.

Hội đền Đồng Cổ
(4.4 âm lịch)
Đền Đồng Cổ ở góc tây nam hồ Tây, thuộc địa phận làng Đông Xã, nay thuộc phường Bưởi (quận Tây Hồ). Đền nằm ở giữa sông Tô Lịch (phía bắc) và đường Hoàng Hoa Thám (phía nam). Ở đây vốn có một lễ hội vốn là của triều đình, sau trở thành hội dân gian. Nay, dân Đông Xã vẫn mở hội vào ngày 4..4 nhằm tưởng nhớ Vua Lý Thái Tông cho rước thần Trống Đồng ở Đan Nê (Thanh Hóa) về lập đền thờ ở Thăng Long.

Sách “Việt điện u linh” kể rằng, trong một lần đi dẹp giặc ở phía nam - năm 1020 - Thái tử Phật Mã (sau này là Vua Lý Thái Tông) có nghỉ ở đền núi Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hoá) được thần báo mộng xin đi theo quân để trừ giặc. Lần đó thái tử thắng trận, trở về đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ. 10 ngày sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tông cho xây ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên phải Hoàng Thành.  Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đều đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh sẽ giết chết”.

Sang đời Lê, không có tổ chức thề bồi ở đây nữa, song dân làng có lẽ cảm thấy việc thề trung hiếu trước hết là cần thiết cho các thế hệ con cháu nên vẫn duy trì, có điều là trong làng làm với nhau. Và không có vua quan thì rước ông thành hoàng làng là thần Quý Minh (em thánh Tản Viên) ở đình sang đền để chứng giám hội thề. Nay dân Đông Xã vẫn tổ chức hội vào ngày 4.4, bên cạnh việc tế, rước vẫn có mục thề toàn dân trung với nước, hiếu với dân.
Nguyên Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét