Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Về đầm Vân Long mùa cò làm tổ

TTO - Đầm Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình) là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Càng đẹp hơn khi vào những ngày cuối thu, hàng ngàn hàng vạn con cò bay về đây trú ngụ.
Từng đàn cò nối tiếp nhau về tổ

Một ngày nắng đẹp, nhận lời mời của anh Tuấn Hải, chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ninh Bình, về tham quan và chụp ảnh đàn cò tại đầm Vân Long, chúng tôi háo hức lên đường. Khởi hành từ giữa trưa, đến Ninh Bình, do quá háo hức cả nhóm lên đường đến ngay Vân Long theo sự chỉ dẫn của anh Tuấn Hải.
Đang giữa buổi chiều, trên con đường đến Vân Long đã thấy cò cặm cụi kiếm ăn trên những ruộng lúa chín vàng. Chốc chốc, từng đàn cò lại tung cánh, sà từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Ở những vũng nước nông, những chú cò thản nhiên kiếm mồi, nghỉ ngơi ngay trên lưng những chú trâu to xác.
Đến đầm Vân Long, dù đã được nghe nói về vẻ đẹp nơi đây nhưng nhiều người vẫn ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ mà cũng rất thơ mộng với bức tranh mùa thu sơn thủy hữu tình.
Với kinh nghiệm hàng chục năm chụp cò nơi đây, anh Tuấn Hải đưa chúng tôi lên thuyền đến “phục kích” tại Kẽm Trăm - một khoảng nước rộng được bao bọc bởi hai vách đá sừng sững thẳng đứng như một cánh cổng - để đón đàn chim về nhà.
Ngồi “phục kích” không lâu đã thấy từng đàn cò nối tiếp nhau bay qua. Nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cánh cò trong nắng chiều đến quên mất việc chụp ảnh.
Chiều xuống nhanh, mặt trời bắt đầu đỏ dần nơi những ngọn núi xa xa. Lần theo hướng bay của từng đàn cò, chúng tôi tìm đến một rừng tràm nhỏ, nơi cư ngụ của một đàn cò lớn. Trên những ngọn cây tràm xanh mướt là hàng ngàn hàng vạn chú cò đang nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn vất vả. Tiếng kêu của chúng làm xôn xao cả một vùng.
Thấy bóng người, từng đàn cò ào ạt bay lên tạo thành một cảnh sắc vô cùng ấn tượng. Những sải cánh dài, trắng muốt chấp chới, đan xen, hòa quyện vào nhau như những vũ điệu làm say đắm lòng người.
Hoàng hôn bình yên, mộc mạc từ từ phủ trùm lên đầm...
Những cánh cỏ trên đồng lúa chín vàng trên đường vào Vân Long

Thong thả kiếm ăn bên cạnh những chú trâu to xác

Kẽm Trăm là nơi đón những đàn cò trở về

Về tổ

Cò đậu trắng xóa ngọn tràm

Vũ điệu loài cò

Trên nền trời nhuộm tím

Hoàng hôn trên đầm Vân Long

NGỌC THẮNG

Đầm Vân Long: vùng nước bình yên

Nếu ai đó đã từng hãi hùng với kiểu chèo kéo đổi tiền và đòi tiền bo ở Tràng An, đã mệt mỏi với những chuyện vòi vĩnh ở Tam Cốc hẳn sẽ thấy thật dễ chịu khi lên thuyền du ngoạn mặt nước lặng như tấm gương khổng lồ ở Vân Long.
Đưa vào khai thác du lịch từ năm 1999, Vân Long được biết tới như một vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, trải rộng trên gần 3.000ha thuộc địa bàn của bảy xã thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ít được biết tới như tuyến Tam Cốc – Bích Động, bến đò trên triền đê thường hiu hắt vắng lặng suốt ngày, và ngay mặt nước mênh mông cũng ít khi xao động mái chèo. Rõ ràng thu nhập từ du lịch của cư dân bản địa có phần kém hơn so với bên Tam Cốc, nhưng biết làm thế nào, bởi sự đầu tư ở đây vẫn còn ở mức sơ khai. Thuyền chở khách đúc bằng ximăng phủ cốt phên tre, trông không mấy cảm tình cho du khách, song bù lại người chở đò thường chất phác, tất nhiên không có cảnh chèo kéo mua bán đồ thêu, chụp ảnh… như các nơi khác. Trên hành trình suốt ba tiếng đồng hồ được nghe người chèo rủ rỉ kể chuyện, mà chuyện hay được kể nhất vẫn là cuộc sống ở đây, tất nhiên rồi.
Lùng xem đàn voọc quần đùi trắng
Cho tới nay, theo thông báo của ông Tilo Nadler, giám đốc trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương thì tại vùng Vân Long còn tồn tại hơn 40 cá thể voọc quần đùi trắng, có thể hiểu xưa kia loài này đông đúc thế nào. Những chuyện săn bắn thú mới chỉ bị nghiêm cấm từ khi vùng này được quy hoạch du lịch, còn trước đó có mấy ai hiểu về bảo tồn thiên nhiên.
Hiện nay, quần thể voọc tại Vân Long chiếm số lượng lớn nhất trong cả nước, song không phải ai cũng có thể bắt gặp chúng, bởi thời gian du ngoạn mặt nước thường không trùng với thời gian chúng ra ngoài. Giữa trùng điệp nước vây bọc, những khối núi liền lạc thành mạch là nơi cư trú lý tưởng của chúng, cộng thêm vách núi gần như thẳng đứng, cao vài chục mét nên chuyện nhìn thấy voọc khá là hy hữu đối với du khách.
Chỉ khi quyết tâm dậy thật sớm, hẹn lái đò từ hôm trước để xuất bến từ 5 giờ sáng, chúng tôi mới có cơ duyên gặp được những con thú đang nằm trong Sách đỏ này. Ngay từ mỏm núi đầu tiên tại khúc quanh dẫn từ mé ngoài vào trong đầm nước, gã lái đò đã xuýt xoa bởi rất gần mép nước, một chú voọc to kễnh đang ngồi im như tượng. Có lẽ đây là con đầu đàn hay trinh sát cảnh giới gì đó. Nhìn mấy chiếc thuyền bơi trên mặt nước phía dưới bằng vẻ thờ ơ, voọc đủng đỉnh trèo sâu vào tán lá rậm rạp. Không hiểu nói thật hay nói đùa mà gã chèo đò thông báo loài voọc quần đùi trắng rất thích ăn lá duối, và ở mỏm núi đó có một cây duối to. Kể cũng lạ, hầu hết các loài linh trưởng đều ăn tạp, nhưng ăn lá duối thì tôi không tin lắm. Nhưng cũng không còn thời gian để tranh cãi, bởi ngay sau đó, ống kính của tôi đã không còn ngơi nghỉ phút nào. Trên vách núi thẳng tuột, cả một đoàn voọc kéo ra, có lẽ trên dưới chục con, và sự xuất hiện của chúng mang âm hưởng của một cuộc rượt đuổi đầy náo loạn.
Khó có thể tin voọc lại có thể di chuyển cực nhanh trên vách đá thẳng tuột như vậy. Nhảy từ trên cao xuống tán cây chìa ngang, bám và chạy thoăn thoắt trên vách, đàn voọc dường như đang đuổi theo con mồi hay có tranh chấp nội bộ. “Chúng nó đuổi theo một con chồn”, chị lái đò bên kia tường thuật. Cũng không ai dám tin vào thông báo đó, bởi làm sao chị ta biết đó là con chồn, và đây là voọc chứ có phải hổ báo gì mà đi săn mồi như vậy? Với khoảng cách hàng trăm mét, ống kính 200 của tôi cũng chỉ chụp được những tấm không rõ ràng, cộng thêm ánh sáng buổi bình minh còn nhập nhoạng. Cuộc rượt đuổi của chúng khiến những tán lá rung lên như có bão, và đàn voọc làm sôi động cả buổi bình minh suốt hơn 20 phút mới tạm ngưng. Cảnh tượng này ngay cả gã lái đò của tôi cũng thú nhận chưa gặp bao giờ. Bình thường chỉ thoáng thấy một, hai chú voọc từ xa chứ đâu thể gặp cả đàn như vậy.
Ngoạn cảnh vịnh, ngắm cò bay
Tiến sâu hơn vào đầm, những đàn chim trời chào đón nhóm khách bằng vẻ náo loạn thông thường. Lũ vịt nước lặng lẽ bơi rồi vụt bay khi có động. Đám cò đậu kín mỏm núi có vẻ bình yên, nhưng đôi lúc nháo nhào cất cánh, rồi lại trở về chỗ cũ. Ở khoảng cách quá xa, đám chúng tôi có vẻ không phải là mối quan tâm của chúng. Chiếm đa phần các loài chim ở đây là cò có chiếc mỏ rất giống mỏ bồ nông nhưng nhỏ hơn. Cư dân bản địa có cảm tình với loài cò này, vì chúng ăn khá nhiều ốc bươu vàng, một sự nguy hại tiềm tàng cho đời sống nông thôn. Nghe nói, cò chỉ cần kẹp mỏ là có thể bóp vỡ vỏ cứng của ốc bươu, và mỗi ngày một chú cò có thể xơi tái cả ký ốc. Với chiếc mỏ to dài, cặp chân khẳng khuột, cò mỗi khi tung cánh bay có dáng đẹp không kém sếu đầu đỏ ở miệt ngập nước U Minh. Các bậc thầy nhiếp ảnh địa phương vẫn miệt mài tới đây để săn những tấm hình tuyệt đẹp về hàng vạn cánh cò bay lượn trên đầm Vân Long buổi hoàng hôn, còn du khách từ nơi xa, chỉ lưu lại vài ngày đành bằng lòng với vài đàn cò lẻ tẻ vậy.
Được mệnh danh là “vịnh không sóng”, Vân Long đẹp một vẻ bình yên, từ mặt nước phẳng lặng soi rõ lớp rong dày đặc dưới mặt nước cho tới đám sen tự nhiên mọc tràn lan, từ dáng núi nhấp nhô cho tới đám cỏ lác ngả màu vàng rực vào mùa khô. Nhún nhường nằm sát mặt nước là những chiếc lá tròn như lá sen, từ đó nở ra bông hoa nhỏ xíu trắng muốt có tên hoa trang. Lác đác hoa súng, hoa sen khoe sắc, hợp cùng đám lau lác tạo thành bức tranh thiên nhiên yên hoà. Du lịch trên đất này là như vậy, cứ nhàn tản thưởng ngoạn, ngắm những vẻ đẹp bình yên để nhận ra, quá nhiều lúc trong đời mình đã phải hao phí vào những cuộc mưu sinh và giải trí náo nhiệt nhưng rõ là vô bổ.
Thái A (SGTT)


Cuối tuần với đầm Vân Long

Nằm cách Hà Nội chừng 80 km, thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, cách phố phường náo nhiệt chưa đầy 2 km, một khung cảnh trời mây non nước bỗng hiện ra thanh bình và tĩnh lặng.
Từ Hà Nội xuôi theo con đường quốc lộ 1A, qua Phủ Lý đến ngã ba Gián Khẩu, rẽ trái để chạy theo đường vào Nho Quan và thêm khoảng 8 km để đến với xã Gia Vân – huyện Gia Viễn. Đầm Vân Long nằm ngay dưới chân đê và hẳn sẽ làm bạn ngạc nhiên khi dừng lại.
Một cuộc dạo chơi bắt đầu bằng con thuyền nan mộc mạc tách bến đưa khách khám phá một vòng quanh đầm Vân Long. Trong không gian tĩnh mịch của đất trời, tiếng khua chèo của con thuyền nhỏ cũng khiến cả không gian bị khuấy động. Cả khu đầm nằm gọn trong thung lũng với bốn bề là những dãy núi đá vôi, những thảm thực vật của đặc trưng của vùng ngập nước.
IMG-0813-JPG-1377663423.jpg
Cảnh sắc tĩnh mịch của đầm Vân Long.
Dưới làn nước trong vắt, đám tảo và rêu uốn lượn muôn hình vạn trạng, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh và những đám mây đang lững lờ trôi. Đám cỏ năn, cỏ lác mọc lúp xúp, dập dờn theo con sóng. Thi thoảng lại vang tiếng chèo khua đánh động, một chú chim le le bất ngờ bay vút khỏi nơi trú ẩn. Một đàn cò trắng đang nhẩn nha tìm mồi trên một đám cỏ lác khác. Nghe tiếng khua mái chèo, một vài con nghếch cái cổ dài ngoẵng lên nhìn rồi lại tiếp tục với công việc đang dang dở của mình, vài chú cò khác vội vàng rời khỏi đầm, bay lên đứng trên những tảng đá thâm thấp quanh đó.
Càng vào sâu, tiếng cuộc sống ồn ào càng trở nên xa xôi, cả không gian chỉ còn lại tiếng mái chèo đều đều, tiếng con cá quẫy nước đâu đó, tiếng cỏ lác lạo xạo trong cơn gió nhẹ nhàng và tiếng của những chú ếch nhái, chú chẫu chuộc. Thảng hoặc một chú bói cá đang chăm chú rình mồi rồi nhanh chóng lao mình xuống dòng nước, những chú chuồn chuồn và kim kim đủ màu sắc bay là là khắp mặt đầm.
IMG-0747-JPG-1377663423.jpg
Một tấm gương soi phản chiếu trời mây non nước hữu tình.
Thuyền lách đám cỏ vào thăm hang Cá, hang lớn nhất trong dãy núi Hoàng Quyển. Chuyện dân gian kể rằng xưa kia có người đã bắt được con cá chuối lớn đến mấy người mang vác không xuể. Từ đó mới có tên hang Cá. Hang núi này còn là nơi quần tụ của rất nhiều loài cá như cá chuối, cá trê, cá rô. Hang động nằm nửa chìm nửa nổi xuyên suốt quả núi với vô số những nhũ đá lấp lánh. Hàng chục hang động khác như hang Bóng, hang Ông Thang, hang Chanh nằm rải rác trong hàng trăm ngọn núi tạo nên nhiều điểm đến thú vị cho cuộc hành trình.
Hơn chục con thuyền xuôi ngược, không có cảnh chen lấn lấn vượt, không có cảnh to tiếng giành khách, chỉ có thiên nhiên tươi đẹp và những câu chuyện thì thầm giữa đám khách như sợ chỉ nói to một chút sẽ làm cả bầu không khí yên bình này bị khuấy động.
IMG-0785-JPG-1377663424.jpg
Một ngày nhẹ nhàng với đầm Vân Long.
Gần hai tiếng đồng hồ khám phá dọc ngang đầm Vân Long đưa đến cho bạn cảm giác thư thái và nhẹ nhõm trước bà mẹ thiên nhiên vĩ đại. Đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng sinh thái, đồng bằng Bắc bộ với hàng nghìn động, thực vật, thuỷ sinh lưu trú, sinh trưởng bên vách núi, trên bờ hoặc dưới nước, trong đó nổi bật là loài chim nước chuyên di trú lúc mùa đông, cà cuống thuộc loại chân bơi quý hiếm đã đưa vào Sách Đỏ và đặc biệt loài linh trưởng voọc quần đùi, đang có hiểm hoạ tuyệt chủng toàn cầu…
Bất luận là nắng hay mưa, ngày lễ hay ngày thường, con đầm với 300 chiếc thuyền nan mong manh luôn sẵn sàng phục vụ khách. Mỗi thuyền chỉ chở tối đa 3 người.
Tò He

Đầm Vân Long - điểm tham quan tuyệt đẹp gần Hà Nội

Cách Hà Nội khoảng 80km, đi xe khoảng 2 giờ, đầm Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) rất thích hợp cho những người ít thời gian, chỉ có thể đi du lịch ngắm cảnh trong một ngày.
đầm Vân Long, Ninh Bình
Cách Hà Nội khoảng 80km, Vân Long là điểm du lịch trong ngày lý tưởng.
Đầm Vân Long không phải đầm tự nhiên mà được hình thành từ việc đắp tuyến đê dài hơn 30km phía tả ngạn sông Đáy nhằm ngăn lụt lội. Từ đó biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng mênh mông, có những đảo đá, hang động tuyệt đẹp.
đầm Vân Long, Ninh Bình
Đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ
Đầm có diện tích gần 3.500ha, là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vân Long hiện đang có hàng ngàn động, thực vật, thủy sinh lưu trú, trong đó nổi bật là loài linh trưởng voọc quần đùi (đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới).
đầm Vân Long, Ninh Bình
Đầm là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm
Để đến Vân Long, từ Hà Nội bạn xuôi theo con đường quốc lộ 1A, qua Phủ Lý đến ngã ba Gián Khẩu, rẽ trái chạy theo đường vào Nho Quan đến xã Gia Vân, huyện Gia Viễn. Đầm Vân Long nằm ngay dưới chân đê (có bảng hướng dẫn tại đây).
đầm Vân Long, Ninh Bình
Khu vực này có đến 300 hộ dân được cấp phép khai thác du lịch bằng cách chèo thuyền đưa khách đi du ngoạn
Tại đây, ban quản lý bán vé cho khách thuê thuyền đi tham quan theo 2 hướng. Hướng chính là đi tới Kẽm Trăm - Hang Bóng với nhiều cảnh đẹp. Hướng thứ hai, nếu là người yêu sinh vật bạn có thể gặp được voọc quý hiếm ra phía ngoài đầm uống nước hay chuyền cành.
Mỗi hướng đi mất khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút, giá vé người lớn khoảng 75.000 đồng/khách. Do thuyền nhỏ và nhẹ nên thường là đi hai người một thuyền.
đầm Vân Long, Ninh Bình
Mỗi thuyền thường chỉ chở hai người
Ngoài ra còn một điểm đến rất thú vị, đó là vườn cò cách bến thuyền khoảng 2km về phía Tây.
Còn nếu đi nghỉ dưỡng, bạn có thể chọn điểm nghỉ ngơi ở khu sinh thái Vân Long. Từ khu nghỉ dưỡng này, có thể đi tới suối nước nóng Kê Gà, rừng quốc gia Cúc Phương, thắng cảnh Tam Cốc, Bích Động, Tràng An... bằng xe.
đầm Vân Long, Ninh Bình
Nếu đi thuyền, khoảng một giờ là bạn có thể tham quan sơ lược hết đầm
Đến với Vân Long, bạn sẽ có những cảm nhận về một vịnh không sóng với mặt nước phẳng và trong như gương, hiện rõ nét những lớp rong rêu bên dưới. Nếu đi thuyền, khoảng một giờ là bạn có thể tham quan sơ lược hết đầm, đầu tiên là thuyền đi xuyên qua những khe núi, hai bên là những vạt cỏ cao. Vân Long có trên 30 hang động đẹp, nhiều hang động lớn đang đưa vào điểm tham quan du lịch (vào mùa nước cao, có một số hang không thể vào được) như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh...
đầm Vân Long, Ninh Bình
Thuyền đưa khách đi qua những khung cảnh tuyệt đẹp
Sau khi đi xuyên qua những ngọn núi, bạn sẽ đến hang Cá, đây là một hang nửa chìm nửa nổi, dài 250m, cao 8m, rộng 10m, mở ra thành một động rất đẹp. Hang nằm dưới chân núi, nên sau khi xuyên qua hang, sang phía bên kia thì bạn sẽ thấy một một thung lũng nhỏ có núi bao quanh, nếu may mắn - thường là đi vào buổi chiều (khoảng 15:30 - 16:30) thì cơ hội được thấy voọc chuyền cành và cò bay về cao hơn đi buổi sáng.
đầm Vân Long, Ninh Bình
Nếu đi tham quan đầm buổi chiều bạn sẽ có cơ hội thấy cò bay về
Ngoài ra còn một số khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như Mèo Cào (trên sườn núi có một “bức tranh” như vết vuốt mèo cào vào đá), Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn...
đầm Vân Long, Ninh Bình
Những dãy núi đá vôi với hình dáng độc đáo
Đầm Vân Long hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên, vắng vẻ và tĩnh lặng, vì vậy khi đến đây, bạn không nên cười nói ồn ào, phá vỡ cảnh quang yên tĩnh của đầm. Nếu bạn là người thích chụp ảnh, nên trao đổi trước với lái thuyền để họ giúp bạn đi đủ các điểm trong khu Vân Long (sẽ dài khoảng 2 giờ).
đầm Vân Long, Ninh Bình
Bài: Minh Huỳnh, ảnh: Võ Đức Minh
(Theo Phunuonline)

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét