Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Bánh ướt ngọt


Không nơi nào trên đất nước mình lại hảo ngọt như ở miền Tây. Người dân miệt vườn sông nước ngọt từ lời ăn tiếng nói, từ điệu hò câu hát cho tới phong cách ẩm thực. Các món ăn ở xứ này, đi kèm một loại mặn thường có một loại ngọt. Nếu nói tới bánh đúc mặn là phải kể thêm bánh đúc ngọt, nhắc bánh cam mặn thì phải kèm theo bánh cam ngọt… Món bánh ướt cũng không ngoại lệ. Khen bánh ướt mặn mà bỏ qua món bánh ướt ngọt sẽ là điều thiếu sót.
 
Bánh ướt ngọt làm không khó. Ngâm bột gạo, chú ý là khuấy kỹ để bột không bị vón cục. Lớp vỏ bánh thường có màu xanh hoặc vàng nhạt do pha thêm vào bột nước lá dứa hay đường thốt nốt thắng chảy. Dù màu thực phẩm tiện lợi nhưng người làm bánh xứ đồng bằng thường ưa dùng màu có nguồn gốc từ tự nhiên. Tùy theo khẩu vị mỗi người, bỏ thêm đường vào bột để vỏ bánh có vị ngọt. Nhân bánh gồm có đậu xanh không vỏ được nấu chín và dừa nạo xào qua với chút đường. Bí quyết của món này nằm ở công đoạn tráng bánh. Vỏ bánh phải tráng thật mỏng để nhìn thấy được cả nhân bên trong. Bánh vừa tráng xong, bỏ một ít đậu và dừa vào, gấp hai đầu và cuốn lại. Khi ăn cho thêm chút mè hay đậu phộng rang giã nhỏ.
Bánh ướt ngọt là món ăn chơi. Mấy chế, mấy dì ở quê thường làm bán ở chợ hay đội đi dài dài xóm. Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng rao xa xa là trong bụng đám con nít “rộn ràng”. Đứa thì lăng xăng chạy vô, chạy ra canh dì bán bánh, đứa thì hối má cho tiền lẹ lẹ. Tới khi cầm được cuốn bánh trên tay, nghe mùi thơm thơm, nếm cái vị ngọt ngọt, béo béo của lớp vỏ ngoài phủ mè cùng với nhân dừa, đậu xanh bên trong thì niềm vui trẻ thơ mới trọn vẹn.
Bánh ướt ngọt hay các loại bánh bò, bánh chuối, bánh ít trần… thường được gọi chung là bánh khéo. Vì sao có cái tên ngộ vậy? Bởi bánh được làm nên bằng đôi tay khéo léo của những người phụ nữ thôn quê. Bàn tay chai sần vì công việc ruộng vườn nặng nhọc nhưng vẫn đủ nhẹ nhàng để tráng lớp bột mỏng tang, để cuốn từng cuốn bánh thiệt gọn gàng, bắt mắt.
Mỗi người con sinh và lớn lên ở vùng đất nào đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ khẩu vị của vùng đất đó. Người miền Bắc, miền Trung tới miền Tây đều phải thốt lên rằng đồ ăn ở đây món nào cũng ngọt. Biết làm sao đây vì xứ mình cái gì cũng ngọt mà! Đó chính là nét riêng của các món ăn vùng châu thổ, góp mặt cùng các miền để tạo nên bản sắc ẩm thực Việt Nam.
 Hương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét