Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Cụm di tích đền, chùa Hoàng Pha lưu giữ nhiều giá trị truyền thống


Nằm cách trụ sở UBND xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) chừng 1 km, cụm đền, chùa Hoàng Pha được xếp hạng là điểm di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992. Đền thờ 4 vị thánh hiền, trong đó 3 người có công trong trận chiến Bạch Đằng giang. Chùa làng ngoài thờ Phật còn thờ 4 vị thánh đó, cũng như gắn liền với những chiến công cách mạng mà nhiều người dân địa phương còn khắc ghi.
          
Một góc chùa Hoàng Pha
                                                  
Độc đáo kiến trúc đền Hoàng Pha

4 vị thánh hiền được thờ tại đền là 3 anh em họ Lý (Lý Khả, Lý Minh, Lý Bảo) có công trong trận chiến sông Bạch Đằng lừng lẫy và Nguyễn Quốc Hồng, một vị quan dưới triều Lý.

Theo thần tích ngọc phả còn lại ở đền, khi Ngô Quyền nghe tin giặc đến, cho sứ đi cầu người hiền tài giúp dân. Ba anh em họ Lý hăng hái chiêu binh, luyệt tập võ nghệ, xin tham gia đánh giặc. Họ được vua ban cho chức thượng tướng. Trong trận chiến sông Bạch Đằng, ba vị tướng họ Lý mang quân mai phục ở cửa sông, chờ nước thủy triều lên mang thuyền nhỏ ra khiêu chiến. Quân Nam Hán cậy binh lực nhiều ào ạt tấn công, quân ta giả vờ thua, rút chạy để nhử thuyền giặc vào bãi cọc nhọn do Ngô Quyền cắm sẵn. Đợi đến khi triều xuống, 3 vị tướng họ Lý quay thuyền phối hợp với đại quân mai phục trên bờ. Quân Nam Hán hoảng sợ, tháo chạy trong khi nước triều rút mạnh đã đâm phải cọc nhọn đắm quá nửa. Mộng xâm lăng của quân Nam Hán chôn vùi ở cửa sông Bạch Đằng. Khi nước nhà sạch bóng quân thù, ba anh em họ Lý chẳng màng danh lợi, đi chu du khắp nơi, có đến trang Hoàng Bì (nay là xã Hoàng Động) giúp dân mua ruộng làm đất công. Khi nghe tin gia thần của Ngô Vương Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi tự lập vua, 3 anh em họ Lý dựng cờ khởi nghĩa chống lại và anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao 3 vị tướng tài, dân làng lập đền thờ họ.

Vị thánh thứ 4 được thờ tại đền là Nguyễn Quốc Hồng, con của một người dân làng. Đến tuổi trưởng thành, Quốc Hồng theo vua Lý dẹp giặc, lập công lớn, sau này được triều đình tin cậy giao chức trách quan trọng như chỉ huy quân đội, cố vấn cho nhà vua…

Nét độc đáo ở đền Hoàng Pha là những giá trị kiến trúc nghệ thuật còn được bảo tồn đến ngày nay. Các kiến trúc chính của đền như cột, câu đầu, xà, bẩy, hoành đều đặc sắc không kém gì đình Hàng Kênh, Đình Bảng (Bắc Ninh, đình Ngọc Than (Hà Nội). Đền bố cục theo lối chữ đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Tiền đường là kiến trúc cổ sừng sững từ bao đời nay. Các bộ vì giữa có kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”. Câu đầu là thân gỗ lớn bào soi hình vỏ măng, nối hai đầu cột cái trong một bộ vì bằng mộng én khớp với đấu vuông đỉnh cột. Cột đền là những thân gỗ nguyên cây lực lưỡng, đen bóng, đường kính 30 – 40cm. Các cột đều được kê chân tảng bằng đá. Chân tảng làm từ những phiến đá liền khối, phía trên tròn như ôm lấy chân cột.

Trang trí kiến trúc của đền chủ yếu là trạm nổi, bong hình, đôi lúc sử dụng lối khắc chìm. Vì kèo thứ nhất chạm nổi hình phượng xòe cánh múa lớn, hai bên có đôi long mã chầu. Vì kèo thứ 2 chạm nổi hoa là hóa long. Vì kéo thứ 3 mặt ngoài chạm nổi hoa lá hóa long, trong chạm đồ án tứ linh gồm rồng, phượng, long mã, rùa xen lẫn hoa lá sen, mây cụm. Vì kèo thứ 4 mặt trong trạm nổi đề tài tứ linh, trung tâm là một đầu rồng nổi khối lớn, trên là phượng múa, chung quanh có long mã, rùa vàng, dải mây lững lờ. Vì kèo thứ 5 mặt trong chạm bong hình độc long trên nền hoa gấm khắc chìm. Vì kèo thứ 6 chính giữa chạm nổi hổ phù ngậm chữ thọ lớn, hai bên có đôi long mã khổng lồ đứng chầu. Nghệ thuật trang trí ở đền Hoàng Pha kế thừa nghệ thuật truyền thống, đường nét mượt mà, điêu luyện với phong cách dân gian độc đáo

Chùa làng, nơi ghi dấu chiến công cách mạng

Chùa Hoàng Pha là nơi Hội tăng già cứu quốc huyện Thủy Nguyên ra đời, cơ sở an toàn của nhà sư Hoàng Ngọc Lương, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đầu tiên của huyện. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954), chùa là trụ sở của đội tự vệ tăng già cứu quốc huyện Thủy Nguyên. Nhà sư Lương Ngọc Trụ, nguyên chủ tịch Hội tăng già cứu quốc tỉnh Hải Kiến, trưởng thành từ chùa Hoàng Pha, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến, sau này anh dũng hy sinh trong trận phá càn ở huyện Tiên Lãng. Được nhà sư Lương Ngọc Trụ dìu dắt, giác ngộ, cụ Nguyễn Kim Thành là người kế tiếp việc trụ trì chùa cũng có nhiều hoạt động ủng hộ kháng chiến. Năm 1950, cụ Thành được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Người bảo vệ, quét  dọn, trông chùa là bà Vũ Thị Láng cũng tham gia hoạt động cách mạng.

Cũng trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hoàng Pha là cơ sở của đội vũ trang huyện, cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh huyện Thủy Nguyên. Chùa đồng thời là địa điểm hội họp của Ủy ban kháng chiến xã Hoàng Động. 

Chung tay gìn giữ phát huy giá trị di tích

Ông Đoàn Văn Nga, Trưởng Ban quản lý di tích cụm đền, chùa Hoàng Pha cho biết: “Tự hào về truyền thống của cụm đền, chùa làng, từ xưa đến nay, dân làng chung sức bảo vệ cảnh quan, kiến trúc, gìn giữ những di vật quý hiếm còn lại”. Theo đó, hiện cụm đền, chùa còn lưu giữ 5 bia đá cổ, 4 pho tượng 3 anh em họ Lý và Nguyễn Quốc Hồng, thống đá, bát bửu, long đình, nhang án, bát hương đồng, cửa võng, chuông cổ, các sắc phong vua ban...

Dân làng cùng những người hảo tâm còn tích cực tu sửa, chỉnh trang, xây mới một số công trình cảnh quan trong cụm di tích. Từ năm 2008, ni sư Thích Đàm Tiến trụ trì chùa Hoàng Pha cùng các phật tử, nhân dân địa phương chung sức xây dựng ngôi bảo điện mới trên diện tích đất chùa, đến nay cơ bản hoàn thiện với tổng số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Ni sư Thích Đàm Tiến cho biết: “Ít thấy nhân dân nơi nào tâm huyết với việc tôn tạo đền, xây chùa như ở Hoàng Động. Có  giai đoạn, khu di tích như một công trường với sự đóng góp công sức xây dựng của nhân dân địa phương. Một số người còn tự nung gạch, vôi để đóng góp  tôn tạo, xây dựng cụm di tích”…

Hương An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét