Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa



In

Image
Di tích Đình Bình Hòa
Đình nằm trên khu đất giồng ở ấp Bình Minh, làng Bình Hoà, nay thuộc thị trấn Giồng Trôm, nằm cạnh đường 885, cách thị xã Bến Tre 16km, có thể đến bằng đường bộ hoặc đường thủy.


 Đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre, là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo. Những tài liệu còn lưu giữ được đến nay cho biết đ ình đ ư ợc lập vào thập kỷ thứ 2, thế kỷ XIX, tính đến nay gần 200 năm. Ngôi đình có quy mô kiến trúc tương đối lớn còn giữ được đến ngày nay, không phải là dạng nguyên sơ của nó, mà đã được xây cất lại vào năm 1903. Từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn tất phải mất trên 10 năm(1903-1913), kể cả công trình kiến trúc bên ngoài và trang trí nội điện, đặc biệt là phần điêu khắc gỗ. Đó là kết quả lao động công phu của những nhóm thợ rước từ miền trung vào, có tay nghề và trình độ mỹ thuật cao. Đình được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (1852).

 Về mặt kiến trúc bên trong, chất liệu chính là gỗ tứ thiết và kết cấu bằng mộng, chốt, kết hợp chặt chẽ với nghệ thuật điêu khắc, mà chủ yếu là những nét tạc bằng đục của nghệ nhân ngay trên gỗ của những vì kèo, xuyên, trính, hoành phi…ở các gian chánh đường và thính đường. Qua thử thách của thời gian với nắng mưa và khí hậu ẩm thấp, đặc biệt tác động phá hoại trực tiếp của bom đanh trong suốt 30 năm, ngôi đình vẫn đứng vững. Điều đó nói lên trình độ kỹ thuật và ý thức trách nhiệm của đội ngũ thợ xây dựng.

 Về trang trí bên trong cũng như những công trình nghệ thuật khác ở bên ngoài của đình, vẫn là sự kết hợp yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định. Đó là những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông,sen-cua, trúc-tước, nho-sóc, bần-cò v.v…

 Đình Bình Hòa còn là chứng tích ghi nhớ những tội ác của đội quân UMDC của Léon Leroy (thời KCCP) và đặc biệt bọn “công an Ngô Quyền” trong những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” đẫm máu dưới thời Ngô Đình Nhiệm.


 Hiện còn hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ tinh vi, sắc sảo, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ… được lưu giữ. Hằng năm vào rằm tháng giêng (âl) diễn ra lễ cúng đình lần thứ nhất và vào rằm tháng chạp (âl) lần thứ hai.

 Đình Bình Hòa được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 7-1-1993.


Trăm năm đình Bình Hòa

Đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) là ngôi đình lớn về tầm vóc kiến trúc và giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa của bà con trong làng và xung quanh. Sau hơn một năm được Cục Di sản văn hóa và các ngành các cấp tỉnh Bến Tre chung sức trùng tu, sáng 21 tháng 11 (2013) lễ khánh thành công trình đã được tiến hành.
Đình Bình Hòa tọa lạc tại ấp 5A, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm là một trong ba ngôi đình lớn của tỉnh Bến Tre. Đình được giới chuyên môn đánh giá là một trong những ngôi đình lớn, tiêu biểu về mặt kiến trúc cũng như về mặt lịch sử, văn hóa ở Nam Bộ. Năm 1812, ngôi đình này được xây dựng bằng cây lá đơn sơ, tọa lạc cách đình hiện nay về hướng Tây chừng trên 200m, tính theo đường chim bay, đến năm 1825 mới hoàn thành. Năm 1902, đình được khởi công xây dựng lại, đến năm 1914 mới hoàn thành, do ông Võ Duy Hinh (Cả Lợi), người có chức vụ, uy tín lớn trong làng, thay mặt chính quyền địa phương, Ban Khánh tiết và nhân dân điều hành việc xây dựng. Ngôi đình sừng sững, thâm nghiêm, cổ kính trên đất giồng cát cao ráo, do hương lão Bùi Văn Bường hiến gần một mẫu đất xây dựng. Ngoài ra còn có nhiều người khác hiến cho đình đất đai để canh tác, như bà Nguyễn Thị Mưu, Tạ Thị Tước và ông Bùi Văn Chét. Đất đình bấy giờ lên đến năm mẫu. Ban Khánh tiết điều hành việc canh tác để tạo ra vật lực phục vụ cho việc lễ hội hằng năm. Riêng về tài lực do hương lão Bùi Văn Hưng, một người giàu có, hảo tâm góp phần lớn mua vật liệu xây dựng. Dù trải qua gần 100 năm và qua 2 cuộc chiến tranh nhưng do được bảo quản, gìn giữ và trùng tu nhiều lần nên chốn thờ tự tôn nghiêm này vẫn giữ được vẻ khang trang.
Đình Bình Hòa.
Theo các nhà chuyên môn, đình Bình Hòa là công trình kiến trúc cổ, đặc trưng của đình làng Nam Bộ. Đình vinh dự được phong sắc thần năm Tự Đức ngũ niên (1852). Ngày 07-01-1993, đình được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp loại Khu di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Từ trung tâm thành phố Bến Tre, theo tỉnh lộ 885, xuôi về hướng huyện biển Ba Tri đến trụ số thứ 17, trông về bên trái sẽ thấy cổng đình Bình Hòa rất đường bệ hiện ra. Nhìn từ bên ngoài, đình Bình Hòa được kiến trúc giống các ngôi đình làng khác ở Nam Bộ theo hình chữ "Nhất", gồm ba phần: mặt tiền đình là nhà võ ca, giữa đình là chính điện, được sắp xếp, bài trí việc thờ phụng thần linh và sau cùng là nhà ăn. Đình có 8 nóc, lợp bằng ngói âm dương, qua gió bụi thời gian nay đã rêu phong, đượm màu cổ kính. Dọc theo các nóc được trang trí tượng bát tiên, lưỡng long tranh châu và phượng hoàng bằng loại sành cổ quý hiếm. Ban đầu đình có diện tích 1.485m2, chiều dài 66m, chiều ngang 22,5m, có tất cả 300 cây cột lớn nhỏ. Qua quá trình sử dụng, đình có ít nhiều thay đổi theo thời gian, hiện đình còn lại 208 cột. Diện tích đình hiện tại là 1.155m2, với chiều ngang 17m, nhìn rất hài hòa, cân đối. Riêng ở khu chính điện, khu phối tiền vãng, khách tham quan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những đường nét kiến trúc, nghệ thuật khắc gỗ cổ độc đáo trên các loại gỗ quý như căm xe, tứ thiết, sao… Đình còn lưu giữ bức hoành phi bằng gỗ quý, chạm khắc hoa văn, cảnh trí rất sinh động. Trước năm 1945, người Pháp từng mang tuyệt tác điêu khắc độc đáo này về Paris để triển lãm. Những năm qua rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu kiến trúc cổ cũng như các đoàn làm phim đến đây để tìm hiểu, làm phim truyện, phim tài liệu về ngôi đình đậm dấu ấn này.
Hằng năm đình có hơn mười lễ hội. Tuy nhiên chỉ có lễ Hội Kỳ Yên (còn gọi là lễ Thượng điền) vào ngày 12 đến ngày 13 tháng Chạp là lớn nhất. Lễ hội này diễn ra hai ngày hai đêm liền, có tổ chức hát bội ở nhà võ ca và nhiều trò chơi dân gian khác, thu hút hàng chục ngàn người khắp các nơi trong vùng về đây trẩy hội. Đến ngày 12-13 tháng 5 âm lịch lại diễn ra lễ Hạ điền. Tuy lễ này tổ chức không lớn, song các nghi thức đều được thực hiện đầy đủ trong không khí trang nghiêm, ấm áp. Đặc biệt, tính kế thừa và ý thức bảo tồn di sản văn hóa trong việc thực hiện các nghi lễ được các vị trong Ban Khánh tiết tổ chức qui củ như hàng mấy trăm năm qua. Điển hình như gia đình ông Dương Tấn Tài, con trai của nguyên Biện đình Bình Hòa Dương Tấn Ảnh (đã quá cố), người từng phụng sự cho ngôi đình 42 năm. Hiện ông Tài đang giữ chức Phó bái Ngoại nghi (Phó Ban Khánh tiết), kiêm chức Hương văn của đình cùng với người em là Dương Tấn Đạt và người con trai là Dương Trung Nghĩa, đã tình nguyện xin vào Ban Khánh tiết ngôi đình này để phụng sự việc thờ tự, lễ hội gần hai mươi năm qua. Ngoài ra, với gần 30 vị trong Ban Khánh tiết, như Chánh bái, Phó bái, Thủ biện, Thủ bổn… đều rất đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ đúng theo nghi thức xưa kia đã đặt ra.
Đình Bình Hòa mang dấu ấn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, nơi đây bị biến thành nơi hành quyết, khảo tra nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội. Trong vòng 25 ngày, giặc bắt về đây hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ta và người dân yêu nước để tra tấn, bắn giết. Riêng những ngày cuối năm 1959, đã có 72 người bị giết hại. Từ đó hằng năm, đến ngày lễ hội Thượng điền, những người đi trẩy hội bên cạnh thắp nén hương cầu nguyện, yết bái thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt… còn mặc niệm, vọng tưởng đến anh linh những người yêu nước đã ngã xuống nơi đây, góp phần cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.
Phạm Bội Anh Thuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét