Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Bùi Quang Dũng danh nhân triều Đinh - Lý


Bùi Quang Dũng, danh tướng khai quốc công thần thời nhà Đinh; vua Đinh Tiên Hoàng phong ông là trấn đông kết độ sứ, sau khi nhà Đinh mất về tay nhà Lê (Lê Hoàn), ông về động Trịnh Thạch sống cuộc đời ẩn dật. Đến thời vua Lý Công Uẩn thay nhà Lê; ông được cua mời từ động Trinh Thạch trở về kinh thành Thăng Long.
Lễ hội Đình Bo phường Kỳ Bá thành phố Thái Bình. Ảnh minh họa
Vua Lý Thái Tổ gọi ông là “Minh Triết Phu tử”. Khi ông mất vua Lý Thái Tổ đã cử quan triều đình về tổ chức tang lễ cho ông tại ấp Hàm Châu (nay là xã Tân Bình, Thành phố Thái Bình).

Nhà vua còn ngự chế bài bia: “Bài Ngự chế bia ký về Thái tổ họ Bùi”, sai Khuông Việt Đại sư viết chữ vào đá - thợ khắc bia là ông Phạm Thắng. Sau đó vua Lý sai người đem tấm bia đó về đặt tại Từ Đường của Bùi Quang Dũng ở ấp Hàm Châu. Một con người mà cuộc đời trên 90 năm gắn liền với 3 triều Đinh – Lê – Lý; sao lại không có tên trong các bộ chính sử nước nhà ?
           
I. Thân thế cuộc đời của Trịnh Quốc công Bùi Quang Dũng.

Hiện nay dòng họ Bùi Quang ở làng Đồng Thanh (xưa là ấp Hàm Châu), xã Tân Bình, Thành phố Thái Bình con lưu giữ cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán (có đóng ấn vào năm 1919 của tuần phủ Thái Bình khi đó là Phạm Văn Thụ). Trong các trang của cuốn phả đều có dấu giáp lai của Lý trưởng xã Đồng Thanh (thời Pháp thuộc). Qua đọc cuốn phả được biết: Bùi Quang Dũng (921 – 1018), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nổi tiếng đức độ ở đất Phong Châu (Phú Thọ). Ngay từ thuở nhà, ông đã nổi tiếng là người thoongminh, học đến đâu hiểu và nhớ luôn đến đó.

Ở vào tuổi thanh niên, Bùi Quang Dũng đã nức tiếng gần xa về tài văn, võ. Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân. Năm Bính Dần (966) Bùi Quang Dũng đã ngoài 40 tuổi, biết ông là người có tài, văn thao võ lược, tinh thông binh pháp, sứ quân Ngô Xương Xí (chiếm giữ vùng Bình Kiều - Triệu Sơn – Thanh Hoá) và Kiều Công Hán sứ quân giữ đất Phong Châu (Bạch Hạc – Vĩnh Phúc) đều cho người đến thuyết phục lôi kéo ông về với mình.

Bùi Quang Dũng từ chối cả hai sứ quân. Ông viện cớ “Tôi con nhà làm ruộng, chỉ quen cầy cấy, gặt hái; sớm tôi vui với ruộng vườn mà thôi; còn việc đời thực không biết gì … các người muốn chiêu dùng, mà tôi thì nhút nhát, hèn kém rồi người đời lại cười các ngài nhầm lẫn… tôi thực sự không có tài gì, người ta đồn đại vậy thôi”.

Nhưng các sứ quân cũng không để ông sống ẩn dật yên thân, Đỗ Cảnh Thạc (sứ quân chiếm giữ Đỗ Động - Bảo Đà – Hà Đông) cho người nhà là Nguyễn Văn Thao đến nhà Bùi Quang Dũng xin trọ học để thăm dò, lôi kéo ông về với mình. Phả Bùi Gia chép: “Ông Thao ở với gia đình cụ gần 1 tháng, cụ thường đem chuyện cầy cấy, buôn bán ra nói, hễ ông Thao đả động đến chuyện loạn lạc của đất nước, cụ chỉ ngồi lặng yên nghe; khi bàn đến chuyện chiến tranh trận mạc, cụ tỏ ra sợ hãi”.

Cho rằng Bùi Quang Dũng không có tài cán gì, Nguyễn Văn Thao về nói với Đỗ Cảnh Thạc: “Người ta đều khen hắn là tài trí, nhưng tôi xem ra chỉ là hư danh mà thôi”. Thật ra Bùi Quang Dũng không phải là người không có tài. Ông tâm sự với người thân: “Thờ vua phải biết chọn người, những người ấy (chỉ Ngô Xương Xí, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hán) thì làm được gì. Bây giờ chưa phải thời, chưa đến lúc chọn được minh chủ”.

Năm Đinh Mão (967) nghe tin Đinh Bộ Lĩnh, vị sứ quân tài trí hơn người, được sứ quân Trần lãm ở Kỳ Bố (Thành phố Thái Bình này nay) nhận làm con nuôi và trao cho giữ binh quyền; Bùi Quang Dũng đã tìm về với Đinh Bộ Lĩnh. Các sứ quân lần lượt bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối. Trong chiến công chung, không thể không nói tới công lao và sự đóng góp to lớn của Bùi Quang Dũng.

Năm Mậu Thìn (968) Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, lấy hiệu là Đại Thắng Đinh hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm Kinh Đô, lấy niên hiệu là Thái Bình, phong thưởng cho các tướng sĩ. Bùi Quang Dũng được phong là anh Dực tướng quân, sung điện tiền đô chỉ huy sứ kiêm thiêm sự. Năm 971, ở vùng Kỳ Bố, Ngô Văn Kháng nổi lên chống nhà Đinh, triều đình cử tướng đi dẹp loạn nhưng bị thất bại. Sau vua Đinh cử Bùi Quang Dũng xuất chinh.

Bằng uy đức của mình, ông đã thuyết phục được Ngô Văn Kháng quy hàng. Vua Đinh phong ông là Trấn đông tiết độ sứ, tổng thống Kiêm Lý ba Đạo, vua cho ông đóng quân ở thành Kỳ Bố; sau lại thăng hàm đặc khai quốc thiên sách thượng tướng, tước an tĩnh hầu.

Vua còn truy tặng cho bố ông là Khải tá hầu. Bùi Quang Dũng khai khẩn đất hoang ở ven sông Lãng Bạc và sông Cái (sông Trà Lý ngày nay). Ông đã biến vùng đất hoang vu rộng lớn thành làng xóm đông vui, đồng ruộng tươi tốt. Nơi đất ông được vua ban cho gọi là Ấp Hàm Châu (nay là làng Đồng Thanh, xã Tân Bình) cùng với ấp Hàm Châu, ông còn khai khẩn đất hoang lập ra 8 trại khác (nay bao gồm các xã Minh Lãng, Phúc Thành - huyện Vũ Thư, Tân Bình – Thành phố Thái Bình).

Cảm tạ công lao của ông dân các làng trên đều đặt tên làng mình là Bùi Xá. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại Lê Hoàn được tướng sĩ tôn lên làm vua (thời tiền Lê). Quân xâm lược Tống lợi dụng nước ta có biến, đem quân tiến đánh. Sau chiến thắng chống quân xâm lược Tống (981) Bùi Quang Dũng lui về ở ẩn trong động Trinh Thạch, khi đó ông đã 60 tuổi. Năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Nhà vua 3 lần cho người đến nơi Bùi Quang Dũng ẩn cư, mời ông ra giúp việc nhưng ông đều thoái thác viện lý tuổi già.

Năm Thuận thiên thứ 2 (triều vua Lý Thái Tổ), vùng Kỳ Bố Hải Khẩu có (giặc) nổi lên chống lại nhà Lý. Triều đình 3 lần cho tướng đem quân đi dẹp nhưng đều thất bại. Tướng Nguyễn Uy dò biết được lòng dân ở đây đều hướng về Bùi Quang Dũng, ông tấu trình sự việc với vua Lý. Lý Thái Tổ đã viết thư, sai Nguyễn Uy đem đến động Trinh Thạch mời ông về triều và nói rõ sự tình ở Kỳ Bố cho ông biết.

Đến lúc này Bùi Quang Dũng mới quyết định trở về kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ tiếp đãi ông rất long trọng và ban hiệu là: “Minh Triết Phu Tử”.  Nhà vua tỏ lòng kính trọng, coi ông như bậc thầy của mình. Sau đó vua Lý Thái Tổ lấy nguyên chức tước cũ của ông khi trước “thời Đinh”, đem phong cho con trai ông là Bùi Quang Anh: Dực tướng quân lĩnh trấn đông tiết độ sứ. Hai cha con Bùi Quang Dũng được vua Lý cử về Kỳ Bố dẹp loạn. Khi ông về tới nơi (giặc) kéo nhau ra hàng. Thực ra họ đều là tướng lĩnh cũ của ông vì nhớ ông mà phải làm như vậy mới lôi kéo được ông trở về quê.

Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9 (1018) ngày 13 tháng 6; thọ 97 tuổi. Được tin ông mất Lý Thái Tổ cho quan bộ lễ về tổ chức an táng và truy phong ông là Trịnh Quốc Công. Tháng 8 năm ấy, vua Lý tự tay ngự đề văn bia Sự trạng ông. Ngày 12/8 (Thuận Thiên thứ 9) 1018, vua giao cho thái sư Khuông Việt chép bản ngự chế vào bia đá.

Thợ khắc đá Phạm Công Thắng vâng mệnh vua khắc bia. Sau đó vua Lý cho người đem về từ đường ông ở ấp Hàm Châu để thờ. Năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) nhân đi tuần phòng phía đông, vua Lý Công Uẩn đến vùng Kỳ Bố và về ấp Hàm Châu thăm viếng mộ ông. Tại từ đường thờ Bùi Quang Dũng, vua Lý ngự đề đôi câu đối:

“Bất sự nhị quân, trang liệt phong, trinh thạch động, tam thập niên quán cổ”
“Lực phù thống nhất, vân lôi chính khí, Hàm Châu ấp, thiên vạn tải như sinh”
Tạm dịch nghĩa: Không thờ hai vua, tiếng trung liệt cao vời vợi, động Trinh Thạch 30 năm lừng tiếng.
Hết sức giúp nền thống nhất, chí khí ngay thẳng vang dội, ấp Hàm Châu vạn cổ vẫn còn.

Sau khi về Thăng Long, Lý Thái Tổ còn ban chiếu chỉ cho họ Bùi ở Hàm Châu 3 ngôi cấm địa (nơi chôn cất mộ Bùi Quang Dũng và bố, mẹ ông). Đến thời vua Trần Thái Tông và vua Lê Thái Tông cũng có chiếu chỉ cho họ Bùi 3 ngôi cấm địa nguyên như trước. Vua Lê Thái Tông còn ban tặng dòng chữ: “Bùi Thị Hưng gia Thái tổ”.

II. Bài ngự chế bia ký về Thái tổ họ Bùi của vua Thái Tổ triều Lý.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ít có vị công thần nào khi chết lại được vua ban quan tài đồng, tự tay viết ngự chế bia rồi cho khắc vào bia đá để ghi công trạng như Bùi Quang Dũng. Đáng tiếc các tài liệu về công lao của ông đối với các triều Đinh – Lý  hiện tại còn rất ít.

Nhưng rất may là bài ngự chế bia ký … cùng đôi câu đối của vua Lý Thái Tổ hiện còn được lưu giữ ở trong phả ký và nơi thờ Bùi Quang Dũng ở Hàm Châu, cũng phần nào giúp chúng ta hiểu được công lao, chí khí, tài năng của ông đối với dân, với nước. Điều đáng quý là bài ngự chế bia ký lại là tác phẩm rất hiếm của Lý Thái Tổ còn để lại cho hậu thế. Đây quả là tài liệu quý báu, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về tài năng, đức độ, trí tuệ của vua Lý Thái Tổ.

Càng đáng quý hơn khi đọc bài Ngự chế bia của vua Lý ta thấy rõ, sự hào sảng, minh tuệ, đức độ của vua Lý Thái Tổ qua câu mở đầu: “Trẫm cho rằng công cuộc mở nền dựng nước dù là chủ trương của bậc nhân quân, song việc dẹp loạn binh nhung phần lớn trông cậy vào sự nỗ lực của các tướng soái tài ba. Từ xưa đến nay đều như thế. Đó là lý và cũng là thế vậy…” , “Tìm được bậc trung thần mà người đó lại biết bảo toàn sinh mệnh mình lại càng khó hơn nhiều. Tỷ như chuyện vị quan: Đặc tiến khai quốc thiên sách thượng tướng, minh triết phu tử, trịnh quốc công Bùi Quang Dũng, triều Đinh thuở trước” (Tiến sĩ Mai Hồng viện Hán – Nôm dịch).

Toàn bộ bài Ngự chế bia của vua Lý là sự ca ngợi công lao của Bùi Quang Dũng đối với triều đình với đất nước và nhân dân. Đoạn kết của bài Ngự chế bia khẳng định: “Trẫm ban thêm chế sách tặng mỗ (tức Bùi Quang Dũng) là trịnh quốc công, lại gia phong mỹ tự dựa trên đức độ bình sinh của mỗ: “cương nghị, bất khuất, chính trực, không a tòng” và ban tên thuỵ là: “Cương chính tướng công”… để biểu dương tấm lòng của mỗ và cũng là để bộc bạch tấm lòng chuộng hiền của trẫm vậy.

Ô hô ! mỗ hiếu trung vẹn cả đôi đường.
                        Tiết nghĩa song toàn hai chữ
            Đó quả là điều hiếm thấy, hiếm nghe nhất từ cổ chí kim, ở thế gian này. Trẫm mong cho tính danh của mỗ sẽ bất tử, hơn nữa nó là tấm gương cho các thế hệ bề tôi của trẫm mãi về sau soi vào”.

Không chỉ có vua Lý Thái Tổ ngự đề bia ký, câu đối mà về sau vua Lý Nhân Tông cũng có những câu đối ngự đề ở từ đường của Bùi Quang Dũng để ghi nhận công lao của ông đối với đất nước khi nhà vua về Kỳ Bố và tới thăm viếng từ đường của Bùi Quang Dũng ở ấp Hàm Châu.

III. Vì sao Bùi Quang Dũng không có tên trong chính sử?

Bùi Quang Dũng, danh tướng khai quốc công thần thời nhà Đinh; vua Đinh Tiên Hoàng phong ông là trấn đông kết độ sứ, sau khi nhà Đinh mất về tay nhà Lê (Lê Hoàn), ông về động Trịnh Thạch sống cuộc đời ẩn dật. Đến thời vua Lý Công Uẩn thay nhà Lê; ông được cua mời từ động Trinh Thạch trở về kinh thành Thăng Long.

Vua Lý Thái Tổ gọi ông là “Minh Triết Phu tử”. Khi ông mất vua Lý Thái Tổ đã cử quan triều đình về tổ chức tang lễ cho ông tại ấp Hàm Châu (nay là xã Tân Bình, Thành phố Thái Bình). Nhà vua còn ngự chế bài bia: “Bài Ngự chế bia ký về Thái tổ họ Bùi”, sai Khuông Việt Đại sư viết chữ vào đá - thợ khắc bia là ông Phạm Thắng. Sau đó vua Lý sai người đem tấm bia đó về đặt tại Từ Đường của Bùi Quang Dũng ở ấp Hàm Châu. Một con người mà cuộc đời trên 90 năm gắn liền với 3 triều Đinh – Lê – Lý; sao lại không có tên trong các bộ chính sử nước nhà ?

Do chiến tranh loạn lạc, tấm bia đá của vua Lý Công Uẩn ban tặng cho trịnh quốc công Bùi Quang Dũng nay không còn. Hiện ở từ đường chỉ còn lại tấm bia mới lại phục dựng, đôi câu đối của vua Lý ban và ba bài chiếu của các vua: Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tông đều được phục dựng lại cuối thời Lê; hiện đang được treo ở từ đường họ Bùi làng Đồng Thanh xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, ngoài ra bài ngự chế bia ký trước đây còn được chép vào gia phả họ Bùi từ thời vua Lê Hy Tông đến nay vẫn còn. Năm 1919 tuần phủ Thái Bình là Phạm Văn Thụ sau khi xem phả ký đã đóng dấu vào đầu của cuốn phả, đó là sự xác nhận về mặt pháp lý về tính trung thực của cuốn gia phả họ Bùi ở ấp Hàm Châu.

Một điều rất lạ là qua tra cứu các bộ sử của Việt Nam thời phong kiến: ĐVSKTT, Lịch triều hiến chương loại chí, khâm định VSKGTM… đều không thấy có tên của Bùi Quang Dũng và con cháu ông. Duy nhất tên tuổi của ông cùng con, cháu được ghi trong sách “Thái Bình phong vật chí” (của tổng đốc Thái Bình Phạm Văn Thụ - triều vua Khải Định).

Qua tìm hiểu “Hàm châu ấp Bùi thị gia phả” đã giúp chúng ta phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao Bùi Quang Dũng và phần lớn các thế hệ sau của ông đều bị xoá bỏ tên tuổi trong các bộ sử nước ta thời phong kiến. Trong cuốn phả nêu trên (ở trang 81, 82 có ghi): “vua kính tôn nhà Lê – niên hiệu Hoằng Định - Kỷ Mùi năm thứ 20, mùa hạ tháng 5 Trịnh Tùng giết vua Lê, quan điện tiền đô điểm - kiểm là đại thần Bùi Văn Đức đem quân đánh (Trịnh Tùng). Bùi Văn Đức là hậu duệ đời thứ 18 của Bùi Quang Dũng.

Thấy Bình An Vương Trịnh Tùng lộng hành sai người giết vua Lê kính tôn, lên ông đã cùng với các con cháu (lúc đó họ Bùi có 17 người - đều ở đời thứ 18 – 19, làm quan triều Lê Trịnh) dấy quân chống đánh lại Trịnh Tùng. Vì thế cùng lực kiệt nên mọi người đã tự giải tán và chạy đi các tỉnh để ẩn náu. Hàng trăm người họ Bùi ở đất Hàm Châu được báo trước đã dấu bia đá, san bằng mặt mộ cụ tổ Bùi Quang Dũng để đề phòng quân Trịnh tới tàn phá. Sau đó quân đội của Trịnh Tùng đã về Hàm Châu nhưng người họ Bùi đã di tản hết, chúng đốt phá rồi bỏ đi. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà sau này tên tuổi của các vị công thần họ Bùi đã không có trong sử nước Nam. Đến đời Nguyễn các sử gia cũng không ghi tên Bùi Quang Dũng và công lao của ông, phải chăng vì lúc đó cuốn gia phả của họ Bùi được dấu kín nên ít người biết tới. Tuy vậy qua khảo cứu ĐVSKTT tập 2 (NXB VHTT – 2004) có ghi:

“Mùa hạ tháng 4, An Bình Vương (Trịnh Tùng) sai thái phó Thanh Quận công Trịnh Tráng cùng với nội giám là nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi, biết hết tình trạng. Tháng 5 ngày 12 bắt vua  (Lê Hy Tông) phải tự thắt cổ chết”(SĐD – trang 776).

Lần lại cuốn : “Hàm Châu ấp Bùi thị gia phả” có ghi: Bùi Sỹ Lâm là cháu đời thứ 19 của cụ Bùi Quang Dũng. Vào thời kỳ này, Bùi Sỹ Lâm đi theo Trịnh Tùng vì thế ông không cùng quan điểm chống Trịnh phù Lê như cha, chú, anh em trong họ Bùi. Có lẽ vì thế tên tuổi của Bùi Sỹ Lâm vẫn còn được ghi lại trong ĐVSKTT  (thời Lê - Trịnh). Như  vậy phần nào cũng giúp chúng ta lý giải được nguyên nhân vì sao Bùi Quang Dũng, Bùi Quang Đạt, Bùi Quang Anh … lại không có tên ghi trong chính sử thời phong kiến.

Năm 2010, cả nước náo nức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, để giúp bạn đọc hiểu rõ về những công thần, danh thần đã từng giúp vua Đinh, vua Lý,  tạo dựng cơ nghiệp; tác giả mạo muội cung cấp thông tin về vị trịnh quốc công Bùi Quang Dũng - một nhân vật mà tên tuổi đã gắn liền với hai triều Đinh – Lý.

Người đã được vua Lý Công Uẩn tôn xưng là “Minh triết phu tử” ; người hết lòng vì dân, vì nước. Gương đức hạnh, tài năng, chí khí của Bùi Quang Dũng mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hiện tại và tương lai noi theo học tập, để góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng mạnh, tươi đẹp sánh vai với các cường quốc năm châu như điều Bác Hồ hằng mong muốn.

Đặng Hùng
Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét