Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Thăm đền Mõ, ngắm cây gạo hơn 700 năm


Đền Mõ thuộc xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy), thờ Quỳnh Trân công chúa, người có công khai hoá mảnh đất này. Ngự trên mảnh đất thanh bình của một làng quê thuần nông, đền Mõ vẫn giữ được những nét đẹp kiến trúc cũng như giá trị của lịch sử. Nơi đây có cây gạo hơn 700 năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) công nhận là cây di sản ViệtNam.

Cây gạo đại thụ hơn 700 năm tại đền Mõ
Ảnh: Duy Lân

Theo lời kể dân gian, năm Quí Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân xin vua Trần Thánh Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật và được chấp thuận. Công chúa chọn đất làng Nghi Dương (thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) làm nơi lập am. Bà rời xa hoàng tộc, để đến nơi thôn dã, dạy bảo dân lành khai khẩn ruộng nương, gieo hạt, ươm mầm, trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt vải. Bà chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng ngôi chùa Mõ. Huyền thoại truyền tụng đến ngày nay, rằng, đêm đến công chúa gõ mõ, tụng kinh niệm Phật, ban ngày tiếng mõ cũng là hiệu lệnh tập hợp nhân dân. Công chúa đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để mọi người nghe đó mà nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm... rồi tụ tập trai tráng mở hội vật, cầu trời mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông cấy trồng, mùa màng tươi tốt. Vì thế mọi người gọi công chúa là “Bà chúa Mõ”. Trong những tháng ngày tu hành ở chùa Mõ, công chúa Quỳnh Trân đã trồng cây gạo với ước nguyện thóc gạo dồi dào, nhân dân no đủ  và cho đến nay cây gạo vẫn tươi tốt.

Tháng 11 năm Mậu Thân, công chúa viên tịch. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ. Đền Mõ có từ đó và được lưu giữ đến ngày nay. Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là ngôi chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) và cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá xum xuê tỏa bóng. Con đường nhỏ chạy dài xuyên qua Tam quan, hai bên là hai toà giải vũ 5 gian, 2 chái. Kiến trúc của đền gồm 3 toà nhà, bố cục theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường (cung đệ tam), 5 gian đại bái (cung đệ nhị) và 2 gian hậu cung hình chuôi vồ. Các toà nhà kề sát nhau, mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Toà tiền đường xây theo kiểu "tường hồi bổ trụ giật tam cấp", tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ vững chắc. Ba gian trung tâm toà tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu "cửa tùng cung khách" chắc chắn và đẹp. Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền.

Hằng năm, lễ hội đền chùa Mõ được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng (lễ Kỳ Phúc) và thường kéo dài ba ngày, với nhiều hoạt động như : lễ rước Thành Hoàng làng, hội vật Cầu Đảo, các trò chơi đánh cờ, chọi gà, tổ tôm điếm. Đền Mõ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa.

Năm 1991, đền Mõ, xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Đặc biệt, cây gạo ở đền Mõ là Cây Di sản Việt Nam thứ 65, được tổ chức lễ vinh danh trong tổng số hơn 70 cây được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt. Cây có hai thân với chiều cao khoảng 30m, đường kính hơn 2m, diện tích che phủ của tán cây khoảng 1.200m2. Thân phụ có đường kính 0,49m mọc ra từ gốc thân chính. Trải qua hơn 7 thế kỷ, cây gạo này vẫn xanh tốt, trổ hoa đỏ rực vào tháng 3.

Văn Lượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét