Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Thái Bình thời Lý Trần


Theo sử sách ghi lại thì từ thời Lý (1010 1225) Thái Bình đã có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Keo, cung Kỳ Bố, cung Ngự Thiên, chùa Phúc Thắng, chùa Báo Quốc. Chùa Keo được xây dựng lần đầu vào năm 1060 và hoàn thành vào năm 1062.
Về lễ hội đền Trần. Ảnh: Phi Thành
Chùa Keo khi ấy còn được gọi là chùa hành cung vì mỗi lần vua Lý đi kinh lý về phương Nam thường nghỉ lại tại đây, chùa có tên chữ là “Thần Quang Tự”.

Cuối thế kỷ XVI, trời làm lụt lội, nước sông Hồng chảy xiết, sông Hồng đổi dòng, làm trôi cả chùa. Năm 1630 chùa được xây dựng lại, đến năm 1632 thì hoàn thành, chùa được người xưa xếp vào hàng bậc nhất dưới trời Nam. Văn bia trùng tu chùa (1632) ghi:
“ Nơi phúc địa (thờ phật) ở nước Nam, đâu đâu cũng có. Nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở làng Dũng Nhuệ là nơi danh lam bậc nhất từ Bắc chí Nam”.

Ghi nhận như thế bởi chùa có quy mô rộng lớn, có điện thờ Phật, thờ Thánh, có đài đốt hương, có gác chuông có cửa tam quan trong ngoài … tất cả 21 dãy, 154 gian.
Từ đông sang tây
Nguy nga lộng lẫy
Ba nghìn thế giới chẳng chút bụi trần
Hai chục lâu đài sáng trong tựa ngọc

Chùa lại được đặt vào nơi:
Phía chu tước (trước) dòng xà giang (sông Hồng) chầu vào bao la vạn khoảnh.
Phía huyền vũ (sau) sông Hoàng Giang (sông Hồng) vòng lại, mênh mông ngàn tấm.
Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh lam.
Rẫy rừng cây tua tủa vươn cao, như búi tóc mây màu lục…

Chùa Báo Quốc ở làng Lưu Xá xã Canh Tân (huyện Hưng Hà). Theo miêu tả của Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải (1241  1294) thì ở đây có tháp cổ, có đỉnh soi bóng trên dòng sông, chủng viện cũ, lân đá phô bày (nguyên văn câu thơ trong bài “Lưu gia độ” là:

“Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng
Hoang từ cổ thượng thạch lân tiền”.

Tiếng tăm Báo Quốc Tự còn truyền đến thời Lê, khi vua Lê Hiến Tông (1498 1504) trên đường đi Lam Kinh (Thanh Hoá) về kinh đô Thăng Long đã ghé thăm, sai tạc bia để ghi lại sự tích:
“Nghe oai hưng hiển đáo thiền môn
Chưa tường sự tích lưỡng túc tôn
Đinh hữu chí công phai sự tích
Ra về sai khắc lại bi ngôn”

Cung Ngự Thiên xưa là xã Ngự Thiên huyện Ngự Thiên (nay là xã Hồng An huyện Hưng Hà) theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: cung do vua Lý Anh Tông (1136  1175) xây dựng vào năm Đại Định thứ 17 (1156). Cũng theo sách toàn thư thì cung có “Điện Thụy Quang, gác ánh Vân, thềm Nghi Trượng, gác Diên Phú, đình Thưởng Hoa, thềm Ngọc Ngọc, hồ Kim Liên, cầu Minh Nguyệt”.

 Quốc sử quán triều Nguyễn Bình “Nhà Lý năm nào cũng dựng chùa, xây tháp nhưng chưa có công trình nào tốn kém bằng công trình trình này, sức lực trăm họ đều phải ném vào việc thổ mộc. Than ôi ! công ơn của nhà Lý đối với dân đến đây là hết”.

Ngoài ghi chép của sử sách dân gian còn lưu truyền về bốn công trình, bốn danh thắng vào thời Lý ở huyện Phụ Phượng (nay là huyện Quỳnh Phụ): “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào, Lý triều tứ cố cảnh” và giải thích:
- Đào Động (nay là thôn Đồng Bằng xã An Lễ) nơi có đền thờ vua cha Bát Hải đại vương, một công trình kiến trúc đẹp được xây dựng rất sớm. Thời Lý đã nổi tiếng, đến thời Trần Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và tướng quân Phạm Ngũ Lão đã từng đến đây.

Phạm Ngũ Lão cho rằng nơi đây “đáng cảnh thần tiên nhất nước nhà”, Bài thơ của ông được khắc vào cuốn thư với nội dung:
“Xuân đến lung linh rợp trời hoa
Hạc về để tiễn gió thu qua
Dưới bóng trời, mây đều rực rỡ
Đáng cảnh thần tiên nhất nước nhà”.

Làng Lộng Khê xã An Khê thời Lý có chùa Ngọc Động nơi nhà sư Nguyễn Chí Thành đã trụ trì ở đây trước khi thành Quốc sư nhà Lý. Vào thời Trần người đứng đầu đạo Phật của nước ta thời ấy Tả nhai đạo lục Phùng Tá Thang, cuối đời cũng về tu hành và mất tại đây. Chùa Ngọc Động là một quần thể khép kín, gồm 2 toà: Bái đường, phật điện với các công trình nhà tổ, tăng xá, hoành mã, tam quan, trước chùa có 3 bảo tháp, mỗi tháp 9 tầng cao 9,5m. Trong chùa có đầy đủ tượng pháp, đồ thờ…

Cùng với chùa, làng Lộng Khê còn có đền thờ Lý Thượng Kiệt, trong đền có nhiều đồ thờ quý hiếm, có 2 bức đại tự ghi “ Mỹ tục khả phong”, “Mỹ tục khả tượng”. Những công trình kiến trúc trên vào thời Lý chắc chưa được như ngày nay nhưng đã nổi tiếng là một thắng cảnh.

Tô Đê là một thôn của xã An Mỹ ngày nay. Buổi sơ khai Tô Đê nằm trong là Tò (Tù Hương). Vào thời Lý, Trần, làng Tò chia nhỏ thành các thôn lúc đầu là Tô Đê. Thời Lý Tô Đê đã có ngôi đình, dân gian gọi đình Tô, đình to và rộng, cột đỉnh to hai người ôm. Đình có sức chứa hàng ngàn người. Vào thời Trần làng Tò đã trở thành vùng quê “có sông nhỏ chảy ra, sông lớn chảy vào, có gò đảo, có lâu đài cổ kính, làng mạc, đồng ruộng như một dải lụa”.

A Sào là một trong “tứ cố cảnh” song ở đây dana gian còn có câu:
“A Sào văn vật kỳ quan
Người khôn cũng lắm, người ngoan cũng nhiều”.

A Sào nổi tiếng từ thời Lý vì đây là thái ấp của Phụng Càn Vương, con rể của vua Lý Huệ Tông (1210- 1214). Phụng Càn Vương và công chúa Thuận Thiên đã ở đây sáu năm (1222 - 1228) ông bà đã đem những hiểu biết của mình về trồng cấy, về nếp sống nơi đô hội để dạy bảo cho dân, xây dựng nơi đây thành vùng quê giàu đẹp.

Sau khi Phụng Càn Vương được điều về kinh, ông lại cho con trai mình Trần Quốc Tuấn về trông nom thái ấp. Trong kháng chiến chống Mông  Nguyên thế kỷ XIII, A Sào được xây dựng thành kho lương, kho vũ khí (Am Qua) sau thành “Mễ thương thắng tích” ở đây có đền thờ Phụng Càn Vương và Hưng Đạo Vương, được nhân dân xếp là “đệ nhị linh tử” (đứng sau đền Kiếp Bạc).

Thời Trần, Thái Bình có nhiều công trình kiến trúc nhưng nổi tiếng là cung Long Hưng và cung Lỗ Giang.

Cung Long Hưng đặt tại xã Thái Đường (nay là thôn Tam Đường xã Tiến Đức huyện Hưng Hà) theo sử sách thì nơi đây có 4 lăng: Thọ Lăng (mộ Thường hoàng Trần Thừa) Chiêu Lăng (mộ vua Trần Thái Tông) và Đức Lăng (mộ vua Trần Nhân Tông) phụ táng các Hoàng thái hậu, Hoàng hậu và nhiều thân vương, công chúa tạo thành thế “Tiền Tam thai” “Hậu thất tinh” “Nam mã phục” “Bắc phụng chầu” có gò thiêng “ân kiếm tại tiền” có “vườn màn” “Bến Ngự”….

Ngoài lăng mộ còn có các đền thờ, cung điện cho vua cho thượng hoàng và quần thần ở mỗi khi về bái yết tổ tiên. Theo ghi chép của sử sách thì ngày 17 tháng ba năm Mậu Tý (Trùng Hưng) năm thứ 9 (1288) sau khi đánh bại quân Nguyên, Thượng Hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông trở về phủ Long Hưng làm lễ dâng thắng trận  ở Chiêu Lăng. Ngày 27 xa giá hai vua mới trở về kinh. Ghi chép trên cho biết triều đình đã ở lại phủ Long Hưng 10 ngày, cung Long Hưng rộng lớn có đủ chỗ ở cho vua và quần thần ở.

Hơn 700 năm qua do giặc ngoại xâm, thiên tai tàn phá cung Ngự Thiên chỉ còn là di tích  khảo cổ, từ năm 2000 Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã và đang khôi phục lại đền thờ các vua Trần, tu tạo, bảo tồn ba ngôi mộ các vua đầu triều Trần.

Cách cung Long Hưng 5  6 km về phía Nam, tại xã Thâm Động huyện  Thư Trì phủ Kiến Xương (nay là xã Hồng Minh huyện Hưng Hà) có cung Lỗ Giang, nơi ở của Khâm Từ Thái hậu và Tuyên Từ Thái Hậu (vợ vua Trần Nhân Tông) có An Lăng, lăng mộ của vua Trần Hiến Tông, có đền thờ 7 vua Triều Trần, Lăng mộ, cung điện không còn nhưng nhân dân Hồng Minh đã khôi phục lại đền thờ các vua Trần.

Nhìn vào những công trình kiến trúc đình, chùa, đền miếu hiện còn, nhiều người tự hỏi: xưa không giàu sao nhân dân làm được như vậy? Và thời xưa, Thái Bình từng có những công trình vào loại “bậc nhất dưới trời Nam”, “đáng chốn thần tiên nhất nước nhà” như chùa Keo, đền Đồng Bằng. Thời nay liệu bao giờ có những công trình được xếp bậc như thế.

Phạm Minh Đức
Thành phố Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét