Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Lượn then của người Tày Cao Bằng


Lượn là một thể loại dân ca của Cao Bằng rất phong phú, đa dạng, bao gồm: lượn Then, lượn Cọi, lượn Slương, lượn Nàng ới, lượn Ngạn. Vào những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước, đến những vùng quê non nước Cao Bằng, đâu cũng gặp câu sli, câu lượn, đâu cũng gọi Nàng ới. Người ta hát dân ca quanh năm, nhất là vào mùa xuân và những khi nông nhàn.

    Lượn Then là loại hình dân ca của dân tộc Tày phổ biến nhất ở các huyện miền Đông: Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, lan rộng đến một số bản làng phía nam Hòa An và đông Thạch An. Nam thanh, nữ tú Tày dùng lượn Then để vui chơi, giải trí, giao duyên tỏ tình vào những dịp hội hè, lễ tết, chợ phiên hoặc khi có khách phương xa đến nghỉ tại bản mình. Những buổi lượn hát đối đáp giữa bên chủ và bên khách thường kéo dài thâu đêm suốt sáng. Mới đầu là những câu dặng hắng tỏ vẻ xã giao dạm hỏi, đặt vấn đề của tốp thanh niên làng bản qua gia chủ đến khách một cách ý nhị, rằng: “Gẳm nẩy khủa bắp nớ” (Hôm nay rang ngô nhé), có nghĩa là thông báo tới bên khách sẽ có cuộc lượn đấy. Trong nhà, ông già, bà cả, mọi người đều hoan hỷ, cời bếp than hồng, đun nước pha trà ngon, tạo điều kiện “vun vào”, khích lệ hai bên chuẩn bị tinh thần sảng khoái để lượn hát đêm nay. Các cụ còn giúp cho hai bên nam, nữ hát sao cho hay, nhất là những câu ứng tác đối đáp giao duyên kịp thời, cứu cho “bàn thua” trông thấy. Điều ấy khiến các bậc ông bà như trẻ lại, hồi nhớ một thời xuân sắc ngày xưa đến nao lòng và là dịp để truyền vốn dân ca lượn Then một cách tự nhiên, đầy sức quyến rũ, thuyết phục cho con cháu mình.
    Lượn Then có cấu trúc thành hai thể loại: lượn và hát xen kẽ, hòa quyện nhau thật là sinh động. Về lượn, chủ yếu là lời Tày ý nhị, ví von, sâu sắc, đầy tính nhân văn, theo thể thơ thất ngôn trường thiên. Có một số câu bằng tiếng Kinh khi vào phần lượn kể về tích chuyện cổ. Về hát, phổ biến lại là tiếng Kinh theo thể thơ lục bát, thơ đường, trong ứng tác có thể thêm câu, thêm chữ nhưng vẫn đảm bảo vần điệu.
    Lượn Then là loại hình dân ca khi được nam nữ thanh niên sử dụng trong các cuộc vui giao duyên có cấu tứ chặt chẽ, hệ thống mạch lạc từ lúc mở đầu đến kết thúc. Thông thường, một cuộc lượn diễn ra theo trình tự, nấc bước như sau:
    Lượn nai, hát nai (nai là mời: lượn mời, hát mời). Đây là phần mở đầu cho cuộc lượn. Bên chủ (nam hoặc nữ) lên tiếng trước. Nội dung chính là nói lên sự vui mừng cảm kích trước sự có mặt của khách, nhưng tự trách mình có khiếm khuyết đón tiếp chưa chu đáo, ân cần hỏi thăm nơi ăn, chốn ở của khách. Sau đó là lời mời thành tâm đến khách lượn hát đêm nay. Thường thì khách khiêm tốn, làm thinh. Trước sự vồn vã hồn nhiên, nồng hậu của chủ, khách chưa lượn đáp ngay, mà đánh tiếng rằng: cảm ơn thịnh tình của bạn, nhưng tiếc là chúng tôi kém cỏi, không biết lượn, hát; xin khất lần sau. Thời gian lại tiếp tục trôi đi, trong sự đợi chờ của gia chủ và bà con cô bác trong làng. Bên chủ vẫn nỉ non nài nỉ mời bạn lên giọng, cùng với sự khích lệ của gia chủ và mọi người. Cuối cùng, khách lượn đáp lại, thế là cuộc lượn chính thức mở màn cho cuộc đối đáp giao duyên.
    Cũng có lúc, bên chủ mời đến “ngẫu cả ruột”, “hết tầm”, mà khách vẫn không lên tiếng vì lý do nào đó thì cuộc lượn không thành. Thường thì bên khách không đáp lại sẽ bị chủ chê trách thiếu thịnh tình và dùng đến “lượn đa” (đa là trách, mắng). Nhìn chung, những lời ca thán, phàn nàn bên chủ đều thể hiện nét văn hóa.
    Lượn Chối và hát chối. Tuy bên khách đã đáp lại, nhưng vẫn là nội dung chối từ với nhiều lý do, nào là trình độ lượn hát còn kém anh, kém chị, giọng hát không hay, đường sá xa xôi mỏi mệt, khó mà đáp ứng mong đợi của bạn… Lúc này, phía chủ lượn “Xồm hêng” (ca ngợi giọng của bạn hay) và hát cảm tạ tỏ ý vui mừng bên khách đã vào cuộc, mong đừng hát chối nữa. Kế theo là lượn hát đối và đáp do bên chủ chủ động dẫn dắt.
    Lượn Khuyên kết và hát kết. Đây là phần nội dung chủ yếu của lượn hát giao duyên, tỏ tình. Đến đây, khách nhập cuộc thật sự, biểu thị sự giãi bày từ lúc ra đi đường xa dặm trường, đến đây được chủ chào mời, đối đáp ân cần tiếp chuyện, ca ngợi tình người bao dung nghĩa hiệp… Rồi hai bên cởi mở tâm tình, hỏi thăm về gia đình, anh em bè bạn, muốn được gặp nhau kết duyên đôi lứa, nguyện thương yêu nhau, thủy chung son sắt, chia sẻ ngọt bùi, xây dựng hạnh phúc lứa đôi… Đôi bên dùng những áng thơ hay, ý nhị, sâu lắng, hàm chứa hình ảnh phong phú sinh động chứa chan tình yêu, cuộc sống. Đoạn lượn sau nói lời nhắn nhủ đợi chờ, chớ bội ước lời nguyền của nhau:
    “…
    Lừa noọng pây nặm slâư bấu túng
    Tá lừa phi sle búng nặm vằm
    Lừa noọng pây thâng gằn đoạn da
    Tá lừa phi cháng há thở thàng”.

    (Tạm dịch: Thuyền em đi nước trong veo không cản. Bỏ thuyền anh ở vũng nước ngầu. Thuyền em đi đến bến bờ rồi. Bỏ thuyền anh giữa dòng dang dở).
    Lượn Pây sách là lối lượn mà đôi bên đi theo bài, theo sách, các tích truyện cổ trong truyền thuyết dã sử, lịch sử, lượn tứ qúy hồng nhan… Lúc này, bên nữ được quyền ưu tiên chọn lựa đề tài, cốt truyện, đồng thời đưa ra những vế lượn đố; bên nam đáp lại, cứ thế kéo dài rất lâu. Đòi hỏi các chàng trai, cô gái phải học thuộc lòng và nhớ các tích truyện. Nếu bên nam không đáp lại được coi như bị thua.
    Sau lượn Pây sách là lượn Xồm (xồm là ngắm nhìn, thưởng ngoạn). Đó là các bài lượn ngợi ca về cảnh đẹp quê hương làng bản, mừng đồng ruộng tốt tươi, núi sông kỳ vĩ, thành hoàng làng, nhà cửa, cầu thang, vườn tược; gia súc, gia cầm đông đàn béo tốt… Phần này, khách lượn mừng điều gì thì chủ phải đối đáp lại với bằng cả tấm lòng của mình về điều đó.
    Lượn, hát Slăng (slăng là dặn dò, tạm biệt). Đây là phần lượn, hát chia tay, giã bạn để rồi kết thúc cuộc lượn tình nghĩa lâm li kéo dài. Lượn chia tay có thể vào khoảng 2 - 3 giờ sáng. Khi ấy, đôi bên quyến luyến không muốn rời xa, say sưa bày tỏ sự thương yêu, hẹn ước, mong muốn sẽ còn gặp lại nhau để được lượn hát giao duyên và hướng tới hạnh phúc lứa đôi.
    Với cấu trúc chặt chẽ cả hình thức và nội dung như vậy nên lượn Then đã đáp ứng được ước nguyện tỏ tình, giao duyên của các nam thanh, nữ tú. Ai đã có dịp được đắm mình trong cuộc lượn Then, sẽ khó mà quên được lời lượn, hát tinh tế, ví von sâu xa giàu hình ảnh, cảm xúc cùng giai điệu mượt mà, da diết say đắm lòng người.
    Lê Chí Thanh


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét