Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Lạ lẫm Mũi Kê Gà


Đó là địa danh của một cồn cát, có nhánh đâm ra biển tạo thành mũi. Nơi đó có thôn Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thôn cách trung tâm xã hơn 3 km, nằm chạy dài theo mũi. Tại đây có nhiều khe nước, ghềnh đá với nhiều hình thù đẹp, lạ, độc đáo. Tuy là một địa điểm đẹp, hữu tình, nhưng đến nay vẫn còn ít người biết đến.
 
 Một góc Mũi Kê Gà.


 Thôn Kê Gà có khoảng 300 nóc gia sinh sống, đa số bằng nghề biển nhưng thu nhập thấp. Họ chỉ đi biển bằng thúng, đi gần nên tôm cá không nhiều. Từ năm 2000 trở về trước, nơi đây chỉ là những đụn cát, rừng cây, trời mưa đường sá sình lầy đi lại rất khó khăn. Sau này con đường được xây dựng và mở rộng, thuận tiện cho việc giao thương đi lại, kể cả phục vụ khách du lịch. 
Bây giờ, đường nhựa phẳng lì chạy bon bon, từ  Kê Gà chạy thẳng về trung tâm thành phố Phan Thiết. Từ đó bắt đầu cho việc mở ra thu hút khách du lịch từ các nơi, kể cả khách nước ngoài đến tham quan, nhưng vẫn chưa nhiều như những điểm du lịch khác ở Bình Thuận. 
Cuộc sống ở thôn rất yên ả, có nhiều resort, vài quán buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ. Có ba phương tiện dịch vụ vận chuyển khách ra biển đến thăm tháp hải đăng trên đảo Kê Gà, cách đất liền khoảng 1 km.
Đảo Kê Gà là một đảo nhỏ, có diện tích 75.000 m2. Quanh chân đảo có rất nhiều đảo nhỏ lô nhô, với nhiều bãi đá được thiên nhiên kiến tạo đặc sắc, ngày đêm sóng vỗ lời tự tình bên gành trắng xóa. Trên đảo là ngọn tháp hải đăng được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong những "cái nhất" của tỉnh Bình Thuận, có hải đăng Kê Gà bằng đá cao 100 m, với 143 bậc thang bên trong đi lên đỉnh tháp. 
Trên đảo trồng nhiều cây xanh, nổi bật là loại sứ cùi. Cả một con đường dài đi lên tháp hải đăng hai bên là những gốc sứ cổ thụ được trồng thời Pháp, gốc to, khoảng hai đến ba vòng tay người ôm. 
 
 Du khách đến thăm tháp hải đăng Kê Gà.

Anh Vương Hữu Phúc, công nhân vận hành quản lý đèn biển vào nghề 17 năm, công tác qua 3 trạm hải đăng, cho biết: Hòn này so với Hòn Lớn (Nha Trang), Hòn Hải (Bình Thuận) tuy nhỏ nhưng đẹp hơn nhiều. Anh em trên đảo ngoài làm nhiệm vụ còn chăm sóc cây kiểng xanh, tạo cảnh quan cho đảo. 
Mặc dù mùa khô, nước ngọt trên đảo thiếu nhưng anh em vào đất liền vận chuyển nước sinh hoạt, còn dành cho việc vun tưới, chăm sóc cây xanh. Du khách ra đảo vào tháng tư, trên đảo rợp một màu xanh mát mắt, có cả hương thơm nồng nàn, thanh khiết của hoa sứ.
Chính những cảnh quan đẹp mà nhiều cô dâu, chú rể ở những địa phương khác vẫn cất công tìm đến để quay phim, chụp ảnh ngoại cảnh làm album lưu niệm cho ngày cưới. Nhiều đoàn khách đến sinh hoạt dã ngoại. 
Nhiều lần tổ chức cho các chi đoàn đến đây sinh hoạt, chị Lê Thị Hiền Hạnh, Phó Bí thư Phường đoàn phường 3, quận 10, TP Hồ Chí Minh, cho biết: Mỗi quý, Phường đoàn tổ chức sinh hoạt chủ điểm một lần. Chọn những điểm xa, đi vài ngày để sinh hoạt với nhiều nội dung, Mũi Kê Gà cũng là 1 trong những lựa chọn lý tưởng. 
Chính những chuyến xa nhà đã giúp cho các  bạn có dịp gần gũi, hiểu nhau, thông cảm, chia sẻ và trao đổi học tập lẫn nhau được nhiều hơn. Từ đó dẫn đến phong trào của Đoàn có nhiều nội dung mới, phong phú, thu hút được nhiều đối tượng thanh niên tham gia sinh hoạt tập thể…
 
 Du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, sinh hoạt tập thể tại Mũi Kê Gà.

Nhiều đoàn khách đến tham quan, họ tổ chức sinh hoạt vui chơi, câu cá ngay chân đảo rồi nướng cá ăn ngay tại đảo… Khoảng không gian bao la, yên tĩnh, trời biển xanh mát, không khí trong lành, Mũi Kê Gà sẽ giúp bạn tận hưởng những giờ phút nghỉ dưỡng chất lượng, thật vô cùng thú vị và sảng khoái.
Có dịp nào đó đến thành phố Phan Thiết, từ đây chỉ mất hai giờ đồng hồ chạy xe máy, mời bạn đến để được nhìn ngắm những nét đẹp của thiên nhiên trời biển đang hiện hữu tại M ũi Kê Gà./.
Bài và ảnh:  Trương Nhật Quang

Hồi hộp đón... bình minh trên mũi Kê Gà

Qua nhiều lần hò hẹn, “chúa đảo” Nguyễn Văn Sáu đồng ý cho chúng tôi ở lại đêm để đón bình minh lãng mạn trên mũi Kê Gà.

Thiên đường trên biển

< Bình minh trên mũi Kê Gà.

Mũi Kê Gà thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Người Pháp cho xây tháp hải đăng trên một hòn đảo nhỏ cách bờ biển hơn 500m. Theo tài liệu, tháp hải đăng được xây dựng từ tháng 2.1897 do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế, tới đầu năm 1899 đưa vào sử dụng.

Tháp cao 35m, nếu tính luôn độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65m, kích thước cạnh của tháp rộng 3m, đỉnh rộng 2,5m. Trên ngọn tháp có bóng đèn 2.000W, bán kính quét sáng 22 hải lý tương đương 40km, được những người giữ đèn gọi là “mắt biển”...

Ngày xưa du khách muốn ra hải đăng thì phải dùng thúng lắc. Ngày nay đi bằng ca nô dễ dàng hơn và muốn tham quan phải được sự chấp thuận của những người đang làm nhiệm vụ trên mũi Kê Gà. Có thể nói, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi chuẩn bị lên ca nô sang mũi Kê Gà là những bãi đá tuyệt đẹp mà thiên nhiên sắp đặt nằm trải dài trên bãi cát trắng hòa với nước biển xanh trong…

Chăm sóc “mắt biển”

Dẫn chúng tôi lên tháp, “chúa đảo” Nguyễn Văn Sáu cho biết, ngày nào cũng thế, sáng và chiều tối ông cùng đồng nghiệp phải bước 183 bậc thang lên trên ngọn tháp để chăm sóc cho con “mắt biển”. Chúa đảo nói: “Nếu mắt” biển không sáng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi vùng biển này nhiều bãi đá ngầm sẵn sàng phá vỡ tàu thuyền không thương tiếc. “Mắt biển” phát sáng khi mặt trời bắt đầu lặn và cứ thế sáng cho đến khi bình minh thức dậy. Công việc của chúng tôi là lau chùi, kiểm tra lại các hệ thống điện. Trước đây, ngọn hải đăng này hoạt động bằng máy phát điện chạy dầu diesel. Từ năm 2005 đến giờ thì hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời…

“Chúa đảo” tâm sự: “Từ ngày đưa vào vận hành pin này đến giờ thì anh em đỡ cực hơn nhưng cũng mất đi nhiều kỷ niệm đẹp với cỗ máy phát điện bằng dầu diesel. Những đêm mới vận hành pin năng lượng mặt trời, nhiều người đang ngủ bỗng giật mình la lớn: Anh em ơi máy hết dầu rồi, đèn trên ngọn hải đăng hết sáng rồi. Dậy châm dầu lẹ lên…Phải mất gần cả tháng sau anh em mới quen không còn tiếng máy nổ...”.

Được biết, “chúa đảo”Nguyễn Văn Sáu (SN 1952) đã vào nghề hơn 30 năm và đã hơn chục năm công tác trên mũi Kê Gà. Ngoài ông Sáu ra trên đảo này có gần chục người khác cùng làm nhiệm vụ bảo vệ “mắt biển”.

Hồi hộp đón bình minh

Sau một đêm tâm sự với các anh, giây phút chúng tôi chờ đợi cũng đã đến khi đồng hồ đã chuyển sang 5 giờ và tiếng gà trên đảo cũng gáy rộ. Trời tờ mờ sáng, tiếng sóng biển vỗ rì rầm vào những ghềnh đá, xa hơn là thấp thoáng ánh điện của các tàu câu. Những âm thanh và hình ảnh mờ ảo trong sớm mai này tạo cho chúng tôi những hưng phấn đến lạ kỳ…

Anh Phạm Minh Dũng cho biết: Anh rất yêu mỗi sáng sớm đứng trên đỉnh hải đăng phóng tầm mắt ra xa tận tít chân trời và hồi hộp chờ mặt trời từ từ nhô lên mặt biển. Cái làm anh thích thú nhất là lúc bấy giờ nhiều màu sắc thay đổi từng giây.

Tất cả các anh đang công tác trên mũi Kê Gà đều có chung nhận định: Đón bình minh hồi hộp và háo hức nhất là những ngày tết cổ truyền, những ngày lễ truyền thống của dân và đặc biệt là ngày 30.4 lịch sử. Những ngày này, anh em ai cũng có nhiều mơ ước, ước mơ đất nước luôn thanh bình, nhà nhà giàu sang, biển trời không dông tố…

Mải mê ngắm mặt trời từ từ ló dạng trên mặt nước biển, tôi dường như quên hết công việc. Bình minh đang diễn ra như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tiếc một điều là nó diễn ra rất nhanh và chỉ thoáng một cái mặt trời đã chiếu những tia sáng đầu ngày trên biển tối... Phía trong bờ, làng chài cũng bắt đầu thức dậy. Tiếng bà con ngư dân gọi nhau ơi ới khi tàu thuyền chở đầy cá tươi cập bãi vọng tới tận đảo.

Du lịch, GO! - Theo Bùi Phụ (Dân Việt), internet

Hải đăng Kê Gà

Nằm trên đảo Kê Gà, cách đất liền khoảng 300 mét, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, có một ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Đông Nam Á

Đảo Kê Gà (còn gọi là Khe Gà), tục gọi là hòn Bà, rộng khoảng 5ha với hàng trăm cụm đá hoa cương khổng lồ, vàng rực, muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây hoa sứ (cây đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Những người gác đèn biển ở đảo Kê Gà kể lại rằng, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đảo Kê Gà được coi là một vị trí cực kì hiểm yếu trên tuyến đường biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Nhiều tàu thuyền khi đi qua khu vực này thường bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài khi đi qua đây, năm 1897 người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng trên hòn đảo này một ngọn hải đăng lớn. Năm 1899 ngọn hải đăng được xây xong và đến năm 1900 thì được đưa vào sử dụng.

Với dáng đứng mạnh mẽ, hải đăng Kê Gà như khẳng định vị thế của một ngọn hải đăng cổ xưa và cao nhất Đông Nam Á.

Một mỏm đá nhô ra có hình đầu gà ở đảo Kê Gà.

Con đường dẫn đến ngọn hải đăng đi giữa hai hàng cây đại cổ thụ.

Cầu thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng.

Hải đăng Kê Gà do một viên kĩ sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ thân tháp xây bằng đá hoa cương, cao 35m, nếu tính cả chiều cao ngọn đồi, tức từ mặt biển lên đến đỉnh tháp là khoảng 65m. Điều đặc biệt là các khối đá dùng để xây tháp đèn được tính toán đẽo gọt vuông vắn chính xác theo từng vị trí. Vì vậy, khi xây dựng, người ta chỉ cần đặt từng viên đá theo đúng vị trí của nó và trát một lớp vữa là coi như xong mà không cần phải chỉnh sửa thêm gì nữa. Trên đỉnh tháp là một ngọn đèn biển công suất lớn có bán kính quét trên biển khoảng 22 hải lí, tức tương đương khoảng 40 km.

Bên trong lòng tháp có một cầu thang xoáy hình trôn ốc bằng thép gồm 183 bậc dẫn lên đỉnh hải đăng. Toàn bộ vật liệu làm chiếc cầu thang này cùng với chiếc máy phát điện và ngọn đèn biển trên đỉnh hải đăng đều được đưa từ Pháp sang.

Dưới chân tháp có một con đường bê tông chạy thẳng xuống chân đồi. Hai bên đường có hai hàng cây đại cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát do chính người Pháp trồng từ ngày khởi công xây dựng hải đăng Kê Gà.

Ngọn hải đăng 112 tuổi vẫn trường tồn với thời gian.

Cuộc sống thường nhật của người dân chài bên ngọn hải đăng.

Trải qua 112 năm, mặc cho phong ba bão táp và sóng gió của biển cả, ngọn hải đăng Kê Gà hầu như không hề bị hư hại gì và hai hàng cây đại ngày nào nay vẫn tỏa bóng mát, đến mùa lại nở hoa thơm ngát.

Ngày nay, đảo Kê Gà và ngọn hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Nếu vào những ngày đẹp trời, từ ngoài khơi xa, cách khoảng 10 km, các tàu thuyền qua lại vẫn có thể nhìn thấy ngọn hải đăng cổ có kiến trúc độc đáo này./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

Mũi Kê Gà - vùng biển lạ kỳ của Việt Nam

Nếu Phan Thiết nổi tiếng với những bãi biển đẹp, bãi cát dài trắng mịn, thì Mũi Kê Gà - cách Phan Thiết gần 20km về hướng Đông có thêm những phiến đá kỳ lạ xếp thành đủ hình thù gợi sự hiếu kỳ cho du khách.

Người dân bản địa từ lâu đã ví von những bãi đá này như một vườn đá. Cái tên Mũi Kê Gà ra đời cũng bởi những phiến đá ấy lấn dần ra biển, rồi không biết bàn tay ma thuật nào đã vô tình xếp dặt chúng thành hình dáng trông gần như cái đầu gà. Dòng nước chảy xiết bao quanh những phiến đá trông như những dải mây bồng bềnh ôm ấp ngọn núi.
thanh-binh-mui-ke-ga-5.jpg
Mũi kê gà nhìn từ ngọn hải đăng.
Dù cho những khu nghỉ dưỡng cứ lần lượt mọc lên, nhưng Mũi Kê Gà vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị vốn có của thiên nhiên vùng biển với những rặng thùy dương và phiến đá hoa cương kỳ lạ. Đến thăm Mũi Kê Gà thì không nên bỏ lỡ Mũi Điện nằm cách bờ không quá 500m. Ngọn hải đăng nằm trên Mũi Điện được thiết kế bởi kỹ sư người Pháp Chnavat và nổi tiếng là ngọn hải đăng cao và lâu nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W, bán kính quét sáng là 22 hải lý tương đương 40km, dùng làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.
9a.jpg
Ngọn hải đăng giữ nhiệm vụ canh gác Mũi Kê Gà đã 100 năm nay.
Những phiến đá có lúc xếp chồng lên nhau tạo nên những mỏm đá lớn có hình thù đặc biệt. Những người dân canh giữ đèn biển luôn sẵn sàng dùng thuyền thúng đưa khách du lịch đến thăm hải đăng. Chạng vạng, người dân bản địa thường đánh bắt hải sản gần bờ và họp chợ dọc bờ biển. Mũi Kê Gà được nhiều du khách ca ngợi là vùng biển lạ kỳ không thể bỏ lỡ.
5_21_1295669259_48_2.jpg
Những phiến đá có lúc xếp chồng lên nhau tạo nên những mỏm đá lớn có hình thù đặc biệt. Người dân canh giữ đèn biển luôn sẵn sàng dùng thuyền thúng đưa khách du lịch đến thăm hải đăng.
Mũi Kê Gà cũng là một điểm trong bản đồ My Kool Vietnam. Nhãn hàng Clear, dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã tổ chức chương trình “Tự tin khám phá - Tự hào Việt Nam” (My Kool Việt Nam) nhằm khuyến khích giới trẻ khám phá vẻ đẹp của các địa điểm du lịch tại Việt Nam và chia sẻ cảm nhận, hình ảnh, hướng dẫn... cho mọi người vthông qua ứng dụng Kool Vietnam. Tất cả những chia sẻ của bạn sẽ được tập hợp để tạo thành một bản đồ điện tử trên website www.mykoolvietnam.vn.
Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét