Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Thành An Thổ- tự hào là nơi sinh Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng


(VOV) - Phú Yên tự hào là nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, càng ra sức bảo vệ tôn tạo thành An Thổ xứng đáng với ý nghĩa lịch sử của di tích.
Thành An Thổ nằm ở khu vực hạ lưu sông Cái, đây là vùng đất màu mỡ do phù sa bồi đắp, là địa bàn có dân cư sinh sống từ rất lâu đời. Đây cũng là địa bàn thuận lợi về mặt giao thông. Trước đây, đường Thiên Lý đi từ phía bắc qua thành An Thổ, qua bến đò Cây Dừa rồi đi về phía nam. Còn  đường thuỷ từ thành An Thổ theo sông Cái đi về phía đông là ra cửa Tiên Châu và vịnh Xuân Đài, còn đi ngược về hướng tây đến các vùng đất rộng lớn ở miền tây Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên.
Dấu tích Thành An Thổ
Thành An Thổ bắt đầu xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng 1836. Sau khi xây dựng xong, thành An Thổ trở thành trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên. Sau năm 1885, thực dân Pháp đặt nền thống trị lên toàn lãnh thổ nước ta, tiếp sau đó chúng cho đặt chức Công sứ tại các tỉnh miền Trung. Toà Công sứ Pháp ở Phú Yên được đặt tại vũng Lắm, bên bờ vịnh Xuân Đài, cách thành An Thổ khoảng 10km về phía bắc. Vì vậy, năm 1888, lỵ sở của Phú Yên dời từ thành An Thổ ra Vũng Lắm để gần toà Công sứ Pháp. Nhưng chỉ ở đây trong khoảng 1 năm, sau đó lại chuyển về thành An Thổ. Đến năm 1899, lỵ sở Phú Yên lại dời từ An Thổ về đóng tại thôn Long Bình, nay thuộc thị trấn Sông Cầu.
Sau năm 1899, khi lỵ sở Phú Yên chuyển hẳn ra Sông Cầu, thành An Thổ tiếp tục đảm nhận vai trò là phủ lỵ của phủ Tuy An. Đến khoảng năm 1939, phủ lỵ Tuy An chuyển đến vị trí khác thì vai trò lịch sử của thành An Thổ kết thúc.
Trong thời gian từ 1901 đến 1906, ông Trần Văn Phổ là phụ thân đồng chí Trần Phú, đến giữ chức Giáo thụ tại Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình đến nơi làm việc sinh sống và đồng chí Trần Phú đã chào đời ở phủ lỵ Tuy An ngày 1/5/1904.
Ông Trần Giò, năm nay 93 tuổi, cả cuộc đời mình gắn bó với mảnh đất này, nay mắt đã mờ, tai đã nặng nhưng ông vẫn còn nhớ những câu chuyện mà cha ông kể lại về ngôi thành và hình ảnh của Thành An Thổ khi ông ở thuở thiếu thời cùng những kỷ niệm với các con quan thời bấy giờ. Ông kể : « Ngày nhỏ, tôi hay theo con nhà quan ở thành học chữ Nho. Ngày ấy thành cao chừng hơn một dói tay, xung quanh đều có hào nước sâu, ở các đài gát đều có các « ông súng », mỗi « ông súng » nặng chừng 3 người khiêng, cổng thành chừng 3-4 mét, tại vị trí cổng thành bây giờ... Về cụ thân sinh của đồng chí Trần Phú, tôi nghe cha tôi kể lại là ông làm quan thầy dạy chữ cho dân làng, được dân rất yêu mến».
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay thành An Thổ chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt. Những dấu tích kiến trúc ở trong thành An Thổ còn lại rất ít ỏi. Phần lớn diện tích thành An Thổ hiện nay là khu dân cư, các công trình công cộng và đất canh tác. Những công trình phụ trợ xung quanh khu vực thành An Thổ nay cũng chỉ còn tồn tại dưới dạng phế tích. Thành An Thổ cũng như nhiều đô thị cổ khác ở Việt Nam khi không còn giữ vai trò là trung tâm hành chính thì nhanh chóng từ đô thị biến thành một làng quê. Nhưng đằng sau sự thanh bình của làng quê ấy vẫn ẩn chứa nhiều dấu ấn về lịch sử, văn hoá của một vùng đất mà chỉ khi tiến hành khảo cứu thì những giá trị ấy mới dần sáng tỏ.
Nhận thấy những giá trị lịch sử văn hóa này, năm 2008 Bảo tàng Phú Yên đã tiến hành lập hồ sơ và đã được Bộ văn hóa công nhận Thành An Thổ là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những người dân thôn An Thổ càng tự hào biết bao khi quê hương mình có một di tích thì càng tự hào hơn đây là nơi sinh đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Họ sẽ làm gì để xứng đáng với niềm tự hào ấy.
Ông Trần Giò cho biết: Năm 2006, thành An Thổ được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, bà con mừng khỏi nói. Mừng vì từ nay An Thổ sẽ được nhiều người biết đến, nhiều người sẽ đến với vùng đất này.
Còn ông Lê Ngọc Tài, Bí thư chi bộ thôn An Thổ nói: Chúng tôi tự hào là những Đảng viên của địa phương. Càng tự hào, 15 Đảng viên trong chi bộ thôn đang đến từng ngõ, gõ từng nhà và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của thôn, xã để nói cho dân biết về tầm quan trọng của di tích và những việc bà con cần làm để bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích.
Ông Trần Quốc Dân, Chủ tịch UBND xã An Dân, huyện Tuy An cho biết: Di tích chỉ có thể có giá trị khi nó nằm trong lòng người dân. Xã An Dân cũng đã có những hành động cụ thể để giáo dục truyền thống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về An Thổ, về đồng chí Trần Phú, nhất là giáo dục trong học sinh và thanh niên. Điều địa phương mong mỏi là Tỉnh, Trung ương sớm đầu tư tôn tạo di tích, xây dựng nơi tưởng niệm của Trần Phú để nhân dân có điều kiện đến tham quan.
Lãnh đạo sở văn hóa thể thao và du lịch, ông Trần Quang Nhất cho biết, trong chương trình hướng đến kỷ niệm 400 năm Phú Yên, năm du lịch quốc gia 2011, một dự án trùng tu, tôn tạo thành An Thổ đang được ngành văn hóa thể thao Phú Yên triển khai với số vốn đầu tư lên đến 15 tỷ. Rồi đây, nơi này cùng với bia di tích, sẽ hình thành một khu trưng bày lưu niệm về đồng chí Trần Phú và khu văn hóa tổng hợp. An Thổ sẽ trở thành một điểm đến cho nhân dân địa phương và du khách gần xa.
105 năm ngày kể từ ngày vị tổng bí thư đầu tiên của Đảng ra đời và 173 năm thành An Thổ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử vùng đất Phú Yên, dấu xưa thành cũ vẫn còn đó, như nhắc nhở cho các thế hệ hôm nay và mai sau hãy biết giữ gìn, trân trọng những giá trị lịch sử của cha ông. Đi trên những con đường của An Thổ hôm nay, ta cảm nhận sự thanh bình trong từng ngôi nhà, từng góc làng, nhịp sống đang căng tràn trên vùng quê này. Ở đó người dân An Thổ nói riêng, Phú Yên nói chung biết rằng, càng tự hào hơn về thành An Thổ xưa, càng biết trân trọng giữ gìn An Thổ cho hôm nay và mai sau./.
Lê Biết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét