Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ


Cổng thành Nhà Hồ. Ảnh: Cao Đại và CTV
    (THO) - Thành Nhà Hồ là một tòa thành đá kỳ vĩ của kinh thành nước Đại Việt cuối Trần sang Hồ. Kiến trúc sư tòa thành đá độc đáo này là Thượng thư bộ Lại Đỗ Tĩnh thiết kế và thi công. Hồ Quý Ly dời kinh đô nhà Trần ở Thăng Long vào kinh đô mới Tây Đô trên đất quê hương Thanh Hóa, đổi gọi Thăng Long là Đông đô. Năm 1428, Lê Lợi quét sạch giặc Minh, lên ngôi ở Đông đô - Thăng Long, gọi Lam Sơn - Thanh Hóa là Tây đô.
   Năm 1430, vua đổi Đông đô làm Đông kinh, và tên Tây đô chuyển thành Tây kinh, cũng để chỉ Lam Kinh. Từ đó thành Tây đô của vương triều Trần - Hồ mang nhiều tên: Thành An Tôn, thành Tây Giai, thành Hồ, Hồ Thành, thành Đá, thành Tây đô... và Thành Nhà Hồ như tên gọi chính thức hôm nay.
 
    Phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, quan sát thật kỹ, chúng ta mới thấy tầm vóc vĩ đại của tòa thành đá với sức mạnh thần kỳ từ đôi bàn tay xù xì cùng tấm lưng trần gồ ghề mà người nông dân Việt áo nâu và áo lính sở hữu. Lơ Badixie, một học giả người Pháp đứng trước tòa thành kỳ vĩ, vô cùng kinh ngạc thốt lên: “Người An Nam là những người khổng lồ đào đất !” Hoàn toàn đúng ! Nhưng chưa đủ. Dân Việt Nam còn là những người khổng lồ: “quảy núi cày sông”. Ở huyện Nông Cống có Núi Quảy sông Cày là di tích của ông Nưa khổng lồ. Truyền thuyết ông Đồng khổng lồ ở Tĩnh Gia gánh cả mười tám hòn núi ném xuống biển thành quần đảo Biện Sơn, tạo nên đồng ruộng, chỗ cấy lúa nơi trồng màu. Hình tượng ông Vồm khổng lồ Thiệu Hóa hiện còn ghi dấu tích tại núi Vồm... Nếu không có sức vóc khổng lồ, ông cha ta thời Trần không thể xây dựng trong thời gian ba tháng hoàn thành một công trình lớn nhất Việt Nam bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, hiện còn thấy.
 
    Thành Nhà Hồ gồm ba lớp liên kết chặt chẽ: Lớp ngoài bằng những khối đá vuông vức to lớn, nặng hàng chục tấn, lớp giữa bằng đất nện, lớp trong cùng xây gạch vồ, có  nhiều bậc thang lên xuống dễ dàng. Trên mặt thành rộng rãi, bằng phẳng, quân lính, ngựa, xe đi lại thuận tiện như đường cái.
 
    Thượng thư Đỗ Tĩnh là kiến trúc sư tài giỏi, lại có con mắt địa lý phong thủy. Bốn trái núi là bốn bức bình phong án ngữ phía trước bốn cửa thành mang hình tượng bốn con vật linh: Ngưu (trâu), Khuyển (chó), Mã (ngựa). Phía  xa xa, núi Đốn Sơn làm tiền án mang hình tượng lĩnh thiên thần và dòng sông Mã nối sông Bảo như cánh tay vòng ôm lấy kinh đô để bảo vệ tòa thành. Đó là tình cờ của thiên nhiên hay tạo hóa chủ ý dành cho họ Hồ xây kinh đô mới để dựng nên nghiệp lớn. Khi bàn việc xây thành dời đô, đại thần Nguyễn Nhữ Thuyết can: “An Tôn (nơi xây thành) là đất chật hẹp hẻo lánh, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy hiểm được thôi!”. Dĩ nhiên Quý Ly không nghe, vì ông cần sự hiểm yếu để phòng bạo loạn. Mặc dù có tòa thành đá vững hơn bàn thạch, trước họa xâm lăng của giặc phương Bắc, Hồ Quý Ly không thủ thành chiến đấu mà từ vua Hán Thương, tướng quốc Nguyễn Trừng đến các tướng ồ ạt như mưa lũ, bão giông của giặc Minh, các mặt trận chống đỡ đều tan vỡ.
 
    Chỉ còn thượng hoàng Hồ Quý Ly ở lại với tòa thành đá trơ vơ, lạnh lẽo. Giặc Minh ngược dòng sông Mã tiến lên đến khúc Vĩnh Ninh. Hồ Quý Ly mang theo vài vệ sĩ đi theo chiếc thuyền chài trên sông Bảo. Đến một đoạn sông khó đi, Quý Ly hỏi: “Đây là nơi nào ?”. Thuyền chài đáp: “Đây là ghềnh Chẩy Chẩy!” , Quý Ly nói với vệ sĩ: “Chẩy chẩy tức chỉ chỉ, chữ “chỉ” là đi đến, là dừng lại, “chỉ chỉ” là đến đây thì hết đường !. Đó là mệnh trời muốn diệt họ Hồ !”. Nói xong Quý Ly quăng gươm xuống sông, bảo vệ sĩ làm theo mình. Quả nhiên giặc Minh đuổi kịp, chỉ có bảy tên, đủ sức trói cổ một ông vua oai trùm thiên hạ! Áp giải về Kim Lăng kinh đô nhà Minh cùng với anh em, con cháu họ Hồ.
 
    Nhà Minh lấy đất đai Đại Việt nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, cũng chia quận, huyện, đặt quan lại như Trung Quốc, chỉ khác là chế độ cai trị vô cùng tàn khốc. Chủ trương của quân xâm lược là phải diệt nền văn hóa Việt tận gốc, riêng tòa thành đá vẫn giữ lại để bảo vệ quan lại, quân lính của chúng đóng trên đất Thanh. Hàng ngày giặc chia nhau đi càn quét cướp bóc, đêm đêm chui vào thành đá như cáo, chuột về hang. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi sai quân đánh thành Tây Đô để trừ mối họa cho dân Thanh, nhưng không kết quả, vì tòa thành đã quá kiên cố.
 
    Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn giải phóng Đông đô, thành Tây Đô giặc Minh tự trói tay xin hàng. Hầu hết các công trình kiến trúc trong thành: Cung điện, lầu ta... đều bị chúng tàn phá trước khi cuốn gói về nước.
 
    Một trong những vinh dự nhất cho kinh thành Nhà Hồ thủ đô nước Đại Việt là nơi sĩ tử cả nước tập trung về dự khoa thi Thái học sinh (tiến sĩ) năm 1400 và khoa thi này đã tuyển chọn được 20 tiến sĩ, với những danh sĩ Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên ...
 
    Cuộc kháng chiến họ Hồ thất bại, đất nước, kinh thành bị quân Minh dày xéo, Tây đô trở thành đề tài bình luận của nhiều người. Có lẽ sớm nhất là bài thơ “Đề thành Tây Đô” của Nguyễn Mộng Trang, người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Nguyên tác chữ Hán, dịch thơ:
 
Vút ngựa qua thăm mấy lớp thành,
Phất phơ liễu rũ bóng hồ xanh
Mất, còn khó tính mưu trừ bạo
Thắng, bại khôn toan chức trị bình
Chỉ bởi họ Hồ quên đức chính
Đừng rằng Nam Việt thiếu anh linh
Ước gì mượn hạc lên tiên giới
Sáu cõi kêu vang chuyện bại thành.
                (Hoàng Tuấn Phổ dịch)
 
    Nói chung các danh sĩ xưa đến viếng thăm Tây đô Thành Nhà Hồ, bên cạnh quan điểm phong kiến phê phán sai lầm, trách nhiệm của Hồ Quý Ly là niềm cảm khái, u hoài về chốn kinh thành, một thời vàng son, đô hội:
 
Đỗ Xuân Cát:
 
         “An Tôn thành hoài cổ”
Thanh sơn cựu sấu tồn di thiết
Hoàng đạo tâm, hi thất cố cung...
(Tích cũ thành hoang in núi biếc,
Điện xưa lúa tốt lấp đồng sâu”
                     Hoàng Tuấn Phổ
 
Nhữ Trì Mai:
 
         “Vịnh thành Tây Nhai”
(Nguyên tác chữ Hán, Hoàng Tuấn Phổ dịch thơ)
            Điện ngọc xưa ngất trời
            Nay còn gạch nát thôi
            Chim luồn bụi tre rậm,
            Rêu phủ hòn đá côi
            Nhạn đến lòng kêu thảm
            Xuân sang miệng nở cười
            Mưu đồ tan bọt nước
            Nghĩ chuyện sầu man mác !
 
    Hơn 600 năm trôi qua, ngày nay chúng ta đến Tây đô thành Nhà Hồ với cái nhìn, cách nghĩ mới của thời đại mới. Đó là niềm tự hào về tổ tiên mình đã vác núi xây nên tòa thành đá kỳ vĩ, độc đáo. Nó không có vữa hồ làm mạch, mà gắn kết những khối đá phiến khổng lồ bằng mồ hôi trộn nước mắt và máu của muôn dân. Sự hy sinh của đôi vợ chồng Trần Cống Sinh - Khương Thị là biểu tượng công lao xương máu của nhân dân, đền Đông môn thờ Nàng Khương cũng là một loại tượng đài tâm linh tôn vinh nhân dân:
 
Nhất phiến kiên trinh năng động thạch,
Thiên thu tằng lũy đáo như kim.
Nguyên tác Lê Thực Đình, dịch thơ:       
                         Hoàng Tuấn Phổ
 
Một tấm kiên trinh lay lũy đá
Ngàn thu hương khói tỏa trời mây...
 
    Thời gian có thể phủi bụi mờ hoặc xóa đi mọi thứ, chữ “Tây đô” một thời là kinh đô nước Đại Việt, vẫn còn tươi nét son trong sử sách. Và “Thành Nhà Hồ” hôm nay sáng rực ánh vinh quang “Di sản Văn hóa Thế giới” đi vào lòng nhân loại. Từ đây, anh em, bè bạn, du khách bốn phương có thêm điểm đến hấp dẫn để thưởng thức, khám phá kho báu, bức tranh thiên nhiên và văn hóa của một nền văn minh lâu đời. Thành Nhà Hồ sẽ đưa mọi người ngược dòng thời gian 30 vạn năm trước của lịch sử đất xứ Thanh di chỉ khảo cổ Đa Bút, một cái nôi của loài người nguyên thủy, đu đưa dưới bóng núi Mông Cù, trong tiếng ru ngọt ngào của gió lá, tiếng khe suối thì thầm, tiếng chim chóc ríu ran... Quây quần chung quanh cái nôi nguyên thủy Đa Bút là Báo Đồng, quê hương Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, những vị chúa lừng danh, là núi Hùng Lĩnh với cuộc khởi nghĩa Tống Duy Tân nổi tiếng, là động tiên Kim Sơn 29 ngọn cao thấp trùng điệp như voi, ngựa, tàn, kiệu nhấp nhô, là động Eo Lê đêm ngày mở rộng cửa Bồng Lai ngắm cảnh Thành Nhà Hồ...
 
    Sự kỳ diệu của Thành Nhà Hồ đặt giữa một không gian văn hóa rộng lớn bao la sông núi, bát ngát đồng lúa vườn cây, vây quanh xóm làng xanh tươi, trù mật và chỗ gần nơi xa, khắp nơi thấp thoáng danh lam, ẩn hiện cổ tích. Những Đốn Sơn, chùa Du Anh, núi Tiến Sĩ, động Hồ Công... đều đắm trong không khí tâm linh, sắc màu huyền thoại.
 
    Vinh quang Thành Nhà Hồ dù ghi danh nhà Hồ cũng không thuộc nhà Hồ. Trong thời gian bị vua nhà Minh giam lỏng ở Trung Quốc, Hồ Quý Ly ngẫm nghĩ nhiều về những năm tháng oanh liệt, quyền nghiêng thiên hạ của đời mình, làm bài thơ “Cảm hoài” nhận ra việc lớn “xây thành rời đô”, là sai lầm không thể sửa, phải ôm hận khóc vì thua, kém xa việc vua Bàn Canh (nhà Thương Trung Quốc) dời đô, kém tể tướng Lý Bật (nhà Đường Trung Quốc) tài trị nước an dân:
 
Nam quan thiều đệ ưng đầu bạch,
Bắc quán Yêm lưu giác mộng kinh
Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật
Thiên đô kê chuyết khốc Bàn Canh...
        Hồ Quý Ly tự dịch Nôm:
 
Quê người dễ thấy đầu dần bạc,
Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh
Tướng quốc ắt chăng tài Lý Bật
Thiên đô còn phải hận Bàn Canh...
 
    Thành Nhà Hồ do công sức của nhân dân, vinh quang cũng thuộc về nhân dân (*). Nếu tôi có tiền và được chính quyền cho phép, tôi sẽ dựng lên trước cửa Nam thành một pho tượng người khổng lồ xứ Thanh, người khổng lồ Việt Nam đang vác trên vai trần cả trái núi đá để xây nên một công trình tuyệt mĩ, một “Di sản văn hóa thế giới” được bốn phương ngưỡng mộ.
 
(*) Thành Nhà Hồ được tôn vinh, nếu chúng ta quy công cho Hồ Quý Ly để làm lễ kỷ niệm lớn, cúng tế linh đình là hoàn toàn không đúng.
 
Thành Tây Đô
 
Thành Tây Đô, những ngày cuối năm. Từng đợt gió rét buốt thổi dạt cơn mưa phùn, găm cái lạnh giá vào những bức tường cổ kính. Dưới chân thành, những thửa ruộng cày ải đang chờ gieo mùa mới và con người nơi đây, trải qua bao thế hệ, vẫn đang sống, đang miệt mài lao động. Duy có một điều đã thay đổi, khi giờ đây họ không chỉ sống cạnh tòa thành hơn 600 năm tuổi, mà là sống cùng Di sản Văn hóa thế giới.
 
Mỗi người dân xứ Thanh có quyền tự hào khi mảnh đất địa linh này đã hơn một lần là nơi phát tích những “hào quang văn hóa” có tính tiêu biểu, đại diện cho cả dân tộc Việt Nam. Nếu nói các di tích lịch sử, văn hóa là “bản thông điệp được vật chất hóa của ông cha gửi lại cho các thế hệ, là một thành tố quan trọng thể hiện sinh động và cụ thể bản sắc văn hóa dân tộc” (giáo sư, tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu trong “Gìn giữ những giá trị lâu bền”), thì Thành Nhà Hồ là “thông điệp” rực rỡ nhất về một giai đoạn lịch sử đầy biến thiên, khi cha ông ta đã lấy mồ hôi, trí tuệ và cả máu xương mình đắp đổi nên. Bởi thế cho nên, Thành Nhà Hồ là kết tinh của văn hóa vật chất và tinh thần một thế hệ người. Cũng vì lẽ đó mà một trong nhiều giá trị của tòa thành này chính là khả năng lưu giữ bên trong nó môi trường văn hóa, bên cạnh môi trường xã hội, môi trường sinh thái - môi trường sống của con người. Tuy nhiên, có một thực tế là, không phải ai và lúc nào, con người – nhất là những người sống quanh di sản - cũng nhận ra được giá trị hiển nhiên ấy. Cho nên, đã có lúc thành rơi vào cảnh “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” khi nhiều phiến đá bị đập vỡ nham nhở, hào thành bị vùi lấp, đào bới...
 
Đứng dưới chân thành giữa cái rét quấn chặt lấy người, tôi chợt nhớ cũng cái rét này những ngày đầu năm Tân Mão, khi Thanh Hóa đón đoàn ngoại giao của 21 quốc gia Thường trực Ủy ban Di sản thế giới đến thăm Thành Nhà Hồ. Bấy giờ có thể coi là thời điểm róng riết nhất, quyết định đến “tương lai” của di tích, hoặc sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới, hoặc vẫn chỉ là di tích quốc gia. Quan sát thật kỹ kiến trúc tòa thành, ghi nhận sự độc đáo cũng như các giá trị của nó, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, bà Ca-thê-lin Mu-lơ Ma-rin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích, cũng như rất quan tâm đến các chính sách, dự án của Việt Nam dành cho di tích nếu Thành Nhà Hồ được UNESCO phê duyệt. Và bây giờ, khi Thành Nhà Hồ đã trở thành di sản văn hóa thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện những cam kết của mình về việc bảo tồn giá trị của tòa thành, mà trước mắt là gìn giữ được môi trường văn hóa.
 
Dẫu biết rằng đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì khi việc gìn giữ di sản không phải là dời người dân đi nơi khác để lại công trình đá trơ trọi, lạnh lẽo mà phải duy trì được sự tiếp nối liên tục đời sống con người. Điều đó đồng nghĩa với việc phải trang bị cho người dân những hiểu biết cơ bản về giá trị của di sản. Một trong những bước khởi động đáng mừng cho quá trình này là việc ngành văn hóa đã mở nhiều lớp đào tạo cộng đồng (trước mắt là cho người dân các làng Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn), qua đó nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của họ, những người đã và sẽ sống cạnh di sản, cũng đồng thời là người góp phần gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của di sản ấy. 
 
Bảo tồn di sản không đồng nghĩa với việc làm mới hay xây dựng lại để nó to đẹp hơn, mà là gìn giữ được các yếu tố gốc cấu thành di sản. Bên cạnh đó là việc xây dựng các khu vực phụ trợ như đường đi, khu dịch vụ, bãi đậu đỗ xe... phải bảo đảm không ảnh hưởng đến không gian, môi trường, cảnh quan xung quanh và bản thân di sản. Ngoài ra, không thể không tính đến vai trò của quần thể các di tích văn hóa, lịch sử, thiên nhiên quanh khu vực di sản, bởi đây là những nhân tố quan trọng góp phần làm phong phú và hoàn thiện môi trường văn hóa của di sản...
 
Hơn 6 thế kỷ tồn tại. Thời gian chỉ là một trong tổng hòa các yếu tố làm nên giá trị của di sản. Chính khả năng vượt qua sự tàn phá của tự nhiên, sự hủy hoại của con người và đặc biệt là khả năng lưu giữ cho con người môi trường văn hóa trong đó “chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác thường về một truyền thống văn hóa độc đáo của một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất (...)” (trích “tiêu chí III”, bản hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới năm 2008) đã làm nên giá trị toàn cầu của Thành Nhà Hồ. Để rồi, nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ để trao truyền giá trị ấy cho hậu thế.
 
Hoàng Tuấn Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét