Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Dân ca hát ru và Dá hai Tày, Nùng


 Hát ru ứ nọng nòn, vén nọng nèn; “nòn” hay “nèn” đều đồng nghĩa là ngủ, nhưng “nèn” biểu hiện sự trìu mến thân thương, ngôn ngữ phù hợp với tính cách ngộ nghĩnh, trong trẻo của trẻ thơ. Đây là thể loại dân ca phổ biến khắp nơi có dân tộc Tày- Nùng cư trú. Nội dung các bài hát ru cơ bản giống nhau, nhưng giai điệu, cách hát của mỗi miền quê có sự khác nhau đã làm cho hát ru thêm phong phú sinh động. 
    Dân ca hát ru và Dá hai Tày, Nùng
              Đa phần người hát ru là các bà, các chị, các em gái. Những lời ru cổ xưa thường rất tinh tế, dí dỏm, lấy lệ: mẹ đi làm đồng, con hãy ngủ ngon để mẹ đi bắt con cá, con muỗm miệng đỏ, con ong miệng tím, con chim cổ hoa, con trâu sừng rộng,... hái được nhiều hoa ngát hương; phải chăng lời ru vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về nền văn minh lúa nước. Hầu hết các bài hát ru đều theo thể thơ 5 chữ, cấu trúc âm ngữ như đồng dao. Chẳng hạn như:
                      Ứ nọng nèn
                      Nèn đắc nèn đí
    Nèn tha ý me mà
    Me pây thôm au pia
    Me pây nà au luổm
    Đảy mè luổm pác đeng
    Đảy mè mèng pác cắm
    Đảy mè lăm gò lài
    Đảy mè vài cóc á
    Đảy mè mạ pác com
    Đáy bioóc hom rắp sli
    Ứ đắc đí nọng nèn.
          Điệu ru mượt mà, êm ái, ngân nga, man mác trưa hè, dịu dàng ấm áp lúc giá đông, khiến bé như cảm nhận có mẹ ở bên mà yên lòng, nhẹ nhàng trôi vào giấc ngủ thần tiên. Khi xưa, nhà nào cũng có nôi; có thể nói: ở đâu có con trẻ là ở đó có nôi và hát ru. Bé nào cũng được nằm nôi từ khi đầy tháng đến hai, ba tuổi. Cùng với tiếng kẽo kẹt đưa nôi đều đều như nhịp nhạc hòa vào tiếng hát êm ái ngọt ngào của các bà, các mẹ, các chị, ngày qua ngày chúng còn thuộc lòng và hát được bi bô. Đến khi trưởng thành, lời ru ấy đã trở thành hành trang từ tuổi thơ vào đời với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng mẹ cha. Thời ấy, vào ban ngày, ai đã có dịp đến với các làng người Tày, Nùng, rất dễ bắt gặp hàng chục tiếng ru cất lên cùng lúc, nghe như bản hòa tấu yên ả thanh bình đậm đà bản sắc quê hương.
          Dá hai là loại hình nghệ thuật được diễn xướng trên sân khấu của người Nùng ở các huyện miền đông biên giới phía bắc. Vào những năm 60, thế kỷ 20 cùng với phong trào ca hát quần chúng nở rộ như hoa mùa xuân, đã xuất hiện nhiều đội tuồng dá hai của nhân dân, như: Đội tuồng Dá hai Giảng Gà, xã Đình phong, Đội tuồng Dá hai Phia Hồng, xã Khâm Thành; Đội tuồng Dá hai Thông Huề, huyện Trùng Khánh; Đội tuồng Dá hai Háng Thoong, huyện Quảng uyên. Các đội này đã đủ sức đi lưu diễn nhiều nơi ở địa phương và trong tỉnh. Hiện tại vẫn còn một số  nghệ nhân, nghệ sĩ hát Dá hai, tuy tuổi đã cao. Với 7 làn điệu chủ yếu cùng các nhạc cụ: nhị bố giọng trầm ấm áp, nhị mẹ giọng thanh cao, chũm chọe, sáo trúc, trống bỏi gõ nhịp hòa tấu; dá hai đã có thể biểu đạt một cách sinh động, sắc nét nhiều nội dung, chủ đề, tình tiết khác nhau trong xã hội. Đồng thời, diễn xướng các tích truyện cổ, như: Phạm tải - Ngọc Hoa, Hoa Mộc Lan tòng quân, Hoa phù dung, Tống Chân - Cúc Hoa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài... Giai điệu khúc tứ Dá hai uyển chuyển mềm mại, réo rắt, lắng sâu, rồi vút bay lên bao la bát ngát, miên man theo cốt truyện và trạng thái tâm lý của nhân vật đã cuốn hút khán thính giả và đông đảo công chúng mê say.
                                                           Lê Chí Thanh


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét