Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tỳ Bà Trang, vườn xưa còn nhớ…


(VOV) - Tỳ Bà Trang là một ngôi nhà vườn đặc biệt ở Huế. Hàng chục năm qua, nơi đây được xem như một bảo tàng cổ nhạc truyền thống, là một địa chỉ văn hóa không thể thiếu trong những chuyến du lịch đến Huế.

Chuyện về người sáng lập

Chọn một khu nhà vườn yên tĩnh trong thành nội Huế, khi xây dựng Tỳ Bà Trang, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba luôn mang tâm niệm là phục hưng nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Xuất thân ở một vùng quê nghèo khó Triệu Phong, Quảng Trị nhưng sống ở Huế, lên 8 tuổi ông học đàn, 16 tuổi đã hòa nhạc cổ truyền ghi âm cho hãng đĩa Beka. Năm 1938, ông đỗ thủ khoa trong một kỳ thi tài về đàn nhị do triều đình tổ chức.
Với việc trình diễn, khảo cứu, sáng tạo, cổ động và giảng dạy, Nguyễn Hữu Ba đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn cổ nhạc miền Trung và dân ca Việt Nam. Từ rất sớm, ông thu thanh các loại nhạc cung đình Huế và nhạc Phật giáo cho UNESCO với CD có tên là “Việt Nam 1”, được GS. Trần Văn Khê viết lời tựa bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức. Sau khi phát hành, CD được 2 giải Deutscher Schallplatten (Đức) và giải Academie du Disque Francais (Pháp).
Năm 1998, hãng đĩa Rounder Records (Mỹ) tái bản cả hai đĩa “Việt Nam 1” và “Việt Nam 2”. Sau này, Nguyễn Hữu Ba được biết đến nhiều hơn qua những bản tân nhạc mang âm hưởng trầm hùng của cổ nhạc.
Bài thơ của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba viết về Tỳ Bà Trang
Thời kỳ 1940 - 1950, ông sáng tác khá đều tay. Trong đó, được yêu thích nhất là 2 bản “Lửa rừng đêm”, “Quảng đường mai”. Hai bản nhạc này đã được ghi âm qua giọng hát của ca sĩ Hải Minh (GS. Trần Văn Khê). Riêng bản “Thu khói lửa” sau khi phổ biến, ông bị ngụy quyền bỏ tù 2 lần.
Trên bục giảng tại các trường âm nhạc Sài Gòn, Huế, Đại học Vạn Hạnh… Nguyễn Hữu Ba đã phổ biến hàng loạt giáo trình về nhạc cổ truyền được ông biên soạn trong suốt 30 năm (1940 – 1969) như sách dạy tự học đàn nguyệt, đàn tranh, tỳ bà, độc huyền, nhị huyền. Sách biên khảo như: Nhạc pháp Quốc học, Bài ca Huế, Dân ca Việt Nam…
Do quá trình cống hiến, năm 1984 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba được Nhà Nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (ngành ca Huế) và trước khi mất ông được tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, và Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Bảo tàng cổ nhạc

Tỳ Bà Trang là một khu nhà vườn rộng khoảng 1.000m2, nằm trên con đường yên tĩnh (51 - Ông ích Khiêm) trong thành nội Huế. ở đây, còn nhiều cây đàn nhạc cổ truyền quý giá, đĩa nhạc, phim ảnh, tư liệu, thư tịch và 500 băng ghi âm những bài ca cổ trong âm nhạc cung đình. Nguồn sưu tầm ấy đã được sử dụng để thuyết phục UNESCO công nhận âm nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ năm 1954, Tỳ Bà Trang trở thành một địa chỉ văn hóa nghệ thuật của giới nghệ sĩ Huế. ở đây, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã soạn các công trình nghiên cứu, cổ động về cổ nhạc Việt Nam. Nơi đây cũng từng là cơ sở để các ông Lê Quang Vịnh, Nguyễn Hữu Ba, Tôn Thất Dương Kỵ… bí mật gặp gỡ, hội họp. Tỳ Bà Trang cũng là nơi ra đời tạp chí “Ngày mai” của phong trào đòi hòa bình do GS.Lê Quang Vịnh (Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên - Học sinh Giải phóng miền Nam) làm thư ký tòa soạn.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (năm 1975), nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba công tác tại Viện Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố. Thiếu vắng chủ nhân, Tỳ Bà Trang dần dần xuống cấp. Vì khí hậu ẩm thấp như ở Huế, gần hết nhạc cụ, băng đĩa, ấn phẩm âm nhạc đã phải chuyển nơi khác… Điều đáng tiếc là hiện nay, Tỳ Bà Trang chưa được bảo vệ và tôn tạo đúng mức./.
Vũ Hào (Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét