Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Bộ kinh Phật cổ độc nhất vô nhị


Đó là kho mộc bản kinh Phật Thiền phái Lâm Tế tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Lát, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Kho mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) mới được "trình làng" bằng bộ hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là Di sản văn hóa trong "Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương". 
Tuy nhiên, Bắc Giang còn một kho mộc bản kinh Phật độc đáo khác, với những giá trị vượt thời gian mà chưa được nhiều người biết đến.
Chùa Bổ Đà - nơi lưu giữ hơn 2.000 môc bản khắc ngược, được xem là một trong những bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam.  Ảnh: PV
Chùa Bổ Đà - nơi lưu giữ hơn 2.000 môc bản khắc ngược, được xem là một trong những bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Ảnh: PV
Báu vật vô giá
Đó là kho mộc bản kinh Phật Thiền phái Lâm Tế- một dòng thiền có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi miền Tổ quốc tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Lát, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Với hơn 2.000 mộc bản được khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán- Nôm và chữ Phạn trên trên gỗ thị- loại gỗ được trồng nhiều trong vùng thời xưa, bởi đặc tính gỗ nhẹ, mềm, bền, dai, không bị mối mọt, cong vênh, nên các vị tổ sư đã chọn làm vật liệu để "đục kinh". Đây được xem là một trong những bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam.
Một trang mộc bản độc đáo.
Một trang mộc bản độc đáo.
Để kho mộc bản này
Để kho mộc bản này "còn mãi với thời gian", ngành chức năng cần sớm có sự quan tâm đúng mức. Ảnh: P.V
Đại đức Tự Tục Vinh- Trụ trì nhà chùa cho biết: Chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ 11), tạo dựng vào thời Lê (thế kỷ 18). Trải qua nhiều thế kỷ, hiện chùa còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật, trong đó có kho mộc bản kinh Phật vô giá này. 
Đây xứng đáng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế. Hằng năm kết hạ an cư, các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều nơi đã về đây tham thiền học đạo. 
Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt hẳn so với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, bởi lối kiến trúc ’’nội thông ngoại bế" với 18 dãy tòa ngang, dãy dọc, tường bao bằng đất nện và tiểu sành, tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng... chính điều đó đã làm lên nét riêng, độc đáo mà không đâu trên đất nước ta có được.
Nơi lưu giữ mộc bản giá trị còn rất sơ sài.
Nơi lưu giữ mộc bản giá trị còn rất sơ sài.
Cũng theo lời Đại đức Tự Tục Vinh: Kho mộc bản kinh Phật tại chùa được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư muốn truyền thừa, giảng dạy đạo Phật cho những thế hệ mai sau. Trong đó các bộ kinh tiêu biểu như: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy... 
Thời gian san khắc các tấm mộc bản này sớm nhất là từ năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là các hình khắc Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán... đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá và độc đáo để lại cho đời sau. Đến nay bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn. 
Để mộc bản còn mãi với thời gian
Mang trên mình những giá trị vô giá, nhưng từ lâu, kho Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể. Thiết nghĩ, để kho mộc bản này "còn mãi với thời gian", ngành chức năng cần sớm có sự quan tâm đúng mức mà trước mắt là việc tạo lập cơ chế bảo vệ, bảo quản, loại trừ các yếu tố làm mất mát, hư hỏng... đồng thới có thể đề xuất, nhằm tôn vinh kho di sản vô giá này trở thành Di sản văn hóa thế giới.
Tham quan kho mộc bản tại chùa Bổ Đà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những bảo vật vô giá ấy lại được bầy đặt rất sơ sài trên những kệ gỗ tềnh toàng của một gian phòng không có cửa chắn ra vào, nằm phía sau chùa. Cùng với đó là điều kiện môi trường ẩm mốc, lại không được bảo vệ nghiêm ngặt, vì vậy tình trạng mất cắp, hư hỏng là điều khó tránh khỏi.
Mộc bản chùa Bổ Đà với hơn 2.000 bản, nếu so sánh với số lượng 3.050 mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm thì có phần khiêm tốn. Tuy nhiên theo đánh giá ban đầu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa: Xét về mặt giá trị thời gian, kỹ thuật điêu khắc, nội dung... mỗi nơi có những ý nghĩa, nét độc đáo và tầm vóc riêng.
Thế nhưng trong khi mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được các ngành chức năng quan tâm, có chế độ bảo quản, bảo vệ nghiêm ngặt ở các kệ tủ khóa chốt cẩn thận, rồi được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá... thì với mộc bản tại chùa Bổ Đà, công việc ấy vẫn chỉ dừng lại ở "bước đầu".
Hiện nay, chưa có một sự kiểm kê, đánh giá, nghiên cứu chi tiết về nội dung các mộc bản trên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011- 2020", mà trọng tâm là năm 2011,  ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch cụ thể cho việc nghiên cứu, bảo tồn kho mộc bản tại chùa Bổ Đà, trong đó sẽ tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh số, nghiên cứu, dịch thuật, mã hóa, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo vệ thích hợp. Điều đó đã mở ra những cơ hội và hy vọng để kho mộc bản nơi đây có thể trường tồn.      
Vườn tháp đặc biệt
Bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2 là nơi tàng lưu xá lỵ, tro cốt nhục thân của các hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch sâu lắng.
Các ngôi tháp chùa Bổ Đà đều được kiến tạo bằng chất liệu truyền thống: xây bằng đá và gạch chỉ, mạch được bít bằng vôi trộn mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Đa số các tháp đều có tên nhưng lâu năm, nét chữ mờ phai nên nay khó xác định chính xác hết. Trong lòng tháp thường đặt bia, bài vị ghi thời gian sinh và hóa nhục thân của các nhà sư nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế.
Qua gần 300 năm hưng thịnh và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 97 ngôi tháp mộ lớn nhỏ. Đa số tháp trong vườn là tháp ba, bốn tầng với độ cao 3-5m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa. Tàng chứa trong 97 ngôi tháp mộ là xá lỵ, tro, cốt nhục thân của 1.214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế.
                     
Nguồn:  Đào Dung
Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét