Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Đình Thượng Điện- nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm


Ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có một làng quê mà theo phong tục từ xa xưa đến nay, cứ đúng dịp 10.3 âm lịch lại mở hội làng. Nét đặc biệt là vào ngày hội làng đó, nhà nào cũng làm cỗ mang ra đình cúng tế, mong gia đình khỏe mạnh, may mắn, làng xã yên bình, quê hương phát triển. Đó là làng Thượng Điện, xã Vinh Quang.
Đình làng Thượng Điện
Cổ kính đình làng trăm tuổi
Đình làng Thượng Điện thờ tướng quân Đại Lực, được sắc phong là "Càn Hải Đại Lực Tuấn Xuyên Cư Sĩ". Theo thần tích còn lưu tại đình do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (năm 1572), cuối triều Hùng Vương thứ 18, Thục Phán đem quân chiếm nước Văn Lang, thế giặc rất mạnh. Trong tình thế nguy cấp đó, Vua Hùng xuống chiếu khắp nơi tuyển mộ nhân tài ra cứu nước. Bấy giờ ở đạo Sơn Nam, vùng núi Hồng Lĩnh có ông Đại Lực là người tài giỏi, tự nguyện đứng ra cầm quân đánh giặc. Ngay từ trận đầu, nghĩa quân đã thắng lớn, quân Thục thua to chạy tan tác, ông đem quân đuổi theo giặc đến tận đạo Hải Dương, phủ Ninh Giang, huyện Vĩnh Lại, xã Cựu Điện và Thượng Khu (tức  thôn Thượng Điện ngày nay) rồi cho lập đồn binh tại đây. Sau khi dẹp xong giặc, ông lên ngựa phi về phía núi Hồng Lĩnh, đạo Sơn Nam. Nhân dân Thượng Khu làm lễ kính tế và lập đền thờ ngay tại khu đồn sở. Các cụ cao niên trong làng truyền lại, ngôi đền sau đó được xây dựng lại thành ngôi đình 5 gian, được tôn tạo năm Canh Ngọ 1930, trùng tu lần 1 vào năm 1991, lần thứ 2 vào năm 2005.
Mạo hiểm với trò đánh đu
Đình Thượng Điện nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, thoáng đãng ở đầu làng, cạnh cánh đồng bốn mùa tươi tốt. Kiến trúc đình mang phong cách thời Nguyễn, cấu trúc kiểu chữ Công gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung và một gian ống muỗng. Nghệ thuật trang trí đình mang đậm phong cách truyền thống với các hình rồng phượng, hoa lá cách điệu; bên trong đình có các bức cửa võng, cuốn thư, đại tự, câu đối sơn son thếp vàng. Đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ quý có niên đại từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cùng 3 sắc phong của các triều đại: Cảnh Thịnh năm thứ tư (1795), Thành Thái năm thứ nhất (1889), Khải Định năm thứ chín (1924). Trước cửa đình có  2 cây bàng cổ thụ có tuổi thọ khoảng 200 năm làm cho đình càng thêm vẻ uy nghi, cổ kính, trầm mặc.
Lễ hội truyền thống của làng tổ chức hằng năm vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương, lễ vật nhất thiết phải có bánh chưng, bánh dày cùng sản vật làng quê.
Với những giá trị vật chất và tinh thần tồn tại qua hàng thế kỷ, đình làng Thượng Điện được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1999. Hiện nay, trước đình làng có một khoảng sân khá rộng để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi vào ngày hội làng, lệ làng. Bên cạnh đó công trình nhà văn hóa của thôn cũng được xây dựng rộng rãi, khang trang là nơi sinh hoạt cộng đồng thường ngày của dân làng Thượng Điện.
Trò bịt mắt bắt lợn trong hội làng
Gìn giữ nét đẹp làng quê Việt
Hiện làng Thượng Điện có 180 hộ với 630 khẩu, nằm ở vị trí trung tâm của xã, có trục đường giao thông thuận lợi. Với 83 mẫu đất canh tác, hằng năm, dưới sự lãnh đạo của chi bộ thôn, ban quản lý làng, dân làng Thượng Điện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng mùa vụ, năng suất lúa, rau màu.
Năm 2011, cụm 3 của làng áp dụng khoa học kỹ thuật thành công mô hình trình diễn lúa gieo sạ và mô hình giống lúa chất lượng cao, cho thu nhập gấp nhiều lần lúa thường. Cây rau màu vụ đông, cây hàng hóa truyền thống (thuốc lào) được người dân quan tâm mở rộng diện tích, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các gia đình. Nhờ mạnh dạn phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ cơ khí..., số gia đình có điều kiện kinh tế khá ngày một nhiều, 100% số hộ trong làng có nhà xây mái ngói và nhà xây kiên cố, phương tiện đi lại, nghe nhìn...đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao.
Quê hương trên đà CNH-HĐH, nhưng một trong những nét đáng trân trọng của người dân Thượng Điện đó là luôn gìn giữ được nét đẹp của làng quê Việt. Đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, gắn bó giữa các gia đình trong làng và gắn bó với đình làng. Đó là nếp sinh hoạt dân dã không có tệ nạn xã hội, người dân sống trong tình làng nghĩa xóm thắm đượm yêu thương. Hội làng thuần túy các trò chơi dân dã như đánh đu, cờ tướng, kéo co, bịt mắt bắt lợn...,  không có cờ bạc trá hình, quay lô, trúng số. Và không chỉ những người dân đang sinh sống ở làng mà đông đảo con em xa quê của làng cũng luôn hướng về cội nguồn bằng việc tham gia xây dựng làng văn hóa, góp của, góp công tu sửa, xây dựng các công trình công cộng để làng Thượng Điện hơn 10 năm nay giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp thành phố.
Đ.T (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét