Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Nhan sắc Ngũ Hành Sơn


Đà Nẵng tự hào về vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn. Năm ngọn núi vươn ra như năm ngón tay có tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn (gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn).

Ngũ Hành Sơn cách Đà Nẵng chỉ 7 cây số, một khoảng cách đủ để rong chơi trong vài tiếng đồng hồ. Những ngọn núi ấy thành tên từ thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đặt. Tôi vẫn thường đứng trên đỉnh cao của núi, ngắm nhìn Ngũ Hành Sơn thay đổi màu theo sắc nắng. Đó là sự kỳ ảo như nhan sắc của một cô gái kiêu sa đang soi mình trên biển Đông bốn mùa lộng gió  và  thơm mùi muối mặn.

Ngũ Hành Sơn huyền ảo

Đến Ngũ Hành Sơn, du khách thường đến ngọn núi lớn Thủy Sơn. Rồi đến chùa Tam Thai hay chùa Linh Ứng, tiếp  tục  lần lượt  ghé vào các hang động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Lăng Hư, động Vân Nguyệt…
Đường đến Thủy Sơn
Chùa Tam Thai giống như “Sao Tam Thai” tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Khi đến Vọng Giang, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ... Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc.
Chùa Tam Thai
Lịch sử của ngọn núi rộng 15 ha này dày đặc những huyền thoại. Sử ghi vào đời nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông(trị vì từ 1460-1497) đã phát hiện ra Ngũ Hành Sơn. Đại sư Huệ Đạo Minh  là người đầu tiên tu ở  Thủy Sơn và đã dựng tấm bia “Ngũ Uẩn Sơn” ở động Vân Thông năm 1640. Tấm bia thứ hai dựng ở động Hoa Nghiêm năm1641.
Lối vào Không Động
Thủy Sơn cũng quyến rũ mọi người bởi tại đây đa dạng cỏ cây: Cây Thiên Tuế cành lá sum sê thân quấn vào núi đá, trong những khe đá quanh năm ẩm ướt là nơi mọc  của Thạch trường sanh. Rồi các loại cây khác  như Cây Cung-nhân-thảo (Amaryllis) lài trắng, Cảnh-thiên (Crassule), Mộc tê, Chương não, và loại cây Thử có tinh dầu dùng để trét ghe thuyền, cây Tứ quý có rễ dùng làm thuốc bổ, lọc huyết và tiêu thực. Bên cạnh đó là cơ man nào là hoa dại cứ bung nở trong bốn mùa như điểm tô cho Ngũ Hành Sơn.
Mặt trời chiếu qua Không Động
Nhan sắc Ngũ Hành Sơn với tên gọi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ  bởi  đá núi  mỗi nơi mỗi khác. Đá cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn màu hồng, ở Mộc Sơn màu trắng, ở Hỏa Sơn màu đỏ, ở Kim Sơn màu thủy mặc và ở Thổ Sơn màu nâu.
Hàng mỹ nghệ làm bằng đá Non nước
Thú vị khi  dạo quanh Ngũ Hành Sơn, bước xuống các bậc cấp là lạc vào các cửa hàng bán hàng mỹ nghệ làm bằng đá Non nước. Nơi đây có  cơ man sản phẩm làm từ đá, đúc bằng bột đá đa dạng màu sắc và hình mẫu. Những tảng đá lớn tạc thanh sự tử, voi, bệ đá,… nhỏ thành các sản phẩm vòng đeo tay, các mặt hàng lưu niệm.
Dạo Ngũ Hành Sơn trong nắng vàng hay tiết trời êm dịu, lưng thấm đẫm mồ hôi nhưng luôn thấy nhẹ lòng, bỏ quên sau lưng bao chuyện thế gian./.

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường

Hùng vĩ danh thắng Ngũ Hành Sơn

25.06.2012 07:51
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm giữa một địa thế tuyệt đẹp: Từ biển Mỹ Khê kéo dài đến bán đảo Tiên Sa.
Đến TP. Đà Nẵng, du khách không thể không dừng chân trước vẻ đẹp hùng vĩ của năm ngọn núi mang tên Ngũ Hành Sơn. Gần 200 năm trước, Vua Minh Mạng từng vi hành đến đất này. Ông du ngoạn, thưởng lãm khắp các danh thắng và đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên: Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất bao nhiêu thời gian.


Theo Kinh dịch thì ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Trong sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.

Những núi này do bị nước mưa và khí hậu xâm thực, xói mòn, tạo ra những hang động với mọi hình thù kỳ dị, làm cho núi có những sắc thái đặc thù. Mỗi sáng, ánh nắng mặt trời len lỏi qua các ngách đá tạo ra vẻ lấp lánh trên thạch nhũ với vô số hình hài khác nhau mà du khách có thể cảm nhận theo trí tưởng tượng của mình.


Ở động Quan Âm, nhiều thạch nhũ tạo ra những hình tượng Phật rất độc đáo, trong đó khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế âm Bồ tát rất hoàn hảo, đẹp hơn bất cứ pho tượng nào do thợ điêu khắc tạc nên. Trong động Quán Thế âm còn có bộ tam khí nhà Phật gồm chuông, trống, mõ bằng đá, đánh vào nghe vang âm.


Cuối động là hồ nước mát trong, lạnh ngọt quanh năm, được gọi là hồ nước Cam Lồ. Nhiều ngôi chùa khác trong quần thể chùa Ngũ Hành Sơn cũng lưu giữ nhiều hiện vật thuộc tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, mang đậm dấu ấn của các thời kỳ lịch sử dân tộc. Ngoài ra, trên những vách đá rêu phong, du khách đến đây còn có thể tìm thấy những bút tích đề thơ, vịnh cảnh của các thi nhân từ thời Trần, Lê...


Từ Vọng Giang đài trên ngọn Thủy Sơn, có thể nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc trong hoàng hôn, hoặc đứng trên Vọng Hải đài dõi nhìn bãi cát cắt dọc theo chân sóng, phóng tầm mắt bao quát phong cảnh với mây bay gió thoảng, những làn sóng nhẹ xô đuổi vào bờ cát trắng. Chiều xuống, người người tấp nập ra tắm biển, hóng gió, từng tốp ngư dân nhẫn nại đẩy thuyền thúng ngoài khơi..., lòng người như đã giao cảm được với đất trời.

Đến với Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian của những lễ hội, của phong cảnh hữu tình, của làng nghề nhộn nhịp..., mà còn có được một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bãi biển Non Nước. Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Cùng với Bà Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế giới.


Ngũ Hành Sơn làm cho du khách như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bên cạnh, những giá trị văn hóa tâm linh đã góp phần làm nên sự kỳ ảo và hấp dẫn mà một khi đã đến bạn sẽ không thể nào quên.

Theo Baolaodong

Thử sức leo núi Ngũ Hành Sơn

Với những du khách có sức khỏe và thích khám phá, dành một ngày lượn lờ bằng xe gắn máy đến năm ngọn núi trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và chinh phục độ cao của các ngọn núi này là thú vị nhất.


Có thể leo núi Thủy Sơn bằng cách dễ nhất: đi theo các bậc tam cấp
Trong hệ thống năm ngọn núi này (còn gọi là núi Non Nước), Thủy Sơn là ngọn núi lớn nhất và là nơi du khách ưa thích viếng thăm, do có nhiều hang động đẹp và có hệ thống thang máy dành cho người sức khỏe giới hạn.
Nằm ở phía đông bắc trong quần thể này, Thủy Sơn có ba ngọn từng được gọi là núi Tam Thái, trên núi có chùa Tam Thái từng được xếp vào dạng quốc tự thời Minh Mạng.
Với độ cao không cao lắm (106 m), có các bậc tam cấp lên đến tận đỉnh, leo núi Thủy Sơn cũng là cách tập thể dục tốt với người sức khỏe bình thường. Chưa kể bạn có thể nghỉ chân ở vài chặng tại các ngôi chùa trên ngọn núi này, với cây xanh, bóng mát và hơi lạnh mát mẻ từ núi đá tiết ra.
Leo lên Thủy Sơn, bạn đến thăm các hang động huyền ảo như động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, hang Vân Nguyệt, hang Thiên Long, hang thiên đường hay hang âm phủ.
Lên đến đỉnh Thủy Sơn, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn thành phố Đà Nẵng bên dưới hay quang cảnh bãi biển Non Nước với các resort chạy dài.
Xuống núi, ra về cũng là lúc bạn có thể mua một vài món đồ lưu niệm làm bằng đá núi Non Nước với các màu đặc trưng trắng sữa, phấn hồng, vân đỏ, xanh đậm, nâu đen. Hiện nay, quanh khu vực, người dân vẫn hành nghề làm tượng đá cung cấp cho mọi vùng trên cả nước.
 

Các bậc tam cấp này dẫn lên nhiều ngôi chùa trên Thủy Sơn

Bạn có thể thừ sức bằng cách leo lên các hốc núi, ra các cổng trời

Chinh phục các địa thế hiểm trở ở Thủy Sơn cũng là một cái thú

Thăm động Huyền Không với trần hang cao vòi vọi, hang lớn nhất trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn
 
Từ đỉnh Thủy Sơn, phóng tầm mắt nhìn ra bãi biển Non Nước bên dưới

Bài, ảnhKim Dung
.Những điểm hấp dẫn phía tây khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
.
Đến với phía Tây Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, du khách không những đơn thuần thưởng ngoạn cảnh trí chùa chiền, hang động mà còn được chiêm bái đạo pháp, tham gia lễ hội và tịnh dưỡng tâm trí. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên nét riêng của du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn, là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và cho thành phố Đà Nẵng nói chung.
Từ lâu, khách du lịch khi tham quan Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng hầu hết chỉ đến với ngọn Thủy Sơn và tưởng như đã chiêm ngưỡng trọn vẹn toàn cảnh bức tranh non nước hữu tình ở đây. Thực tế ngọn Thủy Sơn chỉ là một trong năm ngọn: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, nhưng do chiếm ưu thế về vị trí giao thông, cảnh sắc phong phú, đa dạng với các hang động và chùa chiền thâm nghiêm cổ kính, nên đã được nhiều du khách biết đến và tham quan.
Thế nhưng, dấu ấn lịch sử - văn hóa - du lịch không chỉ dừng lại và cô đọng ở ngọn Thủy Sơn mà được phân bổ đều khắp ở năm ngọn núi, trong đó có hòn Kim Sơn, Thổ Sơn và Hỏa Sơn ở phía Tây khu danh thắng đã góp phần làm nên một Ngũ Hành Sơn với bao truyền thuyết được truyền tụng lâu đời.
Khu du lịch phía Tây trong quần thể Ngũ Hành Sơn nằm cách ngọn Thủy Sơn, làng đá mỹ nghệ và bờ biển du lịch Non Nước khoảng gần 1km về phía Tây, trên trục đường Đà Nẵng - Hội An. Hệ thống giao thông đến khu du lịch phía Tây rất dễ dàng, thuận lợi, là gạch nối giữa các tour du lịch Ngũ Hành Sơn - Hội An - Mỹ Sơn, phía Tây Nam giáp sông Cổ Cò với đồng lúa, bãi bồi, làng mạc, không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành, mát mẻ.
Phía Tây Ngũ Hành Sơn gồm có ngọn Hỏa Sơn, Thổ Sơn và Kim Sơn. Dưới ngọn Kim Sơn là chùa Quan Thế Âm, đây là ngôi chùa xây dựng vào năm 1956 do Hòa thượng Thích Pháp Nhãn khi phát hiện ra động Quan Âm sau chùa. Trong động có thạch nhũ có hình dáng tượng Phật Bà Quan Âm hoàn chỉnh, cao lớn bằng người thật với tư thế an nhiên, đứng trên mình con rồng uốn khúc. Tại đây, hằng năm có tổ chức lễ hội Quan Thế Âm truyền thống, mang đậm nét văn hóa dân gian và văn hóa Phật giáo.
Bên cạnh ngọn Kim Sơn là ngọn Hỏa Sơn, đây là ngọn núi đôi được đặt tên là Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn. Âm Hỏa Sơn nằm ở phía Đông, sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng, cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá và có một cái hang thông từ sườn phía Nam ra sườn phía Bắc. Dương Hỏa Sơn nằm ở phía Tây, dưới ngọn núi này có chùa Linh Sơn được xây dựng vào năm 1964, sau chùa có động Huyền Vy được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng, đến năm 1825, vua Minh Mạng cho người khắc tên lên vách đá ba chữ “Động Huyền Vy”.

Mãi đến năm 1960, các thầy trù trì ở đây khai phá lớp đá dày nơi cửa động lộ rõ hang động có nhiều tầng, nhiều ngóc ngách, tranh tối, tranh sáng. Trong động có một hồ nước với hình tượng ông Lữ đi câu ngồi trên ghềnh đá, nên gọi là hồ ông Lữ.
Cuối ngọn Dương Hỏa Sơn về phía Tây lưng chừng núi có một hang xuyên suốt từ sườn phía Bắc ra sườn phía Nam gọi là hang Phổ Đà Sơn. Phong cảnh ở đây rất u tịch, trong hang có ngôi chùa nhỏ có tên là chùa Phổ Đà Sơn. Đây là ngôi chùa của các sư nữ đầu tiên tại Ngũ Hành Sơn. Tương truyền rằng, tại ngôi chùa này công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng sau khi thọ giới tại chùa Tam Thai đã đến ẩn tu suốt đời tại chùa này.

Ở ngọn Hỏa Sơn ngoài chùa chiền, hang động còn có miếu Ông Chài được xây dựng vào thời Gia Long (1802-1819), đây là Trạm thu thuế các tàu buôn qua lại trên sông Cổ Cò giữa Hội An và Đà Nẵng ngày trước, tuy nhiên, đến nay theo thời gian, do phù sa bồi lấp, dòng sông hẹp lại đã làm mất vị trí giao thông quan trọng này.
Thổ Sơn là ngọn ở phía Tây Bắc Ngũ Hành Sơn, vách đá dựng đứng và ít cây cối. Điểm thấp nhất nằm ở sườn phía Tây, còn ở phía Đông có một hang sâu, khoảng 20m, lối vào rất hẹp, có một đường thông lên cao gọi là hang Bồ Đề, còn gọi là “Địa đạo núi Đá Chồng”. Đây là địa đạo tự nhiên, nơi ẩn nấp và hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến và hiện nay trở thành di tích lịch sử tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sườn Bắc của ngọn Thổ Sơn có chùa Long Hoa và chùa Huệ Quang, đây là những ngôi chùa được xây dựng vào thập niên 90 trong khung cảnh tĩnh lặng, hữu tình và nên thơ.
Khu du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn còn ẩn chứa nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: đền thờ công chúa Ngọc Lan, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, miếu ông Chài, đình Khuê Bắc, Bến ngự thuyền vua Minh Mạng trên sông Cổ Cò… Ngoài ra,  khu du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn còn có những di tích đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến như: địa đạo núi Đá Chồng, hang bà Tho, chùa cô Đáng (hay còn gọi chùa Phổ Đà Sơn).
Đến với phía Tây Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, du khách không những đơn thuần thưởng ngoạn cảnh trí chùa chiền, hang động mà còn được chiêm bái đạo pháp, tham gia lễ hội và tịnh dưỡng tâm trí. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên nét riêng của du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn, là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và cho thành phố Đà Nẵng nói chung.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đang phối hợp với Ban Quản lý Công trình XDCB quận hoàn thiện hồ sơ thiết kế hạng mục mở đường, cải tạo cảnh quang trước động Huyền Vy và hệ thống điện trong lòng động nhằm góp phần tạo thêm điểm nhấn mới cho du khách khi đến với phía Tây Ngũ Hành Sơn.
Có thể nói, phát triển mạnh mẽ du lịch phía Tây danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ là định hướng đúng đắn nhằm từng bước giới thiệu với khách du lịch có cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, một vùng đất đậm chất tâm linh và hoài cổ.

Share on facebookShare on googleShare on twit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét