Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Bia khoán ước về ca trù ở đất Kinh Bắc



  
Các thế hệ cùng hát ca trù.
Cùng với quan họ, ca trù trên đất Kinh Bắc cũng là một loại hình hát dân gian, giàu sức quyến rũ, mê đắm lòng người. Không biết lối hát ca trù được người Kinh Bắc hát tự bao giờ, chỉ biết từ lâu lắm - thời nhà Lý, hát ca trù đã rất được coi trọng. Tương truyền ngày xưa, các vua nhà Lý hằng năm đều đi thuyền du xuân, vãn cảnh, không quên qua đình Thổ Hà, uống rượu làng Vân, nghe hát quan họ và ca trù.
Hiện nay, trong hậu cung đình Thổ Hà vẫn còn bia đá ghi các khoán ước về ca trù. Bia đá có khắc chữ Hán ở bốn mặt. Nội dung bia (theo bản dịch) có ghi như sau:
"Bắc Hà phủ, An Việt huyện, Thổ Hà thôn, bình dân các hạng, toàn thể già trẻ trong thôn nhận thấy, hai năm trước đây, dân nhà vào đám cầu phúc hát ca, thảy 32 trù, xét thấy bọn con hát có phần chểnh mảng nhiều, trong đình vắng ngắt lời ca tiếng hát. Vì thế đến nay, các quan hương lão lập lại khoán ước, đổi lệ cũ làm 16 trù.
Trù ngày, từ giờ dần đến giờ Dậu (từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối). Trù đêm, từ giờ Dậu đến giờ Dần (từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau).
Chiểu theo lễ bộ, các nghệ nhân theo đúng phép. Nếu bộ phận nào biếng sẽ phải xuất số thóc riêng ra để nộp cho dân, còn tiền 16 trù giao mỗi ông thôn trưởng phải thu mỗi thửa ruộng ba quan sử tiền tại đình. Sau đó các quan viên hương lão, xã, thôn, thôn trưởng, bàn luận và thưởng cho con hát, để tỏ sự kính thần và biểu kỳ danh chốn đình chung. Dù còn tiền hay hết tiền cũng phải lấy khoản khác chi vào.
Nếu từ nay về sau, từ thôn trưởng trở xuống, không ai được tiêu lạm dụng vào tiền ca trù để ăn uống rượu chè.
Nay kê khai những điều khoản của dân xã ta từ tiên triều đến nay, có chợ và bến đò là của tam bảo trong dân quy định chợ là nơi bán các đồ sành gốm cho các nơi, mỗi tháng có một, hai phiên, để cho việc giao dịch buôn bán được thuận tiện, để hàng hoá trong dân thôn được phát triển mạnh mà trở nên giàu có. Nếu ai phá điều lệ này hoặc thu tiền chi của bến đò, biển thủ làm của riêng, trong xã sẽ phạt một thủ lợn, một hũ rượu, theo đúng điều lệ trong khoán ước.
Chính Hoà thứ 14 ngày 5 tháng 10, nay lập bia".
Nội dung bia đã khẳng định ý nghĩa to lớn của ca trù trong đời sống cộng đồng. Vì thế các khoán ước về ca trù đã trở thành hương ước, quy ước của làng một thuở. Qua ca trù, ta thấy được nét đẹp truyền thống của văn hoá làng, xã Việt Nam xưa. Di sản văn hoá phi vật thể - ca trù, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tô đậm nét hào hoa phong nhã, tính tình dịu dàng, đằm thắm, chân thực của người Kinh Bắc.
Nhạc cụ không thể thiếu của lối hát ca trù là đàn đáy, phách và trống chầu. Nhà thơ Hoàng Cầm đã có những câu thơ thật hay nói về nhạc điệu ca trù:
"Chờ em Cung Bắc đi về.
Thiên Thai đẹp thế mà nghe đoạ đầy.
Gửi thư xưa… gọi đêm nay.
Như bâng khuâng ngẫm kiếp này xót thương".
Điệu Cung Bắc tạo cho người nghe cảm xúc nhớ tiếc; điệu Thiên thai gợi cảm giác lâng lâng khó tả; còn điệu Gửi thư là để giao lưu bằng điệu hát, có sự thông cảm, chia sẻ. Các làn điệu Cung bắc, Gửi thư, Thiên thaiTì bà… có tác dụng làm tôn cái hay, sức quyến rũ lòng người của nghệ thuật hát ca trù. Câu hát quyện trong âm thanh của nhạc cụ ấy tạo nên sức mê đắm lạ. Người hát ca trù cũng có cái duyên riêng, buồn buồn, đằm sâu, theo tiếng nhạc "tom chát" và lời đệm ứ… hự da diết, níu kéo hồn người miên man trong canh hát.
Đến nửa đầu thế kỷ XX, ca trù ở Bắc Giang vẫn phát triển. Vùng Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên), vùng Thị Cầu (Bắc Ninh). Phủ Lạng Thương đã tồn tại các "phố Cô Đầu" hay còn gọi là "Ả Đào" ở Mỹ Độ. Các "Phố Cô Đầu" này chuyên hát ca trù, thu hút đông đảo văn nhân xa gần đến thưởng thức. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lối hát ca trù có lúc thăng lúc trầm, nhưng sức sống tiềm tàng của nó vẫn mạnh mẽ, vẫn vươn tới những nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Bia khoán ước về ca trù ở đình Thổ Hà vẫn được người dân bảo tồn và trân trọng. Điều đó càng khẳng định giá trị to lớn của ca trù trong đời sống người dân đất Việt.
Nguyễn Thị Minh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét