Ngày 1-10-2009, tại Abu Dhabi, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể ca trù của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tỉnh Bắc Giang vinh dự có tên trong danh sách 15 tỉnh, thành của cả nước có di sản văn hóa phi vật thể ca trù.
|
Trong hồ sơ đệ trình UNESCO, một trong ba hình ảnh minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở nước ta có bức chạm người chơi đàn đáy (thế kỷ XVI) ở đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa (ảnh).
Đình Lỗ Hạnh được dựng vào năm Bính Tý, niên hiệu Sùng Khang (1576), là một trong những ngôi đình cổ nhất xứ Bắc và cũng là ngôi đình được mệnh danh là đệ nhất Kinh Bắc bởi nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo. Hầu hết các cấu kiện gỗ trong đình đều được các nghệ nhân xưa sử dụng để khoe trổ tài năng chạm khắc. Từ các đề tài hoa lá, rồng, mây… đến con người (thường được thể hiện là các tiên nữ) đều được tỉa tót công phu, diễn tả ở nhiều tư thế, dáng vẻ khác nhau, nhìn thật sống động và có hồn. Bức chạm "Người chơi đàn đáy" được chạm trên khuôn gỗ hình chữ nhật có chiều dài 36 cm, rộng 24 cm. Bao quanh bức chạm là hình ảnh chim, hoa lá và những con rồng thân mảnh, mũi gãy, râu dài. Với nghệ thuật tả thực, kết hợp với kỹ thuật chạm nổi, vê tròn, thể hiện trên chất liệu gỗ dổi có màu sáng ngà, bức chạm diễn tả một cô gái đang cầm đàn để chéo trước ngực, ngồi tựa lưng vào chú hươu đang trong tư thế quỳ phủ phục. Nhìn cây đàn, chúng ta nhận ra ngay đây là chiếc đàn đáy (thùng cộng hưởng của đàn hình thang, cần đàn dài) - một trong ba loại nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật hát ca trù. Cô gái với thân hình mảnh mai, khuôn mặt trái xoan đầy đặn. Đầu như thể vấn khăn có hai dải dài buông xuống che kín hai tai. Mình mặc váy dài, cổ lọ, phần váy trên bó sát người, phía dưới hông xoè rộng với nhiều nếp gấp dọc. Tay phải cô gái đang gảy đàn, tay trái giữ phím. Ong tay áo rộng thõng xuống để lộ cổ tay thon lẳn với những ngón tay búp măng dài mềm mại. Các ngón tay như đang lướt trên phím đàn, tạo nên những thanh điệu trầm bổng đầy xúc cảm. Cô gái và con hươu quấn quýt lấy nhau như đôi bạn tri ân. Trong tạo hình dân gian dưới góc độ linh vật, con hươu với bộ lông màu lửa chạy trên đồng cỏ được coi như tia sáng, hay còn được xem là con vật cõng mặt trời. Như vậy, bức chạm "Người chơi đàn đáy" ở đây đã hội tụ được cả yếu tố âm (biểu trưng là cô gái chơi đàn đáy) và yếu tố dương (biểu trưng là chú hươu) để thoả mãn triết lý âm - dương đối đãi, giao hoà mà phát triển - lối tư duy luôn thường trực trong tâm thức của người Việt.
Bức chạm "Người chơi đàn đáy" ở đình Lỗ Hạnh không chỉ đẹp ở nghệ thuật tạo hình, mà nó còn thể hiện một sự cách tân trong tư duy sáng tạo. Chủ đề tác phẩm đã vượt qua các mô tuýp khuôn mẫu, lề lối cứng nhắc của tư tưởng Nho giáo, thay vào đó là hình ảnh sinh hoạt thật đời thường nơi thôn dã. Những đêm bên chiếu đình, được tắm mình trong làn điệu ca trù trầm bổng mượt mà, hoà trong tiếng phách giòn mảnh, tiếng đàn đáy trầm đục, tiếng trống chầu rành mạch đã tạo nên phức thể âm thanh với tiết tấu đa dạng làm xốn xang lòng người. Và để rồi trong giây phút thăng hoa hồi tưởng ấy, người nghệ nhân xưa đã rẽ lối, phá cách thổi hồn vào thớ gỗ để lại cho đời tác phẩm tuyệt tác có một không hai này.
Hoàng Mai
(Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét