Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bức tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam


Cụ Nguyễn Văn Dũng (80 tuổi) là nghệ nhân còn sống duy nhất trong số những người trực tiếp làm pho tượng này. Cụ Dũng bảo, cái đặc biệt của pho tượng Phật ở chỗ nó hội tụ rất nhiều pho tượng quý của thời Pháp, trong đó có cả bức tượng Nữ thần Tự Do.

Pho tượng phật A Di Đà hiện đặt tại chùa Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng Phật làm bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam.
Chùa Ngũ Xã
Cụ Dũng kể, người có chủ trương làm bức tượng Phật A Di Đà là Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã lúc đó. Ngày đó đạo Phật rất thịnh, cụ Dũng từng nghe Thượng tọa Tường nói với dân làng rằng: Dù bất cứ thời đại nào, dù đế quốc hay dân chủ thì nền văn hóa của đạo Phật hay Thiên chúa giáo không bao giờ mất đi. Vì thế, ông muốn làm một pho tượng lớn để thờ trong chùa, nó sẽ trường tồn vĩnh hằng ở mọi thời đại.
Cả làng nấu đồng đúc tượng
Cụ Dũng tự hào mình là nhân chứng sống duy nhất trong làng làm bức tượng Phật A Di Đà.
Biết nhà chùa có ý định làm bức tượng đó, dân làng Ngũ Xã rất hứng khởi. Ban trị sự của làng đã họp và cử ra những người có tay nghề cao nhất để đảm đương từng phần công việc.
Mọi người trong làng dù nhiều người có tay nghề cao nhưng không ai đứng ra nhận làm. Nguyên nhân của việc này là do bức tượng vô cùng lớn, lại làm hoàn toàn bằng thủ công nên ai cũng nghĩ sẽ gặp nhiều rủi ro khi thực hiện. Cuối cùng, các cụ trong làng quyết định bầu kiến trúc sư Nguyễn Văn Tùy làm tổng chỉ huy công trình.
Cụ Dũng bảo, lúc đó ông Tùy là người có trình độ cao, từng học bên Nhật, bên Tàu. Nhiều thầy nước ngoài dạy nên tay nghề ông ấy rất giỏi. Và chỉ ông ấy mới có thể cáng đáng được công trình này.
"Lúc đó tôi cũng khoảng 20 tuổi. Tuy còn trẻ so với nhiều thợ trong làng, nhưng từ nhỏ tôi đã theo các chú, các bác học nghề. Tôi được mọi người đánh giá là thợ trẻ tài hoa, nhanh nhẹn nên được chọn trong số 5 người làm chính bức tượng", cụ Dũng tự hào nói.
Cụ Dũng tiết lộ thêm: "Thời điểm đó, để đúc bức tượng như vậy rất phức tạp. Máy móc điện đóm đều không có. Tất cả các công đoạn hoàn toàn làm bằng thủ công. Khâu nặn tượng để đúc là quan trọng nhất, các nghệ nhân trong làng phải nặn đi nặn lại cho thật ưng ý thì thôi. Và phải mất nửa năm mới hoàn thành khâu nặn tượng bằng đất. Sau đó mới chuyển sang làm tượng bằng xi măng. Cuối cùng mới làm khuôn để đổ đồng".
"Trước khi đổ đồng vào khuôn, chúng tôi phải nung đất chín. Nhất là phần bên trong tượng phải xây lò đốt ở dưới chân đế đốt lên để tượng chín như gạch", cụ Dũng nhớ lại.
Theo lý giải của cụ Dũng, nếu để bề mặt đất vẫn còn ướt, khi ta đổ nước đồng có nhiệt độ khoảng 1.400 độ C, giữa nóng và lạnh sẽ sôi và tạo hơi. Khi đó bức tượng sẽ bị khuyết tật. Và khuôn có thể bị phá.
Hôm nấu đồng đổ tượng, nhà chùa phải huy động rất nhiều thợ trong làng ra hỗ trợ việc nấu đồng. Tất cả chia ra thành 10 lò để nấu đồng. Cụ Dũng bảo, lúc đó cả làng như một đại công trường, làm việc cả ngày liên tục. Như thế đồng mới được đổ đều, bức tượng mới tạo ra một khối thống nhất.
Nhờ kích, cẩu của quân đội Pháp
Cụ Dũng cho hay, trước đây pho tượng được làm tại nền đất trước cổng chùa bây giờ. Lúc đúc xong, nhiều người dân trong làng nghi ngại không thể chuyển pho tượng lên trên chùa được. Bởi kích thước của pho tượng tới cao gần 4m, với trọng lượng hơn 10 tấn đồng thì cả làng ra khiêng cũng không nhúc nhích. Huống hồ lại phải đặt tượng lên cao.
May thay lúc bấy giờ nhà chùa có quan hệ với quân đội Pháp, nên đã nhờ họ mang kích thủy lực đến để di chuyển pho tượng. "Tôi cũng trực tiếp xem quân đội Pháp kích pho tượng, họ mang những khúc gỗ đến xếp chồng lên nhau đặt sát pho tượng, gỗ đặt đến đâu, kích đến đó. Sau đó dùng tời nâng pho tượng lên cao mới đặt tượng vào bệ được" - cụ Dũng nhớ lại.
Pho tượng Phật A Di Đà có chứa một phần đồng của tượng Nữ thần Tự Do.
Tượng Nữ thần Tự Do nằm trong tượng đồng
Cụ Dũng cho hay, khi đó ông Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, cho lực lượng phá bỏ nhiều bức tượng được coi là tàn dư của thực dân Pháp. Chúng ta quyết không để tàn dư đó tồn tại được, không để bọn chúng ngự trị mãi con người mình được.
Chính vì thế nhà chùa đã nhận được nhiều bức tượng đồng quý giá như tượng Sĩ Nông Công Thương ở Vườn hoa Canh Nông (nay là Vườn hoa Lê-nin), tượng Toàn quyền Pôn Be ở Vườn hoa Pôn Be (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Trong số những bức tượng quý đó có cả bức tượng Nữ thần Tự Do hay còn gọi là bà Đầm xòe, một phiên bản của tượng Nữ thần Tự Do của nước Mỹ cũng bị phá dỡ và chuyển đến giúp chùa làm tượng Phật.
"Chính mắt tôi đã nhìn thấy bức tượng bà Đầm xòe được chuyển đến chùa để nấu đồng. Khi đó bức tượng vẫn còn nguyên cả khối, cao khoảng 2,5m làm bằng đồng. Mọi người phải gọi thợ rèn đến để phá từng mảnh mới mang đi nấu", cụ Dũng xác nhận.
Giờ cụ Dũng đã già, chân đã yếu, mắt mờ nhưng cụ vẫn tự hào nói về những năm tháng hào hùng của mình. Mỗi dịp rảnh rỗi cụ thường kể cho con cháu nghe về những điều ít ai biết về bức tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam.
"Năm 2010, kỷ lục Việt Nam xác nhận tượng Phật A Di Đà là pho tượng bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam. Tượng đúc từ năm 1949 - 1952, cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60m, nặng 10 tấn. Pho tượng đặt trên tòa sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn và do các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã làm ra".
Đại đức Thích Chính Tín (Trụ trì chùa Ngũ Xã)
"Lúc làm pho tượng này tôi mới 10 tuổi, nhưng tôi còn nhớ rõ, người trong làng từ trẻ con đến người lớn đều vui sướng lắm. Dân làng tự hào vì đúc thành công bức tượng bằng đồng lớn vào bậc nhất Đông Dương vào lúc bấy giờ".
Nghệ nhân Ngô Thị Đan (70 tuổi)
Theo Bee

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét