Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Chiến tích vẻ vang của nhà Trần bên dòng sông Thương


  
Lễ hội đền Đa Mai (TP Bắc Giang) - nơi thờ Công chúa đời Trần Bảo Nương - Ngọc Nương. Ảnh: HG
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông hồi thế kỷ XIII của dân tộc, nhiều chiến công oanh liệt đã diễn ra trên đất Bắc Giang - gắn liền với những chiến công trên là tên tuổi những tướng lĩnh đã được lịch sử ghi nhận. Ngoài đội quân chính quy của triều đình còn hàng vạn dân binh trong đó đóng góp phần lớn là dân địa phương tham gia phục vụ chiến đấu. Không biết có bao nhiêu tấm gương đã hy sinh vì nước vì dân mà không thành danh nhưng lịch sử không bao giờ quên họ. Chính trong bối cảnh lịch sử như vậy mà nhiều truyền thuyết dân gian về những tấm gương nghĩa liệt đã được lưu truyền dọc theo các dòng sông Lục, sông Thương - nơi gót chân những người chiến sĩ đã đi qua.
Đó là trường hợp ba làng Gián (gồm: Hương Gián, Lạc Gián và Hành Gián) huyện Yên Dũng đều thờ bà Ngọ Tiên nương làm thành hoàng. Nhân dân truyền rằng: ở đoạn sông Thương gần làng Lạc Gián và Hành Gián có ba mẹ con bà lái đò chuyên chở quân lính nhà Trần qua sông đánh giặc. Khi quân Nguyên đến thì không chịu chở chúng qua sông nên đã bị giặc giết vứt xác xuống sông. Ngày ấy vùng này còn hoang dã, cây cối rậm rạp, có một số cây si rễ phụ ở bên sông tỏa rễ xuống um tùm. Xác ba mẹ con nổi lên theo dòng nước trôi đi mắc vào rễ si co vào không trôi đi được. Phần vì hai làng sợ trách nhiệm cho người lấy sào đẩy xác ra nhưng rồi rễ si lại co vào. Sau đó "hồn bà mẹ hiện về lên miệng báo cho chức sắc hai làng biết mẹ con bà vì nước hy sinh, hai làng phải thờ làm thánh thì dân làng mới khang thịnh". Dân hai làng lập đền thờ ở rìa sông thuộc đất làng Văn Sơn - mang tên gọi: Từ Co. Đồng thời lập tờ khai tấu lên triều đình. Triều đình phong cho bà mẹ là Thánh Mẫu Ngọ Tiên nương tối linh đại vương, làm thành hoàng làng Văn Sơn, xã Hành Gián. Ông con cả là Hoàng Thái tử Đô thống đại vương làm thành hoàng làng Thanh Cảm cùng xã Hành Gián tổng Dĩnh Kế. Ông em là Hoàng Thứ tử Dục Long đại vương làm thành hoàng làng Lạc Gián (làng Chỗ) tổng Thái Đào. Làng Hương Gián cùng tổng Thái Đào cùng thờ ông Cả.
Thời kỳ kháng chiến đánh giặc Nguyên lần thứ ba (1287-1288) thủy quân nhà Trần do Nhân Đức hầu Trần Quốc Toàn đem thủy quân từ căn cứ Vạn Kiếp hành quân lên đánh giặc ở vùng Đa Mỗ - Đa Mai, khi qua đất này được thần nhân - là ba mẹ con bà Ngọ Tiên nương - báo mộng cho biết. Thế giặc ở vùng Đa Mỗ - Đa Mai rất mạnh, bọn chủ tướng tham tàn và hiếu sắc, tướng quân nên tâu với nhà vua cho hai công chúa Bảo Nương - Ngọc Nương dùng kế mỹ nhân nhử cho hai chánh phó tướng của chúng xuống sông mà dìm chết đi. Sau đó tướng quân đem binh đánh úp đạo quân rắn không đầu ấy, có chúng tôi âm phù tất giặc phải tan.
Trần chủ tướng làm theo, giặc trúng kế chịu thất bại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận: "Ngày 28 tháng 11 (2-1-1288) Phán phủ thượng vị Nhân Đức hầu là Toàn đem thủy quân đánh ở vùng Đa Mỗ, giặc chết đuối rất nhiều, bắt sống được 40 tên và thuyền ngựa khí giới đem về dâng vua Trần".
Cảm phục trước tấm gương hy sinh của hai nàng công chúa Bảo nương - Ngọc Nương, nhân dân Đa Mai đã dựng đền thờ hai nàng ngay nơi hai nàng hy sinh. Hàng năm cứ đến đầu xuân dân làng lại mở hội tưởng niệm. Ngôi đền này gọi là Từ Đa Mai, nằm bên rìa sông nơi hợp lưu giữa ngòi Đa Mai với sông Thương, nay thuộc xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang.
Ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, cũng nằm bên sông Thương phía thượng nguồn, có truyền thuyết về nàng Lan. Nàng Lan người làng Bùi, xã Mỹ Hà đã cầm đầu một cánh quân từ Mỹ Hà kéo xuống Đa Mai cùng với quân triều đình tiêu diệt được một đồn quân Nguyên đóng ở đây. Trong trận giáp chiến oanh liệt này, nàng Lan đã bị trọng thương và hy sinh anh dũng. Cảm phục trước tấm gương nghĩa liệt này, dân làng Bùi đã dựng đình thờ nàng làm thành hoàng. Các triều vua đều có sắc phong. Hiện nay ở đình làng Bùi, còn gọi là đình Sơn vẫn còn các đồ thờ và sắc phong nàng Lan. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày hóa của nàng Lan, dân làng Bùi lại mở hội vật. Cho đến nay tục lệ xưa vẫn không hề thay đổi mặc dù năm đó làng không mở hội, nhưng thanh niên trong làng vẫn kéo nhau ra trước đình để vật.
Ở làng Chu Nguyên còn gọi làng Vôi thuộc xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang kể về chiến công của hai thầy trò Phạm Tung và Thắng đánh giặc Nguyên được thờ ở đền Vôi như sau: Phạm Tung quê ở làng Chản (Văn Sơn) nay thuộc xã Tân Tiến huyện Yên Dũng lên Yên Mỹ dạy học. Khi quân Nguyên vào xâm lược, Phạm Tung đã bỏ nghề dạy học cùng với người học trò là Thắng đi chiêu quân đánh giặc. Hai ông đã chiêu mộ được nhiều trai tráng trong vùng về Chu Nguyên luyện tập và cùng với quân triều đình chặn đánh quân Nguyên nhiều trận trên sông Thương, Thọ Xương, Vạn Kiếp... lập nhiều chiến công. Trận cuối cùng đánh nhau với quân Nguyên ở Đa Mỗ và cũng ở trận này ông bị thương nặng. Ông về đến làng Sàn (Thượng Lâm) nay thuộc xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang được bà hàng nước chăm sóc cứu chữa nhưng vì vết thương khá nặng nên ông về đến làng Chu Nguyên thì chết. Hôm đó là ngày 12 tháng 5 âm lịch. Cảm phục trước tấm gương hy sinh của hai thầy trò ông, dân làng Chu Nguyên đã lập đền thờ hai thầy trò. Làng Thượng Lâm cũng thờ Phạm Tung và bà hàng nước ở đình làm thành hoàng. Hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông hai làng đều mở hội. Hội làng Thượng Lâm mở trước một tháng vào ngày 12 tháng 4 còn hội làng Chu Nguyên mở đúng vào ngày 12 tháng 5 âm lịch.
Nguyễn Xuân Cần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét