Chùa Hang Tràm có tên chữ là Nham Nguyệt tự (chùa Nham Nguyệt) nằm ở chân núi Nham Biền thuộc địa phận thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng.
|
Chùa nằm ở một thung lũng sâu dưới chân đỉnh Vua Bà thuộc dãy Nham Biền, nơi ấy thời xưa người dân địa phương thường trồng cây tràm cho nên dân gian quen gọi là chùa Hang Tràm. Chùa được xây dựng từ thời Trần, người khởi công xây dựng chùa Hang Tràm trên nền thảo am cũ là nàng Điểm Bích, một nhân vật nổi tiếng thời Trần được vua Trần trao cho vàng ngọc để đi thử lòng Huyền Quang Lý Đạo Tái, đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm... Chuyện sau khi vu oan cho Huyền Quang nàng đã ân hận rời cung cấm về xây chùa rồi xuống tóc đi tu. Ban đầu không ai biết rõ tung tích, nhưng khi nàng mất người ta thấy trong người nàng số vàng ngọc mà vua Trần trao cho... Và cũng từ đó, đỉnh núi Nham Biền nơi có ngôi chùa được nhân dân gọi là núi Vua Bà.
Ngôi chùa nàng Điểm Bích xây dựng tồn tại đến thời Lê - Mạc thì chuyển đến vị trí cánh đồng trước làng. Khi một số nghĩa sĩ của nghĩa quân Yên Thế về đây quyên góp lương thảo, mộ quân thì giặc Pháp đã tấn công đốt phá chùa. Giặc rút đi nhân dân thu gom vật liệu, cúng lễ rồi tân tạo chùa Hang Tràm ở vị trí hiện nay.
Mặc dù được tôn tạo ở vị trí mới (cuối thế kỷ XIX) nhưng chùa Hang Tràm còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như: hệ thống bia đá, hoành phi, câu đối, chuông đồng, tượng pháp, đồ thờ... nhưng phần nhiều những hiện vật này có niên đại thời Lê - Nguyễn.
Đầu năm 2000, trong khi cuốc đất làm đường ở khu vực chùa Hang Tràm, nhà chùa và nhân dân đã tình cờ đào được tấm bia cổ nằm sâu dưới lòng đất. Ngay sau khi phát hiện rồi lau rửa sạch sẽ, nhà chùa đã báo cáo chính quyền địa phương và nhờ cơ quan chuyên môn giám định nội dung tấm bia này. Nội dung tấm bia như sau: "Miền đất này từ lâu đã có nơi thờ Phật. Sau có người được tôn xưng là Hoàng Bà sống vào khoảng thời vua Trần Anh Tông (1293-1314) đã đến đây xây tháp, tạc tượng để thờ Phật trên nền thảo am của nhà sư họ Đỗ... Đến năm Tân Dậu niên hiệu Đại Khánh thứ 8 (1321) Hoàng Bà lại khởi công các công trình như: Phật điện, gác chuông, tăng phòng và hành lang hai bên tả hữu. Phía trước chùa nhìn ra sông lớn, có hàng tùng bách xum xuê dẫn thẳng vào chùa. Chùa tọa trên thế núi cao, thật xứng là nơi non xanh nước biếc gợi cảnh gợi tình. Việc tôn tạo hoàn tất thì Hoàng Bà cho người thỉnh mời Đại Không hòa thượng về cư trụ và giảng pháp. Đại Không hòa thượng lại thỉnh mời Thiện Nhãn thiền sư về cư trụ. Thiền sư cho sửa sang tu chỉnh làm cho chốn thiền lâm thêm xán lạn, xứng với công lao người trước đã tạo dựng và không hề thờ ơ, sao nhãng việc hương khói phụng Phật. Nhưng rồi vật đổi sao rời, qua mấy chục năm thiên tai địch họa, mưa gió phũ phàng hủy hoại làm cho cảnh chùa tan hoang mái đổ tường xiêu. Nơi tùng lâm ngày nào nay hoang phế trở thành nơi nghỉ chân cho trẻ mục đồng cùng đám tiều phu... Đến tháng 3 mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù (1387) nhà sư trụ trì không nỡ để cảnh chùa ngày thêm tiêu điều đã trùng tu tôn tạo và nhờ người soạn văn bia ghi lại sự việc đã qua...
Phần cuối bài minh ca tụng đức Phật từ bi và cảnh trí của chốn tùng lâm và thiên nhiên mỹ lệ của miền đất này. Dù bị mất một số chữ nhưng tấm bia này vẫn cung cấp cho hậu thế nhiều thông tin quý về một danh lam cổ tự được xây dựng từ thời Trần trên dãy Nham Biền cùng những thông tin khác về các danh tăng đương thời từng tu hành tại đây. Và đặc biệt tấm bia còn thông tin về Thiền sư Đại Không Hòa thượng, người có công khởi xướng quy tụ tăng đồ làm cho nơi đây trở thành trung tâm chấn hưng của Thiền phái Trúc Lâm. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn lao bởi Thiền phái Trúc Lâm khi truyền đến sư tổ Huyền Quang thì có thể nói là bắt đầu suy vi. Một vị có thể coi là Quốc sư như Huyền Quang còn bị vua Trần ngờ vực thì Phật phái Trúc Lâm làm sao có thể hưng thịnh được. Cho nên, công lao chấn hưng Phật phái Trúc Lâm của Đại Không Hòa thượng có ý nghĩa đặc biệt và có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đây là tấm bia thời Trần đầu tiên và cũng là văn bản Hán Nôm có niên đại sớm nhất tìm được trên quê hương Bắc Giang. Tấm bia vừa là nguồn tư liệu Hán Nôm cổ có nhiều thông tin quý giá vừa là hiện vật đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc cần được quan tâm bảo tồn như báu vật của đất nước.
Nguyễn Văn Phong
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét