Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Chùa Kem - thắng tích bên dải Nham Biền


  
Chùa Sùng Nham, xã Nham sơn, Yên Dũng.
Chùa Kem có tên chữ là "Sùng Nham tự", thuộc xã Nham Sơn (Yên Dũng), cách thành phố Bắc Giang khoảng 12km về phía Đông Nam.
Chùa Sùng Nham là công trình văn hóa, tôn giáo được xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian, qua nhiều lần tu sửa ngôi chùa mới có dáng vẻ uy nghi, cổ kính như ngày nay. Nội dung minh văn trên bia "Tháp Thanh Phong chùa Sùng Nham" cho biết chùa Sùng Nham được xây dựng vào năm Đinh Tỵ (1557) triều vua Lê Anh Tông, vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế, theo dòng thiền phái Trúc Lâm do Giác hoàng điều ngự Trần Nhân Tông sáng lập.
Ngôi chùa toạ lạc trên khu đất rộng rãi, cao ráo, nằm dựa lưng vào dãy Nham Biền mờ xanh, hùng vĩ. Là một danh lam cổ tự toạ trên một dải đất có thế phong thuỷ hữu tình, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, không gian thoáng đãng. Dải Biền Sơn (Nham Biền) chạy dài như một chiếc cầu thiên tạo nối liền đôi bờ của hai con sông Nhật Đức và Như Nguyệt của đất Kinh Bắc xưa. Núi Nham Biền là một dải núi ở gần phía chót của dãy núi Huyền Đinh - Yên Tử, thiên tạo điểm đầu của dải Nham Biền là ở non cao Cảnh Thuỵ rồi tiếp đến 99 ngọn núi chạy dài tới dãy Bài Xanh, huyện Việt Yên. Dải Nham Biền ở huyện Yên Dũng, theo quan niệm  dân gian nhìn tượng trưng như hai con ngựa đứng bên nhau…từ quãng xa trông về thấy khoảng cách giữa hai con ngựa hình thành lên một thung lũng nhỏ gọi là ải Nham Sơn mà phía trong khe núi, thuộc đầu ải này hàng trăm năm nay các tăng ni, Phật tử đã hưng công xây dựng nên ngôi cổ tự Sùng Nham.
Xưa kia, ngôi chùa có kết cấu kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm toà tiền đường, dải thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, hai bên có hai dãy nhà làm ký túc xá cho các tăng ni học kinh Phật và ở, toàn bộ khu nội tự được bao bọc bởi hệ thống tường đắp đất ốp đá nhám (màu nâu đỏ). Đến năm Thành Thái thứ 18 (năm 1906), vị sư trụ trì tại chùa hiệu là Đàm Tích đã hưng công cùng tăng ni, Phật tử tu sửa lại ngôi chùa có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J) và được giữ nguyên dáng vẻ như hiện nay. Toàn bộ công trình kiến trúc của chùa Sùng Nham được tạo dựng trong một khu đất có tổng diện tích cả khuôn viên là 1.752m2, thuộc thửa đất số 1, đo vẽ ngày 17 tháng 2 năm 1986. Tổng thể ngôi chùa gồm: cổng tam quan, vườn tháp, toà tiền đường, thượng điện và nhà tổ.
Cổng tam quan được xây bằng gạch chỉ bản mỏng (nung bằng cỏ và vỏ cây thực vật), xây theo kiểu tam quan trụ biểu. Trong chùa còn lưu lại được 7 ngôi tháp cổ, tháp cổ nhất được khởi công xây dựng vào ngày 14 tháng 11 năm 1775, năm Cảnh Hưng thứ 36, toạ trên núi Đẩu Sơn (trong dải Nham Biền), về phía Bắc của chùa Sùng Nham, 6 tháp tổ còn lại được xây dựng ở vườn tháp phía trước chùa, là nơi để xá lỵ của các vị sư trụ trì tại chùa sau khi họ viên tịch. Toà tiền đường 5 gian, các cấu kiện kiến trúc gỗ được bào trơn đóng bén, soi gờ, kẻ chỉ cẩn thận. Thượng điện gồm 3 gian, tổng diện tích 56m2, thượng điện được xây sát ngay phía sau tiền đường, tạo ra bình đồ kiến trúc kiểu chuôi vồ - hình chữ đinh. Phía sau toà thượng điện là một khoảng sân rộng rồi đến 5 gian nhà tổ có chiều dài 12m, chiều rộng 8.5m...
Chùa Sùng Nham không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, mà còn là di tích lịch sử cách mạng: Năm 1884, Nguyễn Cao người làng Cách Bi (thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cùng nghĩa quân đã về chùa Sùng Nham xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Khoảng những năm (1906 - 1908), Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân ngay ở phía sau vườn chùa. Đề Thám đã cho đắp luỹ, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo nơi đây như một khu căn cứ chống Pháp. Dấu tích của sự kiện lịch sử này hiện vẫn còn lưu lại tường luỹ, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ…
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Nham Sơn trở thành khu du kích, chùa Sùng Nham trở thành trung tâm chính trị, quân sự của địa phương. Sau hoà bình, nhà chùa thường xuyên tu sửa lại chùa, đồng thời giúp đỡ địa phương trong việc  hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chùa Sùng Nham được xây dựng ở một địa thế đẹp, phong cảnh trùng điệp, ba mặt có núi cao bao bọc, giữa có dòng suối mát khai thông, mặt tiền hướng về phía cánh đồng Kem rộng lớn, nơi có con sông Cầu nước chảy lơ thơ, tạo cảnh sắc nơi đây thêm đẹp. Khuôn viên chùa cây cối um tùm, quanh năm xanh tốt, thế đất được tận hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, bốn mùa ấm áp, mùa đông thì có núi cao cản gió đông bắc, mùa hè thì hưởng gió mát từ hướng nam thổi về. Chùa Sùng Nham là nơi thu hút đông khách thập phương tới vãn cảnh, lễ chùa. Chùa Sùng Nham có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của  vùng đất Phượng Nhỡn xưa và của huyện Yên Dũng ngày nay.
Thân Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét