Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Chùa Vĩnh Thái - Hưng Yên: Liệu di tích có thành phế tích?


Ngôi chùa cổ có niên đại cả ngàn năm tuổi (được xây cất từ đời Lý), đã từng là nơi cho cán bộ kháng chiến ẩn mình. Ngay cả chiếc chuông cổ từ đời Lý đã từng làm kẻng trong những ngày kháng chiến. Một ngôi chùa cổ được đánh giá có giá trị văn hoá, kiến trúc nghệ thuật bậc nhất Hưng Yên, nay đang đứng trước nguy cơ có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Quang cảnh chùa Vĩnh Thái
 
 
Tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 1ha, chùa Vĩnh Thái nằm giữa một vùng quê trù phú, phía trước là đường 5, phía sau có con sông Nghĩa Trụ giang (nay là Bắc Hưng Hải) bao quanh. Vĩnh Thái Tự được xây dựng vào khoảng năm 1054. Chùa có tam quan tám mái, có nhiều đại thụ, tháp, đặc biệt có 2 cây đa dáng long vờn ngọc. Giữa hai cây đa cổ ấy có lối đi dẫn vào tam bảo tạo cảnh uy nghiêm, cổ kính... Bia ký còn ghi về cảnh đẹp của Vĩnh Thái tự: “Thật là chốn kim tiên của thế giới, đám ngọc quý của lâu đài, một lẵng uyển của trời, một bồng doanh của đất, âm công chồng chất, dương đức rỡ ràng, khí thiêng hun đúc người tài giỏi, cỏ cây tươi tốt thơm tho..”.

Vĩnh Thái tự không chỉ là một danh lam mà còn đóng góp công sức cho sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc ta từ thời Lý. Nơi đây từng là bãi tập cho đội tự vệ của xã, che giấu cán bộ trong những ngày kháng chiến. Đại đức Thích Minh Quyết, trụ trì ngôi chùa cho biết: Chùa đã từng là nơi che giấu bảo vệ cán bộ trong kháng chiến chống Pháp và cũng là nơi cất dấu vũ khí, bom mìn trong kháng chiến... Ngày nay, đến chùa Vĩnh Thái không chỉ là nơi để thắp hương lễ Phật mà đây còn là địa chỉ cho con cháu khắp vùng đến khám chữa bệnh bởi trong chùa có rất nhiều cây thuốc quý.

Thế nhưng, chùa Vĩnh Thái đang có nguy cơ trở thành phế tích. Đại đức Thích Minh Quyết nói: Chùa có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù các vị trụ trì đã cố gắng giữ gìn suốt bao năm qua. Nguy cơ mất đi nét uy linh cổ kính vốn mang đậm văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng là điều hiện hữu rất rõ tại ngôi chùa cổ này. Hàng loạt những vết rạn nứt, trên mái trong nhà, đặc biệt là khu Tam Bảo những vết nứt to đến mức người ta có thể cho cả bàn tay vào và chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng có thể làm ướt bất cứ vật gì trong chùa. Ngôi cổ tự ngàn năm ấy có thể sập bất cứ lúc nào, nếu không được tu sửa.

Đại đức Thích Minh Quyết cho biết thêm:  “Sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích lịch sử quốc gia - Chùa Vĩnh Thái đã ở mức báo động. Hiện tại trong chùa có rất nhiều tượng phật, chuông đồng, bia đá, sắc phong... từ nhiều thời để lại và cổ nhất là thời nhà Lý. Nếu không sớm tu bổ khu Tam Bảo bị sập, toàn bộ những bức tượng ở đây sẽ bị vỡ vụn. Sau nhiều lần đề nghị tôn tạo lại di tích, ngày 24-12-2008, UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý cho phép nhà chùa tu bổ lại ngôi chùa bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, để tôn tạo tổng thể di tích có niên đại cả ngàn năm tuổi mà vẫn giữ đúng nguyên gốc theo nguyên tắc về bảo tồn di tích đã được quy định trong Luật Di sản, phải cần đến một khoản tiền không nhỏ. Với nguồn kinh phí hiện có, trước mắt, nhà chùa chỉ có thể trùng tu khu Tam Bảo...

Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét