Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Chuông ngân Am Vãi



  
Khai lễ đúc Đại hồng chuông (1-3-2010 âm lịch).
Từ trung tâm thị trấn Chũ về hướng đông nam chừng mươi cây số, trên đỉnh cao 430 mét so với mặt nước biển có một ngôi chùa cổ tọa lạc, đó chính là chùa Am Vãi, thuộc xã Nam Dương (Lục Ngạn).
Chùa Am Vãi được đặt tại một nơi đắc địa đúng sách phong thủy: "Bối sơn, diện thủy, hướng dương". Sau chùa là núi, trước mặt là thung lũng mênh mông đầy nắng và gió bên một dòng sông nghìn đời vẫn chảy. Xa hơn phía mặt trời mọc là thượng ngàn rừng thiêng Yên Tử. Nơi mà cách đây hơn 700 năm, đức vua Trần Nhân Tông sau khi cùng vua tôi nhà Trần với quân dân Đại Việt 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, đã từ bỏ ngai vàng lên đỉnh 1.068 mét xuống tóc đi tu, lập nên thiền phái Trúc Lâm. Kể từ đó thiền viện được mở ra, chùa Am phát triển, hàng nghìn tăng đồ qua đào tạo được 3 vị tổ sư  Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang phái đi trụ trì ở nhiều chùa trên khắp một dải cánh cung Yên Tử và nhiều nơi khác. Am Vãi chính là chùa được ra đời trong bối cảnh đó.
Cổ thư Đại Nam nhất thống chí và Lục Nam địa chí thời nhà Nguyễn gọi "Am ni tự (chùa Am Vãi), nằm trên đỉnh núi Am Vãi thuộc vòng cung Yên Tử, thuộc đông bắc xã Nam Điện cao hơn nghìn trượng. Lên núi nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và Lạng Giang. Có một giếng đá ở trên đỉnh nước rất trong và ngọt mát lại có chùa cổ. Theo truyền tích thì đây là nơi công chúa nhà Trần xuất giá tu hành".

Di tích “Dấu chân tiên” trên đỉnh Am Vãi.

Sử sách thì ghi vậy, nhưng những gì còn lại với truyền thuyết vẫn luôn thẫm màu huyền bí tâm linh. Đó là chuyện Hang Tiền, Hang Gạo, là dấu chân phật, bàn cờ tiên, phía xa kia là câu chuyện lâm li về Vũng Chị, Vũng Em nơi khe núi Hàm Rồng, là Giếng Cần, Hang Trăn hay Đồng Chằm còn đó. Từng câu chuyện khi nghe rồi lại thêm một lần suy ngẫm.
Nhiều bậc cao tuổi làng Biềng vẫn nhớ, cách đây mấy chục năm, cả khu chùa vẫn toát lên nét uy linh khi cây cối quanh chùa rậm rì u tịch. nhiều cây thông mấy người ôm vô tư vi vu trước gió. Trải qua nhiều thời hưng thịnh, nhưng không hiểu sao sau này chùa càng xuống cấp khiến một thời gian dài nguy cơ phế tích. Nguyên nhân vẫn là những câu chuyện được thêu dệt đầy ngẫu hứng từ một truyền thuyết loan truyền bấy lâu, chuyện còn kể rằng: Do Am Vãi nằm phía bắc bên kia đường phân thủy dẫn đến sự tranh giành giữa dân làng Đồng Chằm với dân làng Biềng về quyền được nến nhang hương khói. Một cuộc giằng co khá lâu mà không phân thắng bại, để cuối cùng phải phiền đến quan trên. Quan phán rằng: Đã thế thì quan sẽ ngủ tại chùa để nghe tiếng gà gáy, nếu gà làng nào gáy mà quan nghe được trước thì phần thắng sẽ thuộc làng ấy. Dân làng Biềng thật lúng túng vì làng Đồng Chằm gần chùa hơn, họ sẽ thắng. Bàn đi tính lại cuối cùng người làng Biềng cũng tìm ra kế sách, dân Biềng lặng lẽ lập một làng nhỏ nơi gần chùa nhất với đầy đủ điều kiện sinh sống suốt 3 tháng mùa đông. Có cối xay lúa giã gạo, có bếp lửa hồng ấm sáng suốt đêm thâu, có tiếng lợn ụt ịt đòi ăn mỗi buổi, có chỗ cấy rau cần đủ ăn trong những ngày tháng giá. Duy chỉ có tiếng gà thì vẫn cứ không. Chỉ đến khi giữa im ắng canh ba ngày quan phán xử, không biết cách nào mà tiếng gà từ phía làng Biềng bỗng lanh lảnh cất lên, tiếng vỗ tay reo hò hồ hởi. Quan nghiêng người chìa tay về phía dân Biềng thay cho một lời công nhận phần thắng đã thuộc làng Biềng. Thất vọng do thua cuộc, dân Đồng Chằm lần lượt rời làng ra đi với lý do "Có ở cũng chẳng nên cơm cháo gì khi chùa đã thuộc về làng khác". Điều này lý giải tại sao dưới chân núi vẫn còn địa danh Đồng Chằm không người ở, hay như Giếng Cần, Hang Trăn như tên gọi thuở nào.
 Mấy năm gần đây, chùa Am Vãi không ngừng được quan tâm tu tạo, bộ mặt được chỉnh trang nhờ một phần chùa được tỉnh xếp hạng danh thắng cần được gìn giữ phát triển từ năm 2003, phần được chính quyền địa phương hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để mở mang phát triển,  phần có sự thành tâm công đức từ lữ khách xa gần. Đời sống dân làng ngày càng được cải thiện. Chất lượng cuộc sống được nâng lên. Con em học hành đỗ đạt mỗi năm một nhiều. Mỗi khi làng có sự cố là ai nấy thường chắp tay ngước về chùa cầu mong may mắn. Chùa nay đã có sư trụ trì, trở thành điểm đến của du khách, thành nơi đi về với những người con xa xứ, thành sợi dây vô hình giữa quá khứ với hiện tại.
Ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch năm Canh Dần (2010), nhà chùa đã tổ chức thành công lễ đúc Đại hồng chuông nặng gần một tấn. Từ cõi thiêng Am Vãi, tiếng chuông chùa bắt đầu ngân vang những âm điệu thỉnh cầu mô phật. 
Hỡi ai đi gần về xa
Hội chùa Am Vãi tháng Ba nhớ về.
Minh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét