Giai Xuân là một xã miền núi của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên những ngọn núi xanh xa thẳm ấy đến nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện thần thoại, kỳ bí, trong đó có câu chuyện huyễn hoặc về sự tồn tại của mó nước Tiên.
Làng Kẻ Lặn và ngôi đền linh thiêng
Vượt hơn 100km từ TP Vinh, chúng tôi tìm về xã miền núi Giai Xuân để được chiêm ngưỡng và nghe câu chuyện kỳ bí về Mó Tiên (giếng trời). Các cụ cao niên trong xóm Long Thọ, xã Giai Xuân cho biết, cái mó nước tiên đó có từ khi nào cũng chẳng ai biết được, người dân nơi đây chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy có mó nước đó rồi. Ông Bùi Văn Thông (64 tuổi), người dân tộc Thổ cho biết, từ ngày còn bé ông đã thấy mó nước không bao giờ vơi cạn nằm ở đó, hỏi cha, hỏi ông cũng chẳng có ai rõ về thời gian xuất hiện mó nước.
Ông Thông kể, trước đây ở trên đỉnh Mó Tiên là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thổ, hơn 100 hộ gia đình quây quần với nhau trong ngôi làng Kẻ Lặn.
Ngày đó, ở trên ngọn núi, cạnh ngôi làng, sát bên mó nước còn có một ngôi đền mang tên đền Mó Lặn. Ngôi đền được xây dựng với kiến trúc và vật liệu rất đặc biệt, quy mô hoành tráng, 4 cột đền được xây bằng đá phiến. Trong đền thờ vị thần có tên Nhà Bà (không ai rõ vị thần này có ý nghĩa như thế nào).
Mó Tiên, giếng tiên được xây lại để lấy nước sinh hoạt cho người dân. |
Tương truyền, ngôi đền này rất thiêng, hễ ai có nguyện vọng nào thì chỉ cần thành tâm mang lễ đến đền cầu khấn thì sẽ được toại nguyện. Do đó cứ vào ngày rằm hoặc mùng 1 hằng tháng, người dân trong làng và khách thập phương lại tập trung về ngôi đền để làm lễ mong cầu may mắn để làm ăn và cả tình duyên.
Thời gian trôi qua, cuộc sống trên ngọn núi cao đường đi lại khó khăn nên người trong làng rủ nhau dời nhà về chân núi định cư. Dần dần ngọn núi không còn ai ở lại, nhưng ngôi đền Kẻ Lặn thì vẫn tồn tại theo thời gian. Ngôi đền tọa lạc ở vị trí khá đẹp, có không gian rộng và thoáng, từng là nơi trú ẩn của bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp.
“Ngày đó, bên cạnh ngôi đền Kẻ Lặn có hai cây đa cổ thụ án ngữ ngay lối vào tựa như cổng chào. Xung quanh đền, cây cối mọc um tùm xanh tốt, đặc biệt có rất nhiều cây ban, vào mùa xuân hoa ban nở trắng cả một vùng”, ông Thông cho biết.
Khung cảnh nên thơ, hùng vĩ đó như tôn thêm vẻ kỳ bí cho ngôi đền Mó Lặn. Bà con dân tộc Thổ ở làng Kẻ Lặn tôn thờ, coi ngôi đền này là hiện thân của bản làng và là nơi giao lưu văn hóa, tâm linh của bà con trong bản. Những năm 60, khi phong trào bài trừ mê tín diễn ra mạnh mẽ, ngôi đền bị phá bỏ. Từ đó đến nay, theo thời gian dấu tích của ngôi đền chỉ còn lại một nền đá ong trơ trọi. Hai cây đa và rừng cây ban cũng bị người dân nơi đây phá bỏ. Ngôi làng không còn, ngôi đền cũng không còn nhưng Mó Tiên vẫn còn đó cho đến ngày nay.
Dấu tích cần được bảo tồn
Cụ Lê Thị Quàng, (91 tuổi), một lão niên ở xóm Long Thọ kể: “Ngày đó, mó nước được gọi tên là Mó Lặn, từ khi có chương trình nước sạch thì mới đổi thành Mó Tiên”. Gọi là Mó Tiên bởi đây là một dòng nước chảy ra từ trong lòng núi, kỳ lạ là nước ở đó trong vắt, có thể nhìn thấy từng viên sỏi dưới đáy, nước không bao giờ cạn, rất ấm vào mùa đông còn mùa hè thì mát lạnh.
Truyền thuyết cũng kể lại rằng, từng có một đoàn tiên nữ trên trời xuống trần dạo chơi, khi đến ngọn núi này, thích thú với cảnh sắc nên các tiên nữ đã dừng lại và tắm ở Mó Lặn.
Một truyền thuyết khác lại nói rằng từ xa xưa, khi các thần trên trời chuẩn bị xuống hạ giới kiểm tra cuộc sống nhân gian, họ sai ông Đùng (một vị thần chuyên lo việc tiếp đón ở trên trời) xuống hạ giới trước để chuẩn bị cho đoàn nghỉ ngơi. Ông Đùng phải làm một cái hồ cho voi uống nước và ngựa tắm. Khi đặt chân xuống trần gian, ông Đùng đã chọn điểm dừng trên ngọn núi Mó Tiên. Nhưng thay vì làm công việc được giao, ông Đùng say mê cảnh đẹp mà quên mất nhiệm vụ. Chỉ đến khi nghe tiếng lục lạc của ngựa và voi nhà trời xuống gần ông Đùng mới hốt hoảng đưa tay vục vào đỉnh núi tạo hồ. Tức giận trước sự lười biếng, ham chơi của ông Đùng, nhà trời tức giận sai thần sét trừng trị ông.
Ngày nay, bên cạnh mó nước đó vẫn còn lưu lại vết chân người rất lớn mà cụ Lê Thị Quàng được cha ông kể lại là dấu chân ông Đùng khi chạy trốn sự trừng trị của thần sét, bên cạnh còn có một dấu chân voi được cho là dấu chân voi nhà trời ngày đó.
Từ điển tích ông Đùng bị sét đánh, người dân ở đây còn lưu truyền lại rằng, khi bị sét đánh người ông Đùng chia làm hai, một ở cạnh Mó Tiên, một ở ngọn núi Eo Lèn cách đó không xa. Ngày nay, tảng đá hình người đó vẫn còn và được một gia đình giàu có ở xã Nghĩa Hoàn vào mua về làm cảnh. Ngoài ra, bên cạnh Mó Tiên còn có khối đá hình con rùa được cho là thần bảo vệ cho mó nước ngày đó.
Không chỉ Mó Tiên, thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất nơi đây hệ thống 4 mó nước khác bao gồm: mó Làng Khót, mó Ông Đùng, mó Nại, mó Dứa. Tất cả 5 mó này đều nằm tập trung trên các ngọn núi của xã Giai Xuân, đến nay có 4 trong số các mó đó chuyên cung cấp nước cho diện tích đất nông nghiệp. Đặc biệt hơn, Mó Tiên là một trong những mó có trữ lượng nước lớn nhất.
Để tận dụng nguồn nước từ thiên nhiên đó, chính quyền xã Giai Xuân đã đưa ra đề án sử dụng nước từ Mó Tiên cho sinh hoạt của người dân trong vùng. Năm 1998, Bỉ đã tài trợ nguồn vốn cho dự án nước sạch. Mó Tiên được đưa vào sử dụng, đã cung cấp nước dùng trong sinh hoạt cho 3.000 hộ dân trong xã với đường ống dài 8km.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch xã Giai Xuân cho biết: “Mó Tiên là một trong những nguồn cung cấp nước sinh hoạt lớn nhất cho người dân, trong những năm tới chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch để bảo tồn và hơn ai hết là kêu gọi ý thức bảo vệ của người dân”. Bởi lẽ, ngày nay, núi Mó Tiên đã được người dân khai thác làm đất trồng trọt, trên đó giờ chỉ còn bạt ngàn những rãnh mía xanh tươi. Dấu tích về ngôi làng Kẻ Lặn cũng không còn, chỉ còn lại mó nước với dấu chân voi và dấu chân ông Đùng cùng với nền đá được xem là dấu tích của ngôi đền Kẻ Lặn linh thiêng một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét