Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Còn thương nếp lụa Tân Châu



Nghệ nhân Tám Lăng giới thiệu sản phẩm lụa Tân Châu (Ảnh: V.C)
Trong hành trình khai phá đất phương Nam, có lẽ nghề ươm tơ dệt lụa ở đất Tân Châu thành danh nhất so với các nghề thủ công truyền thống khác. Mỹ danh lụa Tân Châu như một cô gái đài các nết na phẩm hạnh, một niềm tự hào của đất An Giang, đã đi vào văn chương, lên sàn diễn…
Kiên trì theo nghề cũ
Không rõ nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) có từ khi nào. Xưa kia, theo những người cao niên, người nhiều tuổi nghề kể lại, lụa Tân Châu chưa có bề thế danh tiếng như bây giờ. Thuở ấy, khung dệt thô sơ theo lối cổ, khá bất tiện đối với các chị các bà có vóc dáng nở nang. "Hồi tui còn nhỏ, người ta dệt Cẩm Tự, khổ 4 tấc. Về sau làm khung dệt lụa, qua nhiều thế hệ làm cật lực, lụa Tân Châu mới nổi tiếng. Đến khi vải nilon xuất hiện, giá rẻ quá, lụa cạnh tranh không lại nên bây giờ, không còn nhiều chỗ còn kiên trì theo nghề cũ…" - Nghệ nhân già Tám Lăng, ngụ ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu cho biết. Ông chia sẻ: "Trước 1975, tui theo nghề buôn trái mặc nưa dùng để nhuôm lụa từ xứ Cao Miên về. Sau ngày giải phóng, thấy bà con nghỉ nhiều, mình thì lại thích nghề ấy rồi cùng vợ mua khung cửi, máy dệt, quần tụ thêm mấy tay thợ duy trì nghề dệt đến ngày nay".
Sau hơn trăm năm vang danh bốn bể, mà thời hoàng kim được ví như thiên đường tơ lụa, giờ đây, lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A chỉ còn lại trong nhắc nhớ, khắc khoải về một hồi niệm của một thời không xa lắm:
“Trai nào thanh bằng trai sông Của
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Tháng ngày dệt lụa trồng dâu
Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn"
Theo nghệ nhân Tám Lăng, trái mặc nưa gắn liền với "độc chiêu" trong khâu nhuộm của làng lụa. Trước đây, mùa thu hoạch trái kéo dài từ giữa tháng Tư âm lịch đến tháng Hai năm sau. Nhưng nay, sản lượng không còn nhiều. Muốn có đủ nguyên liệu nhuộm phải nhập từ bên Campuchia. Cầm trên tay những trái mặc nưa tươi xanh, ông tâm sự: "Cái vướng của làng lụa là quy trình. Xưa nay, những quả mặc nưa như thế này được xay nhuyễn vắt lấy nước rồi cho vào bồn tẩm lụa. Ngày này qua ngày nọ đem lụa ra phơi nắng đến khi lụa đen nhánh. Còn phải nện nữa chớ... Công việc trường kỳ trong một tháng. Mẻ nào cũng vậy. Bây giờ, muốn dệt thổ cẩm phải nhuộm trước rồi dệt. Mọi thứ đảo lộn, do đó phải nghiên cứu... Nhưng tui đã 86 tuổi rồi còn gì!...". Qua "kênh" của người dân làng lụa, trước khi "yết kiến" nghệ nhân Tám Lăng, tôi biết được rằng, mấy năm trước, ông đã lặng lẽ đưa con gái là chị Nguyễn Thị Cúc lên Bảy Núi học nghề dệt thổ cẩm trong phum sóc, những mong loại hàng thủ công "ra tiền" này giúp cho lụa Tân Châu sống lại một cách đàng hoàng hơn.
Kể chuyện những năm trước, khi nghề lụa đang hồi hưng thịnh, nghệ nhân Tám Lăng nhớ mang máng, khoảng thập niên 60 làng lụa có 250 khung dệt, 80 - 90 máy nện với những nhà dệt danh tiếng được nhiều người biết đến như: Đỗ Phước Hòa, Trần Văn Tôn, Trịnh Thế Nhân, Trần Ngọc linh, Trần Văn Nho… Sau năm 1975, Tân Châu có hẳn một công ty tơ lụa. Nhưng rồi công ty này cũng không sống được vì sợi polyester rẻ quá. "Hồi xưa, Tân Châu có khoảng 1.000 ha trồng dâu tằm, sau đó còn vài trăm ha. Đến nay còn ít lắm! Nhưng đó là thế mạnh một thời, tui mong chính quyền Tân Châu sẽ làm cho làng lụa hồi sinh…" - Nghệ nhân Tám Lăng chia sẻ tâm tư.
Con tằm sẽ về lại xứ tơ
Ngồi trong cái xưởng nhỏ bé của mình, ông Tám Lăng cầm tấm lụa đen tuyền, chậm rãi như nói một mình: "Họ nói kinh tế khó khăn, hàng bán chậm. Xưởng của tui nay cũng chỉ còn hai thợ lành nghề. Ở xứ lụa, không ai còn trẻ để mong tay nhanh hơn, mắt tinh hơn khi dệt. Để duy trì, tui quay sang dệt thêm gấm, thổ cẩm và cả vải nilon, chờ thời…".
Không chỉ nghệ nhân Tám Lăng mới "nằm phục chờ thời". Đến Tân Châu hôm nay, đi dọc con lộ dài 5 cây số qua ba phường: Long Châu, Long Hưng và Long Thành, xưa là trung tâm của nghề lụa, vẫn còn khá nhiều xưởng xe tơ. Nghệ nhân Nguyễn Đức Hưng (chủ cơ sở tơ tằm Hưng Thịnh), người đã 20 năm xe tơ, kể: "Bây giờ, Tân Châu rất hiếm tơ, tui lên Bảo Lộc mua tơ về xe lại thành sợi lớn hơn, sau đó bán sang thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan. Bên đó họ chuộng vì váy xà-rông, trang phục truyền thống, dệt bằng tơ Việt Nam rất đẹp…". Nói về mơ ước của mình để nghề lụa Tân Châu hồi sinh, ông Hưng cho hay triển vọng vùng trồng bông vải và cây dâu tằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được Nhà nước rất quan tâm. Những kết quả phát triển diện tích trồng hai loại cây này ban đầu đang mở ra triển vọng mới. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần có các chương trình hỗ trợ phát triển nghề dệt lụa ở Tân Châu có tính khả dụng cao. Khi dự định "khởi đầu nan" thì... sự chờ đợi bắt đầu.
"Không chỉ vậy, những người làm nghề lụa Tân Châu sẽ đứng dậy bằng sức mạnh tài năng của mình. Một khi các "Hợp tác xã tằm tang", "Hợp tác xã công nghệ tơ lụa" ra đời, khôi phục lại những ruộng dâu, trồng lại mặc nưa, khuyến khích người dân làng dệt trở lại nghề xưa, con tằm sẽ về lại xứ tơ…" - Cả hai nghệ nhân Tám Lăng và Nguyễn Đức Hưng đều khẳng định với tôi như vậy trước lúc chia tay.
Thúy Uyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét