Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

. Di tích lịch sử cấp tỉnh: Đền làng Lê


Đông đảo nhân dân đến chiêm bái và dâng hương trong ngày giỗ bà Lê Thị Lự tại Đền làng Lê (xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia).
(THO) - Sáng 10-2-2012, tức ngày 19 tháng giêng năm Nhâm Thìn (ngày giỗ bà Lê Thị Lự), tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, UBND xã Hải Hòa đã tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận Di tích Đền làng Lê (nơi thờ bà Lê Thị Lự) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
   Đền làng Lê thờ bà Lê Thị Lự, hiệu là Khánh Duyên, bà là công chúa hiển linh được nhân dân làng Lê thờ phụng. Bà Lê Thị Lự là cháu đời thứ 7 của Lam quốc công Lê Trừ (anh trai thứ 2 của vua Lê Thái tổ), thân phụ bà là ông Lê Duy Cần, cháu đời thứ 4 của Lê Trừ, còn thân mẫu là bà Thái Thị Khóa. Ông bà sinh được 3 người con trai và 2 người con gái. Về hành trạng của bà Lê Thị Lự, theo gia phả dòng họ Lê Văn (đây là chi trưởng của họ Lê Văn) hiện đang lưu giữ tại làng Đông Tiên, xã Bình Minh, huyện Tĩnh Gia, cho biết: Bà đã cùng với ba người anh trai đưa con cháu di cư từ Nghệ An ra vùng đất Lê Xá khai canh lập làng, làm ăn sinh sống. Bà nổi tiếng là một người vợ đảm đang, trinh thục. Sau khi mất, bà rất linh ứng, thường giúp đỡ, phù hộ, che chở cho nhân dân sống yên ổn làm ăn, mùa màng tươi tốt, tai qua nạn khỏi nên được nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) bà được vua Lê Hiển tông sắc phong là “Đại quận Nhu Thuận địch huệ phu hữu hiển linh diên huống từ nhân thụy Khánh Duyên công chúa hiển linh tôn thần”. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 2 (1918) bà được phong là “Trai tĩnh Trung đẳng thần”; niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) được gia phong là “Trang huy Thượng đẳng thần”...
    Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia và của tỉnh, sự đóng góp hiệu quả của các nhà hảo tâm và con cháu dòng họ, Đền làng Lê đã được đầu tư, tôn tạo khang trang, phần nào đáp ứng được nguyện vọng về nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét