Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Dấu ấn thời Trần tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm



  
Toàn cảnh phía tả chùa Vĩnh Nghiêm. -Ảnh: VA
Chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi là chùa Đức La là ngôi chùa cổ, trung tâm Phật giáo thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) thuộc thiền phái Trúc Lâm. Xưa chùa thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, Phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Hiện nay, ở vùng Trí Yên, nhân dân còn truyền lại câu chuyện: Vua Trần Nhân Tông sau khi dẹp xong giặc Nguyên Mông đã truyền lại ngai vàng cho con rồi xuống tóc đi tu để thoả nguyện ước tham thiền nhập định từ khi ngài còn trẻ tuổi. Trần Nhân Tông đã cùng các môn đồ du ngoạn khắp nơi để đăng đàn thuyết pháp và tìm nơi đắc địa dựng chùa, xây tháp... Khi ngài tới vùng Đức La của huyện Phượng Nhãn, lộ Bắc Giang, bỗng nhiên con tuấn mã của ngài hí vang, phi nước đại, ngài đã dùng hết sức để ghìm nó lại nhưng không được. Thấy vậy, dân làng trong vùng kéo ra sụp lạy, con tuấn mã mới dừng. Ngài thấy vậy bèn hỏi nguyên do và được dân làng cho biết: Đây là thế đất hình "Quy ẩm thực" trên lưng quy có một ngôi chùa cổ. Biết là đất thiêng linh ứng, ngài bèn vào thăm ngôi cổ tự sau đó cho mở mang nơi đây thành một ngôi chùa lớn và đặt tên là chùa Vĩnh Nghiêm. Tấm bia đá xanh ở chùa Vĩnh Nghiêm được khắc năm Hoằng Định thứ 7 (1606) đời vua Lê Kinh Tông, có nội dung: "... Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc, rõ là đất Tam bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn vạn dặm, trùng trùng điệp điệp. Vây tròn ôm lấy thành hình chiếc lọng hoa. Ở chỗ hai, ba sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc, khoảng giữa là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ..." Sách "Tam tổ thực lục" ghi: "Trạng nguyên Lý Đạo Tái một hôm theo vua (Trần Nhân Tông) đến huyện Phượng Nhãn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn thụ giáo với Pháp Loa, lấy Phật hiệu là Huyền Quang". Sau lần giác ngộ Phật đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm, vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã lập nên giáo phái Trúc Lâm - ba vị trở thành Tam tổ "... là những bậc giáo hoàng thời ấy. Vì ngoài sự đắc đạo tu hành, thuyết pháp, độ sinh, các ngài còn được đặc quyền cầm sổ tăng tịch trong nước, thống lĩnh hết thảy tăng đồ..." Đến năm Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông, vào tháng 4, Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ kết hạ, cho Pháp Loa đại sư trụ trì. Năm thứ 21 - Quý Sửu (1313) Tịnh Trí Tôn Giả Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm định chức tăng đồ trong toàn quốc và cho đặt dựng một trăm ngôi chùa lớn ở các nơi. Cứ sau ba năm một lần lại làm như vậy, tăng ni có đến vài nghìn người như thế, đủ biết quy mô kiến trúc của trung tâm Phật giáo này ở cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV đã rộng lớn đến chừng nào.
Kho mộc thư - di sản quý của chùa Vĩnh Nghiêm.  -Ảnh: VA
Nhìn tổng thể chùa Vĩnh Nghiêm, thấy đây là một kiến trúc tứ giác với bộ phận trước tiền đường gồm sân, vườn hình thành từ tam quan chùa trở vào. Khu vực chính của chùa được tạo bởi toà tam bảo (hình chữ công), đến nhà tổ đệ Nhất (hình chữ công), tiếp là gác chuông và cuối cùng là nhà tổ đệ Nhị, ở hai bên tả vu và hữu vu là hai dãy hành lang (mỗi dãy 15 gian). Tổng thể kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm theo một trục dọc quay hướng nam có ghé chút đông. Đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm đã qua 15 lần tu bổ, tôn tạo. Về cơ bản vẫn giữ được quy mô kiến trúc thuở ban đầu. Về tư liệu Hán - Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được: 09 bia đá xanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX; 01 chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 11 (1830); 12 bức hoành phi; 14 đôi câu đối; 3.000 ván in Kinh, có 35 Kinh sách gồm ba loại: Sách Kinh - sách Luật - sách Luận. Di sản Hán - Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm rất đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, có giá trị to lớn về lịch sử văn hoá góp phần làm sáng tỏ một ngôi chùa cổ - chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm - Việt Nam. Đã hơn 700 năm, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại với vai trò là một trung tâm Phật giáo, một Thiền viện đào tạo các tăng, ni nổi tiếng trong cả nước, vẫn mãi là chốn tổ, là đại danh lam để khách thập phương đến thăm quan và thắp hương lễ Phật.
Khuê Văn(Ban quản lý di tích và danh thắng Bắc Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét