Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Di tích lịch sử đền Hả



  
Lễ rước tại Lễ hội đền Hả tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. - Ảnh: CTV
Từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Chũ (Lục Ngạn), đi tiếp khoảng 6 km nữa là đến Kép II, nơi có di tích lịch sử mang tên đền Hả nằm giáp bờ sông Lục Nam.
Đến di tích này khách có thể đi bằng hai con đường: đường thuỷ (dọc theo sông Lục Nam) và đường bộ đều rất thuận tiện.

Đền Hả là sự tích về tướng quân Vũ Thành (người được thờ ở đền).

Thủa nhỏ, dưới triều Trần Thánh Tông, Vũ Thành vốn học giỏi, thông minh, đỗ tới Thám Hoa, được vua Trần phong làm Tư biện đầu Thượng tướng quân và đem ba vạn quân về đóng giữ ở vùng phên dậu phía Đông Bắc của Kinh đô Thăng Long (nơi sinh ra ông).

Trên khám thờ đền Thượng hiện còn có tượng Vũ Thành được tạc bằng gỗ sơn thếp rất đẹp. Vũ Thành, người anh hùng của quê hương Lục Ngạn nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung, người đã cùng các tướng: Trần Sầm, Đỗ Hựu, Đỗ Vĩ đóng quân trấn giữ ải Xa Lý, Biển Động, Nội Bàng và chặn đánh quân Mông - Nguyên hơn 10 trận ở đây và đã giành được những chiến công hiển hách cuối thế kỷ XIII. Trong trận quyết chiến cuối cùng, tướng quân Vũ Thành bị thương nặng, về đến Hả Hộ thì mất (1288). Hiện đền Hả còn giữ lại được 21 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây. Đạo sắc phong sớm nhất bắt đầu từ niên hiệu Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ hai bộ đồ rước kiệu bao gồm đầy đủ từ áo xích nâu, xiên đào, bút cống, cờ quạt và 8 con rồng phục vụ cho lễ hội tưởng niệm hàng năm diễn lại sự tích của  Vũ Thành đánh giặc.

Theo thần tích còn ghi lại thì đền Hả có từ thời nhà Trần, được lập nên sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ II thắng lợi (1285) cách ngày nay gần 700 năm, và từ đó cho đến nay ngôi đền vẫn tồn tại ở đó.

Đền Hả nằm giữa khu rừng Hả Hộ, thuộc xã Hồng Giang (xưa là xã Hả Hộ), huyện Lục Ngạn. Đền có kiến trúc gồm 3 cấp (theo kiểu chữ Tam) gồm: đền Thượng - đền Trung và đền Hạ, bên cạnh đền là ngôi chùa Hả. Tất cả tạo thành một thể thống nhất liên hoàn về kiến trúc nằm bên bờ Lục Nam kéo dài chừng 500m. Nối giữa đền Thượng (thượng điện) và đền Trung là một dải ống muống.

Đền Hạ có có kiến trúc gồm 3 gian 2 vỉ với 6 vì kèo và 24 cột. Các gian có độ dài, rộng không đều nhau. Trong đền Hạ hiện còn giữ lại được một đôi ngựa thờ bằng gỗ (một hồng, một trắng) cổ.

Sau đền Hạ là đền Trung gồm 3 gian 2 dĩ, theo niên hiệu được ghi ở thượng lương thì đền Trung được sửa lại vào năm Gia Long (1802). Trong đền hiện còn giữ được 4/6 đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của tướng quân Vũ Thành. Phía trên các đôi câu đối là bức hoành phi sơn son thếp vàng nổi bật ba chữ: Tối linh từ, được làm vào năm Ất Mão niên hiệu vua Duy Tân. Đền Hả hiện giữ được các đầu đao còn tương đối nguyên vẹn.

Để tưởng niệm công lao to lớn của người anh hùng  Vũ Thành, hàng năm vào các ngày 6-7-8-9 tháng Giêng dân làng Hồng Giang lại mở hội. Đây chính là một nghi thức thờ cúng, tưởng niệm anh hùng dân tộc, đồng  thời là cuộc diễn xướng anh hùng trên một quy mô tương đối rộng (cả tổng Hả Hộ). Vào những ngày này, trong cuộc rước biểu trưng, diễn tả lại cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt của người anh hùng quê hương, là biểu hiện rực rỡ của tinh thần đoàn kết bất khuất chống kẻ thù xâm lược. Vì thế nó luôn sống trong lòng dân, nuôi dưỡng lòng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc.

Từ những giá trị lịch sử quý báu ấy, ngày 25 tháng 01 năm 1991 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận đền Hả là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét