Đình, chùa Quất Lâm nằm ở một quả đồi thấp, thuộc xóm Hậu, thôn Quất Lâm, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang.
|
Cụm di tích này ngoảnh mặt nhìn theo hướng nam, có diện tích 3.580m2 được làm theo lối tiền Thần - hậu Phật (đình trước, chùa sau). Đình, chùa Quất Lâm được khởi dựng vào thời Lê Thuần Tông (1732) căn cứ vào dấu tích của hàng chục chân đá tảng, đá xanh, bia đá, mộ tháp thời Lê... cùng với nội dung tấm bia đá tứ diện, niên đại dựng khắc vào năm "Hoàng triều Long Đức vạn vạn niên tuế thứ Nhâm Tý niên, trọng đông, cốc nhật khắc..." cho thấy đây là một công trình cổ có quy mô cấu trúc đồ sộ. Đình - chùa Quất Lâm là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa tinh thần, nơi dân làng tổ chức sinh hoạt và những nét văn hóa truyền thống của người dân Quất Lâm xưa kia cũng như ngày nay. Những công trình văn hóa tín ngưỡng này là trung tâm phụng thờ của toàn dân, đồng thời cũng là trung tâm tổ chức lễ hội của dân làng trong các dịp tiết lệ. Đó là sự thể hiện lịch sử lâu đời và truyền thống văn hiến của làng Quất Lâm. Đình Quất Lâm có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) hiện gồm: Tòa đại đình 3 gian gỗ hồng sắc, kết cấu kiến trúc theo lối quá giang gác tường đơn giản, nối với 2 gian hậu cung.
Thông qua nội dung 5 đạo sắc hiện còn ở đình cho thấy đình Quất Lâm thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh và Quảng Hậu đại vương. Đình Quất Lâm vốn trước có nhiều đạo sắc các triều đại phong kiến ban cấp, nhưng hiện nay chỉ còn 5 đạo thuộc thời Nguyễn, phong cho đức thánh Cao Sơn, Quý Minh và Quang Hậu.
Chùa cũng có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa bái đường và thượng điện. Bên ngoài còn các tháp xây gạch thời Lê cùng hệ thống chân đế cột bằng đá. Tòa bái đường có kết cấu kiến trúc cổ, gồm 3 gian gỗ lim kiểu con chồng đấu kê hạ kẻ chuyền. Sa thượng hạ câu đầu, con chồng... đều soi gờ chỉ cẩn thận nhưng không chạm khắc hoa văn. Kết cấu khung cột gồm 16 cột lim tạo vẻ vững chãi cho công trình kiến trúc này. Qua hệ thống mộ tháp các vị sư tổ hiện còn ở chùa cho thấy chùa Quất Lâm vốn xưa rất khang trang, hệ thống tượng Phật phong phú, thuộc thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử nhưng trải bao thế kỷ đến nay chùa này chỉ còn một số pho tượng Phật cơ bản gồm: 03 pho Tam Thế, 01 pho Adiđà, 01 pho Phạm Vương, 01 pho Thích Ca sơ sinh, 01 pho Thánh Hiền và 01 pho Đức Ông.
Hàng năm, cứ vào các ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch, nhân dân Quất Lâm lại tổ chức hội lệ với các nghi thức rất phong phú và trang nghiêm như: Hội lệ rước nước, rước thánh, tế lễ... Để tổ chức hội rước nước, rước thánh, trước ngày mở hội làng Quất Lâm họp lại cử ra cai đám và các ông việc. Bốn giáp của làng (giáp Đông, giáp Tây, giáp Bắc, giáp Tiền) có 4 ông việc và 1 ông cai đám được các cụ cao tuổi trong làng họp bàn và xin đài cử ra. Việc xin đài do ông đám cũ đảm nhiệm, cách xin đài như sau: Khi gieo hai đồng xèng, nếu 2 đồng ngửa, mặt có chữ lên trên là Thánh cười, nếu hai đồng sấp, mặt có chữ úp xuống hết là Thánh mắng đều không được; chỉ khi một đồng xèng ngửa, một đồng xèng sấp mới là hợp lệ.
Ngày 14 chuẩn bị, ngày 15 rước kiệu từ đình đi thẳng đường cái ra đồng Bãi Trạng tế lễ, đóng đám ở đó (đây là hình thức cúng thổ thần và đức Cao Sơn - Quý Minh), việc tế lễ ở đây do 15 người trong ban tế đảm đương gồm: 01 chủ tế mặc áo giáp, mũ cánh chuồn, đi hia; 02 bồi tế (một Đông Điển, một Tây Điển) còn lại là các vị dâng hương, dâng rượu... Chủ tế là cai đám làm lễ tế thần. Cỗ tế thần gồm có 01 con lợn khoảng 40-50 kg luộc cả con đặt trên một mâm xôi lớn. Tế xong để đó một ngày, chiều tối lại rước kiệu về đình và các cụ ông lại tổ chức tế lễ ở đây.
Trong hội còn tổ chức các trò vui khác như: Đánh vật, cờ người, cướp cầu, kéo chữ: "Thiên hạ thái bình - trình quan mở hội", tam cúc điếm, bịt mắt bắt dê... Tối có hát chèo, diễn tuồng, hát cá ca trù ở đình, chùa. Trong ngày hội, các cụ bà còn đến chùa lễ Phật, cầu phúc, khuyên răn con cháu hãy làm điều lành, điều thiện. Ngày 16 thì giã hội.
Như vậy, cụm di tích đình, chùa Quất Lâm là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân Quất Lâm xưa kia cũng như ngày nay, thể hiện rất rõ truyền thống đạo lý sống cao đẹp của người Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đoàn kết, nhân ái, sống có nghĩa, luôn ghi nhớ, tôn thờ những người có công với dân với nước, với quê hương làng xóm.
Phương Hoa
(Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét