Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Dương Kinh - Đô thị ven biển đầu tiên của người Việt


Hoà trong không khí của cả nước hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ngày 10-10, tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng, dự án Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc đã được khởi công xây dựng.
 
Tượng vua Mạc Đăng Dung tại khu tưởng niệm
 
Khuôn viên của khu tưởng niệm có diện tích trên 10,5. Dự toán giai đoạn 1 (xây dựng trên diện tích khoảng 2,5 ha) của công trình lên tới 60 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng được huy động từ nhiều nguồn: Hỗ trợ của Trung ương, TP. Hải Phòng, con cháu dòng họ Mạc và nguồn vốn xã hội hóa...

Làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy là nơi Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) về quê nghỉ dưỡng sau khi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Tại quê nhà, Mạc Thái Tổ cho xây dựng Dương Kinh, kinh đô thứ hai của nhà Mạc, với cung điện nguy nga như điện Phúc Huy, điện Hưng Quốc, điện Sùng Đức... làm nơi bàn việc quân cơ, lo toan quốc sự, giúp vua đang ngự tại kinh thành Thăng Long trị vì đất nước.

Năm 2004, từ đường họ Mạc tại thôn Cổ Trai đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTT&DL cho phép TP. Hải Phòng được nghiên cứu lập quy hoạch dự án phục dựng Dương Kinh.

Khu tưởng niệm nhà Mạc bao gồm các công trình chính như: công trình tưởng niệm (8600 m2), nhà truyền thống (3050 m2), nhà quản lý,  khu dịch vụ, hệ thống cây xanh, mặt nước, đường giao thông, hệ thống điện, nước, đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường... Tại khu vực quy hoạch và chung quanh khu vực hiện còn nhiều di tích khảo cổ, kiến trúc, địa danh gợi nhớ vùng đất Dương Kinh xưa được xã Ngũ Đoan gìn giữ . Khu vực Giếng Bò, được truyền tụng là đất “rốn rồng”, nơi dựng nhà ở của thân phụ vua Mạc Đăng Dung; bến Cổ Trai - tương truyền có quán hàng nước của thân mẫu Mạc Đăng Dung; Bến Tường - phế tích của điện Tường Quang khi xưa; Gò Gạo - nơi dựng điện Hưng Quốc của nhà Mạc... Đặc biệt, tại xóm Kiều Thôn, xã Ngũ Đoan còn có từ đường họ Mạc do các di duệ họ Mạc dựng lập vào khoảng thời Nguyễn...
 
Một phần đền thờ vương triều Mạc

Đáng chú ý, trong nhiều đợt khảo cổ gần đây, tại khu vực thôn Cổ Trai xuất lộ những di vật thời Mạc như thành luỹ, hệ thống hào nước, gốm sứ hoa màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung... với những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ 16. Theo nhiều sử sách còn ghi lại, nhằm thực hiện chính sách cải cách về kinh tế trong nông nghiệp, mở rộng công thương nghiệp, sản xuất hàng hoá, xây dựng một nền kinh tế hướng ra biển, ngoài kinh thành Thăng Long, vua Mạc Đăng Dung cho xây ở Cổ Trai - quê hương ông, kinh đô thứ hai- Dương Kinh. Ở vị thế gần biển, tiện sông, Dương Kinh xưa có nhiều ngả dẫn ra phố Hiến, Hội An, Thăng Long. Để Dương Kinh trở thành “đô thị ven biển xứ Đông”, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng “trên bến, dưới thuyền” làm nơi giao lưu hàng hoá trong và ngoài nước, từng bước đưa Dương Kinh xưa trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng, đô thị ven biển đầu tiên của người Việt.
   
Trước đây, các sử gia phong kiến cho vương triều nhà Mạc là nguỵ triều nhưng nay cái nhìn đã bớt khắt khe hơn. Triều đại nhà Mạc có những cống hiến nhất định đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhà Mạc định đô 65 năm tại kinh thành Thăng Long (1527-1592) và 84 năm (1593-1677) trên vùng núi phía Bắc.
Phan Lệ Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét