:
Đền Đà Hy thuộc xã Lãng Sơn (Yên Dũng) nằm bên bờ Bắc dòng sông Thương cách Lục đầu giang chỉ vài cây số đường chim bay. Đây là ngôi đền cổ thờ các vị tướng soái và công chúa thời Trần đã có nhiều công lao với dân tộc. Người được thờ ở đền là Trần Tuấn Sơn, phu nhân và con gái là Hoàng Cô công chúa.
|
Truyền tích về các vị thần này được ghi trong thần tích ở đền Đà Hy như sau: Thời Trần, làng Tức Mạc có người con gái họ Trần tên Huệ Nương là bậc nữ tài tuyệt mỹ vô song. Một ngày kia, nàng đến trang Ngư Uyên, huyện Yên Dũng, trời đất bỗng nổi giông bão bèn trú trong miếu ở trang Ngư Uyên. đêm về, nàng nằm mơ thấy một dải hào quang tựa như bọc bạch ngọc trên trời giáng xuống, sau đó nàng mang thai. Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ sinh được cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Tuấn Sơn. Vốn là người văn võ toàn tài, khi quân Nguyên sang xâm lược, ông được phong làm Tướng Quốc bình chương sự, được vua trao ấn tín cầm quân đi dẹp giặc. Lúc đó ông đã lấy vợ là Quỳnh Nương, cháu gái của vua Lý Cao Tông, một người con gái nhan sắc lại có tài đàn ca. Quân Nguyên xâm lược lần hai, Trần Tuấn Sơn, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cùng các tướng lĩnh cầm quân phá giặc ở Ải Chi Lăng. quân Nguyên bại trận. Đất nước khải hoàn, Trần Tuấn Sơn được vua phong thực ấp ở đạo Kinh Bắc. Thời gian này cũng là lúc Quỳnh Nương sinh được con gái dáng hình yểu điệu, diện mạo xinh tươi khác thường, đặt tên là Hoàng Cô… Thượng tuần tháng mười một, mùa đông, ông dắt từ Mẫu, phu nhân và Hoàng Cô lên núi Lãm Sơn du ngoạn cảnh đẹp, bỗng có dải mây vàng như hình dải lụa hồng từ trên trời giáng xuống cuốn họ đi theo. Từ đó, nhà vua cho lập miếu để thờ phụng các ngài và ban tặng sắc phong giữ nguyên thần hiệu: Phong Tuấn Sơn là đại đức hiển ứng đại vương phong tặng tế thế hộ quốc khang dân, phù vận bảo cảnh hiệu hùng tuấn linh thông thượng đẳng thần. Phong Huệ Hoà gia hạnh liệt tiết đoan trang Hoàng Thái hậu. Phong Quỳnh Nương đức hạnh phu nhân, chuẩn ban cho trang Ngư Uyên phụng thờ mãi mãi.
Đền Đà Hy hiện nằm soi bóng bên dòng sông Thương, nơi đây thuyền bè qua lại nhiều, đã một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền. Quần thể di tích rộng đẹp, khuôn viên di tích cổ kính hơn bởi các cây cổ thụ toả bóng mát. Vốn là ngôi đền cổ, nhưng đã bị hư hỏng theo thời gian và nay đã được tu sửa lại thêm khang trang. Dấu tích của ngôi đền cổ thể hiện ở các tài liệu, hiện vật trong đền, như thần tích về người được thờ, hệ thống tượng thờ, các đồ thờ tự bằng gỗ như: quán tảy, kiệu song hành, hương án, khay thờ, đài thờ, bành kiệu… và dấu tích nền móng, các mẩu gạch, ngói cổ và các cây cổ thụ trong di tích…
Ngôi đền có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm toà tiền tế năm gian, hai chái nối toà hậu cung ba gian. Kiến trúc gỗ mới, các vì mái liên kết theo kiểu chồng rường giá chiêng chạm khắc đơn giản. Giá trị nổi bật nhất của ngôi đền là tín ngưỡng về người được thờ và các tài liệu, hiện vật trong đền. Đền Đà Hy vốn là nơi thờ những nhân vật lịch sử thời Trần có nhiều công lao với dân tộc. Theo thời gian, các tầng lớp văn hoá dân gian được bao trùm lên theo lịch sử của dân tộc và cũng không biết từ bao giờ ngôi đền đã là nơi tôn thờ đạo mẫu mà tâm điểm ở đây là Mẫu Thoải Phủ gắn với sông nước (sông Thương). Trên chính điện có đặt bài vị chữ Hán ghi rõ "Chính cung hoàng hậu Mẫu đệ tam quốc Vương Động Đình, Thuỷ Phủ, Bát Hải, Long Vương, điện phủ đền Đà Hy". Trong đền bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Ở chính điện toà hậu cung bài trí tượng Quan âm Nam Hải, ba pho tượng nữ, tượng Mẫu đều giống nhau ở gương mặt, tư thế ngồi và chỉ khác ở trang phục, ở bên phải là Mẫu Thượng ngàn, ở giữa là Mẫu Liễu, còn bên trái là Mẫu Thoải. Khác với các ngôi đền thờ Mẫu khác, đền Đà Hy có đến hai Mẫu bản đền (Mẫu Thoải) mà theo các nhà nghiên cứu đó là sự phân thân của Quỳnh Nương (vợ Trần Tuấn Sơn) và con gái là Hoàng Cô công chúa. Theo truyền thuyết Mẫu Thoải là vợ của vua Thuỷ Tề, là hoàng hậu ở dưới thuỷ cung được Ngọc Hoàng thượng đế ban cho sức mạnh tài năng giỏi việc sông nước, trông coi việc sông nước. Cũng không biết từ bao giờ nhân dân đã tìm thấy ở Mẫu hình ảnh của các bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu.
Lịch sử còn ghi chép lại công việc trị thuỷ của các triều đại phong kiến và có liên quan đến Mẫu Thoải. Khi Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì miền đồng bằng Bắc bộ thường xuyên có nạn lũ lụt. Vị vua khai sáng của nhà Lý đã bắt tay ngay vào công việc trị thuỷ. Công việc tiến hành phải đến đời vua sau, đời Lý Thái Tông, mới căn bản xong: Các khúc đê được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm tháng tiến hành công việc đắp đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra. Chính vì vậy, Mẫu Thoải đã phái các thuỷ thần, tướng lĩnh của mình đến các làng xã để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Đến thời Lê, nhà vua phải thân hành làm lễ Nam giao (Lễ tế cáo trời đất), và các mẫu Thoải cũng lập tức ứng hiệu. Các mẫu đã âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi bè lũ thuỷ quái.
Đền Đà Hy được xây dựng ngay bên dòng sông Thương, nơi mà xưa kia từng tấp nập thuyền bè xuôi ngược và công việc đắp đê trị thuỷ của nhân dân Đà Hy trên bến sông Thương được truyền lại qua các thế hệ thì không bao giờ phai nhạt. Việc xuất hiện ngôi đền thờ Mẫu Thoải ngay bên dòng sông Thương cũng là điều dễ hiểu. Theo thông lệ hàng năm cứ vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch, ngày tiệc Mẫu, nhân dân khắp nơi lại về lễ Mẫu dự hội và tham gia các trò chơi dân gian theo phục tục sự lệ truyền thống. Các nghi thức rước kiệu thánh, rước nước bằng thuyền rồng và cảnh diễn trận thuỷ chiến trên sông được nhân dân địa phương tái hiện lại trong lễ hội có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng Ngọc Dưỡng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét