Là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An - một trong 6 Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam - Vườn Quốc gia Pù Mát không chỉ có giá trị lớn về mặt đa dạng sinh học mà còn là một địa chỉ du lịch sinh thái đầy hấp dẫn ở khu vực miền Trung.
Khách du lịch đến Pù Mát giờ đây không chỉ là để "ăn cơm Mường và cá sông Giăng" nữa...
Vượt sông Giăng trên thuyền độc mộc
Nếu đến với những cánh rừng bạt ngàn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, không ai có thể bỏ lỡ chuyến du lịch mạo hiểm ngược dòng sông Giăng, đây có lẽ là “điểm sáng” trong tour khám phá Vườn quốc gia. Bắt đầu từ bến đập Phà Lài, du khách có thể đi thuyền trên sông Giăng để thưởng lãm cảnh đẹp tự nhiên dọc hai bên bờ sông mênh mang trong lành. Thuyền nhỏ bằng gỗ được thiết kế theo hình dáng thuyền độc mộc, điều khiển bằng động cơ chân vịt, chỉ đủ sức chứa từ 4 - 5 người.
Du khách sẽ có thêm nhiều cảm giác thú vị xen lẫn hồi hộp khi thuyền ngược dòng lên thượng nguồn sông Giăng. Uốn lượn và gập ghềnh, càng đi sâu nước sông Giăng càng trong vắt, nhìn rõ những hòn đá cuội to nằm dưới lòng sông. Hơn nửa quãng đường nước chảy xiết với nhiều đoạn ghềnh nhấp nhô, vào mùa nước cạn, du khách buộc phải đi bộ băng qua những bãi đá hay xuống hỗ trợ đẩy thuyền. Steve Hoem - một du khách người Mỹ nói: “Tôi luôn thích khám phá, nhất là đối với những tour du lịch mạo hiểm, vì vậy, tôi đặc biệt rất ấn tượng trong chuyến đi lần này.
"Nhưng đi đêm mới thấy được cái thú mạo hiểm của nó. Nếu có ánh trăng, dòng sông lấp lánh ánh bac và soi tận đáy" - Người lái đò chúng tôi thuê nói .
Ấn tượng nhất là đoạn cùng hò nhau lội suối đẩy thuyền vượt qua thác ghềnh, khá mệt và vất vả nhưng lại là một kỷ niệm khó quên”. Gần hai tiếng ngược dòng sông Giăng, du khách đến thăm bản Cò Phạt, có cơ hội tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của người Đan Lai - tộc người ngủ ngồi duy nhất ở Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, xa xưa người Đan Lai sống trong rừng núi của miền Tây, để đề phòng thú dữ, tộc người Đan Lai đã đốt lửa và làm que chống hình chữ X, tựa cằm vào đó để không ngủ quên và ngã vào đống lửa.
Nếu có thời gian, du khách có thể nghỉ đêm tại các bản làng và tham gia sinh hoạt cùng bà con dân tộc cũng như nếm thử những món ăn đặc sản: cơm lam, cháo chuối, cá mát, gà nướng và cùng ngồi nhâm nhi thưởng thức rượu cần bên ánh đuốc lửa trại khi đêm về… Anh Lê Xuân Đường - trưởng bản Cò Phạt cho biết, nay đời sống người trong bản đã khá hơn, người dân nơi đây đa phần đều đã có nhà cửa ổn định.
Ngoài công việc chính là làm ruộng, người dân có thêm khoản thu nhập khi kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó khách nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, anh Dương Xuân Tráng - Giám đốc Công ty du lịch Mai Phượng Vy (Hà Nội) cho rằng, chính quyền sở tại nên khôi phục mô hình tục ngủ ngồi của tộc người Đan Lai, và có thể coi đây như một sản phẩm du lịch giới thiệu đến với du khách.
Bản sắc Thái - Mường
Đến với VQG Pù Mát du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét hoang sơ của những rừng nguyên sinh và nhiều thắng cảnh nổi bật. Pù Mát có thác Kèm cao 150m với dòng nước như một dải lụa trắng buông xuống giữa lưng trời. Quanh năm bốn mùa, thác Kèm luôn dào dạt tuôn chảy giữa núi rừng.
Theo đánh giá sơ bộ của Ban Quản lý vườn Quốc gia Pù mát có diện tích vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, Pù Mát chính là nơi ở của người Thái - dân tộc đã sống ở đây nhiều đời.
Đặc biệt, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật rừng, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây: 2.500 loài thực vật thuộc 150 họ và gần 1.000 loài động vật...
Một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như chưa hề có bàn tay của con người chạm đến: thác Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ và những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái, Đan Lai. Nét hoang sơ là món quà của thiên nhiên ban tặng cho Pù Mát.
Ngoài sự hùng vĩ, đa dạng về hệ sinh thái, những nét tuyệt mỹ của cảnh quan thiên nhiên..., nói đến Vườn quốc gia Pù Mát không thể không kể đến các nét đẹp văn hóa cổ truyền đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Vùng Mường Quạ (xã Môn Sơn và Lục Dạ) là nơi cư trú lâu đời của bà con dân tộc Thái.
Theo Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An, Cao Đăng Vĩnh, do địa hình Pù Mát là một lòng chảo khá rộng lớn và trù phú, người dân nơi đây còn lưu giữ được ít nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền: từ phong tục cưới hỏi, lễ tết, trang phục đến những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng.
Nhiều đoàn khách (nhất là khách nước ngoài) muốn lưu trú tại nhà dân để tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc và thưởng thức các món đặc sản của người dân địa phương.
"Từ những năm trước, ở Con Cuông đã có một số câu lạc bộ dân ca - nhạc cụ dân tộc Thái được thành lập với mục đích bảo tồn bản sắc âm nhạc dân tộc và một số làng văn hóa thuần Thái được xây dựng nhằm bảo tồn không gian văn hóa Thái. Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Thái cũng bước đầu được phục hồi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để kết hợp phát triển du lịch cộng đồng"- ông Vĩnh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét