Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đền thờ Đàm Thận Huy ở Yên Thế



  
Cổng đền Quan Lớn, xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế.
Trên miền quê Yên Thế có một ngôi đền thờ vị quan lớn dưới triều Lê - Mạc. Ông đã có nhiều công với dân với nước, từng được nhà Lê Trung Hưng xếp vào hàng Kiệt Tiết, Dực Vận Tán Trị Công thần, tước phong Thiếu bảo Lâm Xuyên Hầu, Tiết nghĩa đại vương, đó là đền Quan Lớn thuộc xã Tam Hiệp, thờ Đàm Thận Huy - người con của quê hương Kinh Bắc.
Đàm Thận Huy sinh năm 1463, mất năm 1526. Sinh thời ông là người học rộng tài cao, năm 28 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (năm 1490) đời vua Lê Thánh Tông. Là một vị quan thanh liêm, chính trực luôn xả thân giúp đỡ người dân nghèo khó chống lại tham quan ô lại, ông đã có nhiều công với dân, với nước. Trải qua các triều đại, Đàm Thận Huy đã từng được phong tặng các tước vị như: Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Lại Bộ Thượng Thư, Lịch Triều gia phong Toàn Đức Tuý Hạnh Cẩn Tiết Chính Dung Phù Nguy, Dự Thuận Hưng Binh Phù Chính Đại Vương… là thành viên hội Tao đàn Nhị thập bát Tú, có nhiều tập thơ chữ Hán nổi tiếng, tác phẩm tiêu biểu của ông có tựaSỹ Hoạn Chân Quý. Ông làm quan đến chức Tán trị Công thần Lễ bộ Thượng thư, Tú Lâm Cục kiêm Hàn Lâm Viện Thị Độc trưởng Hàn Lâm Viện Sư, Thiếu bảo Nhập Thị Kinh Diên tước Lâm Xuyên Bá. Bản thân ông từng được triều đình cử đi sứ sang Trung Hoa thời nhà Minh.
Lịch sử các triều đại phong kiến có nhiều biến động, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Đàm Thận Huy nhận được huyết chiếu của nhà Vua lui về vùng Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa. Ở làng Hương Mạc (Từ Sơn, Bắc Ninh) quê ông lúc đó có 38 người cùng phu nhân và hai cô con gái theo lên vùng Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa. Vì quân ít, thế yếu, ông đã không địch nổi giặc nên ông cùng phu nhân và hai người con gái út đều tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng (Bắc Giang) để bảo tồn danh tiết. Đàm Thận Huy tuẫn tiết ngay bên chân núi Cóc nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế. Dân làng thương tiếc lập đền thờ lấy tên là "Đền Quan Lớn". Ngôi đền được xây dựng bên chân núi Cóc.
Từ thị trấn Cầu Gồ, du khách theo đường 292 khoảng 1,5 km rẽ trái là đến di tích đền Quan Lớn. Ngôi đền được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Trên cổng đền bây giờ còn đề bốn chữ Hán: "Linh từ án sát". Bình đồ kiến trúc ngôi đền hiện nay kiểu chữ đinh gồm toà tiền tế ba gian nối toà hậu cung hai gian. Phần liên kết các vì mái theo lối kiến trúc cổ truyền thống kiểu vì kèo, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng còn đượm màu thời gian cổ kính. Trong hậu cung bài trí tượng quan lớn Đàm Thận Huy, tượng phu nhân và hai cô con gái. Vì có công với dân với nước, sau nhà Lê Trung Hưng đã xếp ông vào hàng Kiệt Tiết, Dực Vận Tán Trị Công thần, tước phong Thiếu bảo Lâm Xuyên Hầu. Và được phong làm "Tiết nghĩa đại vương" cùng 12 vị nữa được triều đình cho lập đền thờ tại quê hương ông tức làng Hương Mạc nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi Đàm Thận Huy tuẫn tiết, phu nhân cùng hai cô con gái là Đàm Dung Hoa và Đàm Quế Hoa còn cầm quân cầm cự thêm ba ngày nữa khi lên đến bản Diễn thuộc xã Tam Tiến, huyện Yên Thế mới chịu tuẫn mình xuống dòng sông Sỏi. Xác của hai cô trôi dạt về khu suối Cầu Điếng nơi vực nước chảy xiết, dân địa phương gọi là Thác Thần được ông lái đò vớt lên. Nhân dân địa phương cảm kích ghi nhớ công lao đã xây dựng ngôi đền thờ hai cô bên bờ suối gọi đền Thác Thần nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế. Nơi thờ chính cả ba mẹ con là đền Cầu Khoai hay còn gọi đền Cô cũng nằm bên dòng sông Sỏi nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế. Di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1994. Hàng năm tại quần thể di tích nói trên nhân dân vẫn tổ chức sự lệ mở hội tưởng nhớ tới những người có công với dân với nước vào các ngày 23 tháng Giêng và ngày 25 tháng hai âm lịch với các nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Buổi sáng dân làng tổ chức rước kiệu lên đền Cầu Khoai tế lễ sau lại rước hồi cung về đền Quan Lớn và tổ chức các trò chơi dân gian.
Đồng Ngọc Dưỡng
(Ban Quản lý di tích)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét