Từ trung tâm thị trấn Long Mỹ theo đường liên xã qua Thuận Hưng, Xà Phiên sẽ đến xã Lương Tâm là nơi di tích đền thờ Bác Hồ. Di tích được xây dựng trên vùng đất phía Bắc nơi ngã tư của hai con kinh Long Mỹ II và Năm Căn giao nhau; cách thị trấn Long Mỹ 21 km; cách TP Cần Thơ 78 km về phía Tây Nam.
|
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di tich
xã Lương Tâm - huyện Long Mỹ - tỉnh Hậu Giang
Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Hậu Giang, Long Mỹ nói riêng, hình ảnh của Bác Hồ kính yêu ở trong trái tim, khối óc của mỗi người dân, tuy xa thủ đô Hà Nội hàng nghìn cây số nhưng luôn hướng về Bác Hồ và thủ đô mến yêu với niềm tin vững chắc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Khi nghe tin Bác qua đời ngày 03/9/1969 là nỗi đau chung, sự tổn thất lớn lao đối với cả dân tộc Việt Nam; nhất là nhân dân miền Nam chưa kịp rước Bác vào thăm.
Cổng trước đền thờ Bác
Để đền đáp công ơn trời biển của Bác và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Lương Tâm; Đảng bộ xã , do đồng chí Lữ Minh Chánh (Hai Chánh), Bí thư Đảng ủy xã đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại Văn phòng Đảng ủy xã. Đồng chí Lê Văn Thống, ủy viên thư ký được giao nhiệm vụ phóng ảnh Bác lập bàn thờ và may băng tang để tổ chức lễ truy điệu. Ngày hôm sau lễ truy điệu được tổ chức trọng thể với sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân gần cơ quan xã, cùng đông đảo bà con trong xã đến đự lễ với nỗi đau buồn vô hạn, tưởng niệm, ghi lòng tạc dạ về công ơn trời biển của Bác và hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - biến đau thương thành hành động cách mạng, quân dân Hậu Giang đã liên tục tấn công địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Trong tuần lễ để tang Bác, quân dân tỉnh Hậu Giang mở đợt tấn công vào 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Chỉ tính riêng xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn: Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào (bị đánh thiệt hại nặng). Trên 40 tên địch đền tội và nhiều tên khác bị thương.
Ngay sau ngày Quốc tang, các đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí lão thành cách mạng, các vị bô lão trong xã đã bàn bạc đi đến quyết định: xây dựng Đền thờ Bác tại ấp 3, ngã tư lộ xe. Đây là nơi thuận lợi nhất để mọi người dân trong xã và các khu vực dễ dàng đến viếng Bác bằng cả đường thủy và đường bộ. Trong quá trình chuẩn bị thì địch tổ chức phản kích ác liệt, mở nhiều cuộc càn quét qui mô vào vùng này và địa điểm xây dựng đền thờ Bác là nơi giao điểm pháo của địch ở các nơi bắn vào. Cuối cùng Đảng bộ quyết định giữ nguyên bàn thờ Bác tại cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm.
Nhà trưng bày di tich Đền thờ Bác
Mùa hè năm 1972, Mỹ ngụy mở nhiều đợt càn quét qui mô, tập trung bom pháo đánh phá ác liệt địa bàn Long Mỹ. Cơ quan Đảng ủy xã bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, bàn thờ của Bác được lập lại và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm Bác giữ đúng hằng năm (ngày sinh nhật, lễ giỗ và Tết Nguyên đán). Ngoài ra, nhân dân trong vùng thờ Bác và tổ chức lễ giỗ tại nhà, như gia đình ông Nguyễn Văn Tòng ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn. Lễ giỗ Bác tổ chức ở đây bình dị nhưng rất trang trọng, có đây đủ con cháu trong nhà và bà con xóm giềng đến cúng. Tưởng niệm Bác. Ở thị xã Vị Thanh (tỉnh lỵ Chương Thiện) bà Trần Thị Láng người Hoa, tổ chức lễ giỗ Bác công khai trong vùng giặc kìm kẹp, xem là ''cúng cơm ông tổ''...
Sau ngày hòa bình, từ nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm, mong muốn xây dựng lại đền thờ Bác Hồ ở vị trí đã dự kiến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại ngã tư lộ xe, ấp 3, xã Lương Tâm, được Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Long Mỹ và Sở Văn hóa Thông tinh tỉnh Hậu Giang chấp thuận, các ngành, các cấp và nhân dân trong và ngoài địa phương tích cực đóng góp tiền, công sức, với tấm lòng kính yêu Bác và đây là công trình “uống nước nhớ nguồn'' thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác.
Toàn cảnh Đền thờ Bác Hồ
Ngày 2-9-1990, nhân dân và các ban, ngành trong và ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành đền thờ Bác và rước ảnh Bác từ cơ quan Đảng ủy xã LươngTâm về đền thờ (cách 3 km). Từ đó cứ đến các ngày kỷ niệm: 30-4, 19-5, 2-9, tết Dương lịch và tết Nguyên đán nhân đần Hậu Giang và các tỉnh vùng lân cận đều tổ chức hành hương về nguồn, trở thành ngày truyền thống hằng năm.
Đền thờ Bác được xây đựng năm 1990, với qui mô nhỏ không đủ sức chứa đông đảo nhân dân các nơi đến hành hương viếng Bác trong các dịp lễ hội. Do đó được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ (củ) cho phép xây dựng mở rộng khu đền thờ Bác, kết hợp với sinh hoạt văn hóa, thể thao, hình thành một trung tâm giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng. Qui hoạch tổng thể khu đền thờ mới gần 2 hecta, gồm có 7 hạng mục công trình.
Đền thờ Bác được xây mới cách đền cũ 50 mét về phía kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn kính.
Nhân kỷ niệm lần thứ 106 ngày sinh của Bác (19-5-1890 - 19-5-1996), các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và nhân dân xã Lương Tâm, địa phương các tỉnh lân cận đã long trọng tổ chức lễ khánh thành khu đền thờ Bác mở rộng và rước tượng Bác về đền thờ mới rất trọng thể.
Nhân kỷ niệm lần thứ 107 ngày sinh của Bác (19-5-1890 - 19-5-1997) Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ (củ) tiếp tục cho xây dựng nhà trưng bày thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đây là hạng mục thứ hai sau đền thờ, trong số 7 hạng mục của tổng thể khu di tích.
Từ năm 1990 đến năm 2010, bình quân mỗi năm có từ 35.000 đến 40.000 lượt người đến viếng tưởng niệm công đức của Người. Nhân các ngày lễ hội đều tổ chức nhiề u hình thức hoạt động văn hóa - thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân địa phương và các xã lân cận tỉnh bạn. Đây trở thành một công trình tưởng niệm Bác; đồng thời là trung tâm văn hóa - thể thao của nhân dân trong vùng.
Với ý nghĩa đó, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 02.QĐ/BT, ngày 07-01-2000 công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét